Về nhân vật “Jean Valjean gọi bằng cụ”

Trần Mạnh Hảo

7-3-2021

Về nhân vật “Jean Valjean gọi bằng cụ” – Tức ông Tôn Thất Tần trong truyện ký nổi tiếng “Đêm giữa ban ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên

(Vừa qua, nhà văn Vũ Thư Hiên có đăng trên Facebook của mình bài: “Kể chuyện này lại da diết nhớ Giăng Van-giăng gọi bằng cụ” Tôn Thất Tần nay đã không còn. Tặng Giáng Tiên và Trần Mạnh Hảo: “ĐÔI TẤT NGOẠI”)

Ngay sau bài viết rất hay này của anh Vũ Thư Hiên, Trần Mạnh Hảo đã nhận được rất nhiều điện thoại và tin nhắn gửi tới để hỏi về nhân vật có bí danh là “Jean Vanjean gọi bằng cụ” được nhà văn Vũ Thư Hiên dành hai chương khá dài để viết về người tù lâu nhất Việt Nam có tên là Tôn Thất Tần, nhạc phụ của Trần Mạnh Hảo.

Trong bài viết trên, anh Hiên có kể sơ về việc vợ anh là chị Đặng Kim Ân một lần đến trại tù thăm nuôi anh, đã mang đến cho anh một đôi giày vải để anh chống rét mùa đông. Nhìn bạn tù thân thiết của mình là Tôn Thất Tần, mấy chục năm không hề có gia đình thăm nuôi, áo quần rách nát, không hề có giày dép đi trong mùa đông chỉ cuốn xà cạp ( giẻ rách cuốn vào chân cho ấm), anh Hiên đã biếu cụ Tần đôi giày vải quý hơn vàng.

Cũng theo anh Vũ Thư Hiên kể trong “Đêm giữa ban ngày”, cụ Tôn Thất Tần không dám nhận món quà quý hóa ấy, nhưng anh Hiên cố nài nỉ, cụ mới dám nhận. Cụ bảo: Bà Ân vợ ông phải tiết kiệm mãi, lại rất nghèo, một tay nuôi mấy đứa con, mua được cho ông đôi giày vải này là quý lắm sao tôi dám nhận… Nhưng cuối cùng thì món quà cũng được cụ Tần nhận.

Nhưng cụ Tần chưa dám đi ngay đôi giày vải, đi đâu trong trại tù, hay khi lao động khổ sai, cụ Tần đều đeo đôi giày vải lên vai hay quàng lên cổ vì sợ bị mất cắp. Cụ Tần bảo: Tôi sẽ còn bị tù cho đến chết, lúc già quá, rét quá tôi mới dám xỏ chân vào đôi giày cứu mạng này. Vậy mà sau mấy tháng giữ rịt đôi giày, ngủ cụ cũng ôm giày chặt như ôm con, đi ăn thì cụ đeo giày lên vai, đi lao động thì cụ đeo giày vào cổ. Vậy mà có lần đi tắm suối, cụ để đôi giày cứu mạng tuổi già trên bờ, tên ăn cắp nào nhanh hơn sóc đã lấy mất đôi giày số phận kia. Mất đôi giày, mất món quà tặng tình nghĩa của người bạn tù vong niên Vũ Thư Hiên, cụ như mất hồn mất vía.

Cụ Tôn Thất Tần bị Việt Minh Cộng sản bắt tù từ cuối năm 1945, mãi đến năm 1978 cụ mới được thả ra mà cụ không biết mình mắc tội gì. Họ đã đầy ải cụ từ nhà tù này sang nhà tù khác mà không tuyên án, suốt 33 năm trong tù không hề có ai thăm nuôi (gia đình cụ ở trong Nam đã nhận được tin báo tử cụ từ năm 1947); may nhờ những bạn tù như anh Vũ Thư Hiên, anh Nguyễn Chí Thiện, anh Bùi Ngọc Tấn, anh Tuân Nguyễn…và hàng chục cựu tù nhân trí thức khác thương tình giúp đỡ, chia ngọt xẻ bùi…

Cụ Tôn Thất Tần (1918-2013) là con quan tri huyện Tôn Thất Hoàn, thuộc hệ 3 hoàng phái. Cụ tri huyện Tôn Thất Hoàn, cha cụ Tần năm 1931 đang là tri huyện Nghi Lộc Nghệ An thì nổ ra việc đảng cộng sản Đông Dương phát động nông dân Nghệ Tĩnh nổi dậy, gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Năm 1931 hàng nghìn nông dân được cộng sản xách động bao vây huyện đường Nghi Lộc, quan tri huyện Tôn Thất Hoàn mới 33 tuổi chỉ mang theo một người lính lệ ra gặp nông dân để khuyên họ giải tán, quan huyện sẽ thực hiện những điều dân yêu cầu, sợ tầu bay Tây đến ném bom thì khốn. Nhưng với giáo mác liềm búa cầm tay, những nông hội đỏ đã bắt quan tri huyện Tôn Thất Hoàn và anh lính lệ, chặt đầu hai người ngay trước cửa huyện đường…

Cụ Tôn Thất Tần mồ côi cha từ năm 1931, sống với mẹ kế nhưng vẫn được nuôi ăn học đàng hoàng. May mà cụ Tần được bà nội là bà Bùi Thị Biện vợ cũ của nhà cách mạng Trần Xuân Soạn, lấy quan hàm thượng thư Tôn Thất Uyển sinh ra cụ tri huyện Tôn Thất Hoàn, thương và chu cấp cho cháu nội học hành.

Cụ Tôn Thất Tần học cùng lớp trường Quốc Học Huế với ba ông: Huy Cận, Xuân Diệu và Tố Hữu. Sau đó, cụ Tần dạy thể dục thể thao tại trường Quốc học Huế. Là bạn học, nên ông Tố Hữu rủ Tôn Thất Tần theo cộng sản, nhưng cụ Tần không ưng. Cụ cũng không gia nhập đảng Quốc Dân đảng. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền tại Huế, cụ Tần theo Việt Minh vì Việt Minh chống Pháp.

Cụ Tần kể lại, một buổi chiều cụ được xếp lớn Việt Minh giao nhiệm vụ cùng với ba du kích giải thượng thư Phạm Quỳnh, thượng thư Ngô Đình Khôi và con của cụ Ngô Đình Khôi là Ngô Đình Huân ra ngoài rừng xử bắn. Cụ Tần không tuân lệnh bảo: Muốn bắn thì phải mở tòa án công khai, bắn giấm dúi thế này khác gì thủ tiêu người ta…

Hoàng Đạo, trùm công an mật vụ của cộng sản Thừa Thiên Huế lúc đó (Hoàng Đạo từng là bạn của Tôn Thất Tần) theo lệnh Tố Hữu đã bắt Tôn Thất Tần và ngót trăm đảng viên Quốc Dân đảng ở Huế. Những người bị bắt cuối năm 1945 đầu năm 1946 cùng Tôn Thất Tần đều đã bị xử bắn trong rừng, chỉ còn sống sót một mình cụ Tần mà thôi.

Trong chiến dịch thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót, cụ Tần bảo với con cái, hàng vạn hàng triệu người đã bị cộng sản bắt oan, bị giết oan, thù hận người ta cũng vô ích, ba tha thứ hết. Thời cái ác lên ngôi, mình còn sống sót sau 33 năm tù đầy về được gặp con cháu là phước đức rồi…

Chính vì vậy, cụ Tôn Thất Tần từ chối lời yêu cầu của người bạn tù thân thiết là nhà văn Vũ Thư Hiên, muốn viết một cuốn sách dày dặn kể lại cuộc đời tù tội của cụ…

Hôm giữa Sài Gòn, nhớ cảnh tôi (TMH) dẫn anh Vũ Thư Hiên về nhà gặp cụ Tần. Hai bạn tù ôm chầm lấy nhau đến 10 phút, không nói gì, nước mắt hai bạn tù chảy ướt vai áo nhau…

Sài Gòn 7-3-2021

Một số hình ảnh từ nhà văn Trần Mạnh Hảo:

Cụ Tôn Thất Tần
Cụ Tôn Thất Tần
Cụ Tần và con gái
Cụ Tần và con rể Trần Mạnh Hảo

____

Ghi chú của nhà văn Vũ Thư Hiên: “Viết thêm về người tù lâu năm Tôn Thất Tần: Ông Tôn Thất Tần kể: ‘Thấy Hồ Chí Minh ký hiệp định Mồng Sáu Tháng Ba (6/3/1946) cho Pháp vào Việt Nam, tôi viết phản kháng định in thành truyền đơn, nhưng không nhà in nào dám nhận, mới đưa cho bạn mình là Hoàng Đạo khi ấy là chủ sự công an Huế. Hoàng Đạo bỏ tôi vào tù’. Hoàng Đạo kể với tôi: ‘Anh Tần là bạn thân của tôi. Tôi buộc phải bắt giam để bảo vệ bạn, tôi sợ để anh ấy ở ngoài thì anh sẽ bị lũ quá khích sẽ thủ tiêu. Sau đó tôi nhận được lệnh hoả tốc ra Thanh Hoá làm trưởng ty Công an, vì vội tôi không kịp bàn giao trường hợp anh Tần cho người kế nhiệm, mới ra nông nỗi’. Tôi ghi lại lời hai người, không thêm bớt“.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Có nhiều người dân chủ tiến bộ đã ca ngợi bầu cử QH một, 1946, Đ.M lũ vẹm (VM) chính là loài quỷ đội lốt người, ru ngủ thôi miên cả một dân tộc trong máu thịt xương man mọi rợ.
    Ông hồ chí minh xác ướp phải gọi nguyễn phú trọng tú ông bằng cụ.

Comments are closed.