Việt Nam đang “mua” vaccine chủng ngừa COVID-19 bằng cách nào?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

26-2-2021

Lô vaccine chủng ngừa COVID-19 với 117.600 liều đã về đến Tân Sơn Nhất ngày 24/2 vừa qua và về sớm hơn dự tính ban đầu.

Đây là lô vaccine được nhượng quyền và hợp tác toàn cầu bởi hãng dược phẩm Anh Quốc – Thụy Điển AstraZeneca (theo công nghệ và nghiên cứu của ĐH Oxford Anh Quốc) với đối tác của họ ở Hàn Quốc.

Vậy Việt Nam đàm phán “MUA” lô vaccine này với nhà cung cấp nào trong thời gian qua để có được lô vaccine được xem là sớm ở khu vực châu Á?

Câu trả lời ngắn gọn là: Hà Nội không bỏ tiền mua lô vaccine này!

Hà Nội chỉ tham gia vào chương trình của sáng kiến liên mình vaccine toàn cầu chống COVID-19 (viết tắt là COVAX). Đây là sáng kiến để đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi quốc gia, nhất là các quốc gia nghèo, kém phát triển, trước đại dịch để có thể truy xuất được nguồn cung cấp vaccine như những quốc gia giàu có khác.

Sáng kiến COVAX này được hợp tác và điều phối bởi liên minh vaccine toàn cầu (GAVI), Tố chức Y tế Thế giới (WHO), và Liên minh các sáng kiến sẵn sàng chống dịch (CEPI) và nhiều tổ chức, quốc gia, cá nhân khác cùng tham gia.

Đã có 165 quốc gia tham gia vào COVAX (đại diện cho hơn 60% dân số thế giới).

Trong đó chia làm hai nhóm:

– Nhóm SFP: là nhóm các quốc gia tham gia COVAX và tự bỏ chi phí mua vaccine cho họ. Nhóm này có 73 quốc gia.

– Nhóm AMC: là nhóm có 92 quốc gia tham gia COVAX dưới tài trợ của các quốc gia, tổ chức, cá nhân khác thông qua ngân sách viện trợ này mà COVAX có thể mua vaccine và phân phối cho 92 quốc gia thành viên này (COVAX facility). Đây có thể hiểu là nhóm các quốc gia được viện trợ vaccine mà không phải trả chi phí mua vaccine. Việt Nam nằm trong nhóm này – tức được viện trợ vaccine.

Ngân sách AMC của COVAX được tài trợ bởi hơn 30 quốc gia, tổ chức, quỹ viện trợ, cá nhân, công ty…

Đến tháng 2/2021, COVAX đang vận hành quỹ AMC viện trợ lên đến 6,28 tỉ đô la Mỹ.

Trong đó các quốc gia đóng góp nhiều nhất cho quỹ AMC của COVAX là:

Hoa Kỳ: 2,5 tỉ đô la Mỹ

Đức: 1,09 tỉ đô la Mỹ

Anh Quốc: 735 triệu đô la Mỹ

Liên Âu EU: 489 triệu đô la Mỹ

Nhật Bản: 200 triểu đô la Mỹ

Canada: 181 triệu đo la Mỹ

Quỹ Bill & Melinda Gates: 156 triệu đô là Mỹ

Saudi Arabia: 153 triệu đô la Mỹ

Na Uy: 141 triệu đô la Mỹ

Pháp: 122 triệu đô la Mỹ

Ý: 104 triệu đô la Mỹ

Như vậy có thể hiểu, chính sách chống dịch và tham gia vào thị trường vaccine của Việt Nam cho đến nay vẫn đang phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế để có được viện trợ vaccine. Hà Nội đã tham gia vào sáng kiến COVAX từ sớm và là thành viên trong nhóm AMC – quỹ viện trợ quốc tế cam kết thị trường mở và thuận tiện cho mọi thành viên có thể nhận được vaccine một cách công bằng.

Trong năm 2021, COVAX đã cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca, chủ yếu tập trung vào 2 quý cuối năm.

Trong hai quý đầu năm 2021, COVAX đã lên lịch chi tiết để cung cấp cho Việt Nam 4.886.400 liều vaccine AstraZeneca, và lô đầu tiên 117.600 liều đã được cung cấp sớm hơn lịch trình dự kiến.

Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa cho thấy họ đàm phán thành công trực tiếp với bất kỳ nhà sàn xuất / cung cấp vaccine nào trên thế giới.

Các đàm phán mà Hà Nội vẫn đang mập mờ cho thấy họ đàm phán với đối tác Nga cho 100 – 150 triệu liều vaccine của Nga. Nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy Hà Nội cấp phép cho vaccine này theo đúng thủ tục và đòi hỏi của đối tác. Hơn nữa, có vẻ như chiến lược đàm phán xin viện trợ từ Nga cho vaccine trong bối cảnh này đã không thành công, và danh sách các quốc gia được Nga bán vaccine chưa có tên Việt Nam.

Riêng vaccine của Pfizer / BioNTech đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng lưu trữ, phân phối với nhiệt độ âm sâu dưới 70 độ C, Việt Nam chưa thể đáp ứng điều kiện này nên khó lòng có thể (dù thông qua COVAX) nhận được bất kỳ lô vaccine theo công nghệ mRNA này trong thời gian 1-2 năm tới.

Vaccin Moderna cũng có thể rơi vào trường hợp hạ tầng của chương trình tiêm chủng vaccine chưa đáp ứng, cộng thêm nguồn cung giới hạn thì khó có thể đàm phán mua bán trực tiếp với Moderna.

Việt Nam cũng được cho là đã và đang đàm phán với các đối tác Trung Quốc về vaccine chủng ngừa COVID-19. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin nào cho thấy liệu việc này đã đạt được bất kỳ tiến bộ nào giữa nhà cung cấp và các đại diện của Hà Nội. Và dự báo nếu có thể có được bất kỳ chốt hạ nào, sẽ phải chờ đến quý 4 năm nay.

Chỉ hy vọng khi Johnson & Johnson, và Novarax tham gia thị trường với các loại vaccines của họ thì may ra Việt Nam có thể tham gia trực tiếp đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine. Nhưng cũng phải chú ý bởi đặc thù của thị trường dược phẩm thế giới và các phân khu đã phân chia trong bản đồ nghiên cứu, ứng dụng sản xuất, phân phối và cung ứng cho thị trường, khách hàng đàm phán với nguồn sở hữu bản quyền vaccine, nhưng có thể phải phụ thuộc vào nguồn sản xuất của từng khu vực khác nhau để có thể có được số lượng theo kế hoạch.

***

An ninh y tế, sức khỏe của một quốc gia trong đại dịch chính là vấn đề an ninh quốc gia. Muốn bảo đảm được an ninh quốc gia, quốc gia đó phải bảo đảm được sự ổn định trong phòng chống và dập dịch bệnh một cách toàn diện. Trong đó, vaccine chủng ngừa chính là một vũ khí góp phần bảo đảm và duy trì an ninh quốc gia trước “giặc – dịch bệnh”.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được một trong những vũ khí quan trọng chống dịch là vaccine, bởi họ chưa thể chủ động để có thể “mua” được vaccine. Một khi còn lệ thuộc và phụ thuộc vào nguồn “viện trợ vũ khí” chống dịch thì bài toán an ninh quốc gia chưa thể được giải một cách rốt ráo. Còn tự trang bị vũ khí – vaccine là một bài toán khác cũng phức tạp và không kém thách thức, hay có thể nói là thách thức nhiều lần hơn so với bài toán đi tìm mua vaccine trong tình hình 2 năm tới đây.

_____

P/s: Trong tình hình vaccine là vũ khí cho chiến lược an ninh quốc gia, vũ khí cho chiến lược thâu tóm quyền lực địa chính trị toàn cầu… thì truyền thông Việt Nam lại xem vaccine chủng ngừa COVID-19 như là một công cụ PR hình ảnh trên sân khấu từ thiện.

Một tờ báo đã lên chương trình PR từ thiện bằng cách kêu gọi toàn dân tham gia đóng góp cho quỹ vaccine để hỗ trợ chính phủ mua vaccine.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Đại diện hệ thống tiêm chủng VNVC, đơn vị nhập khẩu, cho biết lô vắc xin này nằm trong 30 triệu liều vắc xin của AstraZeneca, được đơn vị đặt mua trong năm 2021. Số vắc xin này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều sẽ được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca“.

Nhắc lại, vaccine Việt Nam vừa nhận là từ nguồn viện trợ của W.H.O chứ không phải mua nha!

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
    (ca dao)

    1.
    Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
    âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
    không có giấc mơ
    chỉ toàn ác mộng

    mập mờ như ngủ như thức
    người và ma lẫn lộn tù mù
    ta thu bóng ngồi uống trà với gió
    chén rượu suông cụng với chính hồn mình.

    2.
    Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than

    đứt ruột.

    tiếng thở dồn người chống dịch xả thân

    thắt ruột.

    tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von

    sốt ruột.

    tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi

    lộn ruột.

    3.
    Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
    thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
    mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
    cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng

    hồn vía quay quay cuồng cuồng
    đột quị con đường chen chúc sống

    chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương

    chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương

    chen chúc thở

    chen chúc lò thiêu xác.

    4.
    Có cái chết trống không như chết lậu
    không trống không kèn không đèn không nhang
    mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
    đau kiếp người sống chui chết chui.
    ta thành kính vấn an linh hồn lạc

    chỉ về Trời mới thật có tự do
    tự do nhẹ như gió
    tự do bềnh bồng như mây
    tự do trong như giọt mưa trong
    tự do nặng trĩu như lòng.

    5.
    Ta lăn lê gần hết đời người
    nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
    ta thèm khát vô tư như cỏ
    mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
    ta đã liều mình lao vào đạn bom
    trẻ liều chết nay về già liều sống.

    6.
    Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
    biết chăng con người sống để làm gì?
    giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
    tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?

    bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
    bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?

    dịch bệnh bung toang không hề hư vô
    là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
    lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
    hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?

    con người hiền lương con người nhân đức
    gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!

    7.
    Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
    lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…

    Nguồn Mạng

  2. Lâu nay dân trong nước vẫn tin rằng VN hợp tác với Anh từ rất sớm để chế tạo vaccine AstraZenaca nên Anh trả công cho VN lô hàng này. Nói láo riết nên quên đã nói gì, mấy hôm nay lại nổ là mua. theo tin từ các cơ quan truyền thông một số quốc gia được viện trợ… và dù không nêu nhưng tôi tin VN nằm trong số những quốc gia này. Cảm ơn NQ đã viết rõ hơn.

  3. Trích: “Một tờ báo đã lên chương trình PR từ thiện bằng cách kêu gọi toàn dân tham gia đóng góp cho quỹ vaccine để hỗ trợ chính phủ mua vaccine.”
    Sao kỳ vậy ta? chxhcnVN là nước có tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020, vậy mà lại kêu dân bỏ tiền mua vaccine! Trong khi đó lại bỏ ra cả tỷ đô la Mỹ để tổ chức đại hội đảng từ địa phương lên tới trung ương; nào là tặng đại biểu cặp táp, bình lộc, áo vest của Ý… hay là bỏ vài chục ngàn tỷ để xây tượng đài!!!

  4. Cũng giống như cái cách đảng ta, nhà nước ta đưa công dân Việt Nam ta chạy khỏi vùng dịch từ nước ngoài.
    Các lãnh đạo chủ chốt ta đều là những học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cả.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây