Giới thiệu sách: “Nước Mỹ nơi tôi đang sống”, của Lê Thanh Hoàng Dân

Lê Thanh Hoàng Dân

6-4-2021

Mỗi năm tháng Tư trở về, tôi buồn cho quê hương đất nước. Tôi cũng buồn cho riêng mình, và gia đình nhỏ bé của mình.

“… Nỗi đau lớn nhất của tôi 46 năm nay, là mất đứa con gái lớn những năm đầu lập nghiệp ở Mỹ. Đây là nỗi đau tôi còn giữ trong lòng hơn 44 năm nay. Thấy tôi vui, nhưng trong lòng tôi rất buồn. Mỗi tháng Tư, khi hoa bắt đầu nở, vợ chồng tôi đều tới thăm mộ của Lê Mỹ Hạnh, con gái lớn của tôi. Trên mộ vẫn còn ghi câu này: “Ngàn đời thương nhớ”.

Khi ra đi năm 1975, chúng tôi chỉ 6 người, vợ chồng và 4 đứa con. Sau hai năm sống ở New York con tôi không còn nữa. Dư luận lúc đó cũng sôi nổi lắm. Nhiều báo địa phương đều có đăng tin này. Các đài TV đều có loan tin. Tập san People cũng có một bài đặc biệt về vụ này.

Có một cuốn sách được viết về vụ con gái tôi bị một người Mỹ khùng điên giết chết. Nếu các bạn tìm trên Google tên của tôi Lê Thanh Hoàng Dân (cô dấu hay không dấu) các bạn có thể thấy tên quyển sách này. Khi tôi nói tôi ghét chiến tranh, tôi không nói đùa đâu. Tôi thật sự ghét cuộc chiến Việt Nam, và những hậu quả của nó.

Bốn người con của tác giả Lê Thanh Hoàng Dân

Sách nầy tên “Aftershocks: A tale of two victims” (Dư chấn: Câu chuyện hai nạn nhân) do tác giả David Howard Bain viết. Sách được tái bản nhiều lần. Thú thật với các bạn, cho tới nay tôi vẫn chưa có đủ can đảm và bình tĩnh đọc sách này từ đầu đến cuối, nên không phê bình được. Đây là nổi đau trong lòng tôi 44 năm nay, vết thương chưa lành.

Không thể nào hồi tưởng 46 năm sống tại Mỹ mà quên chuyện này. Nhưng tôi không dám nhớ. Không dám nghĩ tới nhiều. Đau lòng lắm. Tôi chỉ ghi lại cho đầy đủ mà thôi. Tim tôi không hận thù. Chỉ đau lòng cho số phận tỵ nạn hẩm hiu, sống dưới đáy của xã hội, cố gắng nhoi lên, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn.

Sau khi con tôi chết, tôi thấy tất cả những gì tôi làm như học PhD Triết học, luyến tiếc quá khứ dạy học, viết văn, là phù du, không nghĩa lý gì. Và tôi đã bỏ hết tất cả để học chuyên môn nước Mỹ cần, tìm việc làm nhiều tiền, mua nhà ở khu trung lưu, đưa gia đình hội nhập mạnh hơn vô xã hội Mỹ.

Thỉnh thoảng tôi thấy sách cũ của tôi được ai đó tái bản, nhưng tôi quyết tâm quên quá khứ, nhắm mắt làm ngơ, dần dà quên luôn những đứa con tinh thần này. Cũng như tôi cố gắng quên đứa con gái đã mất, tôi cũng cố gắng quên đi những đứa con tinh thần của mình năm xưa.

Rất vui chúng vẫn chưa chết. Chúng vẫn sống cuộc đời riêng. Khi tôi thấy bìa một số sách đã xuất bản trước đây trên Internet, tôi rất vui. Nhưng đó là quá khứ tôi đã chôn vùi mấy chục năm rồi.

Tôi không còn đủ can đảm ngồi lại sửa chữa hay hiệu đính đống sách xưa. Vả lại tôi cũng không còn đầy đủ tất cả sách đã xuất bản. Như tôi nói đâu đó, khi ra đi, tôi đã để lại quê hương những gì đã làm ở quê hương. Tôi không còn thời giờ và sức khỏe để sống lại những ngày cũ nửa…”

(Trích sách “42 năm sống ở Mỹ: Được gì, Mất gì?” thuộc bộ sách 9 quyển “Nước Mỹ nơi tôi đang sống” của Lê Thanh Hoàng Dân, đã phát hành khắp thế giới trên Amazon và BookBaby)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Mỗi năm tháng Tư trở về, tôi buồn cho quê hương đất nước”

    Tại sao lại buồn . Rất, rất nhiều người hiện vẫn rất tự hào với chế độ mà họ đã dựng lên, rất tự hào với tình trạng hiện nay của đất nước, xem những ngừ bỏ đi là phản bội, là làm nhục quấc thể . Vả lại cũng có tới hàng bao nhiêu triệu người vui, theo lời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt .

Comments are closed.