Đoàn kết ASEAN từ … Disney

Joaquin Nguyễn Hòa

8-3-2021

Raya và rồng thần cuối cùng

Một bộ phim hoạt hình mang tính anh hùng ca với các nhân vật Đông Nam Á của hãng Disney vừa được chiếu trên kênh số của hãng này hôm thứ Năm, ngày 4/3/2021. Phim mang tên “Raya và rồng thần cuối cùng” (Raya and the last dragon).

Nội dung câu chuyện xoay quanh một nữ anh hùng tên là Raya, đi tìm một viên ngọc rồng để đoàn kết 5 bộ lạc sống gần nhau trong một vùng đất. Raya tìm cách thuyết phục 5 bộ tộc vượt qua những nghi kỵ, để chiến thắng bệnh dịch đang đe dọa hủy diệt họ.

Ông Qui Nguyen, một người Mỹ gốc Việt, là đồng biên kịch của bộ phim này cho hãng tin NBC biết, hình ảnh các nhân vật trong phim cố gắng diễn đạt đúng hình hài của các sắc dân Đông Nam Á. Các chi tiết về văn hóa của bộ phim là sự cố gắng tìm cách đại diện cho các dân tộc Đông Nam Á, chiếc nón của Raya mang hình dáng nón Salakot của người Philippines, võ thuật trong phim là sự pha trộn giữa Muay Thai, Silat (Indonesia), và võ Việt Nam, món bánh tét cũng được trình bày trong phim theo tên gọi bằng tiếng Việt.

Tham gia bộ phim này có ít nhất hai người Việt, là ông Qui Nguyên, và cô Trần Loan (Kelly Marie Tran) lồng tiếng cho nhân vật chính.

Ông Qui Nguyễn nói rằng, những nhân vật da nâu trong phim sẽ làm cho con trai ông thấy rằng, nó giống với những nhân vật đó, còn Raya sẽ gợi cho câu bé hình ảnh người bà của cậu khi còn trẻ.

Nhà báo Yvette Tan của BBC News viết rằng, Raya và rồng thần cuối cùng, đại diện cho 670 triệu người Đông Nam Á.

ASEAN

Bộ phim không khỏi làm chúng ta nghĩ đến một lĩnh vực khác có vẻ như xa cách với màn bạc, đó là tổ chức các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong lĩnh vực địa chính trị.

Tổ chức này bao gồm 10 quốc gia rất đa dạng, về văn hóa và chính trị. Từ quốc gia Hồi giáo đông nhất thế giới là Indonesia đến nước Việt Nam theo chế độ cộng sản, từ Philippines gần như Công giáo toàn tòng, đến Miến Điện đang bất ổn vì đảo chính quân sự.

Tổ chức này thường bị nhận xét là thiếu đoàn kết và đang bị Trung Quốc dùng sức mạnh ngoại giao, kinh tế mà chia rẽ. Các quốc gia tranh chấp biển Đông với Trung Quốc thì lại không cùng quyền lợi với những quốc gia không không can dự vào biển Đông như Cambodia hay Thái Lan.

Tình trạng chia rẽ và không giống nhau này làm cho các nhà sử học nhớ đến thời kỳ các viên tướng Trung Quốc như Đồ Thư (nhà Tần), Lộ Bác Đức (nhà Hán) chinh phục Bách Việt phía Nam sông Trường Giang. Người Trung Quốc đã lợi dụng sự chia rẽ của Bách Việt mà lần lượt nuốt chửng, đồng hóa Giang Việt (Quảng Đông), Mân Việt (Phúc Kiến), Điền Việt (Vân Nam)…

Thời kỳ thuộc địa làm các quốc gia Đông Nam Á xa cách nhau hơn nữa, khi ba nước Đông Dương thuộc Pháp, Indonesia thuộc Hòa Lan, Miến Điện, Mã Lay thuộc Anh, còn Philippines thuộc Tây Ban Nha rồi sau đó cuốn vào vòng ảnh hưởng của Mỹ.

Một giáo sư Malaysia là ông David Lim nói với BBC rằng, người Việt Nam chưa chắc đã hiểu lân bang Thái Lan của họ hơn là nước Pháp, thực dân cũ đã cai trị họ.

Chúng ta hãy đặt câu hỏi là, bao nhiêu người Việt sử dụng được tiếng Anh, so với bao nhiêu người Việt sử dụng được tiếng Khmer? Câu trả lời hẳn rất rõ ràng ai cũng biết. Lúc còn làm tại đài RFA (đài Á châu Tự do), một hôm tôi có hỏi một số đồng nghiệp người Khmer, Lào và Miến rằng, tại sao chúng ta phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh? Mọi người có vẻ ngạc nhiên, rồi một người trả lời: “Vì chúng ta không hiểu tiếng của nhau!”

Theo các nghiên cứu về ngôn ngữ học, tiếng Việt và tiếng Khmer không xa nhau lắm, còn tiếng Thái cũng có nhiều ảnh hưởng lên tiếng Việt. Rất hiếm lãnh đạo Đông Nam Á nói được ngôn ngữ láng giềng như ông Lý Quang Diệu của Singapore thạo tiếng Indonesia, ông Hunsen của Cambodia rất rành tiếng Việt.

Những điều nói trên thật ra không xa lạ trên toàn thế giới thời hậu thuộc địa, với văn hóa gọi là Europe centrism (châu Âu là trung tâm) ngự trị. Nhưng cũng đã gần một thế kỷ trôi qua, từ khi những nước Đông Nam Á thoát khỏi thời thuộc địa.

Vùng đất huyền thoại Kumandra trong phim “Raya và rồng thần cuối cùng”, nữ anh hùng Raya thuyết phục được các bộ lạc đoàn kết. Nhưng hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN có vẻ như đang thất bại, không thể thuyết phục được các tướng lĩnh Miến Điện dừng lại cuộc đàn áp đẫm máu, chống lại dân chúng của chính họ.

Phải chăng khi đi lạc giữa một không gian văn hóa xa lạ là nước Mỹ đậm đà văn hóa Tây Âu, những người Đông Nam Á như Qui Nguyen, Trần Loan, Adel Lim (người Mỹ gốc Malaysia, đồng viết kịch bản), … mới cảm thấy thôi thúc đoàn kết cho một căn cước chung?

Còn lãnh đạo các nước ASEAN thì sao? Liệu họ có nhìn thấy sự cần thiết đó không?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây