Bản tin ngày 21-4-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Sáng 20/4, tàu CSB VN số hiệu 8002 đã có mặt tại khu vực cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks), nơi các tàu “dân quân biển” TQ thường đến quấy phá. Tàu CSB 8002 rời Cảng Núi Thành vào khoảng 10h30’ sáng 12/4 và di chuyển với tốc độ 12-14 knots về phía quần đảo Trường Sa. Sáng 17/4, tàu 8002 đã đến vùng biển thuộc cụm Nam Yết, dừng lại đó một thời gian rồi tiếp tục di chuyển đến vùng biển thuộc Cụm Sinh Tồn.

Vị trí của tàu CSB VN 8002 tại cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks) vào thời điểm 10h13’ sáng 20/4/2021. Ảnh: FB Phạm Thắng Nam

Diễn biến mới của vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông: Philippines điều tàu, máy bay đến gần các tàu TQ, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Báo Inquirer dẫn nguồn từ Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về biển Tây Philippines, cho biết, Philippines đang điều một lượng lớn khí tài hải quân và không quân đến tỉnh Palawan, gần khu vực các tàu dân quân biển TQ hiện diện ở Biển Đông.

Philippines triển khai nhiều tàu hộ tống đến khu vực có tàu dân binh TQ, gồm: Tàu BRP Miguel Malvar (PS-19), BRP Magat Salamat (PS-20), BRP Emilio Jacinto (PS-35), BRP Apolinario Mabini (PS-36), BRP Dagupan City (LS-551), BRP Ramon Alcaraz (PS-16), BRP Tarlac (LD-601). Philippines cũng triển khai 5 máy bay quân sự đến khu vực có sự hiện diện của các tàu TQ.

Hội thảo Webinar: Trung Quốc xâm nhập đá Ba Đầu: chiến lược và truyền thông của các bên, do Trung tâm nghiên cứu Việt – Mỹ, Đại học Oregon tổ chức vào thứ Bảy, ngày 24/4/2021, lúc 9h30 sáng (Giờ Việt Nam), tức 7h30 tối thứ Sáu, ngày 23/4/2021, giờ bờ Tây nước Mỹ.

***

RFA đưa tin về Biển Đông: Bốn chiến hạm của Úc và Pháp tập trận chung. Tàu chiến HMAS Anzac và tàu tiếp liệu dầu HMAS Sirius của Hải quân Hoàng gia Úc đã có cuộc tập trận chung ở Biển Đông, cùng với tàu sân bay trực thăng FS Tonnerre và khinh hạm lớp La Fayette, mang tên Surcouf (F711). Tàu sân bay trực thăng LHD Tonnerre còn có khả năng thực hiện đổ bộ binh lính và thiết giáp.

Bộ Quốc phòng Úc cho biết, các chiến hạm của Úc và Pháp đã “làm việc và huấn luyện cùng nhau trong vài tuần trên khắp Đông Nam Á và Đông Bắc Ấn Độ Dương”. Hoạt động tập trận chung là một phần trong chương trình cam kết quốc tế lâu dài và mạnh mẽ của Quân đội Úc, thể hiện cam kết của Úc với các đối tác trong khu vực. 

Tàu sân bay trực thăng FS Tonnerre (phải) và khinh hạm Surcouf (trái) của Pháp cùng được tàu tiếp liệu HMAS Sirius của Hải quân Hoàng gia Úc tiếp dầu trên Biển Đông. Ảnh: Royal Australian Navy/RFA

Zing dẫn lời nghiên cứu viên Yoshikazu Kato, thuộc Viện nghiên cứu kinh tế chứng khoán Rakuten: ‘Mọi thứ ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Nhật đều liên quan Trung Quốc’. Theo đó, Nhật Bản hiện là đồng minh chính của Mỹ trong kế hoạch kiềm chế các hành động bá quyền của TQ. Trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Nhật, giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chọn Nhật Bản là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của họ. 

Về tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Mỹ – Nhật, đề cập đến vấn đề Đài Loan, nhà nghiên cứu Jeffrey Hornung của Rand Corp, bình luận, sự kiện 2 nước thảo luận công khai về vấn đề Đài Loan là một “bước tiến đáng kể”. Trước đó, Nhật Bản thường tránh nêu vấn đề này, ngay cả khi Washington luôn coi Tokyo là một bên liên quan.

Báo Giao Thông có bài: Nhật, Philippines lo ngại Trung Quốc nỗ lực thay đổi hiện trạng Biển Đông. Theo tin từ đài NHK, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu và người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin đã có cuộc điện đàm khoảng 25 phút hôm qua 20/4. Hai Ngoại trưởng đã thảo luận về những lo ngại xoay quanh nỗ lực đơn phương của TQ nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Zing dẫn lời Ngoại trưởng New Zealand: Trung Quốc ngày càng hung hăng và bạo gan. Trả lời Đài phát thanh New Zealand RadioNZ hôm qua 20/4, nữ Ngoại trưởng Nanaia Mahuta nói: “Trung Quốc đang dựa vào các hành động trừng phạt và một số cách thức khác để khẳng định mình trong khu vực. Chúng tôi quan ngại về điều đó”. Bà Mahuta lưu ý, trong các năm gần đây, TQ ngày càng “hung hăng, cả quyết và bạo gan”, trở thành thách thức với khu vực.

Báo Người Việt đưa tin: Tàu ngầm Indonesia với thủy thủ đoàn 53 người mất tích ngoài khơi Bali. Hãng thông tấn Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Hải quân Indonesia cho biết, chiếc tàu ngầm mang số hiệu KRI Nanggala-402 mất tích khi đang diễn tập phóng ngư lôi, ở phía Bắc đảo Bali. “Chỉ dấu bất thường về chiếc tàu ngầm được nhận ra khi không thấy có báo cáo về kết quả phóng ngư lôi”. Chính phủ Indonesia kêu gọi phía Úc và Singapore hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm mất tích. 

Mời đọc thêm: EU xoay trục về Ấn Độ – Thái Bình Dương (NLĐ). – Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương: EU đổi hẳn cách nhìn với Bắc KinhChiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Liên Âu đặt Trung Quốc trong tầm nhắm (RFI). – Mỹ và kế hoạch xoay trục từ Trung Đông sang châu Á: Tiến lui đều khó (VNN). – Nhận diện điểm đặc biệt của 4 tiêm kích F-16 Mỹ vừa phái đến Biển Đông (TP).

Báo Học giả Ngoại giao: Quân đội Trung Quốc đang che giấu một lỗ hổng lớn (GT). – Khi Tổng thống Philippines Duterte bỗng dưng ‘đổi giọng’ với Trung Quốc (TN). – Tàu hộ vệ Nhật thăm cảng Hải Phòng (VOA). – Nỗi buồn nghề biển miền Trung (SGGP). – Australia hủy thỏa thuận Vành đai con đường mà bang Victoria ký với Trung Quốc (VOV). – Tàu ngầm Indonesia mất liên lạc, 53 thủy thủ mất tích (Zing).

Tin đại án

Sau 2 lần bị hoãn, phiên tòa xử vụ sai phạm “đất vàng” ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP HCM sắp được mở lại: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại chuẩn bị hầu tòa, VOV đưa tin. Ông Vũ Huy Hoàng được xác định là bị cáo chính trong vụ án chuyển nhượng trái phép mảnh “đất vàng” 3 mặt tiền, diện tích 6.080m2 ở trung tâm thành Hồ, trong thương vụ thoái vốn  ở Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), gây thiệt hại 2.713 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

Cận cảnh khu “đất vàng” bị bán rẻ cho tư nhân, khiến cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng hầu tòa. Ảnh: Quang Định/VOV

Phiên tòa này đã bị hoãn hai lần vào ngày 7/1 và 18/1, do vắng mặt một số bị cáo và các nhân vật liên quan. Theo báo “lề phải”, lần hoãn thứ 2 xảy ra do sự vắng mặt của ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch UBND thành Hồ, dù ông Tín là “củi” đã vào “lò”, đang thụ án tù nên có thể triệu tập lúc nào cũng được. 

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về phiên tòa xét xử ông Vũ Huy Hoàng: Bà Hồ Thị Kim Thoa có vai trò gì? Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, trong quá trình điều tra, ông Hoàng thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng cho rằng trách nhiệm chính dẫn đến sai phạm thuộc về cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Bà Thoa đã ký vào các văn bản để Sabeco thực hiện dự án bất động sản tại mảnh đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Trước đó, vào ngày 13/7/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã bà Thoa, sau khi tiến hành khởi tố và phát hiện bà Thoa đã không còn ở VN. Có tin cho biết, thời điểm khởi tố vụ án liên quan đến ông Hoàng, bà Thoa đi du lịch bên Pháp, “tiện thể” trốn ở đó khi biết mình bị truy nã. Đến nay, cả báo “lề phải” và “không lề” đều không có thông tin hiện  bà Thoa đang ở đâu. 

HĐXX sẽ triệu tập cựu Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải đến phiên xử ông Vũ Huy Hoàng, Zing đưa tin. Giống như 2 lần xét xử bị hoãn trước đó, HĐXX sẽ triệu tập cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải, cùng với đại diện UBND TP HCM và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). 

Về mối liên quan giữa ông Hải với vụ sai phạm của ông Hoàng và Tín, tin cho biết, ngày 24/10/2012, ông Nguyễn Nam Hải, lúc đó còn làm Thứ trưởng Bộ Công thương, đã ký công văn số 10194 gửi UBND TP HCM, đề nghị chính quyền gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất cho Sabeco. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco nhanh chóng tìm nhà đầu tư mới, có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm, để triển khai dự án.

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từng có những biểu hiện vụ lợi, vi phạm như thế nào? Ban Bí thư BCH TƯ xác định, ông Vũ Huy Hoàng có biểu hiện thiếu gương mẫu, vụ lợi khi tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá VN, rồi lại điều động ông Hải tham gia HĐQT Sabeco để bầu làm thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc của doanh nghiệp này.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng điều động con trai là Vũ Quang Hải vào ban lãnh đạo Sabeco. Ảnh: DV

BBC đặt câu hỏi: Bị can Vũ ‘nhôm’ hối lộ 5 tỷ hay tặng nấm linh chi? Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố bị can Phan Văn Anh Vũ tội “Đưa hối lộ”, khoản tiền được cho là tới 5 tỉ. Nhưng Vũ “nhôm” cho rằng, ông ta bị điều tra viên ép cung, mớm cung: “Bị phạm nhân đánh đập, không cho ăn, không cho ngủ, ép nghe theo điều tra viên”. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ Vũ “nhôm”, đã làm đơn gửi chính quyền, tố cáo việc chồng mình bị tra tấn trong tù.

Mời đọc thêm: Ngày mai (22.4) mở lại phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (LĐ). – Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Tiếp tục triệu tập nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải và 18 người, tổ chức liên quan (Tin Tức). – Xét xử nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Triệu tập nguyên thứ trưởng Nguyễn Nam Hải (NLĐ). – Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ‘sức khỏe yếu’ trước phiên tòa (VNE).

Vụ xét xử “ông trùm” xăng giả Trịnh Sướng: Trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung (SGGP). – Ngày 5/5, xét xử vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Nhật Cường (LĐTĐ). – Phan Văn Anh Vũ bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ” (TTXVN). 

Tin nhân quyền

Bài thứ 2 trong loạt bài của RFA về phận người sắc tộc Tây Nguyên (Phần 2): Chính sách hoa mỹ và thực trạng tối tăm. Bộ máy tuyên truyền của chế độ cho rằng, chương trình phổ cập giáo dục hỗ trợ người dân Tây Nguyên vẫn đang diễn ra, nhưng lời kể của dân địa phương cho thấy điều ngược lại:

“Cô dẫn đi học được cỡ nửa tháng, cô giáo bắt phải nộp hộ khẩu, giấy khai sinh. Nhưng mà giấy khai sinh không đúng họ. Cô đến chỗ tư pháp để sửa, họ không chấp nhận làm. Bây giờ đi kiếm giấy kết hôn không tìm được, bố mẹ cũng không liên lạc được. Bây giờ con đã lớn rồi, đòi đi học. Năn nỉ tư pháp, tư pháp không chịu làm”.

Một người dân khác kể: “Nhà nước bảo là dân tộc được ưu tiên số một, nên mẹ hai đứa bé làm đơn đi nộp với nhà trường. Lúc đó thì anh mới biết được nhà cầm quyền Việt Nam họ chia rẽ dân tộc Ê Đê với người Kinh. Nhà nước bảo là ưu tiên, nhưng mà lúc đi xin thì họ không ưu tiên. Rất là buồn – buồn không thể tả nổi”

Về vụ các nhà báo trong nhóm Báo Sạch bị bắt, nhà báo Đoàn Bảo Lâm có bài: “Báo sạch” – Bây giờ tan tác về đâu? Ông Lâm viết, “chắc các bạn cũng bế tắc trong nghề như mình mới rẽ sang lối khác. Nhưng cái ngày mà mình thấy các bạn tập hợp lại với nhau, khuyếch trương hình ảnh nhóm, tham gia vào những vụ đình đám, thì mình lo cho các bạn. Hình ảnh nhà báo mặc vest thật sự không hợp lắm đâu! Mình thích cảnh các bạn với quần jean bạc thếch ngồi vỉa hè uống cafe đá. Làm báo mà có thu nhập cao hiện nay là điều không thể. Nếu có thể thì nó chắc chắn nguy hiểm“.

Mời đọc thêm: Quốc hội VN: Nhiều cách để loại ứng cử viên độc lập (BBC). – Chính quyền xã tùy tiện phá đồi, khai thác đất, xâm phạm mồ mả (NV). – Tòa án Mỹ : Derek Chauvin phạm tội giết chết George Floyd (RFI). – Derek Chauvin bị 3 tội giết chết George Floyd, có thể ngồi tù 75 năm (NV). – Vụ George Floyd: Bồi thẩm đoàn kết tội Chauvin – ‘bước ngoặt’ của nước Mỹ? (BBC).

Tin giáo dục

Báo Người Đưa Tin phân tích đề xuất sáp nhập TTGDTX vào trường nghề: Lại một đề xuất “trên trời”! TS. Phạm Xuân Khánh ở trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nhận định: “Cùng một học sinh có 2 đơn vị đồng thời quản lý dẫn đến vừa tốn kém, phức tạp vừa dễ chồng chéo ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Lại có những ý kiến khác lo lắng về việc trường nghề không được can thiệp sâu vào việc dạy văn hóa nên khó kiểm soát được trung tâm GDNN-GDTX đi thuê giáo viên thỉnh giảng (vì cùng lúc mỗi trung tâm GDNN-GDTX hợp tác với nhiều trường nghề), dẫn đến chất lượng dạy văn hóa không bảo đảm, ảnh hưởng đến học sinh”.

VietNamNet đưa tin: Nữ hiệu trưởng từng kiện giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ bị mất chức. Sáng nay, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã có quyết định giáng chức bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, xuống làm GV với lý do “không đạt số phiếu tín nhiệm”. Bà Thảo từng khởi kiện Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ ra tòa, liên quan đến vụ bà phát tán “ảnh nóng” của cấp dưới.

Bà Thảo nói: “Lấy lý do không đạt phiếu tín nhiệm để phân công tôi xuống làm giáo viên là không thuyết phục. Vì, trong thời gian tôi kiện Giám đốc Sở GD-ĐT ra toà nhưng họ lấy phiếu tín nhiệm là ‘không đúng’. Về công tác nhân sự thì tôi không bàn tới, tuy nhiên việc tôi đang làm hiệu trưởng nhưng xuống làm giáo viên ngay tại trường đó thì không phù hợp”.

Thông Tấn Xã VN đưa tin vụ việc ở Đà Nẵng: Kỷ luật Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu. BCH đảng bộ quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu Lữ Thị Kim Hoa bằng hình thức khiển trách. Lý do: Bà Hoa đã để xảy ra thất thoát trong vụ mua sắm sách thư viện tại trường THCS Nguyễn Chơn, tạo ra dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và ngành giáo dục.

Mời đọc thêm: Không bổ nhiệm lại hiệu trưởng từng kiện giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ (Zing). – Hiệu trưởng từng phát tán ảnh nóng bị miễn nhiệm (ĐV). – Thầy giáo lén lút giao cấu với nữ sinh lớp 9: Hiệu trưởng bị giáng chức (VTC). – Bất thường trong việc bầu hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM? (NLĐ). – Thanh tra, kiểm tra chuyên môn cuối năm học như thế nào mà giáo viên ngao ngán? (GDVN). – Công an vào cuộc vụ lộ đề kiểm tra môn Toán ở Đà Nẵng (Zing). – Vụ học sinh ở Hà Nội bị ngộ độc: Nhà trường thừa nhận thiếu sót (LĐ). 

***

Thêm một số tin: Ông Hồ Quang Cua nói về việc gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký (LĐ). – Lũ bùn đỏ từ dự án đổ xuống gây ngập đường sá, nhà cửa ở Mũi Né (NV). – Lần đầu tiên Anh thuê máy bay trục xuất người Việt về nước (VOA). – Covid-19: Thử nghiệm giai đoạn 3 bộc lộ hiệu quả kém của vac-xin Trung QuốcChủ tịch Trung Quốc dự thượng đỉnh khí hậu do tổng thống Mỹ tổ chứcTương lai nào cho Cuba sau 62 năm dưới chế độ Castro? (RFI).

Bình Luận từ Facebook