Đặng Tiểu Bình đã chuẩn bị cho chiến tranh Trung – Việt như thế nào?

Dương Quốc Chính

17-2-2021

Sau khi Trung Quốc (TQ) đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và trước tình hình VN ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô (LX), mà bản chất là đã hình thành liên minh quân sự giữa hai nước, Đặng Tiểu Bình quyết định bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản, nhằm lôi kéo đồng minh và cô lập VN bằng các chuyến du thuyết.

Đầu tiên, ông ta tới Nhật Bản, Đặng đánh giá cao các thành tựu của Nhật “Chúng tôi học hỏi và bày tỏ lòng ngưỡng mộ người dân Nhật Bản, những con người vĩ đại, siêng năng, cần cù, quả cảm và thông minh”. Ông ta ôm chầm lấy lấy đối tác Nhật và tuyên bố “Trái tim tôi ngập tràn sung sướng”. Đặng cần Nhật giúp TQ cô lập LX và VN.

Tháng 11/1978, Đặng đến thăm Đông Nam Á, đến Malaysia, Thái, Singapore, ông ta cho VN là “Cuba của phương Đông” và cho rằng hiệp ước Xô – Việt mới ký là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Tại Thái Lan, Đặng nói là hiệp ước này không chỉ động đến mình TQ mà động đến toàn thế giới, nhưng TQ không sợ bị bao vây. Tuy nhiên Lý Quang Diệu lại cho rằng:

TQ muốn các nước Đông Nam Á (ĐNA) đoàn kết lại để nhằm cô lập gấu Nga. Nhưng thực ra các nước ĐNA lại e ngại con rồng Trung Hoa hơn bởi vì chẳng có người Nga kiều nào ở ĐNA cầm đầu các cuộc nổi loạn ở đây dưới sự hỗ trợ của LX mà chỉ có Hoa kiều được TQ hỗ trợ gây ra mối đe dọa cho các nước Thái, Malaysia, Philippines và Indonesia.

Sau đó Đặng đến Mỹ để vận động ngoại giao. Ông ta phân tích với phía Mỹ là có ý định gây chiến với VN vì VN không dừng lại ở Campuchia và Đông Dương sẽ không chỉ gồm 3 nước. Ba quốc gia là đầu tiên, sau đó sẽ thêm Thái Lan. TQ thấy có trách nhiệm phải hành động, không thể chờ đợi, một khi chúng phát sinh thì sẽ quá muộn.

Đặng nói với TT Carter rằng mình đã cân nhắc đến khả năng xấu nhất là LX can thiệp như hiệp ước Xô Việt mới ký. Bắc Kinh đã sơ tán 300.000 dân khỏi biên giới giáp LX và đặt các lực lượng phòng thủ ở đây ở mức cảnh báo tối đa. Nhưng Đặng cho là một cuộc chiến ngắn gọn, giới hạn sẽ không cho Moscow thời gian để có phản ứng lớn và điều kiện mùa Đông sẽ khiến cho LX gặp khó khăn nếu tấn công TQ. Đặng nêu rõ là không sợ nhưng cần “hỗ trợ đạo đức” từ phía Mỹ.

Hoa Quốc Phong nói với Kissinger là “Chúng tôi đã cân nhắc khả năng phản ứng của LX. Khả năng tấn công lớn vào TQ là rất thấp. Tuy có 1 triệu quân dọc biên giới nhưng sẽ không đủ, LX phải kéo quân từ châu Âu về, sẽ cần thời gian và LX biết là cuộc chiến với TQ sẽ không thể kết thúc trong thời gian ngắn.”

Carter không ủng hộ TQ gây chiến và cảnh báo Đặng là điều đó sẽ làm mất vị thế của TQ như một quốc gia hòa bình. Các nước ĐNA, Mỹ và LHQ đang phản đối VN, LX và Cuba, nhưng nếu có chiến tranh thì có thể khiến đang từ phản đối VN (vì chiến tranh với Campuchia) sang thành ủng hộ một phần. Mỹ cảnh báo TQ là xâm lược VN sẽ gây bất ổn nghiêm trọng.

Đặng vẫn quyết tâm dạy cho VN một bài học. LX có thể sử dụng Cuba, VN và sau đó là Afghanistan để ủy quyền. TQ sẽ vẫn hành động giới hạn. Nếu VN thấy TQ mềm mại thì tình hình sẽ tồi tệ thêm. Đặng rời Mỹ ngày 4/2/1979 và dừng chân ở Nhật lần hai sau có 6 tháng để chắc chắn có sự đồng thuận của Nhật trong việc cô lập LX.

Sau khi đi thăm Myanmar, Nepal, Thái, Sing, Mã, Nhật (hai lần) và Mỹ, Đặng hoàn tất việc cô lập Hà Nội. Kể từ đó Đặng không bao giờ rời TQ nữa.

Ngày 17/2/1979, chiến tranh nổ ra. TQ cho đây là “Đòn phản công tự vệ chống VN”. Tự vệ ở đây được hiểu là chặn trước các nguy cơ bao vây từ liên minh Xô Việt, từ phía VN như Đặng đã phân tích, chứ không phải tự vệ trước sự xâm lược của VN vào TQ. Mục đích của cuộc chiến là “Dạy cho VN một bài học hạn chế thích hợp, đặt sức ép lên tham vọng của VN. Dự đoán của TQ là LX không can thiệp quân sự là chính xác. LX chỉ gửi lực lượng đặc nhiệm hải quân đến biển Đông, vận chuyển hàng không cho VN và gây sức ép ở biên giới Xô – Trung.

Cuối tháng 2/1979, bộ trưởng Ngân khố Mỹ đến Bắc Kinh và khuyên TQ nên rút quân càng sớm càng tốt. Một tháng sau khi rút quân, Đặng có nói với Kissinger là “Quân đội TQ đã tiến sâu 30km và đủ mạnh để tiến đến HN, nhưng TQ không muốn”.

Bình Luận từ Facebook