Bản tin ngày 18-3-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài: Hoàn Cầu thời báo lại xảo biện về về ‘hung thần’ ở Biển Đông. Bài viết trên Hoàn Cầu thời báo ngày 15/3 với tựa đề: “China’s law enforcement in S.China Sea totally legal” (tạm dịch: Việc thực thi pháp luật của TQ ở Biển Đông hoàn toàn hợp pháp). Bài lên án các nước chỉ trích luật hải cảnh mới của TQ, với các điều luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này dùng vũ lực nhắm vào tàu nước ngoài ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Bài báo dẫn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, trong đó có quy định bảo tồn và quản lý nguồn thủy sản, cho phép “sử dụng vũ lực nhưng không vượt quá mức yêu cầu hợp lý”. Nhưng đây vẫn chỉ là thủ thuật đánh tráo khái niệm, vì “tuyên bố chủ quyền” của TQ ở Biển Đông đã bị Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 bác bỏ.

Diễn biến mới ở Biển Đông: Quan chức Malaysia kêu gọi ASEAN đánh giá lại luật hàng hải để phản ứng với Trung Quốc, theo báo Thế Giới và VN. Hazrine Mohd Taib, quan chức cấp cao của Hải quân Hoàng gia Malaysia, cảnh báo: “Tôi cho rằng, từ quan điểm của Malaysia và các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền, cần đánh giá lại luật hàng hải hiện nay và quy trình vận hành tiêu chuẩn khi hoạt động trong khu vực có sự xuất hiện của hải cảnh Trung Quốc… Biển Đông có thể trở thành khu vực tiềm tàng xung đột. Do vậy, để giải quyết những tình huống như thế, luật mới và quy trình mới, đặc biệt là cho lực lượng hải quân và tuần duyên của Malaysia”.

Trong Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 18, Tư lệnh Quốc phòng các nước ASEAN cam kết duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, báo Người Lao Động đưa tin. Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh cam kết của các nước ASEAN tiếp tục duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tăng cường xây dựng lòng tin, thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế.

Báo Thanh Niên đưa tin: Giới lập pháp Mỹ chuẩn bị gói dự luật đối phó Trung Quốc toàn diện. TNS Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, thông báo, ủy ban này lên kế hoạch công bố gói dự thảo luật có ảnh hưởng sâu rộng và toàn diện, nhằm đối phó sự ảnh hưởng của TQ. Gói dự thảo sẽ tập trung xử lý vấn đề cạnh tranh kinh tế với TQ, vấn đề Tân Cương và Hồng Kông, đồng thời tìm ra biện pháp phản ứng với sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Báo VietNamNet đặt câu hỏi: Mỹ sẽ ‘rắn’ với Trung Quốc tại cuộc đối thoại đầu tiên thời ông Biden? Cuộc gặp song phương sắp diễn ra giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc tại Anchorage, Alaska, sẽ đánh dấu cuộc đối thoại đầu tiên giữa chính quyền của Tổng thống Joe Biden với Bắc Kinh. Ông Blinken dự kiến sẽ đề cập đến các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

VOA dẫn lời chuyên gia: Sự tiếp tục hiện diện của Mỹ ở châu Á có lợi cho Việt Nam. Ông Đỗ Thông Minh từ Tokyo bình luận, sự tiếp tục chính sách của Washington tại khu vực Đông Nam Á, cùng với sự hợp tác với đồng minh Nhật, sẽ có lợi cho VN trong tranh chấp Biển Đông với TQ: “Nhật và Việt Nam có mối quan hệ tương đối tốt vì hai bên cùng có kẻ thù là Trung Cộng đang phát triển, lấn át quyền lợi của Việt Nam và lấn át con đường giao thông huyết mạch ở Biển Đông. Trong trường hợp như vậy Mỹ cũng bị ảnh hưởng”

Mời đọc thêm: Mỹ tung ‘vũ khí tuần duyên’ đối phó Trung Quốc (VNE). – Hải quân Mỹ gia tăng thách thức Trung Quốc ở Biển ĐôngHậu trường chính trị: Anh cấp tập ‘đánh chặn’ Trung Quốc (TN). – Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth – ‘đại sứ quán’ Anh ở AĐD-TBD (PLTP). – Hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm có thể bị chính phủ Úc xét lại (TN). 

Tin chính trường

Sáng nay, tại TP Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức hội nghị Hiệp thương lần hai lập danh sách sơ bộ nhân sự cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, báo Lao Động Thủ Đô đưa tin. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông báo, các công việc đang tiến hành theo đúng quy định, lịch trình đã đề ra. Tổ chức hiệp thương là để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hữu Dũng thông báo, tổng số ĐB của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở TƯ được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV là 207 đại biểu, đến 5h chiều ngày 14/3, con số này rút xuống còn 205 người. Toàn bộ thời gian giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV diễn ra từ ngày 24/2 đến ngày 14/3, trong chưa đầy 3 tuần. 

Đúng như “quy trình” quen thuộc: 205 người ứng cử ĐBQH khóa XV đều được 100% cử tri tín nhiệm giới thiệu, VOV đưa tin. Trong số 205 người được ứng cử ĐBQH, có 204 người được cử tri nơi công tác bày tỏ sự tín nhiệm bằng hình thức biểu quyết giơ tay và một người bằng hình thức bỏ phiếu kín. Luôn là con số 100% tín nhiệm, dù những người được giới thiệu làm “đại biểu của dân” có thể đã thủ sẵn quốc tịch nước khác và gửi tài sản sang nước khác như ông Phạm Phú Quốc hay bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. 

VietNamNet có đồ họa: Quy trình bầu cử 500 đại biểu Quốc hội khóa mới.

Hội nghị Hiệp thương lần 2 giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội khối Chủ tịch nước, báo Người Lao Động đưa tin. Chỉ có 3 người được giới thiệu ứng cử vào khối Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước, gồm ông Lê Khánh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang và ông Nguyễn Xuân Phúc.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Ông Phạm Minh Chính ứng cử đại biểu Quốc hội ở khối Chính phủ. Khối Chính phủ, Cơ quan thuộc Chính phủ, bao gồm cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được giới thiệu 15 ĐB. Phía Ủy ban TƯ MTTQ VN không nói rõ ông Chính sẽ được ngồi vào vị trí nào trong Chính phủ, nhưng cách đưa tin của báo “lề đảng” cho thấy cái ghế Thủ tướng khóa 13 chắc chắn sẽ thuộc về người mang tai tiếng “thân TQ”.

VTC có clip: Ông Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử Quốc hội ở khối Chính phủ.

Vị trí còn lại trong “tứ trụ”: Ông Vương Đình Huệ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở khối Quốc hội, VTC đưa tin. Các báo “lề đảng” nói rất nhiều về vụ giới thiệu ứng cử của ông Phúc và ông Chính, nhưng ít báo đưa tên ông Huệ lên tựa đề, vì cái ghế Chủ tịch QH là vị trí vô thưởng vô phạt nhất trong “tứ trụ”. Danh sách “tứ trụ” khóa 13 đã được Tiếng Dân dự đoán từ trước khi Đại hội 13 diễn ra gần 2 tuần.   

Mời đọc thêm: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc ứng cử ĐBQH khối Chủ tịch nước; đồng chí Phạm Minh Chính ứng cử khối Chính phủ (SGGP). – Giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội ở khối Chủ tịch nước (VnEconomy). Ông Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử Quốc hội ở khối Chính phủ (Zing). – Lập danh sách sơ bộ 205 người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV ở các cơ quan Trung ương (KTĐT). – Trung ương ‘nhường’ hai suất ĐBQH cho ngành y tế của Hà Nội, TP.HCM (VNN). – Thành ủy Hà Nội thông qua 10 chương trình công tác lớn (ĐĐK). 

Tin “đốt lò”

Sáng nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng họp phòng, chống tham nhũng, VTC đưa tin. Cuộc họp diễn ra ở Trụ sở Trung ương Đảng do Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, tổ chức để bàn về một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay. Một số vụ đã thành “củi”, nhưng vẫn chưa “đốt” được, như các vụ sai phạm của Tất Thành Cang.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo cuộc họp sáng nay của Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN/VTC

Trong cuộc họp, Tổng Trọng hối thúc, sớm đưa ra xét xử vụ án Nhật Cường, Sabeco, Gang Thép Thái Nguyên, theo báo Thanh Niên. Ông Trọng kêu gọi cơ quan “đốt lò” nhanh chóng điều tra, truy tố một số vụ án trọng điểm, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Vụ án sai phạm đầu tư và thất thoát tài sản nhà nước tại dự án Công ty Gang thép Thái Nguyên, vụ án buôn lậu và vi phạm kế toán xảy ra tại Công ty Nhật Cường.

Tổng Trọng cũng lưu ý vụ án sai phạm đầu tư tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, vụ án tham ô và gây thất thoát tài sản nhà nước ở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) và vụ án thiếu trách nhiệm ở Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.

Đây là các vụ án mà cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam một số cá nhân có liên quan, nhưng chưa đưa ra xử được. Riêng vụ gang thép Thái Nguyên đã đưa một số quan chức ngành thép VN vào “lò” nhưng nhân vật chính là Hoàng Trung Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, vẫn chưa hề hấn gì.

Tổng Trọng cũng yêu cầu đưa vụ án tại Công ty Tân Thuận vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Trọng muốn đưa 4 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, gồm vụ sai phạm liên quan đến một số dự án tại tỉnh Khánh Hòa, Công ty Tân Thuận (IPC) và Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), Công ty Đầu tư và xây dựng Tân Thuận và vụ án đưa và nhận hối lộ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, TP khác ở miền Nam. 

Chuyện ông Trọng “đăng đàn” hối thúc các vụ “đốt lò” thì không có gì lạ, điều lạ là tiến độ “đốt lò” có dấu hiệu chậm tiến độ. Trước đó, trong phiên họp thứ 17 của Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng vào ngày 26/5/2020, ông Trọng cũng kêu gọi sớm kết thúc điều tra, xử nghiêm các vụ án lớn như vụ buôn lậu và rửa tiền ở Công ty Nhật Cường, vụ sai phạm ở dự án gang thép Thái Nguyên, vụ vi phạm ở cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi, vụ sai phạm ở SAGRI…

Đến phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo sáng 25/7/2020, Tổng Trọng lặp lại những thông điệp hầu như giống hệt trong phiên họp thứ 17, vẫn là mấy lời hối thúc sớm hoàn thành xét xử sơ thẩm các vụ đại án SAGRI, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Gang thép Thái Nguyên… ngay trong năm 2020. Kết quả: Giờ đã quá nửa tháng 3/2021, vẫn chưa có thông tin gì về chuyện đưa ra xét xử các bị cáo trong những vụ trọng án này. 

Nghĩa là, cùng một thông điệp đó, Tổng Trọng đã phải lặp đi lặp lại từ ngày 26/5 tới nay, suốt gần 10 tháng trời. Trừ vụ sai phạm Ethanol Phú Thọ vừa được xử xong, các vụ đại án còn lại đều diễn ra rất chậm, riêng vụ gang thép Thái Nguyên dậm chân tại chỗ. Vụ Ethanol Phú Thọ, Tổng Trọng yêu cầu kết thúc trong năm 2020, nhưng tới ngày 16/3/2021 mới tuyên án được. Trong khi thời gian và sức khỏe có thể không cho phép ông Trọng thực hiện chiến dịch “đốt lò” hết nhiệm kỳ. 

Mời đọc thêm: 5 đại án được yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm (VNE). – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế (TQ). – Bổ sung một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo trung ương chống tham nhũng chỉ đạo (TT). – Bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo (HNM). – Tổng Bí thư: Chống tham nhũng vẫn diễn ra bình thường, không có ‘chợ chiều’ (VTC). Mời đọc lại: Tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh 5 ‘đại án’ (NLĐ). – Viện KSNDTC: Giải quyết vụ Nhật Cường, Sagri trong năm 2020 (CafeF). 

Cập nhật tình hình Miến Điện

Tòa án Myanmar phát lệnh bắt Đại sứ tại Liên hợp quốc, VTC đưa tin. Đại sứ Kyaw Moe Tun, là người được chính quyền dân sự Miến Điện bổ nhiệm làm đại sứ tại LHQ trước khi diễn ra cuộc đảo chính, đã bị chính quyền quân phiệt Miến Điện buộc tội “phản quốc”. Trước đó, vào ngày 26/2/2021, tại trụ sở LHQ, ông Kyaw Moe Tun đã lên án cuộc đảo chính và kêu gọi “cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ” để khôi phục nền dân chủ ở Miến Điện.

Đại sứ Kyaw Moe Tun được chính quyền dân sự Miến Điện bổ nhiệm tại LHQ. Ảnh: CNN/VTC

Một diễn biến liên quan, ông Mahn Win Khaing Than, lãnh đạo dân sự của chính phủ Miến Điện, hiện đang lẩn trốn, cũng bị buộc tội phản quốc. Ngày 13/3, ông Mahn Win Khaing Than kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình và có quyền tự vệ trước quân đội. Ông đã được Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) bổ nhiệm nắm quyền Phó Tổng thống, thay mặt cho Tổng thống và cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đang bị chính quyền quân phiệt bắt giữ.

Hành động mới của chính quyền quân phiệt Miến Điện: Thêm một cáo buộc tham nhũng nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, RFI đưa tin. Đài truyền hình quốc gia Miến Điện MRTV tiết lộ một đoạn video, ghi lại “lời khai” của một “doanh nhân bất động sản”. Người này nói rằng đã hối lộ cho bà Aung San Suu Kyi khoảng 550.000 Mỹ kim giai đoạn 2018 – 2020: “Theo lời khai này, chính quyền Miến Điện đã phát hiện ra việc bà Aung San Suu Kyi đã phạm tội tham nhũng và chuẩn bị truy tố bà”.

Bà Aung San Suu Kyi bị bắt giam trong cuộc đảo chính ngày 1/2 và trước đó đã bị buộc 4 tội: Nhập khẩu trái phép máy bộ đàm, không tuân thủ các hạn chế về Covid-19, vi phạm luật viễn thông và kích động bạo loạn. Nếu bị kết tội từ các cáo buộc này, cộng thêm cáo buộc tham nhũng, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải đối mặt án tù nhiều năm và có thể “bị loại khỏi đời sống chính trị”.

Mời đọc thêm: Tình hình Myanmar: Chính quyền quân sự thêm cáo buộc mới với Bà Aung San Suu Kyi (TG&VN). – Bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc nhận hối lộ hơn nửa triệu USD (VTC). – Bà Aung San Suu Kyi đối mặt cáo buộc mới với án phạt 15 năm tù (TĐ). – Bà Suu Kyi bị cáo buộc tham nhũng, đối mặt 15 năm tù (Zing). – Myanmar dọa chuyển toàn bộ tiền gửi từ ngân hàng tư nhân sang ngân hàng quân đội (VNF). – Myanmar: Đứt ruột 6 giờ chạy tìm bệnh viện cứu con gái bị bắn (PLTP). 

***

Thêm một số tin: Việt Nam đòi ‘giấy chứng nhận Phật tử’ nếu ghi tôn giáo là Phật Giáo (NV). – Nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu sẽ ra tòa vào ngày 22-3 với cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước” (RFA). – Anh, Đức truy quét đường dây buôn người do người Việt cầm đầu (VOA). – Nạn buôn người của người Việt lại ầm ĩ trên truyền thông Đức (BBC).

Duy Ngô Nhĩ : Liên Hiệp Châu Âu sẽ trừng phạt Trung QuốcSau cải cách, bầu cử ở Hồng Kông “giống như bầu cử cấp thôn” ở Hoa lục (RFI). – Cảnh sát San Francisco tăng cường tuần tra sau loạt vụ tấn công người Mỹ gốc Á (Tin Tức). – Tổng thống Mỹ Biden lên án nguyên thủ Nga Putin là “kẻ sát nhân”  — Khủng hoảng ngoại giao Nga – Mỹ đầu tiên hay đòn hù dọa dưới chính quyền Biden? (RFI).

Bình Luận từ Facebook