Tẩy chay hay không tẩy chay…

Đỗ Hùng

4-4-2021

Ảnh: internet

Đây là trang bản đồ của Baidu, một dịch vụ Trung Quốc tương tự Google Maps.

Các công ty làm ăn ở Trung Quốc khi muốn thể hiện hệ thống đại lý, văn phòng… thì sẽ lấy bản đồ đó nhúng vào. Thành ra các bản đồ hiển thị trên website các công ty đa quốc gia thường có ‘đường lưỡi bò’.

Có thể kể đến vài cái tên như Mercedes-Benz, Gucci…

Tẩy chay hay không tẩy chay các công ty này là một chuyện, vấn đề mình băn khoăn là tại sao người Việt Nam ở Việt Nam vẫn có thể nhìn thấy một bản đồ như vậy của Baidu?

Việt Nam nổi tiếng về chặn các website “thù địch”, tại sao không coi một website đăng đường lưỡi bò là “thù địch”, cần phải chặn (*)?

Trong khi đó, các website như Gofundme (**), Medium (***)… thì lại bị chặn (ít nhất là bị nhà cung cấp mạng chỗ mình – Viettel – chặn)?

_____

(*) Đó là chưa nói tới các cách định danh Tây Sa quần đảo, Nam Sa quần đảo theo kiểu Trung Quốc để chỉ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trên Baidu map.

(*) (**) Gofundme là nền tảng hỗ trợ hoạt động gây quỹ (mọi người có thể lên đó đóng tiền cho các sáng kiến, nỗ lực… phù hợp với sở thích hay, sâu xa hơn, mục đích sống của mình, các giá trị mà mình theo đuổi). Medium là công cụ hỗ trợ tự do xuất bản.

***

Lê Nguyễn Duy Hậu: Dư luận nhìn chung dễ bị kích động

Đối với những doanh nghiệp đa quốc gia, việc phải lèo lái giữa những quy định mang tính xung đột chủ quyền, chính trị (ví dụ như bản đồ chủ quyền) của các quốc gia là điều rất đau đầu. Vì ngoài chuyện nó tốn rất nhiều thời gian và công sức để doanh nghiệp đó kiểm tra từng sản phẩm, tránh để những tấm bản đồ vừa ý nước này mà phật lòng nước khác lọt ra ngoài, đối thủ cạnh tranh cũng dễ sử dụng những quy định này để gây thiệt hại cho các doanh nghiệp kể trên.

Chúng ta có thể hình dung tình huống một doanh nghiệp có trụ sở ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Luật Trung Quốc đòi bản đồ phải có đường lưỡi bò. Luật Việt Nam thì cấm. Vì vậy các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng để không tuân thủ bên này mà vi phạm bên kia. Nhưng khó tránh khỏi sai sót. Ví dụ gần là trường hợp hai chiếc xe hơi tạm nhập vào Việt Nam để triển lãm từ Trung Quốc, kĩ thuật viên quên thay đổi bản đồ trên GPS khiến công ty bị phạt vạ. Tất nhiên trong tình huống đó, doanh nghiệp sẵn sàng mất xe để thoát khỏi khủng hoảng.

Một ví dụ khác cho tình huống trên: một doanh nghiệp sữa ở Việt Nam có thể bị phản đối nếu như họ nhận được một tài liệu nội bộ từ nhà máy của họ ở Trung Quốc nói về các biện pháp gia tăng tiêu thụ sữa ở quốc gia này, trong đó có một hình nền là bích chương cổ động từ chính phủ Trung Quốc có bản đồ nước này và (đương nhiên) có luôn đường lưỡi bò.

Người gửi và người nhận hoàn toàn không quan tâm đến chính trị và có khi không phải là công dân Việt Nam hay Trung Quốc. Và như vậy thì sẽ rất khó để một kĩ thuật viên bán sữa người nước ngoài nhận thức được tính nghiêm trọng của một hình ảnh mang tính hình nền để phản đối hay cho dừng việc gửi thông tin đó. Trong trường hợp như vậy, doanh nghiệp sữa kể trên rất dễ bị phạt vạ nếu như có nhân viên người Việt nào bất mãn và sử dụng hình ảnh đó để “nâng cao quan điểm”, làm trầm trọng câu chuyện.

Đặt vào vị trí của một doanh nghiệp như H&M, nếu sử dụng bản đồ không có đường lưỡi bò thì sẽ khiến họ vi phạm pháp luật Trung Quốc. Nhưng nếu có đường lưỡi bò thì Việt Nam sẽ phạt vạ. Trong đa số các trường hợp khi khủng hoảng xảy ra, những người xử lý cấp khu vực sẽ phải lựa chọn thị trường Việt Nam (100 triệu dân) hay Trung Quốc (1.3 tỷ dân) và đó trở thành một cuộc chiến từ ngữ rất kì khôi. Trong quá trình xử lý đó, doanh nghiệp sẽ được khuyến cáo không nói câu “xin lỗi” vì nếu họ “xin lỗi” thì sẽ mất lòng thị trường Trung Quốc. Nhưng nếu không “xin lỗi” thì lại không vừa lòng thị trường Việt Nam. Vậy thì các chuyên gia xử lý phải lựa chọn một câu chữ nào đó mang tính trung dung nhất có thể để câu chuyện này lắng xuống mà không thị trường nào bắt bẻ được này.

Ở trên là khi có khủng hoảng, còn để tránh khủng hoảng, cách làm của nhiều doanh nghiệp hiện nay (và đặc biệt là những doanh nghiệp chia sẻ nội dung) đó là sử dụng geoblock. Tức là trang chủ cho shop ở Việt Nam, hay đối với nội dung cho người dùng từ Việt Nam thì đường lưỡi bò sẽ không hiện ra. Còn đối với nội dung cho người dùng từ Trung Quốc thì vẫn sẽ phải có đường lưỡi bò. Tất nhiên, nếu ai đó muốn vạch lá tìm sâu thì vẫn có thể nói là doanh nghiệp đó có sử dụng đường lưỡi bò (Một số doanh nghiệp cứng cựa hơn thì chọn không vẽ cả hai quần đảo ở trên biển Đông cho cả người dùng Trung Quốc lẫn Việt Nam, và do đó ít tranh cãi hơn, nhưng theo quy định thì Việt Nam vẫn có thể phạt vạ vì bản đồ họ dùng không thể hiện đúng chủ quyền…).

Cơ quan quản lý thông tin của Việt Nam đôi khi cũng lâm vào thế khó đối với những vấn đề như thế này. Nhìn chung, cơ quan quản lý họ hiểu vấn đề và không muốn làm khó doanh nghiệp (vì đa số các doanh nghiệp họ chỉ muốn một môi trường phi chính trị nhất có thể nhưng nhìn chung vẫn phải tuân thủ pháp luật nước sở tại) và họ biết đâu là âm mưu tuyên truyền của Trung Quốc, đâu là tai nạn khó tránh như nói ở trên. Vì thế, cách giải quyết của họ thật ra cũng linh động, nhưng khi có sự phản đối của người dân thì họ thường buộc lòng phải xử lý vi phạm.

Dư luận thì nhìn chung lại dễ bị kích động và cả quyết rằng doanh nghiệp đó theo Trung Quốc hay bất chấp đạo lý, trong khi nếu ở vào vị trí một doanh nghiệp Thuỵ Điển thì khó có thể nói họ có quan tâm đặc biệt nào đến sự tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Doanh nghiệp họ không ngại nộp phạt nhưng họ thật sự không muốn chịu hình ảnh xấu cho bất kỳ thị trường nào, và giá mà người tiêu dùng có thể hiểu cho cái khó của họ.

Quan điểm của mình thì cho rằng không nên làm quá khó doanh nghiệp như vậy, nhất là nếu các biện pháp kĩ thuật như geoblock được sử dụng. Xem như là doanh nghiệp có nỗ lực vì không thể bắt họ phải chọn Trung Quốc hay Việt Nam được vì thật lòng mà nói, với quy mô so sánh như hiện nay, ai cũng biết kết quả họ lựa chọn sẽ là gì.

***

Nguyễn Tiến Tường: Chúng ta luôn chậm chân và thiếu đoàn kết hơn họ!

Báo Thanh Niên dẫn lời nguồn tin phái sinh của quan chức Thượng Hải nói rằng H&M phải sửa lại bản đồ Trung Quốc “có sai sót” trên website của mình, dù không nêu sai sót đó là gì.

Tuổi Trẻ cũng đặt câu hỏi đó kèm một tấm hình bản đồ TQ có đường lưỡi bò do một thường dân TQ chụp sau khi chỉnh sửa.

Nhà chức trách TQ bắt lỗi các nhãn hàng chủ yếu là lỗi đăng bản đồ theo ý chí (bành trướng) của họ tại các vùng tranh chấp Ấn Độ, SenKaku (tôi gọi theo Nhật), Biển Đông…

H&M vẫn đang im lặng!

Bây giờ thì đến lượt một loạt các thương hiệu thượng thặng đăng hình lưỡi bò trên trang web tiếng Trung: BMW, Mercedes, Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Uniqlo…

Có vẻ như các nhà buôn với sự khôn lỏi của mình đang chọn cách “đi dây” khi đăng lưỡi bò trên web tiếng Tàu và không lưỡi bò trên web tiếng Việt để làm hài lòng thượng đế của họ.

Nên nhớ rằng điều này là do người Việt mình phát hiện ra. Đó là điều rất đáng mừng vì năng lượng ái quốc luôn hiện hữu.

Tôi không thấy có gì đáng cười cợt với sự tẩy chay của người Việt đối với các thương hiệu không tôn trọng đất nước của họ.

Cho dù phạm trù này liên quan lớn hơn đến chính sách của những người quản lý quốc gia. Tôi chưa thấy nhà chức trách phía ta quở phạt các thương hiệu về hiện tượng này. Cho dù là tiếng Trung, họ cũng tiếp tay cho Tàu cộng. Không thể nói là vì một tỷ rưỡi khách hàng hay một trăm triệu khách hàng.

Ít nhất, Hoàng Sa Trường Sa phải không được vắng trên trang web tiếng Việt của các nhà buôn. Và buộc các thương hiệu này sử dụng một website có nội dung thống nhất, không “đi đêm” gây bất lợi cho Việt Nam.

Trong “cơn thù” Tàu kinh niên, vẫn phải cay đắng chấp nhận rằng, chúng ta luôn chậm chân và thiếu đoàn kết hơn họ!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Luật Trung Quốc đòi bản đồ phải có đường lưỡi bò. Luật Việt Nam thì cấm”

    Việt Nam đang phát chiển kinh tế thị trường & hội nhập với thía giới, cần tháo gỡ những luật làm khó dễ cho các doanh nghiệp, nhứt là doanh nghiệp nước ngoài .

Comments are closed.