Việt Nam hành động cứu đồng bằng sông Cửu Long

 Asia Sentinel

Tác giả: David Brown

Biên dịch: Giải pháp vì Môi trường

11-1-2021

Việt Nam từ bỏ chính sách “chỉ trồng lúa,” chấp nhận sự giúp đỡ của nước ngoài.

Các tỉnh miền tây nam bộ Việt Nam có thể sắp được rời khỏi danh sách những nơi bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và dân trí thấp. Từ Hà Nội vào tới nông dân miền Tây, đảng và chính quyền dường như đã thực sự bắt tay vào một kế hoạch thích ứng toàn diện và kịp thời: Kế hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 12 trong số 64 tỉnh của Việt Nam và một phần của Campuchia ở phía nam Phnom Penh. Độ phì nhiêu của nơi đây đã đi vào huyền thoại, mỗi mùa mưa đến, dòng Mekong đã mang phù sa từ các dãy núi của Trung Quốc và Lào để tạo lên vùng đồng bằng mà ngày nay rộng đến hơn 41.000 km2 ở Việt Nam với độ cao trung bình 1,5 mét so với mực nước biển xung quanh. Trong suốt thế kỷ 19 và thế kỷ 20, đã có các kênh đào được tạo ra, các đầm lầy thoát nước, các con đê được xây dựng, có nghĩa là một dự án xây dựng rộng lớn nhằm tối ưu hóa vùng đồng bằng này để sản xuất lúa gạo. Vào cuối những năm 1990s, Việt Nam thách thức Thái Lan với tư cách là quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo. Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh từ xuất khẩu gạo đã thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi thành nhà sản xuất hàng hóa cạnh tranh cho thị trường thế giới.

Chính sách tập trung vào lúa gạo đã đi quá xa. Các khoản đầu tư khổng lồ vào các cống và đê được thiết kế và xây dựng để tối đa hóa sản lượng lúa đã làm giảm khả năng phục hồi thủy văn của Đồng bằng sông Cửu Long và khả năng hưởng lợi của nông dân từ những thay đổi của môi trường tự nhiên. Mặc dù các nhà khoa học dự báo rằng nước biển sẽ dâng cao và xu hướng thời tiết sẽ thay đổi, nhưng các nhà quy hoạch, chính trị gia và các quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chậm chạp trong việc thừa nhận rằng chính sách ưu tiên trồng lúa đang trở nên không bền vững.

Sau đó, vào năm 2009, cơ quan viện trợ Hà Lan đề nghị chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia này trong việc kiểm soát lũ lụt. Bắt đầu có các cuộc thảo luận không chính thức giữa một số chuyên gia Hà Lan và các quan chức của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT). Không giống như nhiều chuyên gia nước ngoài khác, đại diên Hà Lan tham gia đối thoại Quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rất kiên nhẫn và đưa ra những kinh nghiệm phù hợp. Và, mặc dù Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT không đồng quan điểm, phái đoàn của Hà Lan vẫn giữ được sự tham gia hiệu quả của hai bên.

Năm 2013, nhóm này đã công bố báo cáo khá tham vọng. Báo cáo nói rằng mọi thứ đều phải thay đổi, bao gồm cả chính sách ưu tiên gạo được yêu thích của Hà Nội.

Báo cáo cũng cho rằng không thể giải quyết các vấn đề của ĐBSCL bằng cách xây dựng thêm nhiều đê và cửa cống. Giải pháp tốt nhất là sự thích ứng với lũ lụt theo mùa và, khi gió mùa kết thúc, khai thác lợi thế từ sự xâm nhập của nước lợ bằng cách nuôi tôm thay vì trồng lúa.

Ngân hàng Thế giới bày tỏ sự quan tâm đến việc thí điểm một chương trình thích ứng toàn diện với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, nhưng báo cáo này cũng bị đễ chần chờ. Đảng Cộng sản Việt Nam đang bận rộn trước một cuộc đấu tranh bè phái gay gắt. Phải đến năm 2016, đội ngũ lãnh đạo mới mới có thể tập trung vào các đề xuất của các chuyên gia. Đúng lúc đó một trận hạn hán khá lớn đã làm mất mùa lúa đông xuân.

Sau đó, vào cuối năm 2017, hai tài liệu đã hé lộ rằng đảng-nhà nước có thể chấp nhận phân tích chi tiết của Kế hoạch ĐBSCL và sự hợp tác chặt chẽ bất thường với “các đối tác phát triển” nước ngoài. Đầu tiên là NQ-CP 120, hướng dẫn chính sách cấp cao nhất về “Phát triển Bền vững và Thích ứng với Khí hậu của Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam”. Tài liệu này thừa nhận rằng cuộc sống ở khu vực này không chỉ bị tác động bởi biến đổi khí hậu và tác hại do việc xây dựng nhiều đập ở vùng thượng lưu, mà còn do hậu quả của các quyết định thiển cận của chính phủ trước đó. Các Bộ đã được chỉ thị thiết lập một nguyên tắc ứng phó chung phù hợp với các ý kiến được nêu trong bản Kế hoạch ĐBSCL.

Tài liệu thứ hai, Luật Quy hoạch sửa đổi, được ủy thác cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) thực hiện quy hoạch đa ngành ở cấp khu vực. Nói cách khác, các cán bộ làm quy hoạch và làm chính sách được trao quyền giải quyết vấn đề của đồng bằng như một tổng thể thống nhất.

Một quan sát viên có thể được cảm thông vì có kỳ vọng thấp. Không có thực thể nào được coi là “khu vực” trong cơ cấu hành chính của Việt Nam. Các thể chế khu vực sẽ phải được xây dựng từ đầu. Và, mặc dù có thể có một số tư duy cởi mở trong cơ cấu của Bộ NN&PTNT thì các quyết định về vùng Đồng bằng này luôn được thúc đẩy bởi “chế độ thủy lợi”, gồm một mạng lưới các cán bộ, kỹ sư và nhà thầu liên kết với Bộ NN&PTNT, những người đã tạo ra “một chuỗi các công trình thủy lợi vô cùng phức tạp .”

Có một khiếm khuyết bổ sung: Đảng cầm quyền luôn cảnh giác với các giải pháp do người nước ngoài thúc đẩy và quyết tâm bảo vệ chính trị trong nước khỏi sự can thiệp từ bên ngoài. Mặc dù các chuyên gia Hà Lan không nhấn mạnh các giải pháp quản lý nguồn nước “sản xuất tại Hà Lan,” nhưng họ đã nhấn mạnh rằng Kế hoạch ĐBSCL sẽ được trình bày như một loạt các kịch bản “không hối tiếc” dài hàng trăm năm mà sẽ được sửa đổi thường xuyên bằng kinh nghiệm. Đó là một ý tưởng hoàn toàn không phù hợp với việc lập một chuỗi  kế hoạch 5 năm quen thuộc với các bộ ngành ở Việt Nam.

Hơn nữa, mặc dù về mặt trực giác, quy hoạch liên ngành có vẻ là một điều tốt, nhưng khi các quan chức địa phương và các nhà lãnh đạo chính trị có ít kinh nghiệm trong việc hợp tác như vậy, thì việc họ đạt được hiệu quả cũng không dễ dàng. Các bộ của Việt Nam cũng không có truyền thống hợp tác. Nông nghiệp, môi trường, giao thông vận tải, xây dựng và các bộ khác từ lâu đã thực hiện công việc của mình chỉ với sự tôn trọng tối thiểu vào các mục tiêu của các bộ khác.

NQ 120 giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư công việc thực hiện tất cả sự phối hợp không quen thuộc này, nhằm chuyển đổi “Tầm nhìn ĐBSCL” thành “Kế hoạch Vùng Tích hợp Đồng bằng Sông Cửu Long” (MDIRP) phù hợp với các chương trình nghị sự và phong cách làm việc của các bộ Việt Nam. Công việc làm cho Kế Hoạch ĐBSCL có “tính cách Việt Nam” hơn” tiến hành chậm chạp, mặc dù gần tới thời hạn để đưa vào Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm tiếp theo của Việt Nam.

Vào tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành “Kế hoạch Hành động” dài 38 trang, trong đó, thể hiện khá rõ cam kết của cá nhân ông trong việc hiện thực hóa một kế hoạch hoạt động hiệu quả.

Các đối tác phát triển nước ngoài vẫn chưa hết lo lắng. Hai tháng sau, trước Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP lần thứ hai, 16 tổ chức quốc tế đã ban hành tuyên bố chung thẳng thắn. Trong phát biểu của mình tại cuộc họp, Giám đốc thường trú của Ngân hàng Thế giới Ousmane Dioune lưu ý rằng nhóm các nhà tài trợ rất nghiêm túc về việc thực hiện chương trình này. Các tổ chức viện trợ phát triển, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, đã sắp xếp đầu tư hơn một tỷ đô la Mỹ vào dự án Kế hoạch ĐBSCL. Ông tiếp tục “Trong tương lai, chúng tôi đặt mục tiêu huy động ít nhất thêm 880 triệu USD để thực hiện NQ-CP 120… Mọi hỗ trợ cho ĐBSCL trong tương lai nếu có chế tài mạnh, việc thực thi hiệu quả, thông tin mạnh mẽ, cam kết đổi mới, và sự tham gia của tất cả các bên liên quan. ”

Dioune nói thêm rằng “Quan điểm này đang được thực hiện, phải tạo ra một thể chế điều phối khu vực mạnh mẽ, mang lại sự phối hợp đa chiều hiệu quả”.

Bản ghi nhớ do cơ quan viện trợ của Chính phủ Đức lưu hành nhấn mạnh rằng vấn đề phối hợp chỉ có thể được giải quyết nếu Thủ tướng can thiệp mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề đang gây tranh cãi (trên thực tế, ông đã làm được).

Sự lo lắng của các đối tác phát triển là điều dễ hiểu. Kịch bản về phát triển ĐBSCL hàm ý mức độ hợp tác giữa các chuyên gia nước ngoài và các nhà quy hoạch Việt Nam có lẽ chưa từng có đối với Việt Nam. Mặc dù vậy, vào giữa năm 2019, các đối tác phát triển dường như đã thúc đẩy cho cánh cửa đã rộng mở.

Tất cả các chỉ dấu đều dễ dàng nhận ra đây là con đẻ của Kế hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long 2013.

Vào tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt việc thành lập một hội đồng phát triển khu vực đầu tiên của Việt Nam. Liệu cơ quan này có hoạt động theo như kế hoạch? Một lần nữa, vẫn còn một chút hoài nghi.

Các bộ có thói quen chỉ đạo cấp dưới cấp tỉnh, nhưng việc thành lập các hội đồng khu vực mới ở cấp vùng cho thấy rõ ràng đại diên địa phương nên tham gia vào việc soạn thảo các quyết sách, không phải chỉ đóng dấu rồi gửi về Hà Nội. Chưa biết chác chắn nếu các quan chức đại diện cho các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng này có thể phối hợp với nhau hiệu quả và dựa vào “dữ liệu tích hợp [và] hệ thống hỗ trợ đưa ra quyết sách” do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Các chuyên gia trong nước cho biết rằng đã có một sự ủng hộ không chính thức nhưng rộng rãi với sự nhấn mạnh tầm quan trọng của Kế hoạch ĐBSCL vào việc thích ứng linh hoạt đối với những áp lực lên sự phát triển của kinh tế – xã hội và độ phì nhiêu của khu vực. Chuyện gặt ba vụ lúa hàng năm đang bị bỏ hoang, và nước ngọt đang được coi là một nguồn tài nguyên khan hiếm. Phần lớn các quy hoạch hiện tại tập trung vào việc giữ nước ngọt ở các khu vực thượng nguồn trong mùa mưa để đến mùa khô thì tưới nước ngọt đến các khu vực khô hạn ở hạ lưu.

Dọc theo bờ biển thuộc vùng ĐBSCL, tư duy truyền thống là nâng độ cao và gia cố hệ thống đê ven biển mà hiện nay đã bị xói lở toang hoác, cách tiếp cận này đã vô tình gây ô nhiễm và làm cạn kiệt nguồn nước ngầm. Ngược lại, Kế hoạch ĐBSCL hướng tới việc hồi phục các khu rừng ngập mặn rộng hàng cây số từ các bờ biển. Ngoài ra, những cây chịu mặn, cây sống trên phù sa sẽ tạo ra môi trường sống cho tôm nuôi thả tự do. Và, bên trong hàng rào rừng ngập mặn tái sinh, vùng đất từng dành cho trồng lúa nay sẽ được bồi đắp và sản xuất nhiều tôm hơn bao giờ hết.

Cách tiếp cận mới hẳn là không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, các nhà đầu từ thủy điện đang thúc giục nguồn vốn để mở rộng dự án thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé, một dự án chuyên về cấu trúc công trình được hình thành cách đây 15 năm. Cho đến nay, đó là một ý tưởng tồi và cần bị xóa bỏ, và bây giờ là lúc kiểm chứng quan trọng về sức mạnh chuyển đổi của Quy hoạch ĐBSCL.

Tác giả David Brown là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là người thường xuyên viết bài cho Asia Sentinel. Ông đã viết nhiều về các vấn đề chính sách công ở Việt Nam.

Nguyên bản Anh ngữ: Tập san Asia Sentinel xuất bản ngày 11 tháng 1 năm 2021. https://www.asiasentinel.com/p/vietnam-moves-to-save-mekong-delta

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây