12-4-2021
Việc ông Sơn lên làm Bộ trưởng giáo dục, rồi lại có lùm xùm về lý lịch nghiên cứu tại Harvard Yenching (tức Yên Kinh – Bắc Kinh), mình không cho là vấn đề quá ghê gớm. Cái chính là họ đã nhanh chóng sửa sai ở hầu hết các báo. Nhìn mặt mũi ông Sơn thì có vẻ sáng láng, có thể yên tâm đôi phần cho tương lai ngành giáo dục. Nhưng quan trọng nhất là ông ấy có/dám dùng Facebook. Trước đây hình như mới có thành viên CP là bà Tiến Bộ trưởng Y tế là có Facebook? Thế cũng là mạnh dạn ứng dụng công nghệ để lắng nghe dư luận.
Bộ trưởng giáo dục vẫn là cái ghế nóng nhất CP vì ảnh hưởng trực tiếp đến mọi gia đình và một phần cũng là bộ “lành” nhất. Lành là do dân được chửi thoải mái, chứ không như Bộ Công an, chửi quá đà là nhập kho.
Hồi ông Nhân mới làm Bộ trưởng giáo dục, mình cũng có cảm giác tin cậy, vì bằng cấp, tem nhãn của ông cũng ngon lành. Mình đánh giá cao vụ “3 không” của ông Nhân, đã gây thù chuốc oán với các địa phương, do lòi ra mặt thật của kết quả thi tốt nghiệp. Thế rồi ông Nhân cũng không có kết thúc vui vẻ ở Bộ giáo dục.
Làm Bộ trưởng Bộ giáo dục không phải đơn giản, trên đe dưới búa. Vấn đề chính là sợi xích của Tuyên giáo quàng vào cổ ngành giáo dục. Nhiều vấn đề của giáo dục là do nguyên nhân gốc rễ của thể chế và truyền thống giáo dục XHCN. Nếu không nới dần được sợi xích này ra để tự do hoá giáo dục thì ghế Bộ trưởng vẫn là nơi chôn vùi thanh danh của các Bộ trưởng mà thôi.
Hi vọng ông Sơn duy trì được FB đến hết nhiệm kỳ.
***
Nguyễn Đình Bổn: Soạn, in, bán sách giáo khoa tại VN, thiếu nhân bản!
Trước đây NXB Giáo dục độc quyền soạn, in và bán SGK có trợ giá nhà nước nhưng cả giá cả và chất lượng đều bị than phiền.
Sau đó dưới sức ép dư luận, nhà nước cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thêm một số NXB, tác giả, và các nhà xuất bản sẽ tổ chức in ấn, phát hành. Giám đốc Sở, hiệu trưởng các trường, hoặc giáo viên, phụ huynh, học sinh được quyền tự chọn cho mình một bộ sách thích hợp trong số những bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định nội dung. Đây là một sự tiến bộ nhưng kết quả lại bất ngờ cay đắng cho phụ huynh học sinh nghèo: giá SGK tăng vọt. Ví dụ giá sách giáo khoa lớp 2 và 6 tăng gấp 3 lần, trong khi đó chất lượng là một dấu hỏi!?
Tại phần lớn các nước trên thế giới, SGK là mặt hàng đặc biệt, không chịu tác động của thị trường bởi nhà nước trợ giá nên rất rẻ hoặc dùng ngân sách in và phát miễn phí cho học sinh. Trong khi đó tại VN hiện nay, các đầu nguồn cung cấp SGK trình bày ra đủ thứ các chi phí như quyền tác giả, in ấn, trung gian phát hành…, xem SGK như một loại sách thông thường, đẩy giá cao ngất để kiếm lời trên mồ hôi, nước mắt dân nghèo.
Nhà nước một mặt chủ trương “xã hội hóa” SGK, mặt khác thả nổi giá sách, nghĩa là bỏ hết mọi trách nhiệm về giá cho dân tự lo liệu. Mà các đầu nậu (tôi bắt buộc phải dùng từ này, kể cả NXB giáo dục) thì lòng tham vô đáy, lợi nhuận đặt cao hơn tất cả, sá chi cụm từ “giáo dục”.
Với đất nước 100 triệu dân, dù một bộ sách giáo khoa chỉ tăng vài trăm ngàn nhưng nhân lên cả hàng triệu bộ sách thì cái lợi nhuận đó là vô cùng lớn để có thể… giết nhau khi tranh giành thị phần.
Và cũng trong đất nước 100 triệu dân này, người có con đang đi học đa số vẫn là người nghèo, chạy ăn từng bữa.
Đó là phi nhân bản thưa ông tân bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ông có ý kiến gì không?
Bài viết gồm 2 vấn đề nghiêm trọng như một dạng ung thư, ung nhọt mãn tính trong cơ thể VN đe doạ tương lai dân tộc
Ông Dương Quốc Chính:
“Vấn đề chính là sợi xích của Tuyên giáo quàng vào cổ ngành giáo dục. Nhiều vấn đề của giáo dục là do nguyên nhân gốc rễ của thể chế và truyền thống giáo dục XHCN. Nếu không nới dần được sợi xích này ra để tự do hoá giáo dục thì ghế Bộ trưởng vẫn là nơi chôn vùi thanh danh của các Bộ trưởng mà thôi.”
* Rõ ràng nhà cầm quyền cs có chủ đích uỷ thác cho nền giáo dục như một phương tiện để đạt cứu cánh, là đào tạo thế hệ trẻ thành con người mà họ mong muốn.
Họ mong muốn gì?
Trước hết, họ là ai? Hỏi bằng thừa, họ là đảng, bộ CT đảng, toàn Trung ương đảng.
Nhưng trả lời thế là chưa đủ; những nhân vật cầm quyền này không hoàn toàn độc lập trong “sự nghiệp” cai trị của họ về mặt giáo dục. Họ không được hoàn toàn tự do đào tạo thế hệ trẻ của đất nước họ.
(Con em họ thì đi học ở các nước văn minh tiến bộ phương Tây rồi)
Họ còn phải thực hiện mục đích “trồng người” theo cái mà thi thoảng họ lộ ra, đó là vì đại cục cấp cao 2 nước đã thoả thuận- thứ họ đã ký kết với nước khổng lồ láng giềng, và phải thực hiện đúng cam kết.
Đại cục- những toan tính lớn dự định thực hiện- là gì, chỉ có họ biết rõ.
*Nhưng…người dân cũng mù mờ nghe biết chút đỉnh, qua những lần họ lăm le
– “cải tiến” tiếng Việt, nổi bật là vai diễn Bùi Hiền, và lai rai thêm vài người nữa, nhưng vừa ló mặt trên truyền thông liền bị la ó dữ dội thì tạm lánh mặt chờ thời.
-lập đặc khu kinh tế
-và hư chiêu đưa nhiều ngoại ngữ (có tiếng Trung), để học sinh “chọn” như môn học bắt buộc tại bậc phổ thông, kèm câu “sẽ chọn ngoại ngữ nào dễ có giáo viên dạy”.
Ai mà không biết ngoại ngữ nào nhà nước có thể huy động, được yểm trợ, để có ngay nhiều giáo viên nhất.
Vì đại cục, người ta coi thường hiện tượng thế hệ trẻ đánh đấm nhau, xé quần áo nhau, reo cười quay video những thác loạn vô giáo dục đó.
Vì nó, bọn trẻ trở thành công dân háo danh trọng tiền bạc khinh nhân nghĩa. Xã hội đã cho quá nhiều thí dụ, không thể kể ra đây hết được.
Tại sao họ bao dung, để cho xảy ra thế?
Bởi vì một thế hệ như thế sẽ không coi trọng việc bảo vệ dân tộc, đất nước.
Đối với những công dân sản phẩm của nền giáo dục như thế, Tổ quốc họ là bất cứ nơi nào thoả mãn được cho họ nhu cầu ăn, uống, trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi.
Nếu họ ngoan ngoãn ủng hộ nhà nước, họ sẽ được hưởng tiếp Nhu cầu an toàn (safety) – cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo.
Thế là đủ.
Ai có tiền nhiều sẽ mua đứt được, sử dụng được, điều khiển được thế hệ sản xuất từ trường học kiểu đó.
Sợi xích là thế đó, mà tác giả không nói ra nổi thôi.
Ông Nguyễn Đình Bổn:
“Tại phần lớn các nước trên thế giới, SGK là mặt hàng đặc biệt, không chịu tác động của thị trường bởi nhà nước trợ giá nên rất rẻ hoặc dùng ngân sách in và phát miễn phí cho học sinh. Trong khi đó tại VN hiện nay, các đầu nguồn cung cấp SGK trình bày ra đủ thứ các chi phí như quyền tác giả, in ấn, trung gian phát hành…, xem SGK như một loại sách thông thường, đẩy giá cao ngất để kiếm lời trên mồ hôi, nước mắt dân nghèo”
* Quả thật đây là thực tế dã man nhất hiện giờ.
Các Nhà nước trên “thế giới phi cs”, thậm chí cả TQ, đều coi trọng giáo dục, nâng đỡ giáo dục, xem gd là hoạt động thiết yếu và phi lợi nhuận để xây dựng nội lực tương lai- nghĩa là không ai tự ăn thịt mình, không ai bóc lột con cháu để chúng suy dinh dưỡng, lùn thân xác, lùn trí tuệ, rồi sẽ làm mất quốc thể, sẽ phản bội đất nước, vì quốc gia là mẹ ghẻ, vì chúng cảm thấy mình đầu thai lầm thế hệ!
Thì tại Việt Nam thế kỷ 21, giáo dục trở thành con bò sữa, cho túi tham cá nhân cán bộ giáo dục có quyền hạn, có thẩm quyền chức năng, và cho đóng góp ngân sách: dễ nhất, bền vững nhất, ngoan ngoãn nhất, vì chạy đường trời không thoát.
Phụ huynh, nói đúng hơn là hội phụ huynh, tay sai chính quyền giáo dục, trở thành người vận động thu gom. Đủ thứ tiền có thể tưởng tượng ra được.
Thương con – núm ruột, tương lai đời nó, không ai dám để con bị đe doạ, lo sợ; phải chạy cho ra, nhịn ăn nhịn tiêu, để đóng phí!
Đầu năm học là một nỗi kinh hoàng về phí, về sách giáo khoa, về những món không ai tưởng tượng nổi: quạt máy, máy lạnh, máy vi tính…phải đóng phí để mua trang bị. Đồ nghề của ngành lại bắt học sinh mua!
Riết rồi sách giáo khoa trở thành mõ vàng, đào hết lại thay đổi, cãi tiến, thay mới.
Học thêm là một loại mõ vàng khác. Muốn chúng học thêm, cứ dạy qua loa, cóc hiểu phải học thêm! Đơn giản.
Không phải tất cả.
Nhưng phổ biến, đa số các trường hợp, hoặc 1/2 là sâu làm thối nồi canh. Nhiều, nhiều năm nay rồi!
Nghẹn họng. Hết muốn nói.