“Thượng tôn pháp luật” hay “Chính trị là thống soái”?

Ngô Ngọc Trai

6-2-2021

Việt Nam đang xác minh thông tin về một bãi phóng tên lửa đất đối không do Trung Quốc xây dựng sát biên giới, nếu hình ảnh từ vệ tinh được chia sẻ trên mạng là đúng thì đó là một hành động quân sự đe dọa chủ quyền của Việt Nam.

Mặc dầu vậy, cũng đừng quên rằng TQ đã có tên lửa liên lục địa, động cơ tên lửa của họ đã phóng vệ tinh lên bầu khí quyển và đưa phi thuyền lên mặt trăng, cho nên từ lâu rồi khả năng tên lửa của TQ đã có thể vươn tới mọi vị trí trên lãnh thổ VN.

VN cũng đã trang bị một số hệ thống tên lửa đánh chặn S300 mua của Nga, nhưng về lâu dài chúng ta không thể đem một hệ thống vũ khí đi mua số lượng giới hạn đương đầu với kho vũ khí tên lửa tự sản xuất được của TQ.

Dẫu thế, sự lo lắng vẫn khiến chúng ta phải quan tâm tới các động thái quân sự của họ và tìm kiếm thêm những biện pháp phòng vệ quốc gia. Nhưng quan trọng không kém điều đó, tôi cho rằng phía VN cần xác lập một nền móng nhận thức đúng đắn về hệ thống chính trị nhà nước của TQ, để từ đó dự báo được những nguy cơ có thể xảy đến trong tương lai.

Cùng một nguyên nhân

Ngay lúc này, cũng đang xảy ra xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, một số cuộc đụng độ đã làm binh sĩ hai bên thiệt mạng. Đối với các vấn đề trong nước thì TQ cũng đang dần xóa bỏ nền dân chủ ở Hong Kong, tìm cách thâu tóm Đài Loan đang muốn trở thành quốc gia độc lập, phương Tây cũng đang cáo buộc TQ giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương mà Ngoại trưởng Mỹ đã cáo buộc âm mưu diệt chủng.

Tất cả những điều đó cho thấy TQ đang trượt dài đến một nhà nước sô vanh hiếu chiến và nguyên nhân bản chất đằng sau đó là quan điểm nhận thức coi trọng “Chính Trị Là Thống Soái”.

Từ thời kỳ Mao Trạch Đông hệ thống của TQ đã coi Chính trị là thống soái, theo đó toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước của TQ được vận hành hoạt động theo các quan điểm đường lối chính trị, luật pháp bị gạt qua một bên, các chính sách về Đại Nhảy Vọt hay Cách mạng Văn Hóa đều là những chính sách chính trị bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội.

Để hiểu rõ hơn về hệ thống đó thì lấy ví như thế này. Ở Mỹ và Phương Tây, đời sống quốc gia có những phạm vi hoạt động mà chính trị không được xen vào. Ví như họ đòi hỏi các Thẩm phán của Tòa án không được tham gia đảng phái chính trị để giữ sự công tâm khách quan, mặc dù ở góc độ cá nhân thì một Thẩm phán vẫn có thể ủng hộ quan điểm của một đảng chính trị, nhưng các Thẩm phán sẽ phải đặt tôn chỉ mục đích và đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán lên trên, để giữ được sự khách quan của mình.

Hoặc hệ thống của Mỹ đòi hỏi Quân đội không được tham gia đảng phái chính trị mà chỉ tuân thủ điều khiển của một chính phủ dân cử được bầu hợp pháp. Hoặc đội ngũ hành chính gồm cảnh sát quốc gia và các cán bộ công chức cũng bị yêu cầu không được tham gia đảng phái chính trị, bởi sẽ thế nào khi trong một cơ quan mà có nhân viên vận động mọi người ủng hộ cho một đảng phái, còn nhân viên khác lại vận động cho đảng đối lập?

Ngoài ra là các Viện nghiên cứu khoa học hay các hãng phim và nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật về cơ bản họ cũng không giữ một quan điểm chính trị cứng nhắc nào, để từ đó họ có thể huy động sự ủng hộ đóng góp của những người thuộc mọi đảng phái.

Ở hệ thống của Mỹ và Châu Âu, những quyết định được đưa ra dựa trên nền tảng là luật pháp và luật pháp chính là sự bảo hộ. Còn các hoạt động chính trị chỉ gói gọn trong các hoạt động như vận động bầu cử, vận động ủng hộ chính sách của đảng phái, giới thiệu nhân sự, tìm kiếm gương mặt, quảng bá chính sách, những cái đó chỉ là một phần trong đời sống sinh hoạt vận động của quốc gia mà thôi.

Còn hệ thống của TQ thì không như vậy, một đảng toàn trị lãnh đạo tất cả vươn tới mọi ngõ ngách đời sống, và do vậy chính trị xen vào mọi chỗ. Mặt khác, điểm quan trọng nhất trong nền chính trị của TQ là giữ cho được quyền lãnh đạo của đảng, cho nên điểm quan trọng nhất này lại cũng góp phần tạo thêm ra tình trạng coi trọng chính trị là thống soái.

Ở TQ không thể tách bạch chính trị ra khỏi luật pháp, mọi việc làm đều có thể được đánh giá nhìn nhận theo quan điểm chính trị. Việc làm của một Nghị Sĩ hay Bộ trưởng sẽ không còn an toàn nếu bỏ qua yếu tố chính trị, tính hợp lý đúng đắn của sự việc là thứ yếu.

Lấy ví dụ, khi hồ sơ về Hong Kong, Đài Loan hay Tân Cương được đưa ra bàn nghị sự, tất cả những người có mặt đều phải nêu quan điểm giải quyết xử lý dựa theo quan điểm chính trị, luật pháp không là bệ đỡ an toàn cho họ nên không ai có thể nói “tại sao không để cho dân Hong Kong được yên?”, “tại sao lại không thể chấp nhận chung sống với một quốc gia Đài Loan độc lập?”. Một ý kiến như vậy sẽ bị đối thủ chính trị cho là mất lập trường, thiếu bản lĩnh, không kiên định hoặc phản bội đất nước, và người đó có nguy cơ bị loại ra khỏi quyền lực.

Khi đó, người ta thường sẽ đưa ra ý kiến mà có thể là trái ngược với suy nghĩ của bản thân. Và bởi vậy hệ thống của TQ trượt dài theo quán tính, khiến cho mọi sáng kiến giải pháp của hệ thống, từ dưới lên trên, đều chỉ làm theo một hướng, hệ thống vận hành như cỗ xe không có phanh hãm.

Bởi vậy mà người ta có thể từng bước một hủy hoại dần nền dân chủ của Hong Kong mặc dù sự tồn tại của nó chẳng mấy ảnh hưởng gì đến hệ thống của TQ đại lục, người ta dành nhiều nguồn lực tiêu hao cho việc khống chế Đài Loan thay vì đầu tư cho phát triển con người và nâng cao hạnh phúc của dân trong nước.

Việt Nam thì sao?

Có nhiều điểm chung giữa mô hình hệ thống của VN và TQ, nhưng chúng ta may mắn hơn là không có những yếu tố khiến cho ta có thể mắc phải sai lầm như họ. VN không phải là một cường quốc lớn không gì ngăn cản nổi như TQ, quá trình phát triển VN liên đới phụ thuộc và nhận được nhiều khuyến nghị động viên giúp đỡ từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, ASEAN…, đó là những tác động giới hạn phanh hãm cho hệ thống của VN.

VN đang trên lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật, thay vì như TQ coi chính trị là thống soái. Một hệ thống như TQ hiện nay thiếu tính duy lý, đường lối thiếu sự hợp lý đúng đắn, họ đã và sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định sai lầm trong con mắt cộng đồng quốc tế, và đó là vướng mắc mà hệ thống của họ hiện nay cũng không thể nào tự giải thoát ra được.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Theo tôi tác giả có những nhầm lẫn cơ bản khi nói thẩm phán hay kể cả „quân đội“ (tướng lĩnh hay bộ trưởng?) … không được hoạt động đảng phái. Theo tôi biết vị trí thẩm phán cần độc lập, nhưng ở các nước pháp quyền châu Âu hay Mỹ thì họ vẫn có quyền tiếp tục ở lại đảng hay xin mới vào 1 đảng phái chính trị, – miễn là hoạt động chính trị không được phép ảnh hưởng đến công việc hay quyết định của họ. Tóm lại ở các nước, kể cả 1 đảng viên nhờ có đảng được bổ nhiệm làm nghị sỹ quốc hội thì họ vẫn có thể không chấp hành quy tắc hay quy định chung của đảng trước 1 quyết định trong tinh thần 1 nghị sỹ là phục vụ dân. Còn vị trí thẩm phán thì họ phải tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật – điều không thể lấy ví dụ ở Việt nam so sánh được, vì Việt Nam tuân thủ chỉ đạo của Đảng là tối cao!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây