Bản tin ngày 9-4-2021

BTV Tiếng Dân

Tin chính trường

BBC có bài về tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT của Chính phủ VN: Tranh cãi về lý lịch của tân Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn. Hồ sơ về PGS. TS Nguyễn Kim Sơn trên trang thông tin ĐH đảng có chi tiết: “2007-2008: Nghiên cứu sau tiến sĩ về tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam tại Đại học Harvard, Mỹ”.

Trang web của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng ghi lý lịch ông Sơn là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về Tư tưởng Nho giáo VN tại ĐH Harvard. Một số báo “lề phải” đã dùng thông tin này khi viết bài về tiểu sử Bộ trưởng Sơn. Tin cho biết, ông Sơn là học giả (visiting scholar) của Viện Harvard-Yenching, chứ không phải là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) của Đại học Harvard, như truyền thông “lề phải” đưa tin.

Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu viết: Harvard University không phải là Harvard -Yenching Institute. Đại học Harvard (Harvard University) và Viện Harvard-Yenching (Harvard-Yenching Institute) là hai tổ chức độc lập, dù tên gọi có chung chữ Harvard, cũng như Viện Harvard Yenching nằm trong khuôn viên trường đại học Harvard.

Bà Hậu viết: “Viện Harvard – Yenching là một tổ chức độc lập dành riêng cho việc thúc đẩy giáo dục đại học ở Châu Á trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt chú trọng đến việc nghiên cứu văn hóa Châu Á. Nó được thành lập từ năm 1928, hồi đó còn có quan hệ chặt chẽ với đại học Yenching của TQ. Mà đại học Yenching khi đó là một trường đại học ở Bắc Kinh, Trung Quốc, được hình thành từ sự hợp nhất của bốn trường cao đẳng Cơ đốc giáo từ năm 1915 đến năm 1920“.

Bà Hậu cho biết, đại học Yenching đã bị đóng cửa từ 1949, khi nước CHND Trung Hoa thành lập. Còn đại học Harvard của Mỹ có từ năm 1636, nổi tiếng trên toàn cầu. Bà viết, “ông bà nào có ở cái học viện Harvard Yenching ấy, thì chỉ là ở đó thôi. Chứ học hành hay bằng cấp của cái học viện đó, chẳng liên can gì tới Harvard University đâu“.

Báo Người Việt có bài: Nữ bộ trưởng duy nhất của chính phủ CSVN là chị của giới chức xây biệt phủ. Đó là bà Phạm Thị Thanh Trà, nữ bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bà Trà là chị của ông Phạm Sỹ Quý, GĐ sở TN&MT ở Yên Bái. Ông Quý bị cách chức giám đốc hồi năm 2017 vì vụ xây biệt phủ từ tiền “bán chổi đót“.

Còn bà Trà, bà đi lên từ vụ “tiếng súng Yên Bái”, khi Bí thư Phạm Duy Cường bị Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, bắn chết ngày 18/8/2016. Ngay sau đó, bà Trà được ngồi vào ghế bí thư, thay thế ông Cường. Tháng 9/2020, bà rời ghế này, để hơn 6 tháng sau, bà ngồi vào ghế bộ trưởng Nội Vụ.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, tân Bộ trưởng Nội vụ. Ảnh: Thuận Thắng/Zing/NV

BBC có bài phỏng vấn PGS. TS Vũ Minh Khương ở ĐH Quốc gia Singapore: Tân Thủ tướng VN nếu đề xuất đúng sẽ được ‘ủng hộ ở các cấp cao nhất’. TS Khương bình luận về “tứ trụ” khóa mới: “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hay Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có kinh nghiệm làm trong chính phủ rồi. Họ hiểu rất rõ các bài toán cần phải giải. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì có quyền lực rất lớn và có khả năng hỗ trợ toàn diện. Và tôi nghĩ Thủ tướng Phạm Minh Chính may mắn”.

Liên quan tới “đặc khu” do ông Chính mở cửa mời “bạn vàng” vào đầu tư, đẩy giá đất lên ngùn ngụt, báo Lao Động đặt câu hỏi: Vân Đồn cấm cán bộ môi giới đầu cơ, buôn bán đất đai: Cấm được không? UBND huyện Vân Đồn ra thông báo: “Nghiêm cấm cán bộ, công chức tham gia các hoạt động môi giới bất động sản, tiếp tay cho việc đầu cơ, buôn bán đất đai. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện về công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị”.

Theo tác giả, “ngăn chặn là chuyện không dễ, cấm càng khó”. Bởi vì luật VN hiện tại không cấm hoạt động môi giới hợp pháp, dù có cán bộ nào đó môi giới, làm cò đất, thì cũng không ai biết, và có biết thì cũng không “bắt” được. Càng nguy hiểm hơn nếu các “nhà đầu tư” TQ dựa vào cơn sốt đất hiện tại để thu tóm đất ở Vân Đồn. 

Mời đọc thêm: Phân công 4 Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư (VOV). – Viện Harvard Yenching từng cấp học bổng nghiên cứu cho tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là gì? (TN). – Tóm tắt tiểu sử Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (VTV). – Tân bộ trưởng Giáo Dục CSVN gây bàn tán vì ‘nghiên cứu ở Harvard’ (NV). – Vân Đồn (Quảng Ninh): Cấm cán bộ buôn bán, môi giới và tiếp tay cho đầu cơ đất đai (CafeF). – Khu kinh tế hay đặc khu kinh tế: bài toán chính sách cho Chính phủ Hà Nội (RFA). 

Tin nhân quyền

BBC có bài về tình hình nhân quyền VN: Phản ứng các giới trước vụ nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt. Ông Phil Robertson, Phó GĐ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á bình luận: “Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Hà Nội luôn tìm cách thể hiện mình như là một nhà nước chừng mực, tiến bộ nhưng ở trong nước, chính phủ nước này lại đang mở rộng việc đàn áp bất cứ ai cả gan nghi vấn hoặc thách thức sự lãnh đạo chuyên chế của đảng cộng sản”

Còn Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra thông cáo: “Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là sự xâm phạm trắng trợn và có động cơ chính trị nhằm bịt ​​miệng một trong những nhà đấu tranh nhân quyền được tôn trọng nhất trong nước. Các nhà tù ở Việt Nam có tiếng là quá tải và không đáp ứng được mức tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu”.

Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng cho biết, bà Nguyễn Thúy Hạnh đã được cho về nhà tạm thời. Bà Phượng viết: “Một cư dân sống tại R6-Royal City cho biết, sáng nay có nhìn thấy Nguyễn Thúy Hạnh và chồng là bác Huỳnh Ngọc Chênh, cùng một số người đi vào thang máy nhà R6.

Sau chừng 2 tiếng, thì số người trên lại đưa Hạnh vào thang máy, trở xuống sảnh. Lúc này không thấy bác Chênh đi cùng. Dù là thoáng nhìn, nhưng có thể thấy thái độ của Hạnh rất bình thản. Có lẽ việc đưa Hạnh trở về nhà, là để mở niêm phong căn hộ, để Hạnh bàn giao căn hộ và một số giấy tờ tùy thân cho chồng”

Trước đó, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết: Chiều hôm qua, ông Chênh đã xuống cơ quan ANĐT của công an Hà Nội để làm việc về 3 nội dung: Hỏi lý do bắt bà Nguyễn Thúy Hạnh, yêu cầu tháo niêm phong nhà và đăng ký thủ tục luật sư. Về “tội danh” của bà Hạnh, ông Chênh kể: “Hành vi gọi là làm ra tàng trữ phổ biến tài liệu chống phá thì tui nặng gấp 10 lần Hạnh. Tui viết cả ngàn bài phản biện tàng trữ trên blog HNC và phổ biến đến hàng triệu người, blog đó hiện nay đã trên 20 triệu lượt người vào đọc…”

Thông báo của công an TP Hà Nội về lý do bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh. Ảnh: FB Huỳnh Ngọc Chênh

RFA đưa tin: Nhà thơ người Chăm từng tuyên bố tự ứng cử đại biểu Quốc hội, mất tích sau khi bị công an mời làm việc. Đó là trường hợp nhà thơ người Chăm Đồng Chuông Tử, tên thật là Nguyễn Quốc Huy, đã mất tích hai ngày sau khi bị công an mời lên làm việc. Đến tối nay, gia đình và bạn bè của ông Nguyễn Quốc Huy vẫn không liên lạc được với ông.

Nhà thơ gốc Chăm Đồng Chuông Tử, tên thật Nguyễn Quốc Huy. Ảnh: FB nhân vật/ RFA

Một người bạn giấu tên của ông Huy cho biết, trưa 7/4, ông Huy nhắn tin cho bạn bè, kể chuyện ông bị công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đưa về làm việc không rõ lý do. Người này cho biết: “Tới ngày 7-4 thì ảnh bị mời, tụi tôi thì không biết giấy mời thế nào, có giấy mời hay không nhưng ảnh có nhắn tin cho một người bạn là ảnh đang bị giam giữ trong công an thị trấn Ma Lâm”. Tháng 6/2020, ông Huy tuyên bố sẽ tự ứng cử ĐBQH để lo cho đồng bào người Chăm.

Mời đọc thêm: Những người bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm các điều khoản an ninh quốc gia năm 2021 (RFA). – Ân xá Quốc tế lên tiếng việc Hà Nội bắt giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (VOA). – Hồng Kông: Anh Quốc cấp quy chế tị nạn chính trị cho nhà hoạt động dân chủ La Quán Thông (RFI).

***

Thêm một số tin: Miến Điện: Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đến châu Á để tìm giải pháp (RFI). – Nói sỉ nhục người gốc Á nhưng gặp phải cảnh sát nằm vùng (Zing). – Xả súng liên tục ở Mỹ, Tổng thống Biden siết “súng ma” (NLĐ). – Mỹ nói binh sĩ Nga ‘đông chưa từng thấy’ ở biên giới với Ukraine, Đức yêu cầu rút quân (TT). – Nga tập trận tại Hắc Hải, Đức kêu gọi Matxcơva rút quân ở biên giới Ukraina — Covid-19: Chiến dịch tiêm ngừa thất bại, Đức đàm phán mua vac-xin Nga Trung Quốc “lôi kéo” ASEAN phản công chiến lược vac-xin của Bộ Tứ – QUAD (RFI).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây