Nước Mỹ từng có một vụ đảo chánh, cướp chính quyền thành công tại một thành phố

Jackhammer Nguyễn

18-1-2021

Vụ bạo loạn tấn công ngày 6/1/2021, vào điện Capitol của các nhóm cực hữu, da trắng thượng đẳng, ủng hộ ông Trump, gợi nhớ đến một sự kiện diễn ra hơn 120 năm trước, chỉ hai ngày sau ngày bầu cử thứ Ba, ngày 8/11/1898 ở Mỹ: Đó là vụ thảm sát Wilmington.

Ngày 10/11/1898, khoảng 2000 người da trắng có vũ khí, trong đó có cả nhóm phân biệt chủng tộc địa phương là nhóm Áo Đỏ, tấn công vào thành phố Wilmington, bang North Carolina, đốt cháy tòa soạn báo Daily Record, thảm sát cư dân da đen của thành phố, lật đổ và cướp chính quyền.

Những kẻ nổi dậy người da trắng có vũ trang đã sát hại người da đen và đốt các cơ sở kinh doanh của họ, trong cuộc đảo chính Wilmington năm 1898. Nguồn: Daily Record/ Tài liệu lịch sử North Carolina

Nếu vụ tấn công điện Capitol ngày 6/1/2021 được xem như một vụ đảo chánh bất thành ở chính phủ Mỹ, thì vụ Wilmington ngày 10/11/1898, là một vụ đảo chánh thành công duy nhất trong lịch sử nước Mỹ ở cấp chính quyền địa phương. Vụ đảo chánh Wilmington còn là cuộc thảm sát phân biệt chủng tộc, mà ít người Mỹ biết đến.

Sau nội chiến Mỹ kết thúc năm 1865, chế độ nô lệ chính thức bị bãi bỏ, nhưng trên thực tế, nhất là tại các tiểu bang miền Nam, nhiều người da đen vẫn không hoàn toàn lấy lại được quyền của mình.

Năm 1898, tại thành phố Wilmington, bang North Carolina, một liên minh gồm người da đen và da trắng ôn hòa (lúc đó gọi là Fusionist, chủ trương hòa hợp với người da đen) giành được chính quyền sau một cuộc bầu cử.

Tấm bảng ghi lại sự kiện lịch sử Wilmington đã được gắn hồi năm 2019. Nguồn: Vince Winkel, WHQR News.

Thời đó, Wilmington là một hải cảng phồn thịnh, nhiều cư dân da đen làm ăn phát đạt. Có những nhóm da trắng tức giận về điều đó. Họ bắt đầu loan truyền tin vịt về những người đàn ông da đen hiếp dâm phụ nữ da trắng. Tờ báo Daily Record mà chủ bút là ông Alex Manly, một người da trắng, đặt nghi vấn về những tin vịt đó.

Ông Alex Manly, chủ bút tờ báo Daily Record. Ảnh chụp hồi thập niên 1880. Nguồn: UNC-Chapel Hill.

Bầu cử ở Mỹ diễn ra vào ngày 8/11/1898. Hôm sau, tức trước vụ thảm sát một ngày, có khoảng 800 cư dân da trắng được ông Alfred Waddell, cựu đại tá quân đội miền Nam thời nội chiến, ra một tuyên bố gọi là ‘tuyên bố độc lập’ của người da trắng, nói rằng, họ không sống dưới chính quyền của người da đen nữa (thật ra đó là chính quyền được dân bầu, có cả người da đen lẫn người da trắng).

Ông Alfred Waddell, cựu đại tá quân miền Nam, trở thành Thị trưởng TP Wilmington sau khi đảo chánh, trước đó ông ta là dân biểu QH Mỹ. Ảnh: Thư viện QH Mỹ

Cuộc đảo chánh thảm sát chủng tộc Wilmington giết hại nhiều người da đen (các tài liệu nói rằng, từ 60 đến hơn 300 người bị giết chết, văn bản chính thức của nhà nước hiện nay nói không rõ bao nhiêu người bị giết), bỏ tù nhiều người hoặc đuổi họ đi khỏi thành phố.

Những kẻ tổ chức đảo chánh và cướp chính quyền không bị trừng trị. Cựu đại tá Waddell lên làm thị trưởng, một trong những người cầm đầu nhóm da trắng thượng đẳng là Charles Aycock trở thành thống đốc North Carolina vào năm 1901. Tượng của ông ta vẫn còn ở điện Capitol, nơi nhóm bạo loạn xâm chiếp tòa nhà vào ngày 6/1/2021.

Hơn 2 năm sau cuộc đảo chánh, Charles Aycock, kẻ cầm đầu nhóm da trắng thượng đẳng, trở thành Thống đốc thứ 50 của bang North Carolina.

Những quyền ít ỏi của người da đen giành được ở bang North Carolina sau nội chiến, đã bị tước bỏ, nhiều nơi người da đen còn bị tước cả quyền đi bầu. Năm 1896, có 125.000 cử tri người da đen ghi danh đi bầu ở bang này, thì năm 1902 chỉ còn 6.000 cử tri.

Một số tài liệu lịch sử viết về vụ thảm sát cũng đã diễn đạt sai sự thật suốt gần 100 năm sau khi nó xảy ra. Khi nghe đến thảm sát Wilmington, người ta nghĩ rằng, đó là một cuộc bạo loạn sắc tộc do người da đen khởi xướng. Đến 102 năm sau, năm 2000, một ủy ban tra xét vụ Wilmington được thành lập, công bố toàn bộ sự thật dựa trên những ghi chép vào thời kỳ đó.

Cuộc đảo chánh Wilmington dập nát những thành quả đầu tiên của cuộc giải phóng nô lệ sau nội chiến, cho đến thập niên 1960, dưới sự lãnh đạo của mục sư Martin Luther King, người da đen mới giành lại được một số quyền mà họ bị mất trong vụ đảo chánh này.

Cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 ở điện Capitol, làm người ta nhớ lại vụ đảo chánh Wilmington, nhưng vụ Wilmington chỉ là một trong những vụ thảm sát sắc tộc diễn ra trong lịch sử Mỹ. Gần đây, báo chí có nhắc đến vụ thảm sát người da đen ở Tulsa, Oklahoma, hồi tháng 6/1921, cách nay đúng 100 năm.

Sau cái chết của người dẫn đầu phong trào đòi quyền bình đẳng sắc tộc Martin Luther King, Đạo luật Dân quyền năm 1968 (Civil Rights Act of 1968) được thông qua. Đạo luật này khởi nguồn từ Đạo luật Dân quyền năm 1964 (Civil Rights Act of 1964). Nhưng các nhóm phân biệt chủng tộc vẫn có trăm phương ngàn kế để loại bỏ lá phiếu của cử tri da đen cho đến tận hôm nay.

Với các chứng cứ lịch sử, chúng ta không ngạc nhiên khi chứng kiến sự giận dữ của người da đen sau vụ George Floyd, người đàn ông da đen chết vì hành động bạo lực của cảnh sát hồi tháng 5/2020.

Từ đó, dẫn đến những phong trào thúc đẩy người da đen nói riêng, người da màu nói chung, đi bỏ phiếu. Trong kỳ bầu cử năm 2020, người ta chứng kiến thành quả đó khi có rất đông cử tri da đen đi bầu ở các thành phố lớn, góp phần làm nên chiến thắng của liên danh Biden-Harris, mà bà Harris sẽ trở thành phó tổng thống Mỹ gốc da đen đầu tiên.

Nước Mỹ đã thức tỉnh với các đạo luật nhân quyền 1964 và 1968. Nước Mỹ cũng đã có tổng thống da đen đầu tiên, trong tương lai, Mỹ sẽ có nữ tổng thống da đen đầu tiên, nhưng sự phân biệt sắc tộc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa thượng đẳng da trắng vẫn còn đó trong xã hội Mỹ. Điều này cần sự tỉnh táo của mọi người, không nên xem nhẹ cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021, cho dù nó thất bại.

***

Tôi viết những dòng này hôm nay, là ngày quốc lễ, nước Mỹ tưởng nhớ đến vị mục sư người da đen Martin Luther King Jr. Không có ông và phong trào đòi bình đẳng cho những sắc tộc thiểu số, không chắc cộng đồng tị nạn Việt Nam tồn tại được trên đất nước này như hôm nay.

Không có ông và những người da đen bị giết chết trong ngày Chủ Nhật đẫm máu 7/3/1965 trên cầu Selma, mấy trăm ngàn người Việt chưa chắc được quyền đi bầu hôm 3/11/2020 vừa qua. Cộng đồng gốc Việt chưa chắc có những dân biểu tiểu bang và liên bang người Mỹ gốc Việt.

Thế mà, cũng trong những ngày này, hình ảnh lá cờ miền Nam Việt Nam, đại diện cho cộng đồng Việt tại Mỹ, lại xuất hiện cùng với các lá cờ phân biệt chủng tộc, tràn ngập trên mặt báo Mỹ, các nhân vật nổi tiếng lẫn không nổi tiếng người Việt chụp ảnh cùng các nhóm Proud Boys, Boogaloo… trong cuộc bạo loạn.

Theo nhà báo Mõ Bolsa, các kênh YouTube cộng đồng vẫn ra rả nói rằng, cuộc bạo loạn là do phong trào Black Live Matter đòi quyền bình đẳng cho người da đen gây ra, dù hàng loạt hình ảnh, video ghi lại, khó có thể tìm thấy người da đen trong đám đông bạo động.

Đó là một sự đánh tráo khái niệm hết sức ngu xuẩn và vô trách nhiệm của một số người Mỹ gốc Việt đối với cộng đồng người Việt tị nạn trên đất Mỹ.

______

Tham khảo thêm phim: Khi những kẻ da trắng thượng đẳng lật đổ chính quyền:

https://www.zinnedproject.org/news/tdih/wilmington-massacre-2/

https://www.theatlantic.com/politics/archive/2017/08/wilmington-massacre/536457/

https://www.bbc.com/news/world-us-canada-55648011

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây