BTV Tiếng Dân
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về sự kiện leo thang căng thẳng mới: Tàu tên lửa Trung Quốc rượt đuổi tàu chở phóng viên Philippines ở Biển Đông? PV Chiara Zambrano của đài ABS-CBN cho biết, hôm qua, khi đội của cô đi thuyền máy đến một số thực thể ở Biển Đông, trong đó có Bãi Cỏ Mây, để đưa tin về những hành động mới nhất của TQ ở khu vực, thuyền của họ đã bị tàu hải cảnh và tàu tên lửa Type 022 của TQ truy đuổi.
Cô Zambrano kể, khi nhóm của cô đến gần Bãi Cỏ Mây, một tàu hải cảnh TQ xuất hiện. Cô nói: “Nó di chuyển càng lúc càng gần và chúng tôi có thể thấy nó thông qua ống kính. Sau đó, nó (tàu hải cảnh) gửi liên lạc qua vô tuyến và bằng tiếng Anh, hỏi chúng tôi là ai và chúng tôi đang làm gì ở khu vực”. Nhóm của cô Zambrano đã quay về đảo Palawan của Philippines, nhưng vẫn bị một tàu hải cảnh và 2 tàu tên lửa Type 022 của TQ bám theo.
Trước đó, ngày 31/3, trong bài báo cập nhật tình hình khu vực Đá Ba Đầu, hãng tin AP cho biết, hơn 200 tàu có vũ trang của TQ đã không còn tụ tập ở khu vực Đá Ba Đầu mà tản ra khắp quần đảo Trường Sa, chỉ còn khoảng 44 tàu “dân quan biển” lưu lại ở khu vực Đá Ba Đầu. Nhưng Philippines cho biết, họ phát hiện có 4 tàu chiến TQ neo đậu ở khu vực Đá Vành Khăn, sau đó được xác định là các tàu tên lửa Type 022. Vụ truy đuổi vừa diễn ra cho thấy, không chỉ tàu “dân quân biển” mà cả tàu chiến TQ đang hoành hành ở khu vực này.
Phản ứng tiếp theo, Philippines điều tra vụ tàu Trung Quốc ‘rượt đuổi’ phóng viên, theo VTC. Bộ Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang Philippines cùng lúc ra 2 tuyên bố riêng, bày tỏ quan ngại về sự kiện 2 tàu tên lửa Trung Quốc đuổi theo tàu chở phóng viên Philippines trên Biển Đông. Philippines cho biết, họ đang điều tra để xác nhận vụ việc. Bộ Quốc phòng Philippines lưu ý, đây là sự cố đáng quan ngại nếu các công dân không vũ trang của họ đã bị tàu tên lửa TQ đuổi kịp.
Trong cuộc điện đàm hôm qua giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, Mỹ và Philippines quan ngại về số lượng tàu dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông, VOV đưa tin. Ngoại trưởng 2 nước một lần nữa kêu gọi TQ tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực dựa trên Công ước LHQ về luật biển năm 1982. Ngoại trưởng 2 nước cũng hoan nghênh các hoạt động tăng cường hợp tác song phương và đa phương trên Biển Đông.
VnExpress có bài: Nguy cơ Trung Quốc dùng chiêu cũ chiếm bãi Ba Đầu. GS Jay L. Batongbacal tại ĐH Philippines phân tích, chiến lược dùng tàu “dân quân biển” trong tranh chấp chủ quyền của TQ: “Bắc Kinh đã thể hiện rằng họ duy trì sự hiện diện của các tàu như một cách thay thế cho việc chiếm đóng thực tế các thực thể mà họ nêu yêu sách chủ quyền. Đây là cách để họ ‘lách’ cam kết trong Tuyên bố ứng xử năm 2002 về việc không chiếm thêm bất kỳ thực thể địa lý nào ở Biển Đông”.
Phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản cảnh báo: “Rõ ràng Trung Quốc muốn nắm quyền kiểm soát thực tế với bãi Ba Đầu trong thời gian sớm nhất… Sau đó, nếu tình huống cho phép, Trung Quốc cũng muốn xây đảo nhân tạo bằng cách cải tạo thực thể này giống như với đá Chữ Thập, Vành Khăn và đá Subi”.
Kênh An Ninh Thế Giới có clip: Dân quân biển – “vòi bạch tuộc” của “thủy quái” Trung Quốc.
RFA có bài phỏng vấn TS Vũ Hồng Lâm, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ: Từ sự kiện Đá Ba Đầu nhìn về chiến thuật “Vùng xám” & “Chiến tranh nhân dân trên biển” của Trung Quốc. TS Lâm cho biết, đây là lần “Trung Quốc sử dụng một số lượng rất lớn, với hơn 200 tàu cá để bao vây khu vực Đá Ba Đầu với mưu đồ thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế và xua đuổi ngư dân của các nước khác như Việt Nam và Philippines ra khỏi đây”.
TS Lâm đề xuất giải pháp đối phó với chiến thuật “vùng xám” và “chiến tranh nhân dân trên biển”: “Một là phải đưa vấn đề này ra công luận quốc tế để tạo lập dư luận và tận dụng sức ép của công luận, đặc biệt từ chính phủ các nước cũng như truyền thông của quốc tế. Hai là, trên thực địa, mình cũng cần có lực lượng để giằng co”.
Báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ Tân Hoa xã: Trung Quốc đã khoan sâu xuống Biển Đông. Hôm qua, Tân Hoa xã công bố thông tin, các nhà khoa học TQ đã sử dụng hệ thống khoan Sea Bull II sản xuất nội địa để lấy lõi trầm tích dài 231 mét, ở độ sâu 2.060 mét trên Biển Đông. Hệ thống khoan này được cho là có thể giúp TQ khám phá các nguồn khí tự nhiên dưới đáy biển, là nguồn năng lượng đầy hứa hẹn. Tân Hoa Xã không cung cấp thông tin chi tiết về vị trí TQ đặt mũi khoan ở Biển Đông.
Trong thập niên vừa qua, các hoạt động thăm dò dầu khí của TQ ở Biển Đông đã gây căng thẳng trong khu vực, nhất là hồi năm 2014, khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia TQ đưa giàn khoan thăm dò Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) có khả năng thăm dò quy mô lớn, vào vùng biển gần đảo Lý Sơn của VN.
Thêm hành động “khoe cơ bắp” của thế lực bá quyền: Tàu sân bay Trung Quốc chuẩn bị tác chiến xa bờ, VietNamNet đưa tin. Trong tình hình tàu sân bay Liêu Ninh vẫn chưa kết thúc cuộc tập trận gần đảo Đài Loan, Hải quân TQ thông báo: “Lực lượng tác chiến trên tàu sân bay Sơn Đông có lẽ sẽ bắt đầu các cuộc huấn luyện xa bờ trong năm nay. Bởi đây là bước cần thiết để đạt được những ‘khả năng tác chiến ban đầu’ (IOC)”.
Chu Chấn Minh, nhà phân tích quân sự TQ, tiết lộ, toàn bộ hệ thống và các trang thiết bị trên tàu sân bay Sơn Đông cần được thử nghiệm kỹ trong khoảng thời gian ít nhất 18 tháng, để “có thể đạt tiêu chuẩn hoạt động hiệu quả và tác chiến tốt”. Còn nhà nghiên cứu Lu Li-Shih từng làm GV ở Đài Loan dự đoán, tàu sân bay Sơn Đông sẽ sớm tiến hành diễn tập xa bờ trong khu vực phía tây Thái Bình Dương.
Đại diện tàu sân bay USS Theodore Roosevelt chia sẻ: “Dù bay trên cao hay ở phía dưới boong tàu, ai trong chúng tôi cũng có một nhiệm vụ riêng. Chúng tôi đang ở biển Đông, cùng với các chiến hữu từ USS Makin Island (LHD 8), USS Port Royal, USS San Diego (LPD 22), USS Bunker Hill (CG 52) và USS Russell (DDG-59), cùng nhau bảo vệ tự do cho mọi vùng biển. Thật tuyệt vời khi được đến đây”.
Báo Thế Giới và VN đưa tin: Lo Trung Quốc ‘thiết lập quyền bá chủ’, hai đảng Mỹ đồng thuận tung luật mới. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã công bố phần chính của đạo luật lưỡng đảng, nhằm chống lại sự trỗi dậy của TQ, dựa trên chiến lược phối hợp với Nhật Bản và các đồng minh khác, thúc đẩy nhân quyền cũng như đầu tư quân sự để tăng cường an ninh.
Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết, dự luật có tên “Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021”, được xây dựng nhằm bảo đảm Mỹ “có vị thế cạnh tranh với Trung Quốc trên tất cả các khía cạnh quyền lực quốc gia và quốc tế trong nhiều thập kỷ tới”. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 14/9 để đưa ra bỏ phiếu về dự luật này.
Mời đọc thêm: Biển Đông: Trung Quốc cho tàu tên lửa đuổi tàu dân sự Philippines (RFI). – ‘Tàu tên lửa Trung Quốc rượt tàu chở phóng viên Philippines trên Biển Đông’ (TT). – Tàu hải cảnh, tàu tên lửa Trung Quốc rượt đuổi tàu chở phóng viên Philippines (VTC). – Trung Quốc tập trung tàu cá tại Đá Ba đầu: Khi quyền qua lại không gây hại ở Biển Đông bị ‘ngó lơ’ (TG&VN).
– Chiến hạm ‘khủng’ Trung Quốc trong đội hình tàu sân bay (TN). – Trung Quốc khoan sâu xuống Biển Đông để thăm dò dầu khí? (PT). – Trung Quốc khoan sâu ở Biển Đông (BBC). – Philippines lập lực lượng chuyên trách huấn luyện hàng hải mới (PLTP). – Mỹ – Trung và điểm nóng mới (NLĐ). – Mỹ điều động sức mạnh phối hợp tấn công đến Biển Đông (TN). – Hai nhóm chiến hạm Mỹ tập trận chung trên Biển Đông (Zing).
– Vì sao Mỹ liên tục điều tàu chiến đến Biển Đông dưới thời ông Biden? (VTC). – Mỹ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông, Đài Loan (PLTP). – Nghị sĩ Mỹ trình dự luật đối đầu mạnh hơn với Trung Quốc (TT). – Thượng viện Mỹ chuẩn bị dồn lực để tổng công kích Trung Quốc trên khắp các mặt trận? (VOV).