Tác giả: Jakob Hanke Vela
Thục Quyên lược dịch
14-2-2021
Boris Johnson ủng hộ ‘triệt để’ lời kêu gọi của chính quyền Biden về sự minh bạch
Chủ nhật vừa qua Anh lên tiếng chia sẻ mối quan tâm của Washington về nhiệm vụ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) truy tìm nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc.
Thủ tướng Anh, Boris Johnson cho biết, ông ủng hộ Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc phải công bố tin tức về những ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở nước này và không được gây trở ngại cho cuộc điều tra của WHO.
Ông Johnson phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của đài CBS: “Khi xuất hiện một bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người như vi rút corona, chúng ta cần biết chính xác nó đã xảy ra như thế nào. Thật vậy, nếu đó là động vật gây bệnh, nếu nó thật sự bắt nguồn từ sự tiếp xúc của con người với động vật, cần được khẳng định. Nhưng chúng ta cũng cần biết chính xác điều gì đã xảy ra … Chúng ta cần xem dữ liệu. Chúng ta cần xem tất cả bằng chứng. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ những gì Tổng thống Biden đã nói về điều đó“.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng chỉ trích mức độ [Trung Quốc] cho phép các chuyên gia tiếp cận: “Chúng tôi chia sẻ mối lo ngại rằng, họ không nhận được sự hợp tác đầy đủ và các câu trả lời họ cần, và vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quyền truy cập đầy đủ, và nhận được tất cả các dữ liệu cần thiết”.
Chính quyền Biden yêu cầu sự minh bạch từ Trung Quốc và WHO
Điều này được đưa ra hôm thứ bảy, sau một bài báo của Wall Street Journal về việc Trung Quốc từ chối cho các nhà điều tra của WHO quyền truy cập vào dữ liệu thô về các trường hợp COVID-19 đầu tiên.
Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết, Hoa Kỳ “quan tâm sâu sắc” về cuộc điều tra và kêu gọi Trung Quốc công bố dữ liệu liên quan đến vụ dịch kể từ khởi điểm. “Báo cáo điều tra này bắt buộc phải độc lập, chính phủ Trung Quốc không được can thiệp hoặc sửa đổi những phát hiện của các chuyên gia”.
Trong thời kỳ đầu của đại dịch, Trung Quốc đã phớt lờ lời đề nghị giúp điều tra sự bùng phát COVID-19 của các chuyên gia và bị chỉ trích vì không chia sẻ bằng chứng ban đầu về sự lây nhiễm từ người sang người, cũng như ngăn chặn việc đưa tin của các phương tiện truyền thông độc lập khi đại dịch lây lan toàn cầu.