Bản tin ngày 15-3-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: ‘Bộ tứ kim cương’ và kế hoạch đối phó Trung Quốc toàn diện. Nhóm 4 nước gồm Mỹ, Nhật, Ấn và Úc thống nhất sẽ giải quyết các vấn đề ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhóm “Bộ Tứ” ưu tiên giải quyết vấn đề tại hai khu vực này dựa vào Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và sẽ tạo điều kiện để các bên tranh chấp hợp tác, đối thoại hướng tới giải pháp chung, bảo vệ trật tự an ninh hàng hải. 

Liên quan đến kế hoạch răn đe TQ, nội các của ông Joe Biden chọn thăm châu Á đầu tiên, theo báo Người Lao Động. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lên kế hoạch thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong 4 ngày, bắt đầu từ ngày 15/3. Theo hãng AP, đây là một phần trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng và trấn an đồng minh về vai trò của Mỹ ở châu Á. Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin dự kiến tham gia các cuộc gặp trực tuyến, tập trung thảo luận về mối đe dọa gia tăng từ TQ.

Báo Yomiuri ở Nhật Bản cho biết, trong cuộc gặp 2+2 sắp tới tại thủ đô Tokyo vào ngày mai 16/3, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cùng Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin sẽ chỉ trích TQ vì “nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông và biển Hoa Đông”.

Báo Thanh Niên có bài: Mỹ kêu gọi các đồng minh chung sức chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Trước chuyến công du châu Á, Bộ trưởng Austin và Ngoại trưởng Blinken ra thông báo: “Cùng nhau, chúng ta sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì hành vi vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương và Tây Tạng, làm xói mòn quyền tự chủ ở Hồng Kông, Đài Loan hoặc nỗ lực củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông vốn vi phạm luật pháp quốc tế. Nếu chúng ta không dẫn đầu và không hành động dứt khoát thì Bắc Kinh sẽ làm điều đó”

VnExpress đưa tin: Trung Quốc có thể đang đóng tàu sân bay hạt nhân. Nguồn tin thân cận với quân đội TQ tiết lộ, tàu sân bay thứ 4 của nước này có thể sử dụng năng lượng hạt nhân. Sau 2 năm trì hoãn vì các vấn đề kỹ thuật, quá trình đóng tàu sân bay này sẽ được khởi động lại từ đầu năm 2021.

Mời đọc thêm: Vì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở (HNM). – Trọng tâm chuyến thăm châu Á của hai bộ trưởng Mỹ (Tin Tức). – Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ: Đẩy mạnh hợp tác quân sự với châu Á là công cụ răn đe Trung Quốc (RFI). – Chính quyền Biden tìm cách “phủ sóng” châu Á, tạo mặt trận thống nhất đối phó Trung Quốc (VOV). – Quân đội Mỹ muốn sở hữu thêm UAV trinh sát trên bầu trời Thái Bình Dương (DNVN). – Nhật Bản – “Chiếc mỏ neo” tiềm năng của Bộ tứ (TG&VN). – Thủ tướng Singapore nói nhiều quyết định của Trung Quốc khiến thế giới lo lắng (TP). – Tổ chức diễn tập trái phép quy mô lớn khiến Trung Quốc “lộ bài”? (KT).

Tưởng niệm 33 năm thảm sát Gạc Ma

VOA có bài: Báo chí nhà nước đăng nhiều bài tưởng nhớ trận Gạc Ma, gây ngạc nhiên. Tác giả nhận định, nhiều báo “lề đảng” dẫn lời người trong cuộc, kể lại khá chi tiết sự kiện lính TQ thảm sát lính VN, cho thấy cái nhìn cởi mở, thẳng thắn hơn về quá khứ, so với các dịp tưởng niệm sự kiện Gạc Ma trước đó. Nhưng các nhóm hoạt động khi đi thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma vẫn bị làm khó dễ. 

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng suy đoán: “Tôi không nghĩ vấn đề là như vậy. Có lẽ do có vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc chứ một ông tướng không quyết định được. Thường là họ phải họp bàn khá kỹ trong Bộ Chính trị. Trước đây, hai đảng cộng sản đã thỏa thuận không nhắc đến quá khứ. Cho nên, tôi nghĩ rằng diễn biến trên báo chí vừa qua là do có vấn đề trong quan hệ hai đảng”.

Dịp tưởng niệm sự kiện Gạc Ma, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi Nghệ An, tưởng niệm các liệt sĩ thời đánh Mỹ. Jackhammer Nguyễn, một cộng tác viên của Tiếng Dân, có bài: Ông Phúc làm gì ở Truông Bồn vào ngày 64 chiến sĩ nằm xuống ở Gạc Ma? Ông Phúc cùng đoàn tùy tùng của ông ta đi thắp hương, tưởng niệm các liệt sĩ chống Mỹ, những người đã chết trên “Cung đường máu lửa”, ở Truông Bồn, tỉnh Nghệ An, trong khi đang chuyển vũ khí vào đánh phá miền Nam.

Mời đọc thêm: Dâng hương tri ân, tưởng nhớ 64 liệt sĩ Gạc Ma (NLĐ). – Xúc động lễ giỗ chung của 64 liệt sĩ Gạc Ma (LSTV). – Gạc Ma – Khúc tráng ca bất tử (KRT). – Bức di ảnh cuối cùng trên bức tường đá tưởng niệm Gạc Ma (PLVN). – Gặp gỡ sau 33 năm sự kiện Gạc Ma: Bệnh xá tiền phương (TN). – Sự kiện Gạc Ma (Trường Sa), 33 năm: Nặng gánh mưu sinh (TP). – CSVN cho hội đoàn quốc doanh ‘độc quyền’ tưởng niệm Gạc Ma (NV). – Gạc Ma: Trung Quốc xâm lược và thảm sát không phải chỉ là một ngày 14/3/1988 (RFA).

Tin chính trường

Tại phiên họp thứ 54 diễn ra sáng nay, Ủy ban Thường vụ QH thông báo, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp thứ 11 của QH khóa 14 dự kiến khai mạc vào sáng 24/3 và bế mạc ngày 8/4/2021, QH sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự, kiện toàn một số chức danh Nhà nước. 

Liên quan đến kế hoạch phê chuẩn 3 chức danh còn lại trong “tứ trụ”, QH sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 1 và 2/4, theo báo Thanh Niên. Nội dung show diễn là, QH sẽ bỏ phiếu kín, miễn nhiệm Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân vào ngày 30/3 và bầu ra Chủ tịch Quốc hội mới vào ngày 31/3. Đến sáng 1/4, QH tiếp tục bỏ phiếu kín để bầu một số phó chủ tịch QH.

Trong buổi chiều 1/4, QH sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sáng 2/4, QH sẽ bầu Chủ tịch nước mới cũng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ ngay khi có kết quả kiểm phiếu. Đến chiều 2/4, QH sẽ bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bầu Thủ tướng mới. Thủ tướng Chính phủ mới sẽ được bầu sáng 5/4, nhưng người dân từ lâu đã biết ai là Thủ tướng rồi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính tại Đại hội 13. QH sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng Phúc vào chiều 2/4, dự kiến người kế nhiệm ông Phúc sẽ là ông Chính. Ảnh: Gia Hân/TN

Lời tuyên truyền vô nghĩa: Quốc hội vì dân, lắng nghe Nhân dân cho đến phiên họp cuối cùng, VTC dẫn lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà Ngân nói về 2 báo cáo trước kỳ họp cuối cùng của QH khóa 14: “Hai báo cáo này sẽ được báo cáo, trực tiếp phát thanh truyền hình tại phiên khai mạc Quốc hội tới đây như thường lệ. Điều này sẽ thể hiện Quốc hội vì dân, hoạt động, lắng nghe Nhân dân cho đến phiên họp cuối cùng”.

Mời đọc thêm: Hình ảnh khai mạc Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TTXVN). – Dự kiến ngày 5/4, Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ (GT). – Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng tại kỳ họp 11 (VnEconomy). – Quốc hội dự kiến bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng vào đầu tháng 4 (TĐ).Ủy ban TVQH: Bầu, miễn nhiệm và phê chuẩn nhân sự đảm bảo đúng Hiến pháp (VOV). – Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tồn tại hay không tồn tại? (RFA). 

Tin đại án 

Sau một tuần xét xử vụ Ethanol Phú Thọ, chiều nay, TAND TP Hà Nội tuyên án: Ông Đinh La Thăng lãnh 11 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 18 năm tù, báo Tuổi Trẻ đưa tin. HĐXX giữ nguyên quan điểm buộc tội, cho rằng bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong vụ sai phạm, nên tuyên phạt mức án cao nhất là 11 năm tù, trong nhóm bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh vốn đã nhận án chung thân, nên bây giờ có thêm bao nhiêu năm tù cũng không thay đổi gì. 

Zing có đồ họa: Mức án của ông Đinh La Thăng và các bị cáo vụ Ethanol Phú Thọ

  ***

TAND TP HCM bắt đầu xét xử cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, VOV đưa tin. Ông Nguyễn Thành Tài và nữ “đại gia” Dương Thị Bạch Diệp, cùng 8 đồng phạm bị xét xử trong vụ sai phạm hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng, lấy mặt bằng số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỉ đồng. Ông Tài và nhóm cựu cán bộ thành Hồ bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, còn bà Diệp bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Bị cáo Nguyễn Thành Tài được lực lượng chức năng dẫn giải vào phòng xử án. Ảnh: VOV

Kết thúc phần thủ tục thẩm tra lý lịch, đại gia Diệp Bạch Dương bất ngờ đề nghị thay kiểm sát viên vì sợ tư thù, VietNamNet đưa tin. Bà Diệp muốn thay đổi nữ kiểm sát viên giữ quyền công tố với lý do: “Bà Trịnh Thị Lan Anh là cháu của người đã làm giả hồ sơ, giấy tờ để đưa tôi vào tù”. Còn LS Trương Trọng Nghĩa đề nghị triệu tập ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Yêu cầu của bà Diệp bị từ chối vì không đúng quy định pháp luật, đề nghị của LS Nghĩa bị từ chối vì HĐXX cho rằng đã có đủ tài liệu, chứng cứ cần thiết.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp, GĐ Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương. Ảnh: VNN

Zing có đồ họa: Những ai hầu tòa cùng bà Dương Thị Bạch Diệp?

Bà Diệp là người được xét hỏi đầu tiên, nữ đại gia nói các thuộc cấp ông Nguyễn Thành Tài bị oan, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Trả lời HĐXX, bà Diệp phản bác cáo trạng của VKS. Bà cho rằng các thuộc cấp của ông Tài phải hầu tòa trong vụ này đều bị oan, có một số người bà không hề quen. Khi hỏi về vụ thế chấp tài sản 57 Cao Thắng cho ngân hàng vay tiền, bà Diệp nói: “Tôi chưa bao giờ thế chấp nhà này, hợp đồng công chứng thế chấp nhà đất này là giả, trên hệ thống của phòng công chứng không có hợp đồng này”.

Trước cáo buộc cho rằng bà Diệp đã đem tài sản nhà nước đi thế chấp, bà phản biện: “Không bao giờ có chuyện hồ sơ thế chấp được gửi đi bằng đường bưu điện. Năm 2008 là năm đầu tiên của thập kỷ công nghệ thông tin”. Chủ tọa hỏi lại: “Tại sao giấy chứng nhận 57 Cao Thắng ngân hàng lại giữ”, bà Diệp đáp: “Tôi đã bị họ gài vào đây là lừa tôi. Tôi đâu thế chấp, chỉ cấp đổi chủ quyền”.

Báo Người Lao Động có bài: Lời khai của nữ đại gia và ông Nguyễn Thành Tài ở tòa. Bà Diệp một mực cho rằng bà không sai. Còn ông Tài nói, cáo trạng truy tố đúng nhưng có một số nội dung chưa rõ. Trước lúc ông Tài về hưu, khu nhà đất 185 Hai Bà Trưng vẫn là tài sản nhà nước, ông kể rằng đã rất nỗ lực làm việc nhằm tránh sai sót trong quá trình hoán đổi đất, nhưng vì tin tưởng cấp dưới nên ông đã không trực tiếp thẩm định tình trạng pháp lý tài sản ở số 57 Cao Thắng.

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Vì sao nguyên Chủ tịch TP HCM Lê Hoàng Quân thoát trách nhiệm hình sự? Ông Lê Hoàng Quân từng là người đứng đầu, Trưởng Ban chỉ đạo 09 đã chấp thuận về chủ trương hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng, còn ông Tài được ông Quân giao thực hiện việc hoán đổi.

Nhưng ông Tài phải “vào lò”, còn ông Quân thoát trách nhiệm hình sự, chỉ bị cảnh cáo vào cuối tháng 3/2020, cùng thời điểm ông Lê Thanh Hải bị mất chức cựu Bí thư thành Hồ. Có ý kiến cho rằng, các ông Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua là nhóm “củi gộc” ở thành Hồ, nếu cứ tùy tiện mang đi “đốt” sẽ gây hại cho chính “cái lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Mời đọc thêm: Tuyên án các bị cáo trong vụ án tại Ethanol Phú Thọ (Tin Tức). – Ông Đinh La Thăng bị tuyên 11 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 18 năm tù (VTC). – Bị cáo Đinh La Thăng lãnh 11 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 18 năm tù vụ Ethanol Phú Thọ (VOV). – Ông Đinh La Thăng phải bồi thường thêm 200 tỷ đồng (TP). – Số phận biệt thự ở Tam Đảo của Trịnh Xuân Thanh được định đoạt (VNN). 

 – Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài hầu tòa trong vụ án thứ 2 (ĐT). – Xét xử ông Nguyễn Thành Tài gây thất thoát 186 tỷ đồng (VNN). – Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài cùng 8 cán bộ Nhà nước hầu tòa (NĐT). – Luật sư đề nghị triệu tập nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đến tòa (SGGP). – Triệu tập 21 cán bộ sở ngành tham gia phiên xét xử ông Nguyễn Thành Tài và bà Dương Thị Bạch Diệp (DNVN).

 – Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp “đòi” xưng tôi trước tòa và đổi kiểm sát viên (GT).  – Video: Bác đề nghị thay kiểm sát viên của đại gia Bạch Diệp (PLTP). – Vụ án Dương Thị Bạch Diệp lừa đảo: Nhiều cán bộ các sở, ngành có liên quan (KTĐT). – Triệu tập nhiều sở, ngành đến phiên xử ông Nguyễn Thành Tài (Zing). – Toàn cảnh phiên tòa xét xử ông Nguyễn Thành Tài và nữ đại gia ngày đầu tiên (NLĐ). – Hình ảnh phiên tòa xét xử đại gia Bạch Diệp và ông Nguyễn Thành Tài tại TAND TP HCM (TP).  

Thêm nhiều người biểu tình bị bắn chết ở Miến Điện

Khái niệm “ngày đẫm máu nhất” ở Miến Điện lại bị thay đổi. Chủ Nhật 14/3 đã trở thành ngày bi thảm nhất trong loạt sự kiện biểu tình phản đối đảo chính ở Miến Điện, với gần 60 người chết trong một ngày biểu tình ở Yangon, VnExpress đưa tin. Trang Malaysia Now dẫn dữ liệu từ 3 BV Yangon General, Hlaing Tharyar và Thingangyun Sanpya cho thấy, ít nhất 59 người chết và 129 người bị thương, chỉ riêng tại TP Yangon, khi lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình. 

Người thân khóc bên thi thể người biểu tình ở TP Mandalay, Myanmar hôm 14/3. Ảnh: AFP/VNE

Còn theo các BS và nhân viên cứu hộ ở hiện trường, con số thực tế cao hơn nhiều. Một người biểu tình 18 tuổi ở khu vực Myingyan cho biết: “Họ bắn vào chúng tôi… Một cô gái bị bắn vào đầu và một cậu bé bị bắn vào mặt. Tôi nghe nói họ đã chết”.  

Thông tin liên quan đến “ngày đẫm máu nhất” trong các vụ tàn sát người biểu tình sau chính biến tại Myanmar: 39 người thiệt mạng, nhiều nhà máy của Trung Quốc bị đốt phá, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Theo đó, 22 người biểu tình đã thiệt mạng ở vùng ngoại ô Hlaingthaya của TP Yangon sau khi các nhà máy của TQ tại khu vực này bị phóng hỏa. Bên cạnh đó, 16 người biểu tình khác và một nhân viên an ninh thiệt mạng ở nhiều nơi trên đất nước Miến Điện. 

Tin của VnExpress chỉ tập trung vào số người biểu tình bị thảm sát ở TP Yangon hôm qua, còn tin của Kinh Tế Đô Thị lưu ý rằng, còn có 16 người biểu tình và một nhân viên an ninh thiệt mạng ở các khu vực bên ngoài TP Yangon. Nghĩa là, có ít nhất 77 người thiệt mạng, gồm 76 người biểu tình và một nhân viên an ninh, trong các cuộc xả súng đàn áp của chính quyền quân phiệt hôm qua. 

Lời kể của người trong cuộc về ngày đẫm máu ở Myanmar: Ít nhất 39 người thiệt mạng, nhiều nhà máy Trung Quốc bị đốt, theo báo Pháp Luật TP HCM. Nguồn tin địa phương cho biết, sau khi khói bốc lên cao từ Khu công nghiệp Hlaingthaya, lực lượng an ninh đã nổ súng vào người biểu tình ở khu vực này, nơi vốn là nhà của nhiều người di cư từ khắp nơi trên cả nước Miến Điện. Nguồn tin cho biết: “Thật kinh khủng. Mọi người bị bắn ngay trước mắt tôi. Điều đó sẽ không bao giờ có thể xóa nhòa trong ký ức tôi”.

Người biểu tình trên đường phố ở TP Yangon, Miến Điện. Ảnh: Reuters/PLVN

Đài truyền hình Myawaddy thông báo, lực lượng an ninh đã hành động sau khi 4 nhà máy may mặc và một nhà máy phân bón bị đốt cháy và khoảng 2.000 người cản trở không cho xe cứu hỏa tiếp cận các nhà máy này, chưa rõ đó có thật là người biểu tình hay là “quân xanh” của chính quyền quân phiệt Miến Điện. Hãng tin AP cho biết, đến nay đã có 126 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính tại Miến Điện.

Trước đó, “ngày đẫm máu nhất” ở Miến Điện là ngày 3/3/2021, khi LHQ nói ‘ngày đẫm máu nhất’ với 38 người chết. Ngày 3/3 cũng là ngày cô Ma Kyal Sin, biệt danh Angel, bị lực lượng an ninh Miến Điện bắn chết, dấy lên một làn sóng phẫn nộ ở quy mô quốc tế nhắm vào chính quyền quân phiệt Miến Điện.

Trước đó nữa, “ngày đẫm máu nhất” là ngày 28/2 với 18 người biểu tình bị quân đội và cảnh sát Miến Điện sát hại. Như vậy, từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3/2021, chỉ trong vòng 15 ngày, khái niệm “ngày đẫm máu nhất” đã 3 lần bị thay đổi, đánh dấu 3 lần thảm sát khốc liệt ở Miến Điện được quốc tế ghi nhận. 

VOA đưa tin: Myanmar áp đặt thiết quân luật sau khi các nhà máy Trung Quốc bị phá hoại. Nguồn tin từ các hãng AP, Reuters và Bloomberg cho biết, chính quyền quân phiệt Miến Điện đã mở rộng “thiết quân luật hoàn toàn” trong các khu vực khác ở TP Yangon sau một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào cuối tuần qua khiến nhiều người thiệt mạng. Hội đồng Hành chính Nhà nước quân phiệt “tăng cường an ninh, khôi phục luật pháp và trật tự”, còn Tư lệnh khu vực Yangon được giao thêm quyền hành chính, tư pháp và quân sự trong khu vực do ông này chỉ huy.

Biểu tình ở TP Mandalay, Miến Điện, hôm nay 15/3/2021. Ảnh: AP/VOA

Mời đọc thêm: Toàn cảnh ngày biểu tình đẫm máu nhất hậu đảo chính Myanmar (TP). – 39 người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar, các nhà máy của Trung Quốc bị phóng hỏa (Tin Tức). – Miến Điện: Thiết quân luật chung quanh Rangoon sau một ngày đàn áp đẫm máu —  Miến Điện : « Quốc Hội ngầm » kêu gọi người dân can đảm tiếp tục chống đảo chính (RFI). – Tình hình ở Myanmar: Những ngày đen tối chưa qua (KTĐT).

Miến Điện: Trung Quốc trở thành đối tượng bị người biểu tình tấn công (RFI). – Nóng: hơn 20 nhà máy, công ty Trung Quốc ở Myanmar bị tấn công, đốt phá (VietTimes). – Trung Quốc thiệt hại gần 37 triệu USD trong vụ đốt phá nhà xưởng tại Myanmar (VOV). – Myanmar: Quân đội thiết quân luật, nhà máy do Trung Quốc đầu tư bị đốt (VTC). – Những hình xăm đặc biệt trong các cuộc biểu tình ở Myanmar (NLĐ).

***

Thêm một số tin: Thành viên nhóm Hiến Pháp Đoàn Thị Hồng mãn án tù (RFA). – Người đầu tiên sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vaccine Covid-19 (VNE). – Chuyện gì đang xảy ra với điện mặt trời? (NLĐ). – Cuba: Đảng Cộng sản tiến hành chiến tranh trên mạng chống tư tưởng lật đổ chế độ (RFI). – Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ quảng bá lợi ích của kế hoạch cứu trợ COVID-19 (VOA). – AARP lên án tình trạng thù ghét chủng tộc nhắm vào cộng đồng gốc Á (NV).  – Mỹ: Tệ [nạn] kỳ thị cộng đồng người gốc Á lây lan cùng Covid-19 (RFI).

Bình Luận từ Facebook