3-3-2021
Thực ra đây không phải là bài mở đầu. Tôi đã có hai bài viết về loại đào tạo, bồi dưỡng này. Bắt đầu từ bài này, tôi muốn cấp trên và mọi người có cái nhìn hệ thống và toàn diện hơn.
Tôi có một nguyên tắc, với tư cách là người trong cuộc, tôi chỉ đưa vấn đề lên mạng xã hội khi các ý kiến trực tiếp của mình tại các cuộc họp hay hội thảo không được tiếp thu.
Sau khi triển khai chương trình, tài liệu, chào hàng và tổ chức dạy học, và mãi sau khi tham gia dạy 3 lớp bồi dưỡng, tôi mới viết một bài về thực trạng của cái gọi là đào tạo, bồi dưỡng loại chứng chỉ này. Các lãnh đạo không có ý kiến phản đối nhưng nhìn tôi bằng ánh mắt bất hoà.
Hậu quả, tôi bị loại ra khỏi “sự nghiệp” làm ăn mà Hiệu trưởng và Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục cho là trách nhiệm, cơ hội và uy tín của nhà trường. Tôi không thấy phiền trong sự đối xử ấy mà rất vui, vì ngay từ đầu, khi triển khai chương trình, tôi đã lên tiếng từ chối, nhưng người chủ trì cuộc họp đe doạ, rằng đó là trách nhiệm!
Con tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Pháp nhắn cho ba nó. Rằng ba không sợ viết như vậy là bị đồng nghiệp xem như kẻ tự đập nồi cơm của mình hay sao? Tôi nói, ba và mọi người đều cần cơm, nhưng là nồi cơm do lao động chính đáng của mình làm ra chứ đi vét nồi cơm của đồng nghiệp ở cấp học dưới thì ngang hàng đứa ăn cướp. Nó bảo kẻ sĩ như ba ở Việt Nam được mấy người?
Tôi kể cho nó nghe chuyện mấy học viên tại chức khóc với tôi. Một lần giải lao, có mấy học viên đã bạc cả tóc kêu ca rằng, em còn hai năm nữa nghỉ hưu, nhưng vẫn phải đi học đây, thầy ơi. Tôi bảo học thì học cả đời, nhiều khi hưu rồi vẫn phải học. Nhưng các bạn nói, không phải vì chúng em ham bằng cấp mà vì lãnh đạo bắt buộc, cả đe doạ, nếu không học thì hoặc bị đuổi việc hoặc bị hạ bậc lương.
Tôi hiểu, luật giáo dục mới quy định: trình độ cao đẳng cho giáo viên mầm non, trình độ đại học cho giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Vậy thì phải cố gắng đạt chuẩn thôi. Đến mức hiện nay, các giảng viên đại học còn tiến tới đề nghị thông qua luật giáo viên trung học phổ thông phải có bằng thạc sỹ nữa kia. Các giáo viên nói, nhưng học phí cao quá so với đồng lương của chúng em. Vì để đạt được chuẩn mà phải vay mượn, nợ nần chồng chất.
Tôi cười ra nước mắt. Rằng, các bạn ơi, mất cả đống tiền để có bằng đại học hay thạc sỹ, thậm chí tiến sỹ vẫn chưa gọi là đạt chuẩn đâu. Chuẩn ngoại ngữ, tin học thì bãi bỏ rồi, nhưng còn chuẩn chức danh nghề nghiệp nữa. Và cũng chưa hết, tôi vừa ngồi hội đồng thông qua “chương trình đào tạo lại” để đáp ứng đổi mới giáo dục nữa đấy. Và còn phải vay tiền, đóng tiền để lấy các loại chứng chỉ ấy nữa mới… xong một đời làm nhà giáo.
Cả đám giáo viên ngồi trước mặt tôi đều xanh mặt! Tôi hiểu, họ đang bị vắt kiệt sức. Vậy thì phải lên tiếng thôi. Nhưng các giáo viên thấp cổ bé họng ấy đều lắc đầu run rẩy: “Chúng em không dám, rất dễ bị quy chụp phản đối chủ trương, đường lối. Thậm chí chia sẻ hay like một bài phản ánh sự thật của thầy cũng bị đe doạ, thầy ạ“.
Trí thức thấy sai mà không lên tiếng là trí thức không có não hay mang cái não nô lệ. Trí thức chỉ biết hả hê mình được ăn no khi vét kiệt cùng nồi cơm của đồng nghiệp thì đó là hạng cướp hoặc buôn gian bán lận. Tôi đành phải lên tiếng bằng lương tâm và trách nhiệm của một trí thức.
Các bài sau tôi sẽ phản ánh trung thực, đầy đủ về thực trạng của đào tạo bồi dưỡng loại hình chứng chỉ này, từ chương trình, tài liệu, tư cách người dạy, học phí, cách chào hàng và cạnh tranh, tổ chức học và thi cử… Với tư cách người trong cuộc, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm điều tôi phản ánh.
Hiện một số báo đã lên tiếng khá mạnh mẽ, nhưng chỉ xuất phát từ lời kêu cứu của giáo viên mà chưa lột tả hết bản chất bên trong của sự kiện. Tôi nghĩ lãnh đạo trung ương cần nghe hết phản hồi trung thực từ những người trong cuộc là chúng tôi mới có thể có những điều chỉnh hợp lý, hợp tình.
Nếu chỉ nghe những báo cáo gian dối từ dưới đưa lên thì hậu quả còn nghiêm trọng và kéo dài… Nói gọn một câu là nó gây tốn kém, lãng phí, bất công và làm tàn phế cả ngành giáo dục chứ không nâng cao chất lượng giáo dục như chủ trương đề ra!
Tôi được biết Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã gửi công văn sang Bộ Nội vụ vạch ra các bất cập của quy định đào tạo hạng ngạch và đề xuất sự điều chỉnh cần thiết, nhưng Bộ Nội vụ vẫn im lặng vì coi như sự đã rồi?
Có những GV đã nghỉ hưu rồi đang lo lắng lắm bác Long ơi, họ không biết có phải bị triệu tập đi học bồi dưỡng để lấy “chứng chỉ hưu trí” hay không ? !