Công lý ở nước Mỹ

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

21-4-2021

Hôm nay bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên đã kết luận bị cáo Derek Chauvin (45 tuổi) phạm tất cả các tội danh đã bị cáo buộc trước đó bao gồm giết người cấp độ 2, giết người cấp độ 3 và ngộ sát. Chauvin có 60 ngày để thông báo với tòa án nếu có ý định kháng cáo.

Trước đó, chính quyền thành phố Minneapolis giữa tháng 3 đã đồng ý bồi thường 27 triệu USD để dàn xếp vụ án dân sự với gia đình ông Floyd.

Derek Chauvin chính là cựu cảnh sát thành phố Minneapolis tại tiểu bang Minnesota có liên quan đến vụ bắt giữ và ghì chân lên cổ khiến George Floyd tử vong.

Bên ngoài phòng xử án, hàng trăm người theo dõi phiên tòa reo mừng sau khi nghe phán quyết từ bồi thẩm đoàn. Tại quảng trường George Floyd (hiện trường vụ việc xảy ra) ở thành phố Minneapolis, người dân reo hò ăn mừng chiến thắng của công lý.

Công lý cho người Mỹ da đen là công lý cho tất cả nước Mỹ. Vụ án là một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ về trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp và gửi một thông điệp rõ ràng mà chúng tôi hy vọng sẽ được lắng nghe ở mọi tiểu bang và mọi thành phố” – Luật sư đại diện của gia đình George Floyd, ông Benjamin Crump phát biểu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi phán quyết của tòa án hôm nay là “một bước tiến khổng lồ” cho công lý tại Mỹ. Chiến thắng này thuộc về những ai mong muốn nhìn thấy công lý được thực thi, công bằng bình đẳng cho mọi công dân, mọi sắc tộc, mọi màu da.

Cũng trong hôm nay một phán quyết khác từ Thẩm phán David O. Carter (Tòa án Los Angeles) yêu cầu quận phải có kế hoạch trợ giúp người vô gia cư. Đây không chỉ là đòi hỏi nhân đạo mà là một bước cần thiết tiến đến mở rộng các chính sách phúc lợi xã hội.

Nước Mỹ hôm nay với những chỉ dấu như: Kết án cảnh sát viên tội giết người (Chauvin) rồi đến phán quyết bảo đảm quyền lợi cho những người vô gia cư là những chỉ dấu cho thấy xã hội đang thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ sau 4 năm lệch hướng. Theo quy luật tự nhiên, sau khủng hoảng trượt dốc sẽ có lực cộng hưởng để đẩy mọi thứ đi lên.

Một xã hội có đầy đủ công cụ pháp lý và quyền tự do như Hoa Kỳ thì những chuyển biến này không có gì lạ nhưng nó cho thấy phải là một thể chế dân chủ và văn minh với công dân có đủ nhận thức về quyền và nghĩa vụ như đa số người Mỹ thì mới đảm bảo được.

Đây chính là tinh thần Mỹ và giá trị Mỹ. Muốn xã hội thay đổi thì công dân phải là thành tố thay đổi trước, và từ đó là thành tố góp phần, góp tay, góp tiếng để đòi hỏi, tranh đấu cho mọi đổi thay. Ý thức công dân, mãnh lực tranh đấu sẽ tạo ra sự thay đổi mà những người đến sau sẽ thừa hưởng.

Rõ ràng là sự thay đổi không thể đến trong một sớm một chiều, hay sau một đêm ngủ dậy mà nó là một cuộc chiến dài hơi, và phải có những bước căn bản, có những con người luôn tin tưởng vào thay đổi… Xã hội thay đổi nhờ vào những con người dám đổi thay và đam mê tranh đấu.

Đó là nước Mỹ.

***

Một câu chuyện khác mà tôi trải qua, nhưng nó lại là chuyện ở Việt Nam.

Cách đây vài năm, một phiên tòa khác đã diễn ra.

Sau gần 6 tháng chờ đợi và 2 lần tạm hoãn thì phiên tòa phúc thẩm vụ án Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết nạn nhân Trịnh Xuân Tùng đã kết thúc vào lúc 12h ngày 17 tháng 7 năm 2012, với tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm với mức án 4 năm tù dành cho bị cáo Ninh và không truy cứu trách nhiệm của những người công an và dân phòng phường Thịnh Liệt có liên quan đến vụ án.

Trịnh Kim Tiến trở thành nhà hoạt động trẻ năng nổ.

Một nạn nhân khác bị công an bức cung dùng nhục hình đến chết là Ngô Thanh Kiều. https://tuoitre.vn/vu-5-cong-an-dung-nhuc-hinh-sao-toa-xu-nhe-heu-the-nay-601360.htm

Chúng tôi ngày ấy khởi xướng phong trào Stop Police Killing Civilians, rồi tôi, Trịnh Kim Tiến, Paulo Thành Nguyễn trở thành những kẻ “xúi giục, kích động” gia đình nạn nhân. Công an giăng bẫy đánh đập chúng tôi ngoài đường rồi lôi lên xe khi chúng tôi dự kiến tổ chức buổi Café Nhân Quyền để gia đình nạn nhân lên tiếng chia sẻ hành trình đi tìm công lý. Rồi chiến dịch Stop Police Killing Civilians trở thành một phần trong bản cáo trạng khiến tôi nhận bản án 10 năm tù.

Có lẽ sẽ chưa có gì thay đổi ở Việt Nam sau khi tôi bị tống xuất, công lý cho những nạn nhân bị bức cung nhục hình vẫn chưa được thực thi. Nhưng chắc chắn rằng, ngày nào vẫn còn những người mong muốn nhìn thấy quê hương thay đổi, đất nước chuyển mình, công dân Việt Nam được sống trong bầu không khí tự do dân chủ, thì sự đổi thay sẽ đến.

Chỉ cần bạn có ước mơ, có khát khao dám thay đổi thì mọi thứ sẽ đến.

Ảnh một ngày chiến đấu cho công lý ở Hà Nội.

Thương gửi đến những người đã và đang chiến đấu vì công lý những lời chúc bình an.

Bình Luận từ Facebook