Bản tin ngày 2-4-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

RFI có bài về tình hình căng thẳng ở Biển Đông: Thế khó xử của Philippines trước Trung Quốc tại Đá Ba Đầu. Dù Philippines liên tục kêu gọi TQ rút “ngay lập tức” hàng trăm tàu của họ đang án ngữ ở khu vực Đá Ba Đầu, trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao TQ Hoa Xuân Oánh vẫn khẳng định, các tàu TQ chỉ tập trung ở đó “để tránh gió bão”, đồng thời tuyên bố Đá Ba Đầu thuộc chủ quyền của TQ.

Chuyên gia Collin Koh của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định: “Điều này thật sự đặt Manila vào tình thế khó xử: hành động kiên quyết chống lại đoàn tàu Trung Quốc thì có nguy cơ làm bùng nổ xung đột, nhưng nếu không hành động thì có nguy cơ sẽ hứng chịu sự phẫn nộ của người dân trong nước”.

South China Morning Post có clip: Philippines cảnh báo về hơn 200 tàu TQ ở Biển Đông

Cũng tại khu vực quần đảo Trường Sa, tàu chiến Trung Quốc neo đậu trái phép ở Đá Vành Khăn, VTC đưa tin. Philippines phát hiện 3 tàu tên lửa Type 022 của TQ gần Đá Vành Khăn, một thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp từ năm 1995. Các tàu này được phát hiện cùng với một tàu tiếp liệu neo đậu bên trong căn cứ đảo nhân tạo của Đá Vành Khăn. 

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Tàu chiến tàng hình của Trung Quốc điều đến Trường Sa có thể mang hỏa lực gì? Tin cho biết, tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022 của TQ, có khả năng đạt tốc độ tối đa lên đến 36 hải lý/giờ, nhanh hơn so với tốc độ phổ biến của các loại tàu hộ tống và tàu khu trục, thường có tốc độ tối đa từ 25 – 30 hải lý/giờ. Tàu Type 022 có thể phóng tên lửa đối hải YJ-83 với tốc độ 1000km/h và tầm bắn 120km, có thể mang lại nhiều rủi ro khi được triển khai ở khu vực quần đảo Trường Sa. 

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Toan tính của Trung Quốc khi gặp riêng từng ngoại trưởng ASEAN. Vụ Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tổ chức các cuộc đàm phán riêng trong tuần này ở Phúc Kiến, với các ngoại trưởng của 4 nước ASEAN, nhà nghiên cứu René Pattiradjawane bình luận, đây có thể là cách TQ tiếp cận ASEAN về vấn đề cạnh tranh quyền lực lớn và sự kình địch giữa Mỹ và TQ. ASEAN không đoàn kết mà “đồng sàng dị mộng”, thì sẽ tạo điều kiện để TQ “thu phục” các “mắt xích” yếu nhất. 

VnExpress đưa tin: UAV Trung Quốc do thám quần đảo tranh chấp với Đài Loan. Cảnh sát biển Đài Loan (CGA) thông báo, họ phát hiện máy bay không người lái (UAV) của TQ đại lục gần đây bay qua quần đảo Đông Sa và có thể thu thập thông tin tình báo về khu vực này. CGA cho biết, họ sẽ tăng cường các biện pháp phòng thủ trên đảo để ứng phó tình huống khẩn cấp.

Mời đọc thêm: Trung Quốc công bố đợt tập trận mới ở Biển Đông (TN). – Công bố tập trận ở Biển Đông, báo Trung Quốc nhắc Mỹ: ‘Bắc Kinh giờ mạnh hơn nhiều’ (TT). – Ba tàu chiến Trung Quốc neo đậu trái phép ở đá Vành Khăn (VNE). – CNN: Phát hiện cấu trúc nhân tạo gần nơi tàu Trung Quốc tụ tập (PLTP). – Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật “vùng xám” tại Đá Ba Đầu (VOV). – Mỹ sát cánh với Philippines trên Biển Đông (TP). 

Tin chính trường

Sáng nay, Quốc hội chính thức miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, VOV đưa tin. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên cương vị Chủ tịch nước, báo cáo QH về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về vấn đề miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau khi thảo luận tại Đoàn, QH tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Phúc bằng hình thức bỏ phiếu kín. 

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đọc dự thảo Nghị quyết về miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Phúc và được QH biểu quyết thông qua với 446/452 đại biểu tán thành, chiếm 92,92% tổng số ĐBQH. Lại thêm một trường hợp “tứ trụ” được bỏ phiếu miễn nhiệm với tỉ lệ tán thành không đạt 100%. Trước đó, có 15 đại biểu không tán thành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Báo Thanh Niên có clip: Quốc hội biểu quyết miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

VOV có đồ họa: Quy trình bầu Chủ tịch nước.

Mặc dù quy trình miễn nhiệm đã hoàn thành, nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng đến ngày 5/4, theo VTC. Do ông Phúc bị truất ghế Thủ tướng hôm nay, nhưng đến ngày 5/4, Thủ tướng khác mới được bầu thay thế. Nếu ông Phúc ngưng làm Thủ tướng hôm nay, thì chính phủ VN sẽ lâm vào tình cảnh… không có Thủ tướng cho đến ngày 5/4. Cho nên, ông Phúc vẫn tiếp tục làm Thủ tướng dù đã bị “miễn nhiệm”.

Chiều nay, Quốc hội chính thức miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng, báo Người Lao Động đưa tin. QH bỏ phiếu kín để thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, với tỉ lệ tán thành 91,25%. Sự kiện này kết thúc giai đoạn kéo dài 2 năm và gần 5 tháng VN không có “tứ trụ” mà chỉ có “tam trụ”, khi ông Trọng kiêm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. 

Lần bầu chọn “tứ trụ” khóa 13 căn bản là sự sắp xếp, chuyển ghế để buộc ông Phúc rời ghế Thủ tướng, nhận lấy cái ghế mà ông Trọng kiêm nhiệm trong 2 năm rưỡi vừa qua, nên mới có “quy trình” ngược. Lẽ ra đến khi bầu Thủ tướng mới, ông Phúc mới bị miễn nhiệm, nhưng vì ông “được” trao cái ghế Chủ tịch nước, nên chỉ trong một ngày, người quyền lực thứ nhất và thứ nhì của chế độ cùng bị “miễn nhiệm”. 

Đúng vào thời điểm chuyển giao quyền lực, xuất hiện diễn biến liên quan đến “sân sau” của Tổng Trọng: Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản bị đề nghị truy tố tội lừa dối khách hàng, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Cơ quan điều tra công an TP Hà Nội vừa kết thúc điều tra vụ án “lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Tin cho biết, sau hơn một năm rưỡi khởi tố vụ án, công an TP Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cùng kết luận điều tra sang VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố bị can Lê Thanh Thản, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ của Công ty CP sản xuất – xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. 

VOV có bài: Đề nghị truy tố ông Lê Thanh Thản cùng 1 cựu chủ tịch phường. Ông Thản bị truy tố cùng với 2 ông Nguyễn Duy Uyển, cựu Chủ tịch phường Kiến Hưng, quận Hà Đông và Vương Đăng Quân, cựu phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông cùng với 4 bị can khác. Kết quả điều tra cho thấy, đủ cơ sở để xác định “đại gia điếu cày” phạm tội “Lừa dối khách hàng”.

“Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, ông chủ Tập đoàn Mường Thanh. Ảnh: VOV

Công an TP Hà Nội trước giờ luôn tự khen họ “đánh án, phá án nhanh”, vậy mà lần này hồ sơ vụ sai phạm xây dựng của Mường Thanh mất đến một năm rưỡi, trong khi ông chủ Mường Thanh và các đồng phạm đều ở ngay Hà Nội, cho thấy có vấn đề bên trong. Bây giờ công an lại “khui” vụ việc đúng thời điểm bầu chọn 2 chức danh còn lại trong “tứ trụ”.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Ông Lê Thanh Thản nói gì về cáo buộc lừa dối khách hàng? Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh cho biết, ông đang làm đơn kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền để phản hồi kết luận điều tra của Công an TP Hà Nội, cáo buộc ông lừa dối khách hàng. Ông nói: “Tôi không đồng tình với kết luận của cơ quan điều tra việc xác định thu lời bất chính là không đúng. Đây là tiền bán nhà mà cơ quan điều tra lại quy kết hết thành thu lời bất chính, không trừ tiền đầu tư cho tôi”

VTC có clip: Ông Lê Thanh Thản không đồng tình cáo buộc thu lời bất chính, lừa dối khách hàng

VTC đặt câu hỏi: Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng thế nào? Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội bị phát hiện có vi phạm các quy định về xây dựng, chủ đầu tư tự ý xây tăng một tòa CT6C so với quy hoạch được duyệt.

Theo quy hoạch thiết kế, tổng số căn hộ dự án được duyệt là 970 căn. Trong đó, số căn hộ chung cư cao tầng là 936 căn, gồm 2 tòa CT6A và CT6B; số nhà thấp tầng, biệt thự liền kề là 34 căn. Nhưng chủ đầu tư đã xây dựng 3 tòa CT6A, CT6B, CT6C. Tổng số căn hộ chung cư CT6 được đẩy lên 1.590 căn, tăng 654 căn. Kết luận điều tra của công an có nhắc đến kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2017 về loạt sai phạm xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh. 

Trước đó, ngày 1/3/2017, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, cho thấy dự án chung cư Đại Thanh của Mường Thanh sai phạm nghiêm trọng. Đến ngày 9/5/2017, xuất hiện bài viết trên báo Dân Việt: Tập đoàn Mường Thanh và những sai phạm… dọc chiều dài đất nước.

Ngày 16/8/2017, sai phạm của Mường Thanh được nhắc lại trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH. Nhưng có ai đó đã “tác động” để những sai phạm của Mường Thanh chìm vào im lặng suốt cả năm 2018 và nửa đầu năm 2019.

Đến tháng 7/2019, công an TP Hà Nội khởi tố chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản. Nếu như “lò” của Tổng Trọng thật sự không có “vùng cấm” thì hàng loạt sai phạm xây dựng từ Nam ra Bắc của Tập đoàn Mường Thanh quá đủ để “đại gia điếu cày” phải vướng vòng lao lý. Nhưng ông Thản và các đồng phạm vẫn … thanh thản ở Hà Nội. Vụ khởi tố bị “treo” hơn một năm rưỡi, cho đến bây giờ mới có diễn biến mới. 

Vụ công an TP Hà Nội đề nghị truy tố “đại gia điếu cày” có thể sẽ không gặp suôn sẻ, vì còn phải đợi tín hiệu hồi đáp từ phía VKSND TP Hà Nội. Mường Thanh trước giờ hầu như “bất khả xâm phạm” vì doanh nghiệp “tư bản đỏ” này nhiều người cho rằng nó là “sân sau” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cho nên, sai phạm của Mường Thanh bị Thanh tra Chính phủ vạch trần, có lúc xuất hiện tràn lan trên báo “lề phải”, nhưng Tổng Trọng vẫn che chở cho “đại gia điếu cày”.       

Ảnh chụp 4 câu thơ do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông ngày 30/10/2017. Ảnh: Mường Thanh/ KTĐT

Nhưng kể cả khi VKSND TP Hà Nội không thể đưa ra cáo trạng truy tố ông chủ Mường Thanh, thì diễn biến mới này cho thấy, có thế lực nào đó không muốn để yên cho “sân sau” của Tổng Trọng.

Mời đọc thêm: Trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (TTXVN). – Chính thức miễn nhiệm chức Thủ tướng Chính phủ với ông Nguyễn Xuân Phúc (LĐTĐ). – Chính thức miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị trình miễn nhiệm Chủ tịch nước (VnEconomy). – 40 đại biểu không đồng ý miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (TN). – Ông Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng đến 5/4 (NĐT). – Quốc hội chính thức miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (VOV). – Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng (PNVN). 

 – Đề nghị truy tố Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản (VTC). – Đề nghị truy tố ‘đại gia điếu cày’ chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh (NLĐ). – Chủ tịch Mường Thanh Lê Thanh Thản: Đại gia điếu cày vướng vòng lao lý (DNVN). – Những ai bị đề nghị truy tố cùng “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản liên quan đến dự án CT6 Kiến Hưng? (GDTĐ). – Bị đề nghị truy tố, ông Lê Thanh Thản nói sẽ kiến nghị xem xét lại vấn đề (KTĐT). – Ông Lê Thanh Thản: “Tôi đang làm kiến nghị xem xét lại vụ án” (VOV). – Những dự án tai tiếng của đại gia Lê Thanh Thản (VTC). – Mời đọc lại: Tổng bí thư ‘đề thơ’ tặng khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông (KTĐT). 

Tin môi trường

VietNamNet có bài: Đầm nước màu tím ngắt, kết đắng cho doanh nghiệp xả thải. Sự kiện đầm nước trước cống số 6 ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển màu tím ngắt, bốc mùi hôi thối nồng nặc trong một tuần qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định xử phạt Công ty TNHH Nghê Huỳnh tổng số tiền 372 triệu đồng về 2 hành vi: Xả nước thải vượt thông số kỹ thuật ra môi trường và Tự ý xây lắp hệ thống xả thải. 

Đầm chứa nước trước cống số 6 ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xuất hiện màu tím ngắt, bốc mùi hôi thối những ngày qua. Ảnh: VNN

Báo Thanh Niên có clip: Đầm nước ở Bà Rịa – Vũng Tàu bỗng biến thành màu hồng tím.

Trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin: Chất lượng không khí Hà Nội trong tuần có xu hướng xấu đi. Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, thuộc Sở TN&MT TP Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua, địa bàn TP xuất hiện ít nắng, xung quanh TP bao phủ bởi một lớp sương mù, kèm theo lượng tham gia giao thông khá dày đặc và các công trình đang thi công trên địa bàn TP tại một số tuyến đường khiến chất lượng không khí có xu hướng xấu đi.

Mời đọc thêm: Phát hiện Công ty xả thải trực tiếp ra môi trường (PLVN). – Nước đầm ở Bà Rịa – Vũng Tàu đổi màu hồng bất thường (Zing). – BR-VT: Công ty thủy sản bị phạt nặng vì xả thải không qua xử lý (TTXVN). – Đình chỉ, xử phạt công ty xả nước thải vượt chuẩn 10 lần ra hồ chứa (NLĐ). – Hà Nội: Hàng trăm điểm xả thải có nguy cơ ô nhiễm chưa được cấp phép (KTĐT). 

Cập nhật tin Miến Điện

Vụ đàn áp mới ở Myanmar: Quân đội khống chế, bắt thêm thành viên đảng của bà Suu Kyi, báo Người Lao Động đưa tin. Nguồn tin từ trang The Irrawaddy cho biết, có 9 người đã bị quân đội tìm thấy khi đang ẩn náu tại ngôi làng Ywar Thar Yar, vùng Ayeyarwady. Trong đó có 3 cựu nghị sĩ, 5 thành viên của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) và một cảnh sát. 

Một người ở hiện trường cho biết: “Binh lính và cảnh sát ập đến trong 6 chiếc xe. Họ bắn khoảng 10 phát súng và bắt giữ 3 nghị sĩ cùng những người khác đang trốn trong một trang trại”. Các nghị sĩ bị bắt bao gồm, thành viên Hạ viện U Thein Tun và 2 thành viên QH Miến là U Aung Aung Oo và U Than Htut. Tin cho biết, tất cả 9 người đều bị đưa về giam giữ tại Bộ Tư lệnh Tây Nam của quân đội Miến Điện. 

Sau 2 ngày đàm phán, Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ bạo lực tại Myanmar, theo VOV. Hội đồng Bảo an LHQ đã ra tuyên bố về Miến Điện. Tuyên bố có đoạn: “Các thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình ngày càng xấu đi nhanh chóng, đồng thời lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực nhằm vào những người biểu tình hòa bình và cái chết của hàng trăm dân thường, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Ông Vương Nghị nói chuyện ASEAN không can thiệp nội bộ Myanmar. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Singapore, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị nói: “Trung Quốc hy vọng rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thể đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự ổn định của Myanmar”, đồng thời bày tỏ sự hài lòng của Bắc Kinh về vụ ASEAN “áp dụng chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Myanmar”.

Mời đọc thêm: Chính biến tại Myanmar: Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc lên án bạo lực đối với người biểu tình (KTĐT). – HĐBA LHQ kêu gọi quân đội Myanmar kiềm chế và đối thoại (PLTP). – Nghìn người dân Myanmar vượt biên sang Thái Lan trong một ngày (VNN). – Chính biến Myanmar: Thêm loạt thành viên đảng của bà Suu Kyi bị bắt giữ (VTC). – Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc vi phạm luật bí mật nhà nước (Zing). – Nền kinh tế Myanmar tụt dốc (NN). 

***

Thêm một số tin: Linh Mục Nguyễn Hồng Lĩnh bị báo Hà Tĩnh cáo buộc ‘kích động’ (NV). – Các cơ sở “Phật giáo Nhà nước” ‘hưởng lợi’ khi chính quyền thúc đẩy du lịch tâm linh vì mục đích kinh tế? (RFA). – Đại diện Thương mại Mỹ lên tiếng quan ngại về hoạt động tiền tệ của Việt Nam (VOA). – Nữ nhân viên massage gốc Á: “Làm sao mà không lo sợ được?” (BBC). 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây