9-3-2021
Bài 3: Giáo dục hay cái chợ xổm?
Định dừng lại chủ đề này, chỉ vì lý do tôi viết vì quyền lợi của giáo viên phổ thông, nhưng đa số giáo viên phổ thông dù thích nhưng không dám like, không dám chia sẻ. Hàng triệu giáo viên vẫn phải lo đi học bồi dưỡng, đến mức nhiều người chỉ còn một vài năm nữa nghỉ hưu vẫn phải nộp tiền đi học vì sợ mất việc, mất… lương hưu.
Quyền lợi của họ mà họ không thiết thì tôi gào thét để làm gì?
Nhưng tôi nghĩ lại, rằng đã nói rồi thì nói cho trót để lương tâm không cắn rứt. Ít nhất xã hội nhìn thấy sự thực và lãnh đạo thấy hết “tính ưu việt” của nền giáo dục mà họ luôn miệng tự hào.
Bài này đặt vấn đề giáo dục hay là cái chợ xổm?
Chợ xổm là cách nói mỉa mai về những cái chợ tự phát do những người bán rau, bán thịt, bán cá, bán hàng vặt tụ họp ở hè phố, kể cả ở ngay giữa đường phố. Họ ngồi nhấp nhổm để tiện việc di động nếu bị giải tán. Chữ “xổm” dễ liên tưởng đến tư thế ngồi mà ngày xưa gọi là mất nết.
Nhưng ít ra chợ xổm giúp ích cho dân nghèo cả bán hàng lẫn mua hàng. Đó là lý do ông Đoàn Ngọc Hải thất bại khi đòi giải tán các chợ xổm. Trong khi ngành giáo dục, những nhà quản lý, các giáo sư tiến sỹ không nghèo mà vẫn duy trì cái chợ xổm để… vét túi đồng nghiệp nghèo hèn đáng thương của mình.
Bắt đầu từ chủ trương của Bộ. Ban đầu được biết Bộ chỉ cho phép khoảng hơn 10 trường đại học và cao đẳng sư phạm tham gia mở lớp. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, số lượng tăng lên vài mươi rồi bây giờ là 49 trường, trong đó rất nhiều trường không phải là trường sư phạm. Lý do có lẽ… chỉ có Bộ biết.
Không có một quy định cụ thể nào về các cơ sở hợp tác tuyển sinh, mở lớp, cho nên bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể chào hàng, gom hồ sơ, mở lớp. Đã có trường hợp một cơ sở bán xăng dầu cũng gom hồ sơ, thuê địa điểm và mở lớp rồi hợp tác với nhà trường cho giảng viên đến dạy. Dở khóc dở cười là giảng viên dạy xong, người đó đến đưa cho một phong bì thanh toán công tác phí mà không cần bất cứ chứng từ nào!
Tôi từng thét lên giữa cuộc họp rút kinh nghiệm, rằng làm ăn như thế thì bà bán rau cũng mở lớp được, và coi chừng số tiền họ thu từ người học sẽ không cánh mà bay! Và xem chừng lại có thể xuất hiện “cò giáo dục” như đã từng xuất hiện trong việc gom hồ sơ thi chứng chỉ ngoại ngữ với đủ trò gian lận mà tôi từng thanh tra khi còn làm thanh tra!
Có lẽ vì cái gọi là “học giá”, nên Bộ cũng không có một quy định cụ thể nào về giá học phí. Vì ban đầu giới hạn chỉ có hơn 10 trường sư phạm, lại vì thông tư bắt buộc, cho nên học giá có tính độc quyền cho một chương trình là hơn 7 triệu/học viên. Sự chia chác giữa trường đại học với cơ sở tuyển sinh tuỳ theo mặc cả giữa đôi bên, hoặc tỷ lệ 40/60 hoặc 50/50. Có nơi còn đòi làm hai hợp đồng với tỷ lệ khác nhau, một để báo cáo kho bạc và một để… làm gì tôi không biết.
Tại trường tôi, người đi chào hàng, thương lượng giá cả không ai khác là giao cho Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục. Tôi từng phát biểu giữa Hội nghị Công chức – Viên chức, rằng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục sinh ra là để nghiên cứu khoa học chứ suốt cả nhiệm kỳ không làm gì ngoài chạy đôn chạy đáo chào hàng, làm giá dịch vụ chộp giật như mấy bà ở chợ xổm thì coi được sao?
Chỉ chạy đôn chạy đáo chào hàng, thách giá chộp giật thì hãy mời chị bán hàng ở chợ xổm hay mấy bà buôn chuyến lên làm Viện trưởng chứ bổ nhiệm Phó giáo sư – Tiến sỹ vào ghế đó làm gì cho tốn kém?
Từ khi Bộ cho phép 49 trường đại học và cao đẳng trên cả nước tham gia các chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thì giá học phí giảm xuống, từ hơn 7 triệu xuống 5 triệu, 4 triệu rồi bây giờ là còn lại vài triệu. Có lẽ theo Bộ trưởng là do ưu thế của cạnh tranh? Cạnh tranh như vậy thì nếu ở chợ xổm, các bà sẽ đánh nhau… bằng rổ cá vào đầu! Bởi vì nó vừa phá giá, vừa nháo nhào tranh giành khách hàng bất chấp năng lực và chất lượng. Sự thật, nếu không có sự cấu kết ngầm giữa trường đại học và các sở, phòng thì… ở đâu tổ chức học và lấy chứng chỉ dễ dãi thì người đăng ký học đông hơn.
Tôi dùng từ “đăng ký học” chứ thực học thì danh sách lớp học 100, 200, nhưng có lớp người học chỉ có mặt dăm mười người. Tất nhiên trừ những vùng sâu vùng xa thấp cổ bé họng, học viên bị lùa đến lớp thì đông những không thể kiểm soát. Một lần tôi lên lớp, nhìn danh sách trên 100 nhưng có mặt chỉ 7 người, tôi điện thoại cho Hiệu trưởng và báo cho Giám đốc sở rồi bỏ về. Khi đi qua lớp khác, tôi thấy có lớp chỉ có 3 người, giảng viên cũng ngửa cổ lên trời hoặc cắm đầu xuống đất dạy. Tôi mắng: mất tự trọng!
Ở chợ xổm, chị bán rau cũng có tự trọng khi nếu bán rau không sạch thì cũng phải xanh và giá hợp lý. Với cách làm ăn trên, giảng viên mất hết tự trọng nghề nghiệp. Ai không học mặc xác, miễn tao có được tiền!
Ở chợ xổm, người bán người mua còn chào nhau lịch sự hay ít nhất cũng cười thân thiện khi thuận mua vừa bán. Trong khi có một sự thật mà giảng viên cứ trơ xác ra mà nói cho hết giờ dạy, trong khi người học nhìn giảng viên bằng ánh mắt mang hình viên đạn. Khi giảng viên vào lớp, không một ai đứng dậy chào.
Tôi khi bước vào lớp, cử chỉ đầu tiên là đứng giữa bục cúi chào và cười thân thiện với học viên, nhưng không có sự đáp lại. Các giảng viên khác lờ đi. Tôi cũng từng lờ đi, nhưng đến lớp thứ 3 thì tôi buộc phải lên tiếng, rằng tôi hiểu các bạn bị áp bức đi học, nhưng hãy trút sự phẫn nộ sang kẻ áp bức, còn tôi chỉ là người đi làm nhiệm vụ và rất cần sự chào hỏi thân thiện!
Cuối cùng, điều đặt ra là bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên hay bồi dưỡng bằng tiền cho kẻ đứng trên đầu giáo viên? Tổng kết một đợt học, tổng thu 11 tỷ, chi cho giảng viên đứng lớp chỉ một tỷ. Ban đầu chủ trương giảng viên nào cũng có quyền lên lớp bất cứ nội dung nào của chương trình, vì như bài trước tôi đã viết, xét một cách nghiêm ngặt, đa số các nội dung chẳng thuộc chuyên ngành của ai. Nhưng sau đó, giảng viên được thanh lọc dần, không phải vì năng lực mà vì… quan hệ, vì… sự dễ dãi. Nghiêm túc như tôi và một số đồng nghiệp bị đào thải là phải đạo làm thầy trong cái thị trường giáo dục như vậy!
Một thứ chứng chỉ ai cũng dạy được và trường nào cũng in ra được, kể cả giá nào cũng được mà lại thành một tiêu chuẩn xếp hạng chức danh nghề nghiệp thì đó chỉ có thể là thứ nghề mạt hạng chứ không phải nghề giáo!
Tôi tham gia mới chỉ 5 lớp, 3 ở Bình Định và 2 ở vùng sâu vùng xa, và sau đó, nếu không bị loại thì tôi cũng kiên quyết từ chối tham gia. Ngoài đội ngũ quản lý đi học, còn lại là giáo viên nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, họ nghèo rớt mồng tơi. Lấy tiền của họ chỉ vì một cái chứng chỉ phân biệt, kỳ thị đẳng cấp gọi là “hạng”, khác nào vét nồi cơm người nghèo, có khốn nạn lắm không?
(Còn nữa)
Mục đích cuối cùng của học tập là phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ bởi hoàn thành được việc này, có nghĩa sẽ giải quyết được tất cả.,nhưng đó cũng là cái mà người ta không có khả năng “.Bồi dưỡng nghiệp vụ “là cách tốt nhất mà người ta nghĩ ra, vừa là để kiếm tiền, đồng thời cũng thế hiện là công việc vẫn đang được triển khai…
Tác giả rất đúng khi phê bình một “phương pháp kiếm tiền” rất mới của những người có chức quyền trong cái đuợc gọi là Bộ Ráo Rục và Phân Hủy này, từ đồng lương vốn đã ít ỏi của đa số các giáo viên.
Nhưng, hình như tác giả đã quên rằng :”giây thần kinh xấu hổ” và cái gọi là “lương tâm chức nghiệp” của đại đa số những người đang làm công tác ráo rục của cái gọi là ncq/csVN nó đã bị “đứt” và “biến dạng” từ lâu !?