Nhân chuyện bản đồ

Lê Quang

4-4-2021

Vì đã từng tham gia tư vấn một số dự án lớn của Hongkong và Đại lục nên tôi xin phép được kể một thực tế mà không phải ai cũng nắm được.

Thông thường khi làm đồ án ở nước ngoài, các nước châu Âu thường có hồ sơ dữ liệu đô thị rất mạnh nên dư liệu từ nhà đầu tư giao cho các văn phòng kiến trúc rất chi tiết. Tuy nhiên ở các đồ án châu Á thì nguồn dữ liệu thường khan hiếm và thiếu đồng bộ, do đó dữ liệu từ google map vẫn là nguồn mà kts thường tham khảo nhiều nhất (đặc biệt là về địa hình do các bản scan qua vệ tinh ngày nay của google earth có độ chính xác chấp nhận được ở tỷ lệ 1/2500)

Mặc dù vậy, cách này đã không còn làm việc được ở trên vùng lãnh thổ của TQ cho đến cuối năm 2015. Nếu bạn thử tìm dữ liệu bản đồ của một khu đất tại TQ, kết quả cho ra có sai số giữa hình ảnh vệ tinh và đường xá lên tới hàng trăm mét. Nếu để overlap hai lớp thông tin lên nhau, ta thu được 2 bản đồ đặt chồng lên nhau nhưng lệch ra khỏi toạ độ gốc rất nhiều. Điều này dẫn tới việc dữ liệu ấy không thể sử dụng để phân tích giao thông hay hiện trạng, không sử dụng được gps hay các ứng dụng lái xe.

Nguyên nhân là bởi luật an ninh mạng của chính phủ TQ không chấp nhận sự có mặt của google earth trên lãnh thổ của họ. Nếu muốn sử dụng dữ liệu bản đồ của TQ chúng ta sẽ phải sử dụng những trình duyệt riêng do TQ cung cấp (với chất lượng không thua kém google map, chỉ có điều là nó sẽ chỉ có bản đồ của TQ ở độ phân giải cao còn nếu đi ra ngoài lãnh thổ ấy thì chất lượng rất thấp).

Những trình duyệt này đều sử dụng tiếng Trung và không có một lựa chọn ngôn ngữ nào khác. Hình ảnh vệ tinh này nếu đặt ra so sánh với dữ liệu của google thì chúng luôn có vẻ “tươi đẹp” hơn, xanh mát và ưa nhìn.

Nếu công ty của bạn đặt chi nhánh tại TQ, điều đó có nghĩa là bạn buộc phải sử dụng các ứng dụng này, từ pick location cho địa chỉ văn phòng cho tới việc hoà vào các dịch vụ điện toán, internet, logistics.v..v có nhiều người vì sở thích nên vẫn cố cài đặt VPN trên máy tính hoặc điện thoại để sử dụng dịch vụ của googlemap nhưng điều đó là vô nghĩa khi 2 lớp thông tin bị lệch nhau. Nếu bạn từng sống tại Thượng Hải, Thẩm Quyến, Bắc Kinh, chỉ sau 1 tháng, kí ức của bạn về google hay các ứng dụng của phương Tây sẽ trở nên rất nhạt nhoà – vì đơn giản là ta không dùng được và chúng ta trên thực tế hiện đang sống phụ thuộc vào các hệ thống dữ liệu nhiều hơn mình tưởng rất nhiều.

Có nghĩa là chính phủ TQ đã tạo ra hệ thống bản đồ của riêng họ cho một thị trường 1.5 tỷ dân cùng tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khi đến làm ăn tại đây. Nó có nhiều khác biệt với các hệ thống bản đồ mà chúng ta đã quen mặt đặt tên và không có gì là lạ khi Luật an ninh mạng và Luật bản đồ của Bắc Kinh được áp dụng triệt để trên các website và ứng dụng này. Bạn sẽ luôn nhìn thấy đường 9 đoạn, luôn nhìn thấy quần đảo Điếu Ngư cùng với Đài Loan nằm trong lãnh thổ TQ. Nếu ta đặt chân đến đó, nó không phải là chọn lựa mà là việc anh có muốn lái xe, muốn sử dụng internet hay có muốn thuê nhà hay không, không có lựa chọn nào khác.

Đó là một kế hoạch được nghiên cứu và triển khai bài bản nhằm thúc đẩy chính sách mềm nội địa và ngoại giao của họ. Ngày nay việc trưng ra một tấm bản đồ không chỉ là một hình vẽ hay một tờ giấy, nó là đối diện với cả một hệ thống cơ sở dữ liệu, một chế độ kiểm soát thông tin.

Để đối diện với nó điều cần thiết là nắm được thông tin và cư xử một cách hợp lý. Tất nhiên nếu chúng ta sống ở VN, ta chẳng có lý do gì để sử dụng các hệ thống dữ liệu ấy nhưng điều trớ trêu là không phải ai cũng như vậy, trong bối cảnh là TQ đã có một vị trí quá lớn trong chuỗi cung ứng mà mọi hành động cực đoan của người tiêu dùng có khi chỉ củng cố cho vị trí ấy ngày một vững chắc mà thôi.

Nếu bạn muốn kiểm chứng, mời bạn lên google map xem.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây