Vũ Ngọc Yên
11-1-2021
Tiếp theo phần 1
Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ được định hình như thế nào?
Khi Joe Biden trình bày về chính sách đối ngoại tương lai của mình tại quê nhà Wilmington, tiểu bang Delaware, vào ngày 24 tháng 11, ông tuyên bố: “America is back, ready to lead the world” (Nước Mỹ trở lại, sẵn sàng lãnh đạo thế giới). Đây không chỉ là thông điệp về một sự hồi sinh ý tưởng “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” (american exceptionism), mà đó cũng là một động thái đảo ngược “chủ nghĩa biệt lập” (isolationism) của Trump với chính sách “Nước Mỹ trên hết” (American first).
Thuật ngữ “chủ nghĩa ngoại lệ”, được sử dụng để ám chỉ một vai trò đặc biệt (lãnh đạo) của một quốc gia không thể thay thế (indispensable nation) trong chính trị thế giới. Mỹ là quốc gia dân chủ và cộng hòa đầu tiên trên thế giới. Những di dân, những người lập quốc và các vị Tổng thống đầu tiên đã xem dân tộc Mỹ là những người tiên phong, đấu tranh cho tự do và bình đẳng. Ngay trong những giai đoạn khởi đầu lập quốc, Mỹ đã tự coi mình như một “ngọn hải đăng” (beacon). Thomas Jefferson viết năm 1809: “Một nền cộng hòa duy nhất này”, nơi duy nhất bảo vệ ngọn lửa linh thiêng của tự do và quyền tự quyết, nên được thắp lên ở các khu vực khác trên thế giới…
Ý tưởng sứ mạng quốc tế đối với các quyền tự nhiên của con người như Tự do và Bình đẳng trên thế giới, cho đến nay vẫn tồn tại trong các chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong diễn văn nhậm chức Tổng thống cho nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2009, Barack Obama đã phát biểu “Lời hứa do Thượng đế ban phát rằng mọi người đều tự do, mọi người đều bình đẳng”, một lời hứa mà các vị cha ông lập quốc đã thực thi và “một Hiến pháp đã được truyền bá bằng máu của nhiều thế hệ. Những lý tưởng này luôn soi sáng thế giới và chúng ta sẽ không từ bỏ chúng vì tư lợi”.
Tổng thống đắc cử Biden, ngoại trưởng tương lai Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia tương lai Jake Sullivan đều cho rằng, nước Mỹ, một quốc gia biệt lệ, khác biệt về cơ bản so với nhiều quốc gia khác, nên có vai trò lãnh đạo trên toàn cầu. Trong một tiểu luận “Tại sao Mỹ phải trở lại vai trò lãnh đạo?” (Why America Must Lead Again) viết trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3 – tháng 4/2020, Joe Biden đã khẳng định:
“Là một quốc gia, chúng ta phải thuyết phục thế giới rằng chúng ta sẵn sàng lãnh đạo thế giới trở lại”. Nếu Mỹ không đảm nhận vai trò này, Trung Quốc sẽ làm điều đó, hoặc “tệ hơn nữa, thế giới sẽ có hỗn loạn”. Và với tư cách là Tổng thống, ông sẽ đặt vị trí nước Mỹ lên hàng đầu trở lại. Ông tuyên bố sẽ đảo ngược chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của Donald Trump, mà ông gọi là “Nước Mỹ một mình”. Thay vào đó, Mỹ sẽ quay trở lại chính sách đối ngoại truyền thống thời hậu Chiến tranh Lạnh, xem trọng đồng minh, đề cao chủ nghĩa đa phương và quảng bá dân chủ.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry nhận xét, bốn năm của Donald Trump chỉ là “một khoảng đứt quãng không may và lố bịch” mà chính quyền Biden có thể khôi phục vị thế của Mỹ giữa các đồng minh. “Chúng ta là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sở hữu quân đội mạnh nhất, và có truyền thống được xem như lãnh đạo của thế giới tự do”.
Một chính sách đối ngoại phục vụ trung lưu, tiếp cận “quyền lực mềm” và hợp tác quốc tế
Với chủ trương khắc phục thâm hụt thương mại qua các biện pháp áp thuế nhập cảng và ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, Donald Trump đã tạo ra những hố ngăn cách trên thế giới. Cuộc chiến tranh thương mại chống lại đồng minh cũng như kẻ thù của Mỹ, đã làm tổn hại tầng lớp trung lưu. Nhưng tình trạng đất nước còn trở nên nghiêm trọng hơn nữa là Trump đã xem thường những giá trị dân chủ vốn mang lại sức mạnh và đoàn kết cho dân tộc Mỹ.
Trong tiểu luận “Why America Must Lead Again” Biden đã phác hoạ ba đặc điểm chính của đường lối an ninh – đối ngoại mà chính quyền Biden-Harris theo đuổi:
Thứ nhất, chính sách đối ngoại phải mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
An ninh kinh tế là an ninh quốc gia. Mỹ sẽ kết hợp sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ trên toàn thế giới để chống lại các hành vi lạm dụng kinh tế và giảm bớt sự bất bình đẳng.
Chính sách thương mại bắt đầu bằng cách củng cố tầng lớp trung lưu. Chính quyền sẽ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và giáo dục.
Gia tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để Mỹ dẫn đầu lĩnh vực đổi mới (innovation) công nghệ và kỹ thuật. Không có lý do gì Mỹ lại tụt hậu so với Trung Cộng hay bất kỳ quốc gia nào khác khi nói đến năng lượng sạch, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, 5G, xe hỏa cao tốc hay cuộc chạy đua diệt bệnh ung thư.
Chính sách đối ngoại phục vụ trung lưu sẽ bảo vệ các thị trường Mỹ và bảo đảm các quy tắc của nền thương mại quốc tế không bị lừa bịp để các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi công bằng.
Thứ hai, vai trò lãnh đạo thế giới thể hiện qua gương mẫu thay vì sức mạnh quân sự. Điều này có nghĩa Mỹ sẽ tiếp cận bằng “quyền lực mềm” (Soft Power).
Dân chủ không chỉ là nền tảng của xã hội Mỹ. Nó cũng là nguồn sức mạnh củng cố và tăng cường khả năng lãnh đạo của Mỹ trên thế giới.
Phục hồi các thể chế cốt lõi của các giá trị dân chủ ngay tại Mỹ từ việc tôn trọng tự do báo chí, bảo đảm bầu cử đến duy trì tính độc lập tư pháp.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Dân chủ được tổ chức nhằm thúc đẩy thực thi các cam kết quan trọng của Hội nghị trong ba lĩnh vực: chống tham nhũng, chống độc tài và phát huy nhân quyền.
Thứ ba, vai trò lãnh đạo của Mỹ chỉ có thể hoàn hảo khi Mỹ ở một vị thế mạnh cùng hành động chung với “các đối tác có năng lực”.
Hoa Kỳ phải lãnh đaọ thế giới đối mặt với những thách thức của thời đại: biến đổi khí hậu, chiến tranh hạt nhân và công nghệ tiên tiến.
Hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình để hành động chung trước các mối đe dọa toàn cầu.
Đặt ra các quy tắc ký kết thỏa thuận và phục hoạt các thể chế hướng dẫn quan hệ giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng chung.
Hợp tác với các quốc gia khác cùng chia sẻ các giá trị và mục tiêu để mở rộng sự hiện diện của Mỹ trên toàn cầu.
Củng cố năng lực tập thể với các nước dân chủ ngoài Bắc Mỹ và Châu Âu thông qua các liên minh hiệp ước với Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác từ Ấn Độ đến Indonesia để thúc đẩy các giá trị chung trong một khu vực sẽ xác định là “Tương lai Mỹ”.
Kết nối các quốc gia ở Nam Mỹ và Phi châu vào mạng lưới của các nền dân chủ và nắm bắt cơ hội hợp tác ở những khu vực đó.
Củng cố hợp tác với Âu châu và Liên minh xuyên Đại Tây Dương
Nhìn qua danh sách nội các của Biden và việc chính quyền mới tham gia trở lại các tổ chức quốc tế của Liên Hiệp quốc cũng như củng cố Liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương (NATO) là những tin tốt cho Liên minh Âu châu (EU). Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quyết định nhân sự quan trọng đầu tiên về nội các tương lai của mình: Tony Blinken sẽ trở thành Ngoại trưởng. Jake Sullivan, được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia và nhà ngoại giao Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại Liên Hiệp quốc.
Trong tương lai, giới lãnh đạo các quốc gia Âu châu sẽ trực tiếp thương thảo với những chuyên gia có thẩm quyền về chính sách đối ngoại và an ninh tại Washington, những người thừa nhận giá trị của chủ nghĩa đa phương cũng như của liên minh NATO. Cũng có thể nói rằng chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Biden sẽ trở nên đáng tin cậy hơn trong tương lai.
Giữa Mỹ và Âu châu vẫn tồn tại một số vấn đề mà hai bên phải giải quyết:
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh không đóng góp đủ 2% GDP vào ngân sách của NATO. Yêu cầu này có lẽ sẽ không thay đổi. Biden đã từng tuyên bố “Các đồng minh của chúng ta cũng nên đóng góp công bằng”. Tuy nhiên, Biden cũng nhận thức rõ là Mỹ cần sự hợp tác quân sự nhiều hơn từ các thành viên NATO ở Âu châu, thay vì chỉ thúc ép các quốc gia thành viên tăng chi tiêu. Một Liên minh NATO mạnh mới có thể bảo đảm an ninh cho Âu châu và đây cũng là lợi ích của Mỹ. Hơn nữa EU còn là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong một thế giới đang trải qua những biến động lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) là đường ống dẫn khí dài 1.200 km, trị giá 11 tỷ USD gần như sắp hoàn thiện dưới biển Baltic và được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất Âu châu. Tại Quốc hội Mỹ, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều ủng hộ các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn dự án.
Mục tiêu chính của Mỹ là gây áp lực đối với các nhà nhập khẩu Âu châu chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ thay thế cho nguồn khí đốt đường ống từ Nga và tìm mọi lý do để loại bỏ sự cạnh tranh trên thị trường khí đốt Âu châu . Khi còn ở vai trò phó tổng thống Mỹ, Biden đã từng gọi dự án này là “một thỏa thuận tồi tệ về cơ bản đối với Âu châu”.
Trump tuyên bố rút khoảng 1/3 quân đội Mỹ đóng tại Đức. Một phát ngôn viên của Biden gọi đây là “một món quà dành cho nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin” và thông báo rằng, Joe Biden sẽ “xem xét lại” sau khi nhậm chức. Các chuyên gia không tin quyết định này sẽ bị đảo ngược hoàn toàn. Theo một cuộc thăm dò dư luận của Hiệp Hội Chicago về các vấn đề toàn cầu (Chicago Council on Global Affairs), gần 2/3 đảng viên Dân chủ ủng hộ việc giảm số quân Mỹ ở Đức, như Trump đã tuyên bố, hoặc thậm chí nhiều hơn.
Trump khởi động cuộc tranh chấp thương mại với EU và liên tục đe dọa đánh thuế trừng phạt đối với nhập khẩu xe hơi, đặc biệt sẽ đánh vào các nhà sản xuất Đức. Ngoaị trưởng tương lai Blinken đã tuyên bố sẽ phải chấm dứt “cuộc chiến thương mại giả tạo”. Nhưng đồng thời, ông cũng phàn nàn nông phẩm của Mỹ đã bị cạnh tranh không công bằng vì các quy định bảo hộ ở Âu châu.
Âu châu hy vọng Chính quyền Biden sẽ thương thảo lại với Iran và xét lại quyết định rút quân khỏi Trung Đông và A Phú Hãn.
Cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Cộng sẽ là vấn đề ngự trị chính trị thế giới và chính trị Âu châu trong những năm tới. Chính quyền Biden chắc chắn sẽ đòi hỏi Âu châu phải chia sẻ trách nhiệm nếu như muốn Liên minh xuyên Đại Tăy Dương còn có một tương lai.
Từ nhận thức, Biden sẽ tiếp tục đường lối chính sách đối ngoại của Donald Trump nhưng không quá triệt để đối với Âu châu. Liên minh EU sẽ xét lại chính sách kinh tế và đối ngoại để có thể tăng cường quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương phù hợp với tình hình mới. Sáng kiến “Tự quản chiến lược cho Âu châu” của Tổng thống Pháp Macron, chủ trương tách ra khỏi Mỹ tạm đình hoãn và thay vào đó là hoạch định một chính sách chung đối đầu Trung Cộng. EU đã xác định Trung Cộng là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”.
Duy trì chính sách đối đầu với Trung Cộng
Dưới thời Trump, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã xuống thấp. Hai nước còn có quá nhiều vấn đề xung đột: Vi phạm Nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng ở Biển Đông, thâm hụt thương mại của hai quốc gia, khả năng tiếp cận thị trường và cuối cùng là câu hỏi về trách nhiệm đối với đại dịch corona mà Trump gọi là “virus Trung Quốc”.
Rút kinh nghiệm từ sự thất bại của chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong chiến lược chống Trung Cộng, Joe Biden chủ trương quay trở lại chủ nghĩa đa phương và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Chính quyền Biden sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với các liên minh trong khu vực, chẳng hạn với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Biden đã tuyên bố rằng, ông cũng sẽ củng cố các liên minh để có thể đặt giới lãnh đạo ở Bắc Kinh trước áp lực kinh tế. “Chỉ tính riêng, Mỹ đã có một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Nếu chúng ta hợp tác với các nền dân chủ khác, chúng ta có thể tăng lên gấp đôi, Trung Cộng không thể làm ngơ trước một nửa nền kinh tế thế giới được”.
Biden sẽ đặt vấn đề vi phạm nhân quyền và biến đổi khí hậu đối với chính quyền Trung Cộng. Biden đã chỉ trích Chủ tịch nhà nước Trung Cộng, Tập Cận Bình là “Người không có xương cốt dân chủ trong cơ thể” và gọi Tập là một “tên tội phạm”. Biden tuyên bố sẽ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, hành động này bị coi là một hành động khiêu khích bạo lực ở Bắc Kinh.
Chính sách Trung Cộng của Biden sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Biden cho rằng, điều này giúp cho Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trên toàn cầu về giá trị chứ không chỉ về thương mại. Đây là khuôn khổ chính sách truyền thống của Mỹ mà chính quyền Trump đã xem nhẹ. Biden công bố ý định sẽ thành lập một liên minh quốc tế làm tăng sức cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Cộng.
Biden nói, “chính sách Trung Quốc hiệu quả nhất là chiến lược đưa đồng minh vào cùng một chiến tuyến, một liên minh toàn cầu “gây áp lực, cô lập và trừng phạt Bắc kinh”. Biden giải thích rằng, ông muốn có thêm “đòn bẩy” chống lại Bắc Kinh là liên kết chiến lược này với chính sách thúc đẩy nghiên cứu và hiện đại hoá nền công nghiệp trong nước Mỹ.
Antony Blinken cũng tán thành việc trừng phạt Trung Cộng vì chính sách độc tài của Trung Cộng ở Hồng Kông. Cố vấn An ninh Quốc gia sắp tới Jake Sullivan đã kêu gọi “dành nhiều tài sản và nguồn lực hơn để bảo đảm và củng cố, đồng thời giữ vững quyền tự do hàng hải ở Biển Đông cùng với các đối tác của Mỹ”.
Biden từng khẳng định: “Tôi sẽ cứng rắn với vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc cùng với các hành vi quân sự hóa của nước này trên Biển Đông và một loạt vấn đề khác“. Chính quyền Biden sẽ duy trì các hoạt động quân sự và các biện pháp chế tài để chống lại các động thái ngang ngược, hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.
Trong thời gian qua, Mỹ đã bán máy bay không người lái, tên lửa và máy bay chiến đấu trị giá 22 tỷ USD cho Đài Loan. Biden chúc mừng Đài Loan đã thành công ngăn chặn đại dịch Corona và hứa tiếp tục bang giao mật thiết hơn vì hai nước cùng đề cao Dân chủ, Kinh tế thị trường và Nhân quyền. Trong thời cạnh tranh ý thức hệ, mô hình Đài Loan được Biden đánh giá cao so với mô hình đối nghịch Trung Cộng.
Bắc kinh đã tỏ ra lo sợ trước một chính sách chống Trung Cộng nhất quán của chính quyền Biden nên nhiều lần lên tiếng muốn thương thảo chính trị. Nhưng, Biden đòi hỏi Trung Cộng trước hết phải tuân thủ thực thi những điều cam kết của các thỏa thuận thương mại đã được ký kết vào tháng Giêng 2020.
Á châu chào mừng sự trở lại của Mỹ
Với việc khắc phục thâm hụt thương mại và các hiệp định thương mại tự do song phương, Donald Trump đã tạo ra những hố ngăn cách trên thế giới. Ông để lại cho tân Tổng thống Joe Biden những thách thức về chính sách đối ngoại, đặc biệt tại Á châu, nơi Trung Cộng bành trướng lãnh hải, chèn ép các nước láng giềng.
Mỹ thoái lui khỏi vai trò lãnh đạo với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, đã làm ảnh hưởng của Mỹ ở Á châu suy yếu so với Trung Cộng, nên các nước Á châu muốn Mỹ quay trở lại để cân bằng với Trung Cộng. Á châu đã lên tiếng chào mừng lời tuyên bố “America is back“ của Tân Tổng thống Biden và chờ đợi quyết định của chính quyền Biden có điều chỉnh lại việc Trump rút khỏi hiệp định thương mại “Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP”, nay hiệp định này được gọi là “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTTP” hay không?
TPP dự kiến thúc đẩy thương mại tự do giữa các nước Mỹ và Á châu – và loại trừ Trung Cộng. Trump rút Mỹ ra khỏi TPP đã tạo cơ hội cho Trung Cộng thành lập khối RCEP “Đối tác Kinh tế Toàn diện”, bao gồm tất cả các quốc gia thương mại lớn của Á châu, và loại trừ Mỹ.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia phỏng đoán Mỹ sẽ trở lại hợp tác vì việc tái gia nhập hiệp định sẽ có giúp Mỹ phục hồi ảnh hưởng và RCEP đang tạo ra thách thức chiến lược cho Mỹ. Tuy nhiên, khuynh hướng bảo hộ kinh tế vẫn đang ngự trị trong chính trường Mỹ, nên cả Joe Biden và đảng Dân chủ chủ trương phục hổi nền kinh tế bị trì trệ vì Đại dịch Corona trước rồi mới thương thảo ký kết các thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại mới. Joe Biden cũng thông báo là tạm thời các nguyên tắc “Sản xuất tại Mỹ” và “Mua hàng Mỹ” vẫn được ưu tiên thúc đẩy trong mậu dịch thương mại giữa Mỹ và nước ngoài.
Lo sợ trước đường lối bá quyền của Trung Cộng, các nước Á châu vẫn cần vai trò của Mỹ. Về an ninh, Á châu rất phấn khởi hợp tác với Mỹ, vốn là một đối tác thương mại quan trọng. Nhưng về kinh tế, Á châu ngày càng trở nên dựa vào thị trường Trung Quốc hơn là thị trường Mỹ. Một số chính quyền tại Á châu hy vọng chính sách chống Trung Cộng của Biden sẽ không tạo thêm căng thẳng để không quốc gia nào trong khu vực phải lựa chọn giữa quan hệ tốt với Washington hoặc Bắc Kinh.
Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia Việt Nam chờ đợi Joe Biden đưa ra chính sách không nhượng bộ Bắc Kinh. Sự xung đột giữa Bắc Kinh và Washington đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam: Các công ty nước ngoài rời Trung Quốc đến Việt Nam, hàng Trung Quốc xuất cảng mang thương hiệu Việt Nam, đầu tư nước ngoài gia tăng.
Về tranh chấp chủ quyền trên các đảo tại Biển Đông, Biden vẫn chưa cho biết chính quyền tương lai sẽ hành xử như thế nào đối với các yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng. Việt Nam hy vọng Biden sẽ duy trì chính sách trước đây là không chấp nhận yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam đang cố gắng giữ một khoảng cách lớn tương tự với cả hai cường quốc.
Một yếu tố có thể gây cản trở cho quan hệ song phương trong bốn năm tới là việc chính quyền Biden nhấn mạnh khía cạnh dân chủ và nhân quyền. Trong quá khứ, chính quyền Trump hầu như làm ngơ trước tình trạng nhân quyền bị chà đạp ờ một số nước như Phi Luật Tân, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam.
Đối với Biden, dân chủ, nhân quyền là những giá trị cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông sẽ đòi hỏi các quốc gia đối tác phải thực hiện cam kết này. Việt Nam cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước hiện nay, để tránh những trở ngại trong quan hệ song phương trong thời gian tới.