Tác giả: Helmut P. Müller
Dịch giả: Phan Ba
14-1-2021
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8 và Phần 9
Thị trấn đó có tên là Vũng Tàu. Ai nói về Vũng Tàu thì có thể quên cuộc chiến – bãi cát dài hàng kilômét, không có Việt Cộng, vui tắm biển, chơi trượt nước. Khung cảnh đó có một sức hấp dẫn đến nỗi sự khốn cùng ở chung quanh đó mờ nhạt đi – sự pha trộn đặc trưng luôn có ở Việt Nam từ thứ nước lợ thối, rác rưởi hôi, những ngôi nhà tồi tàn, những đống rác và bệnh tật. Phong cảnh có thể thay đổi, nhưng bức tranh ấy lúc nào cũng vậy – một vệt màu khổng lồ từ hàng ngàn hạt bụi bẩn được dán lại với nhau…
Từ Sài Gòn người ta bay trực thăng ra Vũng Tàu trong vòng 40 phút – những chuyến bay đã trở thành việc bình thường. Chỉ có hàng chữ trên mặt sau chiếc ghế phi công là điều đặc biệt: “Chuyến bay này khiến cho Chú Sam tốn mất 253,88 dollar một giờ. Hãy dùng nó một cách hợp lý!” Cùng với người Mỹ, không chỉ có đồ hộp tràn vào Việt Nam – cả những câu nói Mỹ cũng đã trở thành thứ hàng hóa không thiếu. “Làm sao có thể hạnh phúc khi biết Sài Gòn có thể nổ tung vào bất cứ lúc nào. Với tất cả những quán rượu tuyệt vời ấy…” là một câu nói có trong nhiều văn phòng. Hay những chỉ dẫn đầy yêu thương trong những dãy nhà của phi trường, nơi những người lính Mỹ mang đầy hành trang, đang toát mồ hôi, ngồi chờ chuyến bay: “Trong trường hợp bị tập kích bằng súng cối – xin hãy nằm xuống ngay!”
Vũng Tàu cần phải trở thành trái tim của “cuộc sống mới” ở Việt Nam – nằm ở đây là trung tâm huấn luyện cho các đội RD, những nhà cách mạng tạm thời. Như đã nói, Vũng Tàu cần phải trở thành trái tim của phong trào mới – vì không chương trình nào khác ở Việt Nam được khen ngợi và bị chê bai, được ngưỡng mộ và bị khinh thường như chương trình RD…
RD là viết tắt cho “Revolutionary Development – Phát triển Cách mạng”, một khẩu hiệu thất bại cho một ý tưởng đáng khen: xây dựng một cuộc sống mới trong các làng mạc Việt Nam, một cuộc sống được xây dựng từ an ninh, thịnh vượng và tin tưởng. Hai người lính mặt trận Mỹ được xem như là “cha đẻ” của phong trào: Thiếu tá Frank Scotton và Đại úy William Dreyer. “Chúng ta đánh nhau với Việt Cộng ở đây thì có lợi ích gì”, họ đã giải thích ngay từ năm 1963, “nếu như sau đó không giữ được những ngôi làng. Chỉ có thể chiến thắng ở đây nếu như mang an ninh và hòa bình lại cho làng mạc. Nhưng chỉ có thể làm được điều đó nếu như người dân có thể tự giúp mình!”
Cuối cùng thì người Việt cũng khuất phục trước sự ồn ào không biết mệt mỏi của hai người lính mặt trận: năm 1965, một bộ được thành lập để thực hiện ý tưởng đó từ trên xuống. Ý tưởng chính được công bố khắp nước: “Ngay sau khi thanh trừng xong một ngôi làng hay một nhóm nhà nông dân, những nhóm RD cần phải đại diện cho sự hiện diện của chính phủ và bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại những hoạt động bí mật, khủng bố và tham nhũng. Họ cần phải đứng sát cánh tư vấn và giúp đỡ những người nông dân trong mọi lĩnh vực của cuộc sống trong làng và chỉ ra đi khi việc tự bảo vệ được bảo đảm. Chương trình này phải được tiến hành bởi những người tự nguyện. Việc không thể tránh khỏi là sẽ luôn có người chết trong cuộc chinh chiến này.”
Ít nhất thì dự đoán này đã trở thành hiện thực: Cho tới nay đã có 891 người RD chết trong “cuộc chiến ở phía sau mặt trận” này…
Chương trình có thể có nhiều tác động, nhưng không trong quy mô mong đợi. Nó thất bại vì nhiều thiếu sót và bất cập mang đặc tính Việt. Khiếm khuyết nặng nhất là thiếu sự an toàn: những nhóm RD phải hoạt động độc lập, không có sự bảo vệ của quân đội. Và ở Việt Nam thì ngay đến cả những người lý tưởng mơ mộng cũng không đánh giá cao điều ấy. Một mặt thì đa số những nhà cách mạng nông thôn này được tuyển chọn từ số đáng thương còn lại của những cuộc tuyển chọn khác: những ai không được quân đội, lực lượng dân quân, địa phương quân, không được Cảnh sát Quốc gia, Lực lượng Dân sự Chiến đấu (CIDG – Civilian Irregular Defense Group) và Việt Cộng tuyển mộ để cầm súng chiến đấu thì cuối cùng còn lại cho RD. Vì vậy mà đó không phải là hạng nhất.
“Phần lớn người RD của chúng tôi đến từ thôn làng hay trại tỵ nạn”, Nguyen Be nói, 37 tuổi, thiếu tá quân đội, chỉ huy Trại Huấn luyện RD ở Vũng tàu. “Khoảng 20 phần trăm mù chữ. Chúng tôi thường đưa những người này vào nhóm quân sự của đội 59 người, vì bắn súng thì ai trong số họ cũng biết.”
Nhưng chỉ với bắn súng thôi thì không thể xây dựng được một ngôi làng. Vì vậy mà trọng tâm nằm ở ba nhóm khác: nhóm chỉ huy (khai sáng chính trị, hỏi cung, chăm sóc y tế), nhóm kỹ thuật (quản lý hành chánh, khiếu kiện, tuyên truyền) và nhóm phát triển (thầy giáo cũng như chuyên gia về thủy lợi, cải cách ruộng đất, nông nghiệp và tái xây dựng). “Người của chúng tôi nằm trong độ tuổi từ 17 tới 40”, Thiếu tá Be nói. “Nhưng không có người trong tuổi từ 22 tới 25, vì hầu hết họ đều ở trong quân đội. Vì vậy mà chúng tôi cũng nhận cả những người trẻ tuổi hơn.”
Và đó cũng là một khuyết điểm của chương trình: nông dân không thích để cho người trẻ tuổi hơn giảng giải. Ở Việt Nam cũng không…
Khóa đào tạo kéo dài mười hai tuần. Rồi từ trung tâm ở Vũng tàu, các đội bắt đầu đi vào hoạt động. Ở đây, họ phải chứng tỏ rằng họ đã học đủ để thực hiện “11 tiêu chí” dẫn đến việc bình định một ngôi làng: tiêu diệt lực lượng bí mật của cộng sản, loại bỏ tham nhũng, xây dựng một tinh thần mới, dân chủ hóa hành chính, xây dựng lực lượng tự vệ, xóa bỏ mù chữ, phát triển, tiến hành cải cách ruộng đất, phát triển nông nghiệp và thủ công cũng như xây dựng đường xá và các hệ thống tưới nước.
Một người lính RD phải đăng ký phục vụ hai năm. Lương tháng: 3500 đồng. Ai muốn bỏ ngũ thì phải trả 12.000 đồng. “Sức thu hút của tiền bạc là không quan trọng”, thiếu tá Be nói, “người chúng tôi có thể lãnh hàng tháng 15.000 đồng nếu làm việc cho người Mỹ. Nhưng dù vậy vẫn có đủ người tình nguyện đăng ký. Cho tới nay, chúng tôi có 590 đội với 34.819 người đang hoạt động. Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục đào tạo thêm 28.000 người nữa. Mục tiêu của chúng tôi: 2000 đội với tổng cộng 120.000 người. Qua đó chúng tôi sẽ thực hiện điều mà Nam Việt Nam đang cần nhất: an ninh cho làng mạc, xây dựng một hệ hành chánh tự quản thực sự và công bằng xã hội.”
Nhưng Thiếu tá Be, người đã làm việc cho mục đích ấy ngay từ thời Diệm, biết rõ con đường đi còn dài cho tới đâu: “Chúng tôi muốn bình định 1100 ấp trong năm nay. Nếu chúng tôi làm được điều đó trong 500 ấp – thì là đã rất thành công rồi.” Và rồi ông chán nản nói thêm: “Thiếu nhiều điều kiện tiên quyết. Ở đây thì tất cả mọi thứ đều tuân theo câu nói: Ai có tiền thì có quyền. Nhưng ngày nay có tiền là những người tham nhũng và hưởng lợi từ chiến tranh. Đạo đức là cái nằm lại.”
Và cho tới chừng nào còn như thế thì những chương trình tốt nhất cũng phải thất bại – mặc dù lẽ ra chính chúng là bước đi đầu tiên tiến đến hòa bình…
Tất cả mọi thứ đều dễ dàng. Người ta chỉ cần bước vào tòa nhà Rex ở Sài Gòn và nói: “Tôi muốn đi về đồng bằng sông Cửu Long.” Thế là người ta có ngay cảm giác: Họ đã chờ sẵn như vậy, rằng người ta muốn đi về đồng bằng sông Cửu Long. “Không có khó khăn gì đâu”, Don Jones, một trong những Press-Affair-Officers, nói, “sáng sớm ngày mai 7 giờ 10 ở phi trường Tân Sơn Nhứt, Căn cứ Trực thăng 125, Đại úy Mariano sẽ chờ anh. Anh đi chuyến buýt vào lúc 6 giờ sáng từ Brinks. Được chứ?” Tất nhiên là được rồi – chỉ là vào buổi sáng ngày hôm sau thì chiếc trực thăng không có ở đó. Đại úy Mariano cũng không. Thay vào đó là một viên hạ sĩ quan ngồi uể oải trước một cái bàn. “Anh là người Ấn đó à?” anh ta hỏi. Người ta giật mình. Nhưng ở Việt Nam thì người ta không được phép giật mình hoảng sợ. Người ta phải dự tính với mọi việc. Thế là người ta nói. “Rất đáng tiếc, hạ sĩ – tôi là người Eskimo.” Điều ấy không làm cho anh ta ngạc nhiên. “Tôi chỉ biết về một ông người Ấn mà chúng tôi cần phải chở ông ấy đến đồng bằng sông Cửu Long.” Vâng, đến lúc đó thì đã quá muộn để hóa thân mình thành một người Ấn Độ…
Thật sự là thế – tất cả mọi việc đều dễ dàng. Người ta trở về tòa nhà Rex và nói: “No helicopter, no Mariano.” – “Oh sorry”, Mister Jones chưng hửng. Nhưng chỉ vài giây đồng hồ, rồi anh ấy có một ý tưởng. “Wait a moment –”, bàn tay anh ấy cầm lấy điện thoại, “hello Bill…”
Vì thế mà người ta bất ngờ quen được với những người quan trọng ở Việt Nam. Vì Bill là người của RMK-BRJ. Và sáu chữ cái ấy ở Việt Nam thì người ta biết đến nhiều hơn là tên của tổng thống. Vì RMK-BRJ có 52.000 nhân viên…
“Bắt đầu với việc phải mở rộng phi trường ở Đà Nẵng và Pleiku năm 1962”, James A. Lilly, Tổng Giám đốc RMK nói. “Nhưng lực lượng công binh của Thủy Quân Lục Chiến – chịu trách nhiệm cho tất cả các dự án xây dựng – không còn đủ năng lực. Thế là người ta tìm đến chúng tôi. Đó là một dự án 15 triệu dollar. Chúng tôi nhận ‘công việc’ đó. Vâng, và rồi chúng tôi đã ở lại kể từ lúc đó – mặc dù công việc thì nguy hiểm và lợi nhuận thì không bao nhiêu.”
Khi người Mỹ nhận một ‘công việc’ chỉ mang lại rất ít lợi nhuận thì cả nửa thế giới sẽ sửng sốt và chăm chú lắng nghe. “Mister Lilly – thế thì bao nhiêu công sức và rủi ro để làm gì, nếu như hầu như không có lợi nhuận gì hết?”
Người đàn ông với mái tóc bạc cắt ngắn, mang nhiều trách nhiệm hơn tướng lãnh nào đó ở Việt Nam, suy nghĩ không lâu: “Đây”, ông ấy nói và đặt một hóa đơn lên bàn, “trong ngành của chúng tôi, người ta thường tính toán từ 10 đến 15 phần trăm lợi nhuận. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ nhận được 1,7 phần trăm của chi phí thực tế. Và rồi khi công việc của chúng tôi thỏa mãn được mọi yêu cầu về chất lượng và được thực hiện đúng thời hạn, thì sẽ có thêm 0,67 phần trăm tiền thưởng. Tại sao chúng tôi lại làm ‘công việc’ này mặc dù vậy? Vì đó là một nhiệm vụ hết sức lớn cho chúng tôi – ở đây, chúng tôi xây dựng đất nước này. Và như là người Mỹ thì tôi chỉ có thể nói với anh rằng: đứng ở sau đó là một ít niềm tự hào và lòng yêu nước. Nếu như chỉ vì kinh doanh thì chúng tôi đã không ký kết hợp đồng này.”
Một hợp đồng bắt đầu với một chương trình 15 triệu dollar và hiện giờ đã tăng lên đến 800 triệu dollar…
RMK-BRJ là chữ đầu viết tắt của bốn công ty xây dựng lớn nhất của Mỹ, đã liên kết với nhau ở Việt Nam: Raymond International, Morrison-Knudsen, Brow and Root và Jones Contruction.
“Vào lúc bắt đầu hợp nhất thì hầu như chỉ là công trình quân sự”, James A. Lilly nói, “nhưng ngày nay thì đúng là chúng tôi có thể gọi mình là ‘người xây dựng Việt Nam’. Vì ngày nay, chúng tôi không chỉ xây phi trường quân sự, phi đạo, căn cứ, kho đạn – chúng tôi xây dựng 80% các cơ sở ở Việt Nam: cảng mới, cầu tàu, bệnh viện, làng mạc, nhà thờ, trường học, đường xá, đài truyền hình, vâng thậm chí còn cả nhiều thành phố nữa. Ví dụ như hiện nay đang thành hình một thành phố vệ tinh ở Long Bình có 50000 người sống trong đó.”
RMK-BRJ đại diện cho chương trình lớn nhất ở Việt Nam – và chắc hẳn cũng là chương trình có nhiều tác động nhất. Vì cho tới nay đã có công trình và kết cấu xây dựng với giá trị 485 triệu dollar được thực hiện, và mỗi tháng người ta xây thêm cho 50 triệu dollar. Như Lilly nói, “đó là một cuộc đầu tư mà rồi một ngày nào đó sẽ ra hoa kết trái: Khi chúng tôi rời đất nước này, Việt Nam sẽ thừa hưởng hàng ngàn dự án – hiện đại hơn ở bất cứ quốc gia Á châu nào khác.”
Nhưng điều ấy cũng không đánh lừa được ai, rằng sự thịnh vượng được mong đợi ấy khó mà có thể có được với công sự dưới mặt đất, phi đạo, căn cứ quân sự và kho đạn…
Nhưng một mặt khác của RMK-BRJ, nhà đầu cơ xây dựng nhập khẩu hằng tháng 200.000 tấn vật liệu này, sẽ trở thành phước lành cho dân tộc bị hành hạ, thiếu giáo dục và tiến bộ này: đào tạo chuyên môn hàng chục ngàn công nhân, những người cộng tại tại các dự án RMK từ nhiều năm nay.
“Với chúng tôi, họ học cách điều khiển các cỗ máy phức tạp như thế nào, người ta lập kế hoạch như thế nào, người ta tính toán như thế nào”, Lilly nói. “Sẽ luôn có những người khăng khăng nói rằng: ‘Vâng – các anh nói về đào tạo, nhưng thật ra các anh chỉ bóc lột họ mà thôi.’ Tôi có thể trả lời những người đó: 14.000 công nhân đã qua khóa đào tạo không mất tiền tại chỗ chúng tôi. Chúng tôi đã thành lập cho họ một hệ thống xã hội mới: tiền lương theo năng lực và an sinh cho mọi người. Và chúng tôi đã cho họ thấy rằng công việc cũng được tiến hành mà không cần có tham nhũng. Điều này có ý nghĩa như thế nào cho Việt Nam thì chỉ có những người hiểu biết tình hình ở đây mới đánh giá hết được.”
Người tổng giám đốc của tập đoàn xây dựng lớn nhất thế giới nói trúng tâm điểm: Ngay RMK – những “người xây dựng Việt Nam” đáng tin cậy – trong các kế hoạch của họ cũng phải dự tính với một tỷ lệ thất thoát vật liệu hàng tháng là mười phần trăm! Lợi nhuận mà những gã khổng lồ này không nhận được, lợi nhuận đó bị lấy đi bởi những tên tí hon – những tên mua bán trên chợ đen, những kẻ tiêu thụ đồ vật ăn cắp, những tên trộm. Vì cả Việt Nam cũng mắc phải bệnh tật xấu không thể trừ tiệt được ở châu Á (và cả những nơi khác): tham nhũng. Thời nở rộ của nó đã luôn là thời chiến…