Nguyễn Quang Dy
10-2-2021
Chuyển giao quyền lực là tất yếu nhưng không bao giờ dễ dàng, ở bất cứ nước nào. Việt Nam không phải ngoại lệ. Đại hội 13 đã kết thúc và bầu được một ban lãnh đạo mới để dẫn dắt đất nước ít nhất 5 năm tới. Nhưng ban lãnh đạo mới có đối phó được trước các thách thức khó lường hay không vẫn còn là ẩn số.
Năm 2020, tuy Việt Nam đã chống dịch thành công và phát triển dương (GDP tăng 2,9 %), nhưng năm 2021 vẫn còn ở phía trước. Quá trình chuyển giao quyền lực vẫn còn dang dở, và chưa đổi mới thể chế như mong đợi.
***
Đại hội 13 khai mạc ngày 25/1 và kết thúc ngày 1/2, sớm hơn dự kiến một ngày vì đã “hoàn thành kế hoạch” và do dịch COVID-19 mới bùng phát. 1,600 đại biểu đã bầu ra 200 ủy viên Trung ương, và sau đó đã bầu ra 18 ủy viên Bộ Chính trị, quan trọng nhất là “Tứ Trụ”.
Ông Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, tiếp tục làm Tổng Bí thư. Ông Nguyễn Xuân Phúc, 66 tuổi, thôi chức Thủ tướng để làm Chủ tịch nước. Ông Phạm Minh Chính, 62 tuổi, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sẽ làm Thủ tướng. Ông Vương Đình Huệ, 63 tuổi, Bí thư Hà Nội, sẽ làm Chủ tịch Quốc hội. Cơ cấu “Tứ trụ” này sẽ lãnh đạo Việt Nam đến năm 2026.
Thay vì bổ nhiệm “đúng người, đúng việc” để ban lãnh đạo mới đối phó với các thách thức khó lường, việc bầu “Bộ tứ” là một sự “thỏa hiệp lớn” giữa các phe phái. Ông Nguyễn Xuân Phúc là một Thủ tướng năng động, nhưng đáng tiếc là đã bị “đá lên” làm Chủ tịch Nước, chủ yếu làm vai trò nghi lễ. Thay thế ông Phúc là ông Phạm Minh Chính, chứ không phải ông Vương Đình Huệ, là một Phó Thủ Tướng có năng lực và kinh nghiệm. Nay ông Huệ sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc Hội, nghe nói là để chờ thay thế ông Trọng làm Tổng Bí thư.
Theo nhận xét của giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales), “Hệ thống chính trị của Việt Nam được mặc định là phải luôn ổn định và cân bằng giữa các phe phái” – phe Đảng do ông Trọng đại diện và phe Chính phủ do ông Phúc đại diện. Trong khi yếu tố cơ cấu biểu hiện qua hệ thống xơ cứng khi chọn lãnh đạo, yếu tố phe phái biểu hiện khi hai phe tạo thế cân bằng qua cách sắp xếp người đan xen lẫn nhau. (Vietnam’s 13th National Party Congress: Exceptional and Unprecedented, Carl Thayer, AIIA, February 4, 2021).
Hệ quả là Việt Nam có một sự chuyển giao lãnh đạo khá nửa vời, trong khi đất nước cần một chính phủ đủ mạnh để đối phó với một loạt vấn đề cấp bách. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thành viên có quyền lực nhất trong “Tứ Trụ”, đã sẵn sàng từ chức. Nhưng ông Trọng đã thất bại trong việc thu xếp cho người mình chọn để thay thế là Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Điều đó có nghĩa là ông Trọng tuy già yếu nhưng phải làm thêm một nhiệm kỳ nữa, để có thời gian bồi dưỡng năng lực cho người kế cận mà ông chọn.
Để ở lại, Ông Trọng cần có “ngoại lệ đặc biệt” đối với quy định tuổi cho lãnh đạo cấp cao. Nhưng vấn đề còn để ngỏ là liệu ông có làm hết nhiệm kỳ 5 năm hay không. Dường như có một thỏa thuận ngầm là nếu đạt được đồng thuận về người thay thế thì ông sẽ nghỉ trước khi hết nhiệm kỳ. Nhưng nay ông Trọng vẫn còn đủ mạnh để chỉ đạo Đại hội, bỏ qua quy định của Đảng về hai nhiệm kỳ, và vận động được đa số đại biểu ủng hộ. Ông Trọng sẽ tiếp tục “đốt lò” để chống tham nhũng và điều hành quá trình chuyển giao quyền lực.
Xét về đường lối thì một hệ quả của quá trình chuyển giao quyền lực như vậy là triển vọng mở rộng cửa cho quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đã gửi điện chúc mừng Hà Nội vào ngày 31/1. Một phần lý do là Thủ tướng mới Phạm Minh Chính trước đây đã từng làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh, giáp Trung Quốc. Trên cương vị đó, ông có vai trò chủ chốt trong việc xây dựng đặc khu kinh tế (SEZ) Vân Đồn, với sự giúp đỡ của các quan chức Trung Quốc, chủ yếu để cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Nhưng kế hoạch thông qua luật ba đặc khu kinh tế đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh trên toàn quốc vào năm 2018, buộc Quốc Hội phải “hoãn vô thời hạn” dự luật mất lòng dân.
Một biểu hiện khác về đường lối liên quan đến sự nghiệp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tuy ông Đam được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, nhưng không được bầu vào Bộ Chính trị như dư luận mong đợi, mặc dù ông đã làm phó thủ tướng 15 năm. Ông Đam là Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 rất có hiệu quả, nên việc đối xử thiếu công bằng với ông có thể làm mất lòng dân và làm nản lòng những người muốn đổi mới.
Theo giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình dương ở Hawaii), “đừng mong có thay đổi lớn về đối ngoại và kinh tế ở Việt Nam trong 5 năm tới. Về cơ bản, tôi thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thất bại khi ông định chuyển giao quyền lực cho một ứng cử viên bảo thủ mà ông nhắm, nhưng ông đó không được lòng các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ông Trọng là người bảo thủ cuối cùng làm Tổng Bí thư. Tình hình sẽ cởi mở hơn sau khi ông Trọng thôi lãnh đạo”. (Term Limits? Not for Vietnam’s Hard-Line Communist Leader, Richard Paddock, New York Times, February 1, 2021).
Trong khi chuyển giao lãnh đạo còn nửa vời, thì có nhiều vấn đề cấp bách không thể chờ đợi. Căng thẳng ngày càng tăng trên Biển Đông xô đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ. Hợp tác quốc phòng Viêt-Mỹ tăng cường đáng kể mấy năm qua, tuy ông Trọng không đi thăm Mỹ vào tháng10/2019 như mong đợi. Việt Nam có mối quan hệ khó xử với Chính quyền Trump. Tuy hoan nghênh quan điểm chiến lược cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc, nhưng vẫn phải đối phó với cáo buộc về thao túng tiền tệ và thặng dư thương mại.
Nay Việt Nam cần tăng cường quan hệ với Chính quyền Biden. Việt Nam đã đánh giá cao tuyên bố của cựu ngoại trưởng Mike Pompeo mạnh mẽ lên án các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam sẽ đánh giá cao nếu Mỹ tiếp tục chính sách cứng rắn đó. Sách trắng Quốc phòng của Việt Nam cuối năm 2019 để ngỏ khả năng hợp tác sâu hơn về an ninh với Mỹ, nếu Trung Quốc gia tăng sức ép ở Biển Đông. (What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021).
ASEAN và Việt Nam cần sự có mặt cao hơn của Mỹ ở Indo-Pacific, qua việc Tổng thống Mỹ tham dự các cuộc họp Cấp cao Đông Á, và tăng cường đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN. Việt Nam và Mỹ cần tiếp tục trao đổi nhằm nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Điện đàm giữa ngoại trưởng Tony Blinken và ngoại trưởng Phạm Bình Minh (ngày 5/2) là một dấu hiệu tích cực để khởi đầu cho một giai đoạn mới.
Theo Derek Grossman (chuyên gia phân tích chiến lược của RAND), Việt Nam đã hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khi chuỗi cung ứng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, làm GDP tăng trưởng 2,9%. Nhưng dưới thời Biden, quan hệ Mỹ-Việt tiềm ẩn nhiều vấn đề, bao gồm hồ sơ về nhân quyền của Hà Nội, Mỹ cáo buộc Hà Nội thao túng tiền tệ và thặng dư thương mại, Việt Nam mua vũ khí của Nga vi phạm chế tài của Mỹ. (How US-Vietnam Ties Might Go Off the Rails, Derek Grossman, Diplomat, February 1, 2021).
Thành công của Việt Nam trong việc chuyển giao lãnh đạo nửa vời sẽ được thử thách qua việc xử lý một loạt vấn đề quốc tế phức tạp, trong khi phải đối phó với hệ quả kinh tế hậu COVID và thách thức trước mắt là phải giữ không để đại dịch quay lại. Đến nay, Hà Nội đã được khen về thành tích chống dịch. Nhưng ngay khi Đại Hội còn đang diễn ra thì COVID-19 đã bùng phát tại các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, cách Hà Nội gần 160 km về phía Đông. Virus được xác định là chủng mới, lây lan nhanh hơn vụ bùng phát lần trước tại Đà Nẵng vào tháng 7 năm ngoái. Chỉ trong vài ngày, hàng trăm người Việt đã bị lây nhiễm.
Mặc dù sức khỏe và ảnh hưởng của ông Trọng bị giảm sút, nhưng ông vẫn chỉ đạo Đại hội theo ý của mình. Tuy có một số dấu hiệu tích cực nhằm điều chỉnh đường lối chính sách, nhưng quá trình triển khai có thể “quá ít và quá chậm”. Các sự kiện trên thế giới đang diễn ra quá nhanh và khó lường đối với các chính phủ, đặc biệt là ở khu vực Indo-Pacific. Đại dịch COVID-19 và những tác động về kinh tế và chiến lược đã làm sụp đổ những ảo tưởng về sức mạnh của Phương Tây. Mỹ và các nước EU là những nơi chịu tác động nặng nề nhất.
***
Năm 2020 là một bước ngoặt trước một thập kỷ mới đầy thách thức khó lường. Việt Nam cần một đội ngũ lãnh đạo nhanh nhậy và năng động. Đại dịch COVID-19 là màn dạo đầu, nhưng đã làm thế giới đảo điên. Biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, một số nước (như Mỹ) và khu vực (như EU và ASEAN) bị phân hóa và rạn nứt. Đảo chính ở Myanmar là một cảnh báo. Khủng hoảng y tế và môi trường có thể xô đẩy khủng hoảng kinh tế và chính trị, làm chuyển giao quyền lực ngày càng nan giải.
Tham khảo
1. What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021
2. How US-Vietnam Ties Might Go Off the Rails, Derek Grossman, Diplomat, February 1, 2021
3. Term Limits? Not for Vietnam’s Hard-Line Communist Leader, Richard Paddock, New York Times, February 1, 2021
4. Vietnam’s 13th National Party Congress: Exceptional and Unprecedented, Carl Thayer, AIIA, February 4, 2021