Jackhammer Nguyễn
25-1-2021
Một quyết định hành pháp được tổng thống Biden ký trong những giờ đầu tiên nắm quyền là hủy bỏ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL (gọi tắt là Keystone), dẫn dầu thô từ Canada sang Mỹ.
Dự án Keystone là gì? Và tại sao nó lại trở thành chủ đề tranh cãi đến hàng chục năm nay? Các vấn đề môi trường lớn đến mức nào?
Keystone là gì?
Dự án Keystone được công ty năng lượng Canada TC Energy (TransCanada) đưa ra lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2008, để vận chuyển dầu khai thác từ vùng cát dầu của tỉnh bang Alberta sang Mỹ.
Đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia giữa Mỹ và Canada vốn đã có, nhưng dự án mới là một con đường tắt để vận chuyển nhiều hơn. Dự án dài khoảng 1700 dặm xuyên qua Alberta, Saskatchewan ở Canada và băng qua các tiểu bang Montana, South Dakota và Nebraska của Mỹ.
Ngay sau khi dự án được công bố, các nhà bảo vệ môi trường Canada, dẫn đầu là bà Susan Casey-Lefkowitz bắt đầu cuộc vận động khổng lồ và dài hơi để phản đối. Có nhiều lý do họ đưa ra cho việc phản đối này: khai thác cát dầu sẽ tàn phá một vùng rừng lạnh mênh mông của Canada, rò rỉ từ đường ống sẽ hủy hoại nước ngầm của các nông dân Mỹ, khí thải từ việc chế biến này sẽ tăng lên rất nhiều.
Việc phản đối dự án, cho đến nay đã tập trung được hàng trăm nhóm khác nhau, các nhóm môi trường Mỹ và Canada, nông dân, thổ dân da đỏ,… và nhiều nhà khoa học, các nhóm bảo vệ hoang dã từ Texas đến Idaho…
Năm 2009, trong chuyến ra nước ngoài đầu tiên của mình đến Canada, tổng thống Obama đã được các nhà hoạt động môi trường vận động hủy bỏ dự án. Ông hứa là sẽ xem xét các quan ngại của họ.
Nhưng với sự vận động của các nhóm công nghiệp năng lượng, bộ ngoại giao Mỹ vẫn có khả năng đồng ý cấp giấy phép cho dự án. Các nhóm môi trường tiếp tục làm áp lực mạnh mẽ, mà đỉnh điểm là cuộc biểu tình trong hai tuần lễ của mùa hè năm 2011 xung quanh Tòa Bạch Ốc, dẫn đến việc bắt giữ khoảng 1200 người vì bất tuân dân sự.
Sau đó ít lâu có một cuộc biểu tình đến 12 ngàn người bao vây Tòa Bạch Ốc, đòi hủy bỏ dự án.
Các mạnh thường quân của tổng thống Obama, chỗ riêng tư và công khai, gây sức ép đòi ông hủy bỏ dự án.
Tháng 2/2013, vài ngày sau khi ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ 2, khoảng 35 ngàn người biểu tình ở trung tâm Washington DC, phản đối dự án.
Tháng 11/2015, với sự đồng ý của cơ quan môi trường liên bang (EPA), tổng thống Obama tuyên bố chấm dứt dự án Keystone.
Bốn ngày sau khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đảo ngược quyết định của ông Obama.
Ông Trump bị các nhóm môi trường kiện và ông bị thua trong hai vụ, nhưng từng bước, với sự bãi bỏ nhiều quy định bảo vệ môi trường, ông Trump và các đồng minh thân hữu của các công ty năng lượng, lại phục hồi dần dự án Keystone, cho đến ngày 20/1/2021, nó bị tổng thống Biden chấm dứt.
Môi trường, việc làm và thị trường
Muốn hiểu sự lo lắng cao độ của các nhóm môi trường, phải hiểu biết bản chất của cát dầu là gì. Đây không phải là dầu mỏ dưới dạng lỏng mà là dạng đặc có hình dáng, cấu trúc như những miếng nhựa trải đường, hay còn gọi là hắc ín. Tên tiếng Anh của nhiên liệu này là “bitumen”, một số tài liệu tiếng Việt trong nước viết là “bitum”.
Có hai cách vận chuyển nguyên liệu này, hoặc bằng xe tải hay xe lửa, khi mới đào lên. Thứ hai là sơ chế nó thành chất lỏng rồi chuyển bằng đường ống, như dự án Keystone mong muốn. Giá vận chuyển bằng đường ống rẻ hơn nhiều so với bằng đường bộ, và đó chính là lý do các công ty năng lượng nằng nặc vận động cho dự án.
Có hai điều đặc biệt nguy hiểm cho môi trường, phát sinh từ việc vận chuyển bitumen. Thứ nhất là nó nặng hơn dầu thô bình thường, khi bị rò rỉ sẽ chìm xuống nước, khó được tẩy rửa hơn so với dầu thô bình thường. Thứ hai là trong bitumen có nhiều chất rất độc, ăn mòn kim loại, hủy hoại nhanh chóng các đường ống dẫn.
Về mối nguy hiểm thứ nhất, người ta lo ngại rằng, đường ống Keystone sẽ hủy hoại bồn nước ngầm Ogallala nằm dưới lòng đất ở tiểu bang Nebraska và một số bang lân cận. Bồn nước ngầm này đang cung cấp nước uống cho hàng triệu người và tưới cho 30% đất đai nông nghiệp của Mỹ.
Về mối nguy hiểm thứ hai, hồi tháng 7/2010, giữa lúc các nhóm vận động hủy bỏ dự án đang giằng co với chính quyền Obama thì một vụ rò rỉ dầu chế biến từ bitumen xảy ra gần thành phố Kalamazoo, bang Michigan, của công ty Enbridge. Đường ống dẫn bị vỡ, tung ra hàng triệu gallon dầu bitumen. Hàng trăm người phải đi bệnh viện, và việc tẩy rửa sau đó tốn hàng tỷ Mỹ kim và nhiều năm kiện tụng, dàn xếp trong tòa án. Vụ rò rỉ này là vụ rò rỉ dầu lớn nhất trên đất liền trong lịch sử nước Mỹ.
Chính vụ Kalamazoo làm phong trào phản đối Keystone càng mạnh mẽ, kêu gọi được cả sự chú ý của những nhân vật cộng đồng như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức Tổng giám mục Desmond Tutu…
Các nhóm thúc đẩy dự án đưa ra lý do là dự án khổng lồ này sẽ tạo nhiều công ăn việc làm. Theo TC Energy, nó sẽ tạo ra 119.000 công việc làm. Nhưng theo con số của Bộ Ngoại giao Mỹ được tổ chức bảo vệ môi trường Natural Resources Defense Council (NRDC, thành lập năm 1970) cho biết, có khoảng 2000 công việc được tạo nên trong 2 năm xây dựng, sau đó giảm xuống còn… 35.
Một lập luận nữa được những người ủng hộ dự án đưa ra là để cho nước Mỹ không phụ thuộc vào dầu nhập cảng từ các quốc gia không thân thiện như Venezuela, Iran. Nhưng theo tính toán của NRDC, phần lớn lượng dầu lọc từ bitumen của Keystone sẽ được xuất khẩu. Từ năm 2015 lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã bị dỡ bỏ vì thặng dư dầu khai thác từ công nghệ ép đá phiến (shale oil fracking). Ngoài ra các nguồn dầu rẻ tiền, dễ lọc cũng sẵn sàng hơn từ Brazil, Guyana, phát hiện trong những năm gần đây.
Canada là nguyên nhân chính
Nếu như việc hủy bỏ Keystone không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng cũng như việc làm của Mỹ, thì nó có thể ảnh hưởng nhiều đến Canada, quốc gia xuất khẩu năng lượng nhiều nhất vào Mỹ và nền kinh tế của Canada phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu này, đặc biệt là tỉnh Alberta nơi có mỏ dầu bitumen.
Và đây không phải là lần đầu Canada gặp khó khăn vì nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu nguyên liệu này. Canada cũng đã từng phản đối việc cấm sử dụng chất asbestos có trong khoáng chất amiant, dùng làm chất cách nhiệt, giữ ấm trong nhà, vì Canada là nước sản xuất phần lớn khoáng chất này. Chất asbestos là chất gây ung thư phổi.
Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ và Canada là ông Biden – Trudeau sắp tới đây, được dự trù là sẽ bàn nhiều đến quyết định hủy bỏ dự án Keystone. Canada và Mỹ là hai đồng minh kinh tế và chính trị rất khắng khít.
Sau khi ông Biden ký sắc lệnh hủy dự án Keystone, có nhiều người sử dụng Facebook tiếng Việt đăng đàn phản đối hay chế giễu, trong đó có một nha sĩ ở Texas, là một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump và cũng là một nhân vật cộng đồng người Việt ở đó.
Ông ta nói rằng quyết định của ông Biden giúp Tàu hưởng lợi, vì Canada sẽ ký kết khai thác dầu với Trung Cộng, mà không đưa ra dữ liệu nào củng cố nhận định của ông ta.
Có lẽ ông ta không hề biết rằng, hồi tháng 2/2020, khi dự án Keystone vẫn đang có triển vọng dưới thời ông Trump, một công ty Canada đã từng hủy bỏ dự án có tên Frontier Mine, khai thác bitumen ở Alberta, vì một lý do đơn giản: Giá dầu thấp, bán không có lời.
_____
Tham khảo:
– https://www.nrdc.org/stories/
– https://kalamazooriver.org/
– https://www.nytimes.com/2020/
– https://www.nrdc.org/stories/