Chuyện tân bộ trưởng Bộ Công thương và ông chủ hãng bia Đại Việt

Phạm Vũ Hiệp

12-4-2021

Sau đại hội XIII, khi việc phân ghế, chia chác quyền lực trong đảng CSVN ngã ngũ. Ngày 6/3/2021, trang Tiếng Dân có bài “Về danh sách dự kiến nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước của đảng CSVN“, của Trần Kỳ Khôi.

Tác giả đã đưa ra danh sách đầy đủ về các lãnh đạo cấp cao sớm nhất, kèm theo chức vụ sẽ nắm giữ trong bộ máy Chính phủ, Quốc hội và các ban của Đảng. Chiếu theo bảng danh sách này, vị trí Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ thuộc về Nguyễn Hoàng Anh. Nhưng, tiếc cho Nguyễn Hoàng Anh…

Nguyễn Hoàng Anh sinh năm 1963, tại xã Trường Thọ, huyện An Lão, TP. Hải Phòng. Hoàng Anh là Ủy viên Trung ương khoá XII và XIII, đại biểu QH khoá 11, 13, 14. Ông Anh có bằng thạc sĩ kinh tế, chuyên ngành kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế và bằng cử nhân lý luận chính trị.

Ông Hoàng Anh từng kinh qua các chức vụ: Tổng giám đốc Công ty Thương mại và xuất nhập khẩu Hải Phòng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng khóa XI; Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế QH, Chủ tịch UBND, Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng.

Ngày 26/12/2017, khi trao quyết định điều động về mặt Đảng, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đánh giá, Nguyễn Hoàng Anh là cán bộ có năng lực, đã được chứng minh qua thực tiễn công tác.

Ngày 12/2/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định số 189/QĐ-TTg, bổ nhiệm Nguyễn Hoàng Anh giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông Phúc cho rằng, “tham nhũng trong khu vực Nhà nước còn nặng nề, tình trạng “sân sau” còn lớn, tình trạng gia đình, bà con thân quen, dòng tộc trong DNNN vẫn có…” và ông rất kỳ vọng vào Nguyễn Hoàng Anh.

TT Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định cho Nguyễn Hoàng Anh. Nguồn: TTXVN

Khối doanh nghiệp này hiện có tổng giá trị vốn và tài sản đạt khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, tức gần 235 tỷ đô la Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Nguyễn Hoàng Anh, người đứng đầu “siêu” Ủy ban này phải vừa có chuyên môn về kinh tế nhưng cũng là một người biết làm chính trị.

Thế nhưng trong danh sách mà tân Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội bầu hai phó thủ tướng mới và 12 bộ trưởng hôm 8/4/2021 lại không có tên Nguyễn Hoàng Anh, mà người được trình và bầu chọn vào ghế Bộ trưởng Bộ Công thương là Nguyễn Hồng Diên, với 417 phiếu thuận, 59 phiếu chống. Bát cơm nóng hổi, thơm phức mà Nguyễn Hoàng Anh chưa kịp đưa vào miệng, đã bị Nguyễn Hồng Diên cướp mất.

Nguyễn Hồng Diên là ai?

Nguyễn Hồng Diên sinh năm 1965, quê ở Hưng Hà, Thái Bình. Xuất thân từ cán bộ Đoàn, học trường Tuyên giáo, trước khi giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Diên từng giữ chức bí thư Tỉnh đoàn, chánh Văn phòng Tỉnh ủy, bí thư Huyện ủy Vũ Thư, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình.

Với 13 năm là Uỷ viên Ban thường vụ, hơn 5 năm làm Chủ tịch, Bí thư Thái Bình, Nguyễn Hồng Diên cũng để lại không ít về tai tiếng liên quan đến đất đai và công tác cán bộ… chúng tôi sẽ quay trở lại vấn đề này vào dịp khác.

Tháng 4/2020, vợ chồng Nguyễn Xuân Đường, tức Đường Nhuệ bị khởi tố, bắt giam, gây xôn xao dư luận địa phương bởi trước đó gia đình “đại gia” này nhiều lần bị tố cáo về hành vi cho vay nặng lãi, bảo kê, hành hung, đe dọa giết người, xiết nợ, hoạt động xã hội đen, dùng thủ đoạn đe dọa để mọi cuộc đấu thầu đất trong tỉnh cứ “dự đấu là thắng” trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Dân chúng đặt câu hỏi về trách nhiệm của ông Diên đối với vụ án Đường Nhuệ, khi ông ta nắm chức Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, là người ở vị trí cao nhất cả chính quyền và Đảng trong nhiều năm qua ở Thái Bình.

Thế nhưng, điều gây bất ngờ cho nhiều người là, sáng ngày 7/5/2020, Bộ Chính trị có quyết định điều động Nguyễn Hồng Diên rời Thái Bình, về làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng!

Chiều ngày 8/5/2020, ông Diên tổ chức tiệc chiêu đãi chia tay, mời hầu hết quan chức tỉnh Thái Bình đến khách sạn Kim Cương. Trong buổi tiêc đó có một người bạn rất thân của ông Diên, đó là Nguyễn Văn Điều, sinh năm 1967, là Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban nội chính Tỉnh uỷ.

Tan tiệc ra về, ông Điều say rượu lái xe Toyota BKS 29A-995.83 gây tai nạn, tông chết một người và làm bị thương hai người khác.

Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Văn Điều bên ô tô gây tai nạn. Nguồn: Báo NLĐ

Sau đó, Nguyễn Văn Điều bị khởi tố, cách tất cả chức vụ, bị đồng chí bỏ rơi, tuyệt vọng nên ông Điều đã tự tử và qua đời. Bạn bè chết mặc kệ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên chỉ lo hoạn lộ và tự cứu bản thân mình.

Ngày 27/5/2020, ông Diên đăng đàn “nịnh thối” ông Nguyễn Phú Trọng trên báo quốc doanh VietNamNet qua bài: “Trường hợp đặc biệt về tuổi như Tổng bí thư là hạnh phúc của Đảng, dân tộc”.

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Hồng Diên, “một số cán bộ trong khoá 12 được xem là trường hợp đặc biệt, trong đó có Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đều thể hiện rất xuất sắc trong công việc”.

Chân dung Nguyễn Hồng Diên và bài báo “nịnh thối”. Ảnh chụp màn hình bài báo VietNamNet

Sau khi tâng bốc, nịnh thối người đứng đầu đảng là ông Nguyễn Phú Trọng và một số nhân vật hàng đầu của đảng, hôm 8/4/2021 Nguyễn Hồng Diên được ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công thương, qua trò mèo bỏ phiếu, bầu bán.

***

Ông bố vợ gian hùng…

Ông Trần Văn Sen, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ tập đoàn Hương Sen đa ngành, nổi tiếng với nhãn hiệu bia Đại Việt là đại gia, ông trùm “vua biết mặt, chúa biết tên”.

Ông Sen còn thu tóm nhiều danh hiệu: Chủ tịch họ Trần Việt Nam, Anh hùng Lao động, Nghệ nhân, Chủ tịch Hội UNESCO Bảo tồn Văn hoá dân tộc Việt Nam.

Ông Trần Văn Sen có 6 người con, 3 gái 3 trai, tất cả đều nắm quyền quản lý ở tập đoàn Hương Sen. Cô chị tên là Trần Thị Hoài, giám đốc công ty con Bao bì Hương Sen, là vợ của đại biểu QH khoá 13 Đỗ Văn Vẻ. Cô em Trần Thị Chi, giám đốc Tài chính tập đoàn Hương Sen, là vợ Nguyễn Hồng Diên.

Đa mưu, túc kế ở thương trường đã đành, ông Sen còn làm những việc “kinh thiên động địa”.

Kinh doanh tâm linh hiện đang là một nghề “hot” hái ra tiền. Vì thế, không ít các vị đại gia quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực này.

Nắm bắt được thị hiếu cầu khấn tâm linh của người dân và số đông quan chức, ông Trần Văn Sen được sự hỗ trợ, tiếp tay của con rể, là Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã cho xây dựng một ngôi đền thờ khủng (gọi là đền Nhà Ông) cao 41m, 3 tầng, với diện tích mặt bằng gần 800m2 trên tổng diện tích 50.000m2, được mua lại từ nửa cánh đồng, tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà.

Ông Sen tự ý biến nơi này thành “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”, tổ chức hầu đồng, phát ấn, thay đổi luôn ngày giỗ của Đức Thánh Trần. Ngạo mạn hơn, ông Sen còn tự ý đúc tượng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn có khuôn mặt giống y chang như mình để bán, cho, tặng…

Ông chủ hãng bia Đại Việt, Trần Văn Sen. Nguồn: Hương Sen
Tượng Đức Thánh Trần mang khuôn mặt ông Sen

Chưa hết, ông Sen còn tổ chức bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, câu kết với các sử gia của Đảng, đặt tên cho tại cuộc hội thảo khoa học “Đức Hoằng Nghị đại vương…” do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội KHLSVN tổ chức năm 2007 tại Hà Nội. Kinh phí tất nhiên do ông chủ hãng bia Đại Việt tài trợ.

Việc làm huyễn hoặc, phi lý của ông Sen, có sự tiếp tay của Đảng Cộng sản là khá rõ ràng. Suốt tám trăm năm nay, chưa có một sử liệu nào cho rằng thái sư Trần Thủ Độ có cha ruột là Trần Hoằng Nghị. Vậy mà, bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Sử học biên soạn (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật phát hành), trong tập 3, bịa ra nhân vật Trần Hoằng Nghị, là cha ruột của Trần Thủ Độ. Truyền hình Việt Nam VTV cũng phát phóng sự về “Đức Hoằng Nghị đại vương“.

Tiền của và quan hệ với lãnh đạo cấp cao của bố vợ đã giúp Nguyễn Hồng Diên leo lên những nấc thang quyền lực. Đến phiên Nguyễn Hồng Diên lại giúp ông anh “cọc chèo” Đỗ Văn Vẻ, sinh năm 1962, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen, vào đại biểu Quốc hội VN khóa 13 nhiệm kỳ 2011-2016, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Trong cuộc bầu cử QH khoá 14 và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Nguyễn Hồng Diên “cơ cấu” chính mình để trúng cử đại biểu QH.

Chưa hết, Trần Thị Bích (sau đổi tên thành Trần Thị Ngọc Bích) Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Long Hưng, là chị vợ của ông Diên, cũng được “cơ cấu” là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khoá 16.

Dư luận đồn đoán quả không sai. Ông Trần Văn Sen, với quan hệ rộng, thân tình với Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh Thái Bình như Nguyễn Hạnh Phúc, Trần Cẩm Tú… đã gây chấn động chính trường VN khi đưa được con rể Nguyễn Hồng Diên, một cán bộ được đào tạo tuyên giáo, học cử nhân sử và có tấm bằng “tại chức” kế toán, ngạo nghễ ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công thương “siêu bộ”, mà đệ tử ruột của Nguyễn Tấn Dũng là Vũ Huy Hoàng ngồi hai nhiệm kỳ và thái tử Trần Tuấn Anh đã ngồi suốt năm năm.

Ngày 8/12/2017, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi: “Tại sao người ta nói: Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ. Thân quen ‘cánh hẩu’ thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ… ?”

Chắc lúc này, sau khi chia chác, đặc quyền, đặc lợi dưới chiêu thức được gọi là “bầu cử kiện toàn” Quốc hội và bộ máy chính phủ vừa qua, có lẽ ông Trọng đã tìm được câu trả lời.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nguyện vọng làm thái thú của Nguyễn Phú Trọng là quan trọng số một nên những lãnh vực quan trọng phải sắp đặt cho lũ dốt nó đảm nhiệm, có như thế mới dễ dàng đưa Vn vào gọng kìm của TC. Đảng csvn là đảng thổ tả, bán nước và cáo già là đứa bị ngàn đời nguyền rủa.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây