Người Việt và luật pháp

Jackhammer Nguyễn

23-1-2021

Người Việt cộng sản

Những người Cộng sản Việt Nam rất e ngại luật pháp. Đây là nhận xét của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhân chứng trong những ngày đầu tiên khi chế độ cộng sản được thiết lập trên miền Bắc Việt Nam:

Thời gian trôi đi, Đảng lần khân và chậm quyết định mở lại hay đóng cửa trường Luật. Tôi hiểu những ngần ngại này. Trong nhiều năm được nhà cầm quyền chỉ định làm luật sư (avocat d’office) tại các toà án, và nhờ giao tiếp thường xuyên với những người được gọi là có trách nhiệm, tôi đo lường được trong cái vô thức bí mật của họ, sự ghê tởm luật pháp đến thế nào!

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường học luật ở Pháp, về nước tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng ông không phải là đảng viên cộng sản và cũng không tham gia mặt trận Việt Minh.

LS Tường giúp đỡ chính quyền cộng sản Hà Nội trong những bang giao quốc tế sau năm 1954. Sau khi có một bài phát biểu công khai (do những người cộng sản yêu cầu) vạch ra sự sai lầm chết chóc của cải cách ruộng đất, ông bị nhà nước cộng sản tước hết mọi quyền làm việc, sống nghèo khổ đến cuối đời. Những dòng trên do ông viết trong quyển hồi ký “Người bị rút phép thông công”, xuất bản tại Pháp.

Người ta cũng lưu truyền một câu nói được cho là của cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói với ông Tường rằng, luật pháp chỉ có trói tay mà thôi.

Thời cải cách ruộng đất Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thành lập các tòa án nhân dân gồm những bần cố nông tham gia, để xử các địa chủ, không có luật sư tranh biện gì cả. Cho đến tận những năm đầu của cuộc cải cách kinh tế sau năm 1986, hệ thống luật sư đoàn mới được tái lập lại ở Việt Nam, nghề luật sư trở lại.

Dù có luật sư đoàn, nhưng các tòa án vẫn do ĐCSVN nắm chặt, không thể độc lập xử án. Các thẩm phán, công tố viên đều phải là người của Đảng. Trong các vụ án được cho là mang tính chính trị, xử những người bất đồng chính kiến, sự hiện diện của luật sư tại tòa hầu như mang tính hình thức. Khá đông luật sư, dù được chính chế độ cộng sản đào tạo, bị bỏ tù, hay phải lưu vong.

Sự việc thể hiện rõ nhất về thái độ nghi kỵ căm ghét luật pháp của những người cộng sản vẫn sống dai dẳng đến thế kỷ 21. Sự việc thể hiện rõ nhất thái độ này là việc ông Nguyễn Đăng Trừng, một luật sư được đào tạo dưới chế độ Sài Gòn trước năm 1975, bị khai trừ Đảng, mất ghế đứng đầu đoàn luật sư Sài Gòn vào năm 2014.

Người Việt không cộng sản

Thế nhưng, những người Việt chống đối chế độ cộng sản cũng không có thái độ khác biệt mấy so với những người cộng sản về luật pháp. Có khá đông luật sư bị chế độ cộng sản bỏ tù, rồi đi lưu vong. Trong phong trào đối kháng tại Việt Nam trước năm 2020, cũng có khá đông luật sư.

Với sự tham gia của giới luật sư, phong trào đối kháng tại Việt Nam đưa ra khá nhiều tuyên bố rất mạch lạc về sự cần thiết phải có một nền pháp lý độc lập, các tòa án được độc lập với quyền lực chính trị, thì mới có thể có công lý, và về lâu về dài mới có dân chủ cho Việt Nam.

Việc thúc đẩy khái niệm tư pháp độc lập này được nói ra rất dễ dàng vì nó rất hiển nhiên, nhất là trong hoàn cảnh đối lập với chế độ đàn áp theo kiểu công an trị, trong đó có khi các vị thẩm phán có nguồn gốc từ công an.

Cho nên, có thể nói không ngoa rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa nước Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc đấu tranh để có một nền tư pháp độc lập.

Nhưng khái niệm tư pháp độc lập này, lý tưởng cao cả này của phong trào đối kháng Việt Nam bị thử thách mạnh mẽ trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 ở Mỹ, bằng một loại thuốc thử lý thú là Donald Trump.

Ông Trump sau khi thua trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, bèn tuyên bố vung vít là ông bị gian lận. Hoa Kỳ là một nhà nước có chế độ tam quyền phân lập rõ rằng, những bất đồng tranh cãi cuối cùng phải được đem ra tòa. Tòa án độc lập của Mỹ ở mọi cấp, từ cấp tiểu bang, liên bang, đến Tối cao Pháp viện, đều bác bỏ những đơn kiện của ông Trump vì không có chứng cứ, trong đó, chính những vị thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm cũng đã bác bỏ đơn kiện của ông.

***

Người Việt Nam trong và ngoài nước, trong đó có khá nhiều luật sư, nhiệt tình ủng hộ ông Trump và chỉ trích, chửi mắng các tòa án độc lập của Mỹ. Giới bất đồng chính kiến Việt Nam, trong và ngoài nước cũng phụ họa, tham gia dàn đồng ca chỉ trích này. Trong số những người này, có cả những người từng học tập và sinh sống ở các xã hội dân chủ như Mỹ, châu Âu, họ có bằng cấp, có người là nhà báo, luật sư…

Việc ủng hộ ông Trump là bình thường, trong trường hợp ông ta đúng; còn nhắm mắt ủng hộ ông ta, bất kể đúng sai, vỗ tay tung hô ông ta vi phạm luật pháp, thì đó mới là vấn đề. Việc thúc đẩy một nền tư pháp độc lập cho Việt Nam là một điều hiển nhiên, nhưng việc vô cùng khó hiểu là, cũng chính những con người đó thẳng thừng bác bỏ nền tư pháp độc lập, tòa án độc lập của Hoa Kỳ.

Họ muốn gì?

Tôi không phải là người duy nhất nhận xét rằng, năm 2020 là năm mà phong trào đối kháng tại Việt Nam hầu như chấm dứt.

Có phải là những người đối kháng dùng những tiêu chuẩn kép, một mặt họ đòi đảng CSVN phải công nhận tam quyền phân lập, tòa án độc lập, mặt khác họ phủ nhận các bản án của tòa án độc lập Hoa Kỳ?

Hay là ta nên hiểu một cách nhẹ nhàng hơn cho họ, rằng họ chẳng biết thế nào là tòa án, tư pháp độc lập, những điều mà họ đã và đang đòi?

Với hai cách hiểu đó đều dẫn đến kết luận rằng, phong trào đối kháng tan rã là chuyện tất phải đến. Nếu họ chẳng biết thế nào là sự độc lập của tòa án, một cột trụ của nền dân chủ thì làm sao họ đấu tranh để đòi được nó?

Nếu họ dùng tiêu chuẩn kép thì họ là những người không lương thiện, mà không lương thiện thì làm sao có thể tranh đấu, đòi những giá trị tốt đẹp cho Việt Nam?

Hãy hình dung, những người đối kháng đó cai trị nước Việt Nam, họ cũng sẽ bảo tòa án xử án theo ý họ mà thôi, nghĩa là không khác gì nhà nước Cộng sản hiện nay.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Người Việt Nam không kém các dân tộc khác trên thế giới đến mức không hiểu dân chủ là gì.
    Như mọi sự vận động, tiến trình đòi dân chủ cho Việt Nam có dạng hình sin chứ không như bóng dáng cây cầu gãy chúi đầu xuống nước.
    Việt Nam, đã bao phen thoát nạn quốc vong. Nay, cũng không thể khác.
    Biển Đông đủ chỗ cho bè lũ độc tài Trung Nam Hải, Ba Đình chết chìm trong đó.

  2. Những nhận xét b/L trước nay tôi hầu như không cho là đúng với: “năm 2020 là năm mà phong trào đối kháng tại Việt Nam hầu như chấm dứt.”
    Nếu cho là 2020 là chấm dứt thì các nỗ lực của Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Đinh Thị Thu Thủy, Phạm Chí Thành, Nguyễn Thị Tâm, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư… là bế mạc luôn sao? Tất cả báo lẽ thật đều cắt mạng luôn sao?
    Mặc dù ở trong ngục đen cọng sản nhưng Jack cho rằng anh em đã buông xuôi rồi chăng, tôi nghĩ họ là những anh hùng, không tiếc thân và hy sinh cuộc sống bản thân và những người thân thuộc.
    Xin Jack hãy chỉ rõ phong trào đối kháng 2020 là gì, nó diễn biến và kết thúc như thế nào? và tại sao nó kết thúc.
    Tôi nghi ngờ phán xét trên là hấp tấp, nhưng không vì thế mà nó làm nguội đi ý chí mà Jack gọi là đối kháng.
    Tôi nghi ngờ rằng phán xét trên phần nào làm cho người csvn hèn hạ yên tâm.
    “Hãy hình dung, những người đối kháng đó cai trị nước Việt Nam, họ cũng sẽ bảo tòa án xử án theo ý họ mà thôi, nghĩa là không khác gì nhà nước Cộng sản hiện nay”
    Xin Jack hãy dùng đúng chữ “người đối kháng” trên, không phải chụp cho ai cũng được.

  3. Bài viết này rất dở với những suy nghĩ đen tối.
    Hiện nay, có một lũ chống Cộng kiểu chửi loạn xạ, lời lẽ rất bạo lực.
    Ngay tại diễn đàn TiengDan chúng cũng lọt vào.
    Nếu chúng thành công mà nắm chính quyền thì chẳng khác gì bọn CS.
    Còn những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ đang rơi vào thời kỳ bị đàn áp rất khắc nghiệt. Khỏi cần nói.

    Người viết bài này đã gộp lại và chửi đổng.

  4. Chưa đọc bài đã thấy trương ra cái hình “khinh miệt” ls.Lê Công Định,một tiếng
    nói đối kháng có tầm cỡ ở trong nước là biết ý đồ ra sao rồi ?
    Chẳng lẽ nước Mỹ là độc quyền của ứng cử viên và nay là TT.Biden chăng ? Ủng
    hộ ai là quyền tự do cá nhân,chứ không phải để khệnh khạng lên giọng thầy đời
    để riả rói “tao đúng,mày sai” ! Hãy quên đi vì trò này là “tập quán” của CS.!

  5. Bài viết rất hay và nhận xét rất đúng về những người bám sâu theo Trump. Không chỉ thuần là những người từng được gọi nhà dấu tranh cho vấn đề dân chủ trong nước, mà ngay cả những nhà tu, ông Cha trong nhà thờ Công giáo và những nhà Sư, hoà thượng bên nhà Phật, không biết những người này rao giảng thế nào về tình yêu thương, về lòng bác ái với đồng loại, trong khi cũng họ ủng hộ sự giả dối, bôi nhọ công lý và tin nhảm lừa lọc.

Comments are closed.