Chuyện ông Nên và Quốc hội Việt Nam

Jackhammer Nguyễn

20-3-2021

Ông Nên và đại biểu Quốc hội thành Hồ

Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy thành Hồ không ra tranh cử Quốc hội tới đây, theo truyền thông trong nước đưa tin.

Sự việc gây ra một thoáng ồn ào trên báo chí chính thống lẫn truyền thông không chính thống, vì phàm là bí thư thành ủy thì phải là đại biểu Quốc hội, như “bao đời nay vẫn thế”. Báo Dân Trí trích dẫn một nguồn tin, nói rằng ông Nên muốn tập trung làm việc ở thành Hồ, nên không tham gia Quốc hội.

Ông Huy Đức, một người rất thạo tin chính trường Việt Nam, nói rằng, quyết định của ông Nên là một quyết định cá nhân. Trang Thời Báo bên Đức cũng cho rằng, đây là một quyết định cá nhân, để ông Nên có sức lực tập trung thanh toán thế lực ngầm tại thành phố này của cựu bí thư Lê Thanh Hải.

Tóm lại là cả “hai lề trái, phải” đều cho rằng, chuyện ông Nên không ra tranh cử Quốc hội là quyết định của cá nhân (dĩ nhiên được Đảng duyệt).

Ông Huy Đức thêm một khuyến nghị là, Bộ Chính trị nên hoan nghênh quyết định này vì ở Quốc hội chỉ tốn thì giờ vô ích. Khuyến nghị của ông Huy Đức làm cho người đọc càng cảm thấy là ông Nên “có sáng kiến” trái với thông lệ của Đảng.

Nếu như cả ba nguồn tôi đề cập bên trên là đúng thì hay quá, đảng Cộng sản Việt Nam đã cởi mở hơn với ý kiến cá nhân rồi. Nhưng tôi chưa lạc quan đến mức như vậy, cao nhất là trong một cuộc “hội ý” của Bộ Chính trị (ông Nên đã là ủy viên BCT sau đại hội 13), ông Nên có ý kiến rồi được… “duyệt”, chứ không có chuyện ông ấy “có sáng kiến” rồi “bút phê” vào danh sách ứng cử Quốc hội của thành Hồ, rồi đưa ra công chúng mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng không biết gì.

Làm thế ông Nên bị kỷ luật chứ chẳng chơi. Dĩ nhiên, tôi mong cho tôi sai, vì dù sao chuyện sáng kiến đó, nếu có, cũng là một bước nhỏ nhoi của dân chủ hóa.

Quốc hội cũ bầu Chính phủ mới, Quốc hội mới duyệt Chính phủ vừa mới bầu

Tôi cũng đồng ý là, Quốc hội Việt Nam chỉ là chỗ chơi cho vui, có mấy người Việt Nam nào chú ý, thế cho nên, để cho những người như ông Nguyễn Thiện Nhân vào đó làm là phải đạo, vì ông này ở đâu, làm gì, cũng chả ảnh hưởng tới ai. Nhưng khổ nỗi là cơ cấu Quốc hội lại là nơi mà đảng CSVN quảng cáo cho nền “dân chủ đại nghị” của mình, thành ra bắt buộc phải có, làm thành một hình thức trang trí cho hoạt động đối ngoại vậy.

Nhưng không phải hình thức thì không quan trọng, nó cũng quan trọng như khi ta mặc quần áo ra đường vậy. Quốc hội Việt Nam quan trọng đối với Đảng đến mức mà Đảng bất chấp mọi phi lý, vô bổ để cố gắng duy trì nó, như là câu chuyện tỷ lệ ngoài Đảng chẳng hạn. Một cố gắng rất buồn cười của Đảng về việc duy trì đồ trang trí Quốc hội là câu chuyện bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Số là, đã lỡ mang danh nền dân chủ đại nghị, tức Quốc hội là nơi “bầu” ba vị trí cao cấp đó của nhà nước, chính phủ, vốn chỉ có một đảng nên cả ba vị đều phải là thành viên Quốc hội, vì nếu không thì lấy đâu ra mà bầu?

Thế nhưng việc bầu ba chức danh này sẽ được quốc hội cũ bầu ra, trước khi có quốc hội mới. Lần này, kết quả sẽ được công bố lần lượt vào các ngày 31/3 (Chủ tịch Quốc hội), 2/4 (Chủ tịch nước), và 5/4 (Thủ tướng).

Nhưng mãi đến ngày 23/5 các thành viên Quốc hội, tức là các nghị sĩ “dân bầu”, mới biết được mình có trúng cử hay không. Ngộ nhỡ ba vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng vừa được bầu lại không trúng cử thì sao?

Hỏi thì hỏi cho vui vậy thôi, chứ tôi và mọi người đều biết là cả ba vị ấy đều trúng cử cả.

Trở lại chuyện ông Nên không ứng cử đại biểu Quốc hội. Đồng ý là ông phải bỏ thì giờ cho chuyện quan trọng ở thành Hồ, không có thời gian làm chuyện trang trí, nhưng xin lặp lại là, chuyện trang trí vô cùng quan trọng, cho nên Đảng phải duyệt cái đã. Tôi không tin là ông Nên có sáng kiến “xé rào” như người ta nói.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Vậy là đã rõ. QHVN là nơi tụ tập đàn đúm, “các kỳ họp Quốc hội diễn ra ở Hà Nội thường kéo dài cả tháng, đi lại khó khăn, tốn kém” (nguyễn văn nên)
    Vậy là có cũng được không cũng được, nhưng đất nước “lộ trình” không ưa những gì bên lề trái, nhưng việc ông già Khốt cưa sừng chống gậy lên ngai vương lại được coi là gương sáng.
    Có thể ông Nên thuộc vai tuồng chèo “đốt một người để cứu muôn người chăng?”

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây