Thấy gì qua sự kiện chính quyền Biden cùng với Philippines đối đầu với Trung Quốc ở đá Ba Đầu?

Khoa Lê

19-4-2021

Tháng 3 vừa qua Trung Quốc đưa hơn 200 tàu “đánh cá” nguỵ trang dàn ra khắp các đảo tranh chấp trên biển Đông. Ngay sau đó Mỹ và Philippines đáp trả với việc đưa hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và chiến hạm thuỷ bộ Makin Island phối hợp với 4 chiến hạm của Philippines tới rặng san hô đá Ba Đầu (Whitsun Reef). Khả năng sử dụng vũ lực đáp trả nếu tàu Trung Quốc tấn công, đã được đặt ra.

Thế nhưng phía Trung Quốc lựa chọn nhổ neo rút lui – ít nhất là vào lúc này – thay vì tiếp tục đấu cứng với Mỹ và Philippines. Cá nhân tôi cho rằng có vài kết luận có thể rút ra từ sự kiện này:

1. Trung Quốc đã không ngờ rằng Biden thậm chí còn cứng rắn hơn cả Trump trong chính sách đối đầu Trung Quốc trên các mặt trận. Việc đưa tàu nguỵ trang ra biển Đông là một động thái thăm dò và là một phép thử dành cho chính quyền Biden – và Biden đã đáp trả một cách quyết đoán, đẩy Trung Quốc vào thế yếu và khiến những chỉ trích rằng Biden nhu nhược trước Trung Quốc trở nên nực cười.

Tham khảo ý kiến của cựu cố vấn an ninh quốc gia thời Trump, H. R. McMaster: Why Trump went hard on China, and Biden will follow.

2. Philippines đánh hơi được sự thay đổi của Mỹ và xoay chuyển chính sách ngoại giao trở lại vị trí truyền thống. Duterte không phải là một kẻ ngu ngốc hay võ biền như ông ta thể hiện bên ngoài, đồng thời ông ta cũng đang chịu áp lực từ phía đối lập trong nước, đòi hỏi phải có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Sự thay đổi này của Manila khác hẳn với chính sách làm thân với Bắc Kinh dưới thời Trump.

Đọc thêm bài phân tích của Foreign Policy: Philippines Leaning Toward Allowing U.S. Troops After All.

Ngoài ra, điều này cũng cho thấy những nỗ lực của đội ngũ ngoại giao của Biden trong việc tái lập quan hệ với các đồng minh cũng đã phát huy hiệu quả; trong đó cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đóng một vai trò gián tiếp trong việc gia tăng sức ép lên Duterte. Bài trên báo Al Jazeera: Duterte urged to confront Chinese ‘bullying’ in South China Sea.

3. Chiến thuật đối phó Trung Quốc của Biden đi ngược hoàn toàn với Trump và theo đúng với hướng đi mà nhiều người cho rằng Mỹ nên áp dụng: hợp tung và vây công Trung Quốc trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực bằng một liên minh đa quốc gia.

Kết hợp với các động thái của chính quyền Biden ở Trung Đông và thái độ với Nga, điều này càng củng cố cho lập luận rằng, chính quyền Biden đang trở lại chính sách “xoay trục” từ Trung Đông sang châu Á, chuyển từ đối phó các thế lực phi nhà nước (nonstate actors) sang đối phó các quốc gia ngang tầm (near peers). Khả năng xảy ra một xung đột kiểu Chiến tranh Lạnh là không nhỏ.

Tham khảo bài trên CNN: Biden’s risky decision to end America’s longest war gives him a chance to refocus US foreign policy.

Một trong những mắt xích quyết định thành bại trong chính sách ngoại giao của Biden là Iran. Iran và Mỹ hiện đang tái đàm phán Thoả thuận Nguyên tử tại Vienna, Áo với sự điều phối của EU. Nếu chính quyền Biden không thể thương nghị thành công Thoả thuận Nguyên tử, và phe trung dung của chính giới Iran thua cử trước phe cực đoan vào cuối năm nay, chính sách ngoại giao của Biden có nguy cơ lớn sẽ đổ bể.

Bài phân tích của Reuters: Middle East: Iran, China say signs of progress at nuclear talks.

Năm thách thức lớn nhất của Biden trong vấn đề ngoại giao trên trang The Hill: The Memo: Biden’s five biggest foreign policy challenges.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cái dở của Trump là tự cô lập, muốn có sức mạnh thì phải có đồng minh, Châu Âu là đồng minh lâu đời và cùng chung ý thức hệ. Việc các nước trong khối NATO phải tăng quân sự phí là điều đúng đắn khi ông Trump đòi hỏi nhưng không nên tự cô lập, ngược lại ta thấy Nga, TC, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư lập tức kết thân tạo nên trục ác quỷ chống lại Hoa Kỳ. Nên cùng với thế giới tự do yểm trợ quân sự cho Đài Loan vì theo tình hình này thì Tập Cận Bình sẽ tốc chiến xâm lược quốc đảo, đừng để TC bắt thế giới đứng trước sự đã rồi, nếu TC không tự chủ tấn công một trong những tàu chiến của khối tự do thì mới có cớ để đập nó. Nếu chiến sự xảy ra thì TC coi như ra bã vì sẽ bị cả thế giới tẩy chay. Máu me, hiếu chiến và kiêu binh như băng đảng ở Bắc Kinh hiện nay thì xem ra thảm họa cho những sắc dân ở Đại Lục là không nhỏ.

  2. Bài viết của tác giả Khoa Le phân tích , nhận định tình hình rất hay . Xin cảm ơn !

Comments are closed.