Lê Hữu Khóa
29-12-2020
Anh Cường, anh Cần, anh Tiên thân quý,[1]
Hôm nay, giỗ Bùi Giáng, Khóa nhớ lại một kỷ niệm cùng các anh, một đêm ngày hè tháng 8 năm 1987, tối đậm nhưng chưa khuya khoắt lắm, chúng ta đã tới thăm anh Giáng, trong căn chòi tàn hẹp, không tới 4 thước vuông, giữa một khu vườn, xóm Bà Chiểu, chòi chật, không đủ chỗ ngồi cho 5 người. Nhưng buổi gặp gỡ này đẹp vô cùng vì: hội ngộ đã thành hạnh ngộ, mà hạnh ngộ thì ngày càng hiếm hoi trong cuộc sống.
Giới trí thức Âu châu cũng vậy, Khóa sống lâu với họ, Khóa biết họ cũng rất sợ: “les rendez-vous ne deviennent pas des rencontres”, những cuộc hẹn đã không làm nên những cuộc gặp gỡ. Bùi tiên sinh của chúng mình còn nói hay hơn, vì đúc kết rộng hơn, tổng kết sâu hơn, tổng luận cao hơn qua thi ca của tiên sinh mà không ai có được: Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn, chưa sơ ngộ mà đã chết, thì làm sao có hội ngộ để làm được chuyện hạnh ngộ!
Mãnh lực của thi ca là ở đây, vì nó đã thống hợp được kinh nghiệm của nhân sinh trong khi tư tưởng chưa có lý thuyết gì để thuyết phục ta, trong khi triết học chưa có phạm trù lý thuyết gì hoàn chỉnh để duy lý hóa cho ta về chuyện này. Đứa con suốt đời nổi loạn của triết học Niezche, thấy rõ và cũng nói rõ chuyện này: triết học suốt đời sống nhờ thi ca.
Vì vậy, câu chuyện chính về thành nhân trong cuộc sống của những người sáng tác như chúng ta không còn là: thành công qua bằng cấp, thành đạt qua nghề nghiệp, thành tựu qua kinh tế, thành quả trong xã hội, mà là thành người bằng các hội ngộ để làm được chuyện tao ngộ, để giữ hạnh ngộ; gặp được và hiểu được Bùi Giáng là một hạnh ngộ.
Chai dầu nóng
Đêm hôm ấy, những phút đầu tiên của cuộc hạnh ngộ này thật lạ: Bùi tiên sinh chụp chai dầu nóng trên giường rồi mời mọi người: “Mừng ngày hội ngộ, uống (rượu) cho thật say!”, anh Tiên chận ngay: “Đây là dầu nóng không phải rượu!”, anh Cường cản: “Dầu nóng uống không được!”, anh Cần ngăn: “Uống dầu nóng thì chết!”, Bùi tiên sinh cười: “Nếu không muốn say thì thôi!”.
Khi ra khỏi chòi, sau khi chia tay với Bùi Giáng, anh Cần vừa cười, vừa nói: “Hồi nãy thằng Bùi Giáng nó ‘dọa’ uống dầu nóng là để ‘chọc’ tụi mình chăng?”, anh Tiên kết: “nó vừa chọc, vừa giễu, vừa đùa, vừa cợt… cho vui mà!”. Giữa bạn bè, anh Giáng hay nói câu: “giỡn cho dzui mà!”. Năm 2007, anh Tiên gởi Khóa tập thơ của anh ấy vừa xuất bản tại Mỹ, trong tập thơ này anh Tiên nhắc lại một câu của Bùi tiên sinh mà anh rất thích:
“Anh xin em rỡn một ngày
Rồi xin ngừng rỡn suốt ngày hôm sau”.
Khóa mới dần dần hiểu rõ hơn tư tưởng thi ca của Bùi Giáng về cuộc sống, nếu: chọc, giễu, đùa, cợt… Nói chung là “rỡn cho vui”, cho vui-sống để sống-vui, trên một đất nước nhiều chiến tranh hơn hòa bình, nhiều đàn áp hơn là bình yên, nhiều bạo đảng hơn dân chủ, nhiều bạo quyền hơn nhân quyền… thì tư tưởng thi ca này phải là trung tâm cuộc sống của Việt tộc, vì “giỡn cho dzui mà!” mỗi ngày cứu được đồng bào mình trong khổ nạn; trước bao bạo hành của bạo đảng, bạo lực của bạo quyền, sống mà không sao vui sống được, nếu không chọc, giễu, đùa, cợt… nói chung là rỡn cho vui thì làm sao sống được?
Nhưng gần đây, nghĩ lại chuyện “chai dầu nóng” để “mừng ngày hội ngộ, uống cho thật say!” của Bùi tiên sinh, thì Khóa lại có một giả thuyết khác: đêm hôm đó anh Giáng cũng muốn thử, tức là muốn cân, đo, đóng, đếm về tình người, để nghiệm lòng người với nhau. Và nếu được anh Tiên chận, anh Cường cản, anh Cần ngăn thì tình bạn trong tình người còn, tấm tri ân còn dày trong lòng tri kỷ còn đầy.
Nếu giả thuyết này đúng thì Bùi Giáng rất tinh tế, đây là giả thuyết đáng tin tưởng, vì ai được sống gần anh Giáng đều phải công nhận là Bùi tiên sinh rất thông minh, sắc sảo trong nhận định, những kẻ vô minh nói là “Bùi Giáng bị điên”, sẽ vô tri vì sống mà không có hội ngộ, sẽ vô giác vì sống mà không có hạnh ngộ!
Cái thông minh -cao và sâu- của Bùi Giáng là biết sáng tác cho mình một số phận riêng, biết chế tác cho mình một cuộc sống riêng, rồi chấp nhận trả những giá rất đắt để đánh đổi được cái tự do -rộng và đẹp- mà rất hiếm ai có được một bản lĩnh nhân sinh quan, một nội công thế giới quan, một tầm vóc vũ trụ quan như vậy, nếu được chia sẻ thời gian để được sống với Bùi Giáng cái tự-do-số-phận này thì thật là hạnh ngộ.
Không biết tự bao giờ, Bùi tiên sinh quyết định không nói “tiếng thường ngày” nữa mà chỉ “nói bằng thơ”. Những ai thân quen với Bùi thi sĩ sẽ tiếp nhận được bao cơ may là tiếng nói của thi nhân đã được thơ đúc kết thành một “tư tưởng sống qua thơ”, một Việt ngữ hoàn toàn mới, với ngữ vựng loáng như chớp, ngữ văn táo bạo dựng ngang nhiên giữa tiếng người, ngữ pháp trào dâng như thủy triều bất chợt vụt cao, một trường hợp độc nhất của thi ca, của văn chương:
Lỡ từ lạc bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.
Tấm (thân)
Những năm tháng mà Khóa ngiên cứu về thi ca của Bùi Giáng, Khóa nhận ra cuộc sống của thi sĩ mỗi ngày tự nó là một thử thách: sáng sớm vừa đi, vừa nhảy múa, luôn có thơ trong lời, sức đủ cho thân thể từ Bà Chiểu “bay nhảy” tới chợ Bến Thành, đi ngang khu Tân Định, lên tận Chợ Lớn, khoảng cách tính ra không biết bao nhiêu cây số?
Có người thấy và nói thi sĩ: bị điên! Nhưng những người nói câu này họ không biết là thi sĩ nhớ rất rõ địa chỉ của bạn bè văn nghệ sĩ của mình, tới thăm, khi chia tay luôn để lại những vần thơ trên giấy, rồi với năm tháng các bạn bè này thấy những vần thơ này quý biết bao.
Tại sao quý? Với thời gian, nếu người đọc (tĩnh tâm), giúp ta loại ra các câu mà có vài kẻ (vô tâm) nói là Bùi Giáng “vạ đâu viết đó” loại người này đã bị quên riêng anh Bùi Giáng thì sống vững và bền ngay trong nhân sinh quan của chúng ta. Vì thi ca của anh ấy sâu đậm ngay trong thăng trầm kiếp làm người, như lời vấn nạn của cả một dân tộc bị đày đọa trong chiến tranh, giờ đây trong bạo đảng, trong đó có luôn số kiếp của thi ca luôn bị bêu xấu bởi cái tục của vô cảm, chỉ còn lại tấm thân của thi nhân, mà nhìn kỹ sẽ thấy bao bão giông, bão nổi trên tấm thân của mình:
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông.
Mỗi vần thơ làm rõ cơn hỗn loạn trầm kha của tấm thân, cơn bấn loạn tới làm nên sức ép để đè mảnh hình hài, để dễ diệt tấm thân thể, không biết bao giờ thể xác mới được nghỉ ngơi, nhưng đó là lúc giúp thi sĩ đủ ý lực đẩy các canh dài bão giông vào sâu trong tư tưởng thi ca, để nhận ra trong chiều sâu này bao rạn nứt, những rạn nứt ngày càng thân thuộc, rồi thành thân thương với thi sĩ, làm thi ca gần hơn với (trái tim) người:
Trần gian hỡi?
Tôi đã về đây sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa của lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen
Tôi đã đặt trong vòng tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong.
Thi nhân nhận ra là có lúc phải gỡ ra từng mảnh cái thông minh luôn sáng tạo của thơ, biến nó thành lời tự thú, thúc dục nó làm sáng ra mọi khoảng trời, rồi dùng nó để “thuần hóa” mọi mệt mỏi, mọi chán ngán, tập sống hằng ngày như tập tành ngạc nhiên trước cuộc sống, để lời thơ thành lời giải thoát cái số phận mệt lả kiếp người, dù vẫn biết là sau lời giải thoát đó bơ vơ đang chờ:
Hãy mang tôi tới dặm trường
Giết tôi chết giữa con đường bơ vơ.
Luôn sẵn sàng với giải thoát để sẵn lòng với cô đơn, côi cút. Nói tâm trạng này là điên, thì quả là sai, nói ngược lại thì đúng hơn, đây là dạng sáng suốt của sáng suốt, tỉnh táo của tỉnh táo, thức của thức, Bùi tiên sinh tự khẳng định: Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt.
Tìm: Sơ
Đi tìm cái sơ, vừa trong cuộc sống, vừa trong thi ca là đi tìm cái nguồn ngầm từ khi thượng nguồn chưa là thượng nguồn, ở đây thi từ của Bùi Giáng dẫn chúng ta vào sơ ngộ để thấy sơ giao, nhận dạng ra sơ sinh khi sơ sinh chưa có hình hài chuẩn định. Đoán trước để biết trước, biết trước để sống trước, nên thi sĩ có những câu rất sâu và rất đúng trong tình hình sau 1975, cả miền Nam tan vụn trong kìm kẹp, mọi người ai cũng tìm đường ra đi, nhất là văn nghệ sĩ, từ các trại học tập tới các trại di tản, giữa cuộc sống tự nhiên đã thấy vắng bạn bè:
Ruộng đồng chưa thể đoán ra
Rằng trong ý bạn là ta lên đường.
Trở lại thi từ sơ, có từ thuở nào trong sáng tác của anh Giáng: sơ xuân, nhận diện ra xuân trước khi xuân đến, để thấy thật rõ: xuân tinh thể, trong dạng tinh suốt, trong dáng “tin xuân” của nó, hình chưa đọng lại, chất chưa đặc lại, tên cũng chưa có, nhưng lực đã chuyển động. Sơ ngộ, sơ giao, sơ sinh, sơ xuân, Bùi Giáng sẽ từ từ dắt ta tới sơ nguyên, để thấy cái tiền đề vô hình trước mọi cái được gọi là: nguyên thủy, khi rễ chưa là rễ, chưa có dạng, chưa mang hình, chưa rõ tướng, chắc không ai dám đặt tên, gọi tuổi, nhưng thần sắc nó đang bật dậy.
Tại đây, thi ca đưa ngôn ngữ đi thật xa, xa hơn tư tưởng, vì không qua đèo lý luận, không qua núi lập luận, nhưng thi tính đã nhận ra cái đẹp, nhận luôn ra cả màu sắc của sơ nguyên, khoai thai giữa càn khôn, biết sực tỉnh giữa sơn hà, để nhạy-thức trước những sự sống chưa được sinh ra:
Bể dâu sực tỉnh sơn hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.
Nhận thức nhờ nhạy-thức, thấy trước cả tất cả các sơ sinh của sơ sinh, chưa định hình, chưa lộ tướng, phân tâm học tri thức sẵn sàng tạm thời nêu tên nó là sự thông minh của ý thức, ý thức rõ chuyện chào đời của mọi sự vật, khi sư vật chưa là sự vật, thế mà thi sĩ đã thấy sức sống của nó: sức sống trước khi sự sống chào đời. Thi ca thấy trước, cuộc sống thấy sau, hình như đây là thử thách trong cả đời của anh Giáng; mọi mô hình, mọi quy tắc, mọi phạm trù của tính toán thực nghiệm, toan tính của khoa học, khó đi xa hơn sự nhạy-đoán của thi sĩ:
Hãy đem tôi tới ngoài xa
Giết tôi chết giữa màu hoa trên ngàn.
Thế giới thi ca của Bùi Giáng không có xã hội thực dụng của con người, không có tổ chức thực tại của nhân sinh, nhưng nó mang đầy nhân tính, đây là dạng thơ siêu hình học mà Bùi Giáng có vị thế bậc thầy, thầy trong thoải mái, vì có những bậc thầy rất căng thẳng, cái nghiêm ngặt của họ biến thành cái nghiêm trị, làm xung quanh phải “khó thở” theo. Thơ siêu hình học của anh Giáng ”dễ thở” nên “dễ sống” dài lâu trong tâm tưởng chúng ta.
Chủ thể không chủ đề
Chúng ta được quyền tránh xa loại thi ca cứ tuyên bố chủ đề nhưng lại không cho ta thấy rõ chủ thể của tác giả trong chủ đề nêu ra; chủ thể hiểu theo nghĩa là tác giả dùng tự do trọn vẹn trong tự chủ toàn vẹn để sáng tạo ra nhân sinh quan của mình trong thi ca, nên khi chúng ta trân quý thơ của anh Giáng vì chúng ta luôn luôn thấy chủ thể Bùi Giáng trong ngữ vựng, ngữ văn, ngữ pháp của anh ấy, mà tác giả không cần đặt tên cho nó, tức là nêu chủ đề cho mỗi bài.
Như vậy, Bùi Giáng không những “đủ là thi sĩ”, mà thường xuyên “dư sức làm thi sĩ”. Chủ đề chỉ là hậu quả của hành động thi ca, còn chủ thể mới là sáng kiến làm ra sáng tạo, làm ra sáng tác cho thi ca, mà muốn có sáng tạo không những phải biết “xé rào” mà còn phải có đủ bản lĩnh để “chặt xiềng”, đủ nội công để “phá tù”, đủ tầm vóc để “đập thành, phá lũy” của thông lệ, của thói quen, của đường mòn.
Bùi Giáng đã làm trước mắt chúng ta tất cả các chuyện này: Tìm xa vắng bên kia bờ đổ vỡ. Nhận số phận thức trước-thấy sớm, lấy tự do của thi ca để chắn lại bước đi của vô cảm, thấy luôn cả bên kia bờ đổ vỡ của kiếp người còn cả một vũ trụ mới lắm mà tâm khảm của thi sĩ đủ lực để kham được cả vũ trụ này: Gió phương trời về ủ mộng giữa hoa tâm. Nhập nội vào vũ trụ quan này sẽ thấy được bao vũ trụ khác, đang chung dựa nhau để sống, để chuyển hóa, để vận hành, để thao tác, luôn sinh động trong trực-cảm của thi nhân: Ba phương trời về chung gục bên giông.
Hành tác thi ca của Bùi Giáng mãi mãi sẽ là một chuyện lạ trong văn chương Việt, mà chuyện lạ nhất là xã hội bên ngoài không quen biết thi sĩ, thì nhìn thi sĩ như kẻ điên, cuồng ngôn vì cuồng tâm, còn những ai đã đọc thơ của Bùi Giáng, đã biết con người của thi sĩ thì ai cũng trân quý, thương yêu Bùi Giáng. Những người yêu quý thi sĩ, họ tự lập ra những đường dây tương trợ trong hệ đoàn kết, mà xã hội học nghệ thuật cùng triết học nhân cách luân lý đặt tên nó là mạng lưới của lòng tốt (réseau de bonté), giúp thi sĩ vượt qua nhiều thử thách của cuộc sống trong những năm khó khăn nhất của đất nước sau 1975.
Chuyện lạ của tình người này dựa trên một chuyện lạ khác của thi ca: thi sĩ tự nhận mình điên, thường dùng lời lẽ của kẻ điên để sáng tác, kèm theo một loại ngữ văn đầy ẩn ngữ, một ngữ pháp đầy ẩn dụ, vậy mà kẻ thưởng thức thơ không bị dội ra, lùi lại, khựng thân, mà vẫn tới và vẫn yêu thơ của Bùi thi nhân: Xóa hướng thời gian trong ẩn ngữ. Họ yêu thi sĩ vì họ cảm nhận, họ nhận thức, họ hiểu được tấm lòng của Bùi Giáng, vì biết thi sĩ luôn trân quý sâu đậm cuộc sống, thương yêu cao rộng con người, ngay trong nạn-kiếp của mình.
Tâm cảnh của thi nhân đã làm nền cho đồng cảm, mở rộng cửa để đón tha nhân, để người gặp được người. Ngôn ngữ học sáng tác thi ca, hiện nay đang muốn ngừng thật lâu với xã hội học tiếp nhận nghệ thuật, cùng nhau chia sẻ và chế tác ra một phạm trù lý luận về sáng tác để lập luận trên sức bập mở của ý thức tập thể, đủ tầm vóc để nhận ra trong thơ điên-vần cuồng làm lộ ra cái ý thức hội tụ để mọi người có thể gặp nhau được tại một chân trời mới hơn, một chân trời hay, đẹp, tốt, lành của nhân tính, mà nhà xã hội học và triết gia Habermas đặt tên là: la fusion des horizons (nơi hòa quyện các chân trời):
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương.
Càng thức khuya với Bùi Giáng thì càng biết rõ buồn vui không còn là cảm nhận do ngoại cảnh đưa tới, mà đã vào máu xương của thi sĩ, sống chung, sống cùng với thể xác, nhập nội vào thể chất để có lực mà chia sẻ với cuộc đời:
Buồn vui như thể thân mình
Ai chia nửa máu ai giành nửa xương.
Không “nạo hồn, vét tâm” cùng buồn vui với anh ấy, thì sẽ không hiểu tới nơi tới chốn lãnh địa mà thi sĩ gọi là chốn điêu linh, nơi đây là nơi con người không kiểm soát được chuyển biến của số phận của mình, vì điêu linh vắt não, vùi dập tâm linh:
Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốt lát
Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh.
Không ai có thể “cầm dao đằng chuôi” với điêu linh, Bùi Giáng dặn ta đừng tưởng vọng mà Phật học đặt tên là: vọng tưởng, bắt đầu bằng vọng ngoại, đi tìm ngoại cảnh để buồn vui, thì nội tâm làm sao yên được, sau đó sinh ra vọng động, cứ đi tìm cảm xúc bằng ngoại cảnh, cuối cùng sẽ rơi vào vọng loạn, điên tâm, đảo trí, loạn lòng, mà chủ thể của vọng, của tưởng, sẽ là nạn nhân của chính mình.
Nhưng hình như tưởng vọng của Bùi thi nhân không phải là vọng tưởng, vì tưởng vọng là tư tưởng của tự do, luôn đi ra ngoài, đi xa, để thở ra trời cao, ăn trái lạ để lấy sức cho tự do, chỉ có tự do mới kham nổi nhân phẩm, vì cuộc sống sinh nhai vốn là tù đầy nhân sinh, làm thế giới quan quên bẵng đi là phải giữ nhân sinh quan như giữ nhân phẩm: “Nous sommes condamnés à être libre” (Sartre), chúng ta đã bị kết án phải luôn ở thế tự do.
Tư tưởng tự do thoi thóp trong một bối cảnh ngặt nghèo của một đất nước không có tự do, thì tư tưởng tự do phải biết hóa thân thành ý lực tự do, hóa thân ra muôn hình vạn tướng thì đã là tự do rồi, Bùi Giáng viết rõ về phạm trù này: đa dung mạo luôn sánh đôi cùng đa nội lực, đây là bản lĩnh của tự do, mà cũng là nội công của trí thông minh của con người biết mình là ai trong liêm sỉ của tự do; vì mất tự do tức là đã mất nhân cách, không có nhân cách làm sao có tư cách, thì đừng mong nói tới chuyện phong cách.
Mà phong cách là thi đạo của Bùi tiên sinh đúng như Phạm Duy đã thấy khi nhận ra thi từ của thi sĩ biết: “sống hết mình”, những ai nói thi sĩ này điên, nên cẩn trọng, một trong định nghĩa của điên loạn là sống trong “tranh tối, tranh sáng” mà “lấy hư làm thực”, còn Bùi Giáng thì sáng suốt tới độ lấy cuộc sống làm sân khấu, lấy sân khấu cuộc đời để “khai thị” những kẻ “tỉnh trong mê”, vì ông đã “rời mê, ra tỉnh”, nên Bùi Giáng có cái sáng suốt mà không ai có: Cõi điên vũ trụ tùy nghi tung hoành, tự do tung hoành vì tự do này do chính mình tạo ra, mà không mong cầu một chế độ nào bố thí, không van xin một đảng phái nào ban bố!
Nếu một người điên mà trong cõi điên đã tìm được hạnh phúc thần tiên ở đời cho mình, thì chưa chắc họ điên, nên những người “tự cho là mình tỉnh”, nên suy nghĩ lại; nếu người điên có nhiều tự do hơn những kẻ “tự cho là mình tỉnh”, thì những kẻ này hãy định nghĩa hạnh phúc là gì đã? Còn đây là đình nghĩa của thi sĩ:
Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng
Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời.
Trên sân khấu giả điên, thi sĩ còn có một tự do khác mà hiếm người có: chết đi sống lại vẻ vang, trong một lựa chọn đầy ý thức: Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang, anh Giáng không “cào cào, xới xới” trên mặt đất, mà anh ấy đào thật sâu nhân sinh để nhìn nhân tính, để nhận diện ra thiên thu vạn kỷ, để trực diện với suốt thiên thâu. Anh Giáng viết rất rõ chuyện này bằng tiếng pháp: “Je fais de la poésie dans une crise de folie, c’est-à-dire que je suis déjà mort deux ou trois fois dans cette bataille du vivre”, Tôi làm thơ trong điên dại, có nghĩa là tôi đã chết hai ba lần trong trận sống.
Anh ấy không sống “vật và, vật vờ”, anh sống qua trận (sống), trong trận mạc này có sống và có chết, con người của thi nhân nhập vào bối cảnh suy kiệt của đất nước, số phận sinh ly của Việt tộc. Cả hai quyện làm một, trong thơ thì anh ấy không kể gì về chiến tranh làm quê hương chúng ta điêu tàn, nhưng qua thi từ của Bùi Giáng, chúng ta hít thở, rồi trầm luân với anh ấy qua bao đổ nát của giống nòi. Phải thấy tâm hồn Việt bao lần tàn lụi, mới đủ lực đi tìm cội nguồn của mối buồn Việt:
Người điên mang một mối buồn
Chưa bao giờ biết cội nguồn từ đâu?
Từ chủ thuyết luận ngữ của Aristote cho tới tính hiệu học cận đại đều thống nhất là: Một thông tin thường phải theo một mô hình văn tự (chủ từ, động từ, túc từ); nhưng thông tin là truyền đạt không những qua ngữ vựng mà còn qua ngữ văn liên minh ngữ vựng và ngữ văn lập ra “chiến luật” cho ngữ pháp, để nhắn, gởi, trao, truyền nội dung của tác giả truyền thông tới đối tượng truyền thông.
Nhưng trong công trình nghiên cứu của Shannon và Weaver (1948) thì tính hiệu của mô hình văn tự trong truyền thông có sức lan tỏa từ gốc, rễ, cội, nguồn của thông điệp cho tới tận tâm trạng, làm nên tâm lý, sinh ra tâm cảnh của người tiếp nhận thông tin, nó còn có tác động luôn tới cả môi trường sống rồi chuyển hóa luôn cả bối cảnh của môi trường đó.
Grice (1957) rồi Sperber và Wilson (1986) còn đi xa hơn nữa: một thông điệp của ngôn ngữ, qua thi ca hoặc qua chính luận, có thể phá các bức tường của các ngữ vựng, các rào cản của ngữ văn, để tiến tới và tiếp cận một tổng thể giữa các chủ đề đang có mặt trong cuộc sống. Từ đó tạo ra sức liên kết hỗ tương giữa các thông điệp mà: chính ngữ sẽ ở thế yếu so với ẩn ngữ, đây là chuyện hoàn toàn đúng cho số phận các thi nhân của Việt tộc đã và đang bị sống trong đe dọa, kìm hãm, tù ngục, ám hại do độc quyền của độc đảng tạo ra.
Hoàng Cầm, Trần Dần… đã sống và đã thở trong ẩn ngữ để luôn gởi các thông điệp của thi ca tới cuộc sống, Anh Giáng hiểu rõ chuyện này: xoá hướng thời gian trong ẩn ngữ. Trong ẩn ngữ của thi sĩ không hề có chuyện trốn tránh, lo sợ, mà ngược lại là chuyện “xé màn đêm” để người không quên mặt người, đây là chuyện sống chết, không hề chuyện tháo lui:
Đem tôi đến giữa màu đêm
Giết tôi chết giữa người quên mặt người.
Đời (bằng) thời
Bạn bè của Bùi Giáng rất rõ là anh ấy biết giữ thời gian cho “tịnh chân, tịnh khẩu”, ngồi yên không ra đường, tịnh thần để không vọng ngoại, để nghiền ngẫm về cuộc đời và cách sống, tức là phải nghiền sâu nghĩ kỹ quy luật của thời gian. Nhất là hai loại thời gian: loại thứ nhất “gậm nhấm cuộc sống”, loại thứ hai “nuốt chửng cuộc đời”, cả hai loại này đều “bòn sinh, rút lực” của chúng ta, vì chúng “đốt gan, thiêu mật” ta, nên ta mới rơi vào cảnh “bầm gan, tím mật” với thời gian. Nhưng phải trả cái giá này để thấu ba chuyện đang có trong não bộ của ta: Thiên thu, Hư vô, Hữu thể.
Thiên thu lời tạ bên lời
Hư vô hữu thể bên đời ngũ yên
Đừng lấy Thiên thu để kình chống lại với Hư vô, để Hữu thể thực sự có mặt với thời gian, để tiếng nói của thi nhân có mặt không mệt mỏi trong thi ca, ở đây có nên định nghĩa sức mạnh của thi ca là tòa án để xét nghiệm thời gian, ngay trong cuộc sống, giữa lòng cuộc đời. Thi ca còn muốn đi xa hơn nó muốn làm chứng nhân của thời gian, của cuộc sống, của cuộc đời, vì một bài thơ hay luôn biết sống lâu, có tuổi thọ cao, có cái dẻo dai vô định của nó. Như vậy, nhờ thi ca mà thời gian được nhớ, được ghi, tức là được sống, nghĩa là chết đi sống lại được, quy trình sáng tác thi ca luôn là quá trình sinh sản ra ánh sáng mới để làm mới cuộc sống, có khi chính thi nhân đi lạc trong quá trình đó:
Viết thơ lạc dấu sai dòng
Viết trong tức tưởi sợ đồng lúa mong.
Cấu trúc của bản chất thi ca luôn tìm cách: cô đọng hóa thời gian, để nhận rõ sức sinh động của cuộc sống, thi ca muốn đại diện cho hiện tại của hiện tại, muốn có mặt để đối mặt với thời gian, khi chấm ngòi bút, khi viết ra câu:
Chấm ngòi bút sắt se vào mực
Viết ra câu thúc dục sương mù.
Những khi thi nhân đi lạc trong quá trình này, thì Bùi tiên sinh tự thú:
Bây giờ tôi ở nơi đâu
Chớp đầu thời đại mất đầu thời gian.
Bùi Giáng là thi nhân hiếm của Việt tộc, đã đi qua lại thoải mái giữa thơ siêu hình học và thơ thuật cảnh, để nhận diện ra nội chất của thời gian, vì thời gian tính luôn có sức giải luận cuộc sống, thời gian bền nhưng thời gian vô thường, nắm cái vô thường để biết sâu về cái vô ngã, cái tôi phải biết nhún nhường, cái ta phải biết khiêm tốn, để cùng sánh bước với thời gian, cái tôi tự khiêu và cái ta tự mãn không hề có chỗ đứng trong thi ca của anh ấy, cái tôi phải biết tự tan, cái ta phải biết tự khuất để trực diện với thời gian:
Thời gian chắn bước bên chiều
Khóc sông bến lạ mưa nhiều sớm xuân.
Nếu thơ tìm ra được nội chất của thời gian như một loại chủ thể vô hình, nhưng đủ lực để lý giải cuộc sống, theo biến thiên để biến dạng, vậy cho nên thi sĩ không dễ dãi lấy các khuôn mặt đẹp của thanh xuân mà khoe khoang trước thời gian, với thời gian nhiều khuôn mặt đẹp đã thành mặt nạ, tự rơi, tự biến. Nhưng anh Giáng không muốn rơi vào mô hình luận giải của sinh, lão, bịnh, tử của Phật học, anh ấy muốn đánh thức chúng ta trên một chủ đề khác: nhận diện thời gian qua thể phách như sử lịch, nhìn cuộc sống như một chuỗi ngày dài của hẹn hò, chuỗi ngày đó biết sống, biết nghĩ, biết suy, sẽ thấy Suối Thề:
Ầm trang sử lịch xô đè
Tóc đầu rơi xuống Suối Thề lại dâng.
Phạm trù Suối Thề làm cuộc sống cao hơn, làm cuộc sống đẹp ra, vì thông minh của nhân sinh là biến: ngày thành hẹn, còn chuyện lão, bịnh, tử hãy tính sau! Sống đầy để sống đủ đi đã, vì thời gian thật kinh khủng, vì nó “mới chào xong đã xin đi ngay”:
Tin vui giục giã hai bờ
Nỗi buồn chết gục từng giờ đi qua.
Mũi tên thời gian, vừa nhanh, vừa không bao giờ quay đầu lại, không hề có chuyện đảo ngược tình thế với thời gian, Bùi Giáng còn nói rõ chính bản thân, bản thể của thời gian cũng đang tan biến trước nhân sinh: Đứng trên bờ nghe rã mộng trong tay.
Những bạn thân tình với thi sĩ, biết là thi nhân thường xuôi thân nằm trong các nghĩa trang xung quanh Sài Gòn, rong thân để nằm chung rất ung dung với những người đã qua đời. Không nằm trong mặc niệm, mà nằm với sức tỉnh táo của thiền, lực sáng suốt của tuệ, loại tuệ giác biết thanh bạch hóa cuộc sống qua nắng lạ: Người nằm ngủ thấy gì / Thấy thật nhiều nắng lạ. Nếu biết xuôi thân để rong thân, thì phải chọn kiếp sống phiêu bồng để hưởng ngàn trăng, đây là định nghĩa thật đẹp về tự do của Bùi tiên sinh:
Ngày mai cá sống phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi.
Ngẫm (bằng) thân
Có lần anh Tâm[2] đưa hình ảnh một Bùi Giáng: nhà thơ tự hủy (poète autodestructeur) mà lý lẽ của anh ấy là một hồn thơ bị vây khốn (une âme poétique encerclée)[3]; nhưng có tinh lực rực lửa (force de plein feu) trong cái tồn sinh tinh mật (existence de naissances d’essences pures)[4]. Nếu nhập lại các nội chất vào chung các nội lực này với nhau, ta sẽ thấy nó lộ trong khuôn mặt của thi nhân:
Giã từ cõi mộng điêu linh
Tôi về buôn bán với mình phôi pha.
Trong cái mộng điêu linh giữa cái mình phôi pha, chúng ta thấy được chủ ý của thi sĩ, nhưng chúng ta cũng biết là thi sĩ không có chủ đạo, vì không sao chủ động trước biến thiên. Thân người là nơi giằng co giữa mộng và thực, nơi căng thẳng giữa thân và thời, có giằng co và có căng thẳng thì chắc chắn là có xâu xé, thi từ của thi nhân không phải là chuyện hững hờ đi qua, lãnh đạm đi ngang, mà là tâm huyết đi xuyên qua các giằng co, các căng thẳng, các xâu xé để nhận diện cuộc sống, để nhìn lại hình hài.
Đây là tính khác biệt căn bản giữa những kẻ không quý thơ vì không biết nội lực của thơ; và những ai yêu thơ vì thấu rõ nội công của nó trước cuộc sống. Trên hình hài của mình thi nhân chỉ cho ta thấy dòng thời gian khôn xiết, hợp lưu những biến cố, phân lưu những trôi nổi, anh Giáng gọi tên nó là “trận sống”, vì trên thể phách của người, ta thấy hiện ra tàn xiêu, hoang liêu:
Cõi đời phút chốc tàn xiêu
Máu tim bất chợt hoang liêu tận cùng.
Đừng đi tìm cứu cánh của hình hài, cũng đừng chăm lo hướng đi của thể phách, mà cứ nghiền ngẫm thật kỹ, thật sâu chất sống giữa nhân sinh, chất sống giúp ta gây dựng lại hình hài trong mòn rỗng, giúp ta ráp nối lại thể xác trong rã riêng, nhìn lại thể phách để nhận ra lối đi của cuộc sống, của chủ thể đang đi về cái chết, nhưng sống mà không bị nạo rỗng bởi cái chết, luôn tỉnh táo nhờ chất sống, dù đã quá mệt mỏi:
Máu trong mình mòn rỗng
Xương trong mình rã riêng.
Đừng bắt máu xương làm đối tượng phân tích cho một loại tư tưởng chỉ biết nói về cái chết, đừng bắt hình hài làm đối tượng diễn luận cho một loại thi ca chỉ thấy nhục hình, mặc dù chuyện thấy thân thể là tù ngục, thấy ê chề tấm thân, là chuyện có thật:
Máu xương tù ngục mang về
Với mong ước đã ê chề với thân.
Đừng bắt các thi từ: tù ngục, ê chề phải biến thành chuyện phản xạ của bi quan để “gieo mần, tạo hạt” cho chủ thuyết chủ bại, mà phải thấy rất sáng suốt là: càng sống càng thấy cuộc sống hủy thiêu hình hài, sống đời để hủy kiếp, nhưng phải sống vui với thân tàn, đây là chuyện thực của Bùi Giáng. Càng sống càng phải nhận thức rõ manh mối này, thì đừng quên chuyện: dấn thân, để sống sâu sắc với hiện tại, để thấy sát na là tuyệt vời, hiện tại là mầu nhiệm:
Mênh mông quá khứ xa rồi
Chừ đây hiện tại tuyệt vời dấn thân.
Nghiền ngẫm thi từ của Bùi Giáng để thấy thời gian đang nạo rỗng thân xác là chuyện có thật, nhưng chuyện thật hơn là hình hài này của thi nhân đang tìm cách thoát khỏi lãnh địa của cái chết để nhận diện ra cái vô tận vẫn cuồng điên sống, đây vừa là điểm hội tụ (tạm thời), vừa là điểm dị biệt (sâu xa) giữa Hàn Mặc Tử và Bùi Giáng:
Nhìn anh bể cạn sông mòn
Kéo dài vô tận vẫn còn cuồng điên.
Bùi Giáng gần với Montaigne lắm! Trong cái chầm chậm của tan biến hình hài: “… Mais, conduit par sa main, d’une douce pente et comme insensible, peu à peu, de degré en degré, elle nous roule dans ce misérable état et nous y apprivoise; nous ne sentons aucune secour, quand la jeunesse meurt en nous…”[5], Rồi nó dắt dìu ta, cầm tay ta, trên dốc êm, tưởng là vô cảm, nhưng dần dà, từ mức này tới độ kia, nó lăn ta trong một trạng thái khốn cùng, nó lấy ta, nó gặm ta, chúng ta không cầu cứu được, khi tuổi trẻ chết trong ta….
Cố (của) quận
Cuộc đời Bùi Giáng có những “gián đoạn” thật lạ lẫm, trong thơ của Bùi tiên sinh thì ca từ: cố quận (làm anh Cần phục lắm, anh cứ nhắc hoài!) là có sự cố của nó, giữa thế chiến thứ hai thế kỷ qua, thi sĩ rời bỏ thi đàn về quê xưa (cố quận chăng?) để “chăn trâu”, chuyện sinh nhai xin được loại ngay ra mọi giả thuyết, vì gia đình anh ấy là loại “có của” tại Quảng Nam, ngược lại phải tìm ra chất thơ của chuyện “chăn trâu”, để hiểu chuyện cố quận có mang cả linh hồn của thiên nhiên: Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc.
Trở về quê mình không phải nhất thiết là chuyện “về nguồn”, mà là một lộ trình phải có trong cái quá trình phải sống: sống hay tại chỗ để sống đẹp mọi nơi. Về quê đâu phải là chịu kiếp ẩn sĩ, phải gạt đời đi để mai danh ẩn tích, mà chỉ để sống thoải mái sâu, ung dung rộng, thong dong cao, thật tự nhiên giữa thiên nhiên, đây là một trong những định nghĩa thông minh của nhân tri khi nhận diện được: nhân sinh trong môi sinh. Bùi Giáng là thi sĩ rất thành công trong thể loại: nửa độc thoại-nửa đối thoại, về quê hương, trong chuyện trở về của anh ấy, đã sẵn có chuyện anh đã từng đi thật xa:
Hỏi rằng người ở quê đâu?
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.
Giữ một nơi, chốn, gốc, nguồn như giữ một cánh cửa lớn để khi mở ra sẽ thấy mọi chân trời lớn, cái vui tại chỗ quê mình, không hề là chuyện đóng cửa bỏ nhân sinh, nó là chuyện đi lại tự do trên cõi đời này, xa quê rồi về quê là chuyện bình thường; ngược lại với là lưu vong thẫn thờ như bụi đời, rồi lê thê trên đất người như oan hồn mới là chuyện đáng sợ. Bùi Giáng đi về rất vui trong cái duyên dáng riêng của anh ấy:
Người hỏi tôi: “Từ đâu ông đến đây?”
Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về.
Trong quê mình, của cố quận, có cái thông minh rất vẹn duyên của một tấm lòng, chắc như lý luận của thực nghiệm, vững lập luận của trải nghiệm. Cái “về đây xếp lại” của Trịnh Công Sơn, trong một trật tự tâm linh mới của mỗi người, thì Bùi Giáng thu xếp mọi vọng loạn giữa cố quận, thu gọn lại luôn các ước mơ, đặt lại các loạn động của cuộc đời; kể cả các hỗn mang của chiêm bao:
Hỗn mang về giữa quê nhà
Bây giờ cố quận tên là chiêm bao.
Bùi Giáng nhận chuyện xa xứ, nhưng không nhận chuyện chết xa xứ, tên có thể là bụi, nhưng thân phải là quê, cái bụi rộng như “Biển-Dâu-Ngàn”, nhưng không được làm mất cái quê:
Hỏi tên, rằng: “Biển-Dâu-Ngàn”
Hỏi quê, rằng: “Xứ mơ màng” đã quên.
Cái “quên quê” là cái đáng sợ! Biến cái “nhớ quê” thành tranh đấu, tranh đấu để chống quên! Cái “quên quê” bị đứt rễ, cái “nhớ quê” muốn giữ trọn rễ. Cái “quên quê” lấy cái chung vô định xóa cái riêng “nhớ quê” muốn giữ trọn rễ trong não bộ, Bùi thi nhân không để cái “ở đây sương khói” làm “mờ nhân ảnh” như Hàn Mặc Tử, vì trong cố quận của Bùi Giáng có bao tiền nhân hiện diện khắp các chân trời, có cổ nhân luôn ở trước mặt, không hề ở sau lưng ta, họ làm nên vai vóc các chân mây:
Mưa có lạnh nhưng chân trời còn mãi …
Giòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
Hôm nay tôi kiếm củi trong rừng
Lạc mất đường về
Sực nhớ rằng đây rừng rú thẳm
Là quê thân thiết biết bao chừng.
Cố quận là gốc của cái quê, là lãnh địa rộng để mọi cuộc đời được ngơi nghỉ, đó cũng là cửa đời, nguôi nghĩ để lấy sức đi tiếp, đi xa; nó là địa bàn thảnh thơi của vũ trụ, nó là vũ trụ ung dung của các hoài bảo, nó giữ rễ cho tha nhân, nó giữ mật cho nhân sinh.
Bể dâu riêng
Muốn nhập nội vào vũ trụ quan riêng của Bùi Giáng, thì trước hết phải quên chuyện bến bờ, gạt qua các biên giới, bỏ lãnh thổ để nhận vô biên, vũ trụ quan thi ca này không nhận những giới hạn của kích thước, những trói buộc của chuyện cân, đo, đong, đếm làm vũ trụ quan bị xơ cứng, anh Giáng luôn đẩy rộng thế giới quan, luôn đẩy xa nhân sinh quan.
Nếu nhân sinh quan mà cao, xa, rộng, sâu như vũ trụ quan thì số kiếp của thân thế bớt nhỏ bé đi, thân phận của hình hài bớt điêu tàn đi, ở đây thân rộng như trời, kiếp xa như mây, phận rong theo mùa; nhờ đó thi ca có sức bật của giao mùa; thi từ mở cửa để vũ trụ được tự do giữa nhân sinh. Mỹ quan về vũ trụ có ngay trong quan hệ giữa người và đất trời, làm thơ là nhận cái cơ may của tư duy bén nhạy trước biến hóa của đất trời; nhưng trước hết phải yêu người chu đáo, rồi mới thấy quý vũ trụ đầy ắp:
Bể dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.
Lại sơ nguyên nữa đây! Vũ trụ thượng nguồn, trời đã tạo mọi mầm lành cho đất, để trước khi gốc, rễ, cội, nguồn ra đời, có mặt trong cuộc sống, chưa có tên, chưa định hình, chưa chỉnh dạng thì con người đã biết: nếu sơ nguyên ngầm ẩn hiện, thì sự sống sẽ xuất hiện, cái nguyên thủy sẽ sinh ra. Nhưng Bùi Giáng không rơi vào cái hài hòa thiên địa được vinh danh trong Lão học, thăng hoa trong Khổng học, thi sĩ chế tác ra một nhãn quan khác, anh ấy muốn mình mỗi ngày đều phải ngạc nhiên trước biến thiên. Đất trời cũng như nhân thế có ngang ngửa, có xô bồ, và mùa màng cũng có khi là mộ địa:
Đất trời ngang ngửa xô bồ
Bốn mùa sắp đặt nấm mồ tình thương.
Vừa là trung gian, lại vừa là chứng nhân, thi sĩ dựng tư tưởng thơ của mình bằng nhãn quan của cầu nối giữa trực quan và cảm nhận, trong đó vũ trụ là điểm tựa để nối dài tâm linh, tâm linh ở đây được định nghĩa như một loại sinh hoạt vừa của linh hồn, vừa của trí tuệ, nó là phần sắc nhọn nhất của thông minh nhân trí:
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín…
Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ…
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành.
Quan hệ giữa vũ trụ và con người là của khoảng cách, nhưng khoảng cách càng dài thì quan hệ càng giầu, khoảng cách càng xa thì sức sinh sôi nảy nở của nó càng mạnh cho sáng tác, chính khoảng cách làm đâm mọc, nảy chồi cho sáng tạo, trong đó thi ca vẫn là cầu nối giữa nhân sinh và vũ trụ, trên đó thiên nhiên cứ thoải mái đi về giữa nhân thế:
Xuân về xuân lại xuân đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về.
Đi rồi đi biệt, đi tìm vũ trụ là đi tìm đường đi nẻo về của thiên nhiên, đi tìm đất trời để cuộc sống được rộng ra, cho nhân sinh quan luôn mở lớn ra, rồi trở thành vô lượng, tức là chứa bao nhiêu lượng của vũ trụ cũng được, đây dường như là thành công lớn của thi ca Bùi tiên sinh: nhãn quan của thi ca luôn lớn ngang với tầm vóc của vũ trụ mà nó tiếp nhận:
Ba phương trời về chung gục khóc bên giông.
Bùi Giáng cũng là thi sĩ hiếm của Việt tộc đã đưa được vai vóc của đất trời, gân cốt của vũ trụ vào thơ siêu hình học, trong cuộc đối thoại triền miên, không mệt mỏi giữa người và vạn thiên, cuộc đối thoại không làm thi sĩ hao mòn trí lực, mà nó luôn làm anh ấy tỉnh, làm cặp mắt nhìn đời, nhìn trời của anh luôn mới, anh ấy luôn thấy được thiên nhiên che chở:
Nắng trưa nắng xế đầy trời
Bóng cây râm mát che đời ta điên.
Một đặc điểm khác của thơ Bùi Giáng là sự kết hợp rất thông minh, nhưng cũng rất tự nhiên giữa thi ca siêu hình học và thi từ vũ trụ quan làm mới cách tiếp cận cho thi ca giành cho tình yêu, anh Giáng là một trong những người làm mới thơ tình Việt Nam:
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.
Chiêm bao, mộng mị của chúng ta cũng vậy, anh ấy mời mọc vũ trụ, chào đón thiên nhiên, để cho chiêm bao, mộng mị có nội công của hoài bão, có tầm vóc của ước mơ:
Bụi hồng ấy của chiêm bao
Thì con sóng đục chìm vào nước xanh.
Thi ca Bùi Giáng thì khi uống trà cũng không được quên thiên nhiên, sinh vật của thiên nhiên luôn sinh động phải quý yêu và phải cần nâng niu, cho nên Phật học gọi chúng sinh là sinh linh, thì thi sĩ của chúng ta trân trọng sinh linh như đùm bọc chiêm bao cao xa mà ta phải (thèm) bảo bọc:
Chén trà sương sớm bên thềm
Vừa chờ chim hót vừa thèm chiêm bao.
Chuyển động thầm lặng của thiên nhiên, từ nguồn thành lũ, thi sĩ cảm nhận được trọn vẹn, ông biết để hiểu, hiểu để thấu chuyện ngàn xưa của vạn vật:
Ồ vạn vật chờ nguồn nước lũ
Tự ngàn năm tuôn chạy tự khe rừng.
Thi ca của Bùi tiên sinh không phải loại thơ của chủ thể muốn làm chủ muôn loài, mà ngược lại là loại thơ sống để cảm nhận sâu sắc, tức là để chiêm ngưỡng sâu xa cái nhiệm mầu của thiên nhiên, cái ta đi theo cái linh hoạt của mùa màng, không hề có cái tôi nắm gọn vũ trụ để thu xếp thiên nhiên:
Én đầu xuân, tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngó nội đồng trổ hoa.
Thi sĩ thành đạt qua thi từ, nhưng thi sĩ lớn thành công bằng tư tưởng thơ của mình, mà tư tưởng muốn cao thì nội công nhân sinh quan phải mạnh, tầm vóc thế giới quan phải lớn, bản lĩnh vũ trụ quan phải rộng, chuyện này thấy được qua thi pháp và thi phong của anh Giáng!
Hưởng (theo) hứng
Muốn hưởng theo trời, hưởng theo mùa, hưởng theo đời… thì thân thế và thân thể phải luôn sẵn sàng đón nhận các tái tạo của trời đất, sẵn lòng mở cửa tiếp nhận các dáng hay, dạng đẹp của người:
Em về rũ áo mù sa
Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay.
Tạo được nhân dạng qua biến thiên của đất trời làm nên một bức họa mà chỉ thi ca Bùi Giáng làm được, trong đặc thù của thi tính vừa có bao la của mù sa, vừa gợi cảm trong phong nhụy, được khởi xướng bằng một động từ: “trút quần”, rất lạ, và rất dễ rơi vào cái tục, vậy mà vẫn thanh, vẫn thanh thoát trong cao xa, đây là một thành công khác của Bùi thi nhân.
Trong thơ anh ấy, có cỏ cây là có ngày xuân, có dậy thì là có chuyện: lên đường để tầm xuân; không có cách biệt, chỉ có hội tụ của: cỏ cây, ngày xuân, dậy thì, lên đường, đây là thượng nguồn cho việc hưởng theo hứng, vì mọi điều kiện thiên nhiên đều thuận cho mọi điều kiện dậy thì đứng lên, mùa xuân trong dậy thì vừa thoải mái, vừa gợi cảm, và thi sĩ không cần nói gì nhiều về chuyện gợi dục, để cái thanh luôn được nhẹ nhõm hít thở khí xuân:
Em đi cây cỏ dậy thì
Ngày xuân vô lượng cùng đi lên đường
Hưởng xuân dậy thì, và hưởng luôn cả thiên thu trong vô tận đá vàng, biến tự do cảm nhận thành tự do hưởng theo hứng, hứng trong thoải mái ngạc nhiên, không hề kinh ngạc căng thẳng khi chạm trán với thiên thu:
Em từ vô tận đá vàng
Về chìm đắm giữa lá vàng thiên thu.
Trong thiên nhiên có nước, có khi là nước lạnh:
Người con gái lội qua khe
Bàn chân nước lạnh lạnh đè lên nhau.
Ngay như kể về cái lạnh: nước lạnh lạnh thi sĩ thấy tường tận sức gợi cảm của nó biết đè lên nhau. Hình ảnh gái lội qua khe có trong thi ca, có trong dân ca, có luôn trong ca từ của Phạm Duy, nhưng ở đây Bùi thi nhân (đang lo mà cũng đang hưởng) về thân (lạnh) của người con gái. Anh ấy muốn xây dựng một chủ thể thi ca: vừa biết hưởng-vừa biết lo, lo lắng nhưng không hề lo sợ, không mâu thuẫn, có lần anh ấy thấy trong lành cũng như rách, người con gái luôn long lanh… vì trong sạch:
Người con gái hôm nay mặc quần rách
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
Lành và rách đều vô cùng trong sạch
Bởi vì lành rách cũng long lanh.
Các mô hình giáo lý bảo thủ trở nên vô duyên trước thi từ của Bùi Giáng, các giáo điều xơ cứng sẽ bị xơ xác trước tư tưởng tự do của thi ca của anh ấy, vì bảo thủ và giáo điều thì không bao giờ dám nhìn người con gái… trút quần phong nhụy. Đám thủ cựu, loại cuồng đạo nên đi ra khỏi tư tưởng tự do của thi ca, để cho những con người yêu nhau và “yên tâm” chờ nhau:
Anh chờ em không biết tự bao ngày
Để thấy mãi rằng thơ không đủ gọi.
Tư tưởng tự do của thi ca của anh Giáng, không ngại gánh than lên bán chợ trời, và không sợ thiên thần xúm hỏi, vì anh ấy luôn có câu trả lời vừa rất thuyết phục, vừa rất duyên dáng, mà bảo thủ hay giáo điều, thủ cựu hay cuồng đạo, không sao có được:
Gánh than lên bán chợ trời
Thiên thần xúm hỏi: em người ở đâu?
Thưa rằng em ở rất lâu
Trần gian dưới đó dãi dầu liên miên…
Hỏi rằng sao chẳng thấy em cười?
Thưa rằng cười gượng không vui
Nên đành mím miệng một đời cho qua.
Hưởng qua thơ, là hưởng cái duyên dáng của “đùa” liên tục, để có “đồng cảm” triền miên, cười gượng không vui chỉ để “đùa”, mà mím miệng cũng là “đùa”, không “đùa” thì làm sao sống vui được. Nhưng ngay khi “đùa” thì gân cốt thi tứ vẫn mạnh trong duyên, vững trong dáng:
Em ở trong rừng một buổi trưa
Ngẫu nhiên tao ngộ gió sang mùa
Hai bờ lãnh địa đau lòng gọi
Sầu suốt giang sơn vọng tiếng thừa
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai vạn đợi đã chia lìa.
Có đời là có đợi, rồi sẽ có tao ngộ trong ngẫu nhiên, chờ để hưởng giang sơn vọng tiếng thừa, chuyện lòng và chuyện vũ trụ cứ quyện mãi vào nhau, thơ của Bùi Giáng có sức lan tỏa rồi hội tụ, tổng quan siêu hình để tổng luận nhân sinh:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy chăng
Ta đi còn gởi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù.
Bùi Giáng lội ngược dòng để chống vô cảm, bơi trái chiều để chận hững hờ, lướt trên mọi lãnh đạm chung quanh để được sống trọn, sống sâu, nhờ vậy anh ấy mới đồng cảm rất tự nhiên với thiên nhiên, rất đắc khí với vũ trụ, biến cái bao la của vũ trụ thật gần kề, khích cận với chúng ta, Khóa mang ơn anh Giáng quá:
Em chợt thấy yêu đời vô cùng tận
Vì đời là rất mực thiêng liêng
Em chợt thấy không buồn đau oán hận
Vì thiêng liêng không chia biệt cõi miền.
Điên (ai) điên?
Anh Giáng yêu đời, vì anh ấy yêu những con người sống giữa đời ấy! Anh ấy có lần là giáo sư văn học, một người thầy giảng say mê về truyện Kiều của sư phụ Nguyễn Du, có lần anh đang giảng, thì nước mắt tràn dâng, khóc trước học trò mình, rồi anh ấy nhảy qua cửa sổ đi luôn, đi biền biệt, biệt tăm tích… Nếu không xót cho số phận của Kiều, của con người trong phong ba thì không sao có thái độ đó, hành vi của anh Giáng thách thức bất cứ ai nói là anh “điên”, họ có tỉnh hơn anh ấy không? Ai tỉnh hơn ai?
Vì có người sống mà không đã hoặc đang sống mà không biết chữ nhân: Les hommes soyez humains (Con người ơi hãy giữ nhân tính) của Rousseau. Trong “tăm tích” của Bùi Giáng, người ta thấy có thư của René Char, của Albert Camus trao đổi với anh trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn nam – bắc thế kỷ qua. Anh ấy sống giữa đời, tưởng điên loạn, nhưng ai gặp cũng thương?
Trong những năm tháng sau 1975, chế độ mới là chế độ công an trị, thích rình rập để bắt bớ hơn là bảo vệ để chăm lo cho thế thái dân an, anh Tiên có kể cho Khóa nghe hai chuyện về anh Giáng:
– Chuyện thứ nhất: Có lần công an cứ rình rập để điều tra về Bùi Giáng, vì họ không biết là anh Giáng là “điên thật” hay “điên giả”, họ tới hỏi anh Sơn Nam, văn sĩ của dân tộc học Nam bộ, nhà dân tộc học tình thâm của Cửu Long. Anh Sơn Nam trả lời chắc nịch “Bùi Giáng, nó điên lâu lắm rồi!” Đây là tình thâm trong văn nghệ đã biến thành phản xạ giữa bạn bè để bảo vệ nhau, để phù trợ nhau trước bạo quyền.
– Chuyện thứ hai, có “liên lụy” tới Khóa, vì sau 1975, Khóa gởi quà, gởi thuốc, gởi tiền tới anh Giáng, luôn qua anh Tiên, mỗi lần “viện trợ” tới nơi, thì anh Tiên gọi ngay Hiệt, đứa con trai của anh ra: “Con ơi! Đi tìm bác Bùi Giáng, báo là có quà của chú Khóa vừa tới”. Thế là Hiệt cắm đầu, cắm cổ đạp xe qua các ngã tư lớn của Sài Gòn, để tìm anh ấy, khi thấy Bùi Giáng đang reo hò, nhảy múa giữa đường phố, Hiệt dừng cạnh bên và nói chắc nịch: ”Thưa sư phụ! Có quà chú Khóa tặng sư phụ vừa tới!”, anh Giáng cũng trả lời chắc bẩm: “Đi liền để nhận quà của Khóa!”.
Và khi anh Giáng tới trước nhà của anh Tiên, thì ai cũng vừa vui, vừa ngại, vì Bùi Giáng đi tới đâu là trẻ con theo tới đó, khi đứng trước nhà của anh Tiên, ở xóm Gà thuở nọ, thì Bùi Giáng lớn tiếng đọc ngay bài thơ “nổi tiếng” rất ngắn của anh ấy: “Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào / Đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam”, vui vì đúng, cũng ngại vì công an chỉ cần chụp câu: “chết mẹ đồng bào miền Nam” để “gieo thù, trả oán” anh em văn nghệ sĩ miền Nam. Bây giờ nhớ lại chuyện này, Khóa cũng vừa cười, vừa khóc đây! Nếu có anh Giáng ở đây thì anh ấy sẽ an ủi Khóa ngay: “Giỡn cho dzui mà!”.
Nó “bậy” lắm!
Ngày Bùi Giáng qua đời, một trong những người bạn buồn nhất chắc có lẽ là anh Tâm[6], nhưng ngay cả khi anh ấy buồn, anh luôn giữ sức sáng suốt (rất đáng phục) của anh, anh có hai phân tích vừa sâu, vừa cao về Bùi Giáng: sống để dốc hết máu cho cuộc tầm xuân và đã sống trong vô sư tự ngộ. Anh Tâm đã thấy được năng lực thi ca đã làm nên năng lượng nhân tính của thi nhân, có đủ nội lực cho sáng tạo, để tự đắc đạo, mà không cần phải đeo theo một tôn giáo, không bám theo một người thầy nào.
Khóa đang ngồi đây để nhớ lại câu thơ của anh Tiên, hồi còn trẻ: “Cuộc sống báo động từng giờ”, sau bao năm, câu này luôn luôn đúng cho Khóa trong gần nửa thế kỷ tại Âu châu, sống trong báo động vì bao công việc cứ nghiến thì giờ, nuốt thời gian của mình, gặm tuổi đời mình từng ngày, làm mình quên luôn liên lạc với bạn bè, đánh mất đi các kỷ niệm, để mờ bao chuyện đời về những hạnh ngộ mà mình được cuộc sống trao tặng.
Bây giờ, Khóa mượn bài này để kể cho ba anh nghe về một chuyện mà Khóa không có dịp kể từ khi bốn chúng ta tới gặp anh Giáng trong một đêm hè năm 1987. Các anh biết không? Sau đêm đó, hôm sau, Khóa đến dùng cơm trưa như đã hẹn với anh Tâm, Khóa có kể cho anh ấy nghe, là tối qua Khóa có đi thăm Bùi Giáng cùng với các anh, trưa đó anh Tâm có nói với Khóa một câu: “Bùi Giáng nó ‘bậy’ lắm, nó ‘tự động’ làm chuyện nó muốn, mà người khác làm không được, không đủ sức để mà làm, cho nên bọn mình không ai ‘theo kịp’ nó!”
Nhiều năm đã qua, Khóa thấy câu này vừa đúng về sự thật, vừa đúng về chân lý, giúp Khóa hiểu, hiểu để thấu con người và sự nghiệp của anh Giáng.
____
[1] Anh Cường (họa sĩ Đinh Cường), anh Cần, (thi sĩ Cung Trầm Tưởng) anh Tiên (thi sĩ Tô Thùy Yên).
[2] Thanh Tâm Tuyền
[3] Bùi Giáng, trong cõi người ta pp: 475-483, 2008, édi Lao Động, Trung tâm Văn hoá Đông Tây, Hà Nội,
[4] Bùi Giáng, trong cõi người ta, pp: 187-189.
[5] Montaigne, Essais, I, 20, éd. par Jean Plattard, coll. «Les textes français », p. 123.
[6] Anh Tâm (thi sĩ Thanh Tâm Tuyền)
Bên Cầu Miệc Bố
*****************
Tự vấn Ta ở Quê đâu ?
Tự thưa Tớ lại Vui sầu Lưu vong !
NHV
Bên Cầu Mira-Beau Biếc-Xinh
https://www.youtube.com/watch?v=AYrhBVtuIzI
APOLLINAIRE, Guillaume – Le Pont Mirabeau.
Bên Khung Cửa Hẹp từ tâm
Dưới Cầu Miệc Bố (1) trầm ngâm nhớ Người (2)
Bóng Trăng Tỳ Hải rong chơi
Quê hương – Xa Lạ : đây trời lưu vong
Hoài Hương ngả bóng cô phòng
Chợt Hoa Ngõ Hạnh thu không điểm về
Thoáng hương Ngộ Nhận sông mê
Con Người Phản Kháng lời thề trở trăn
Vô Luân kẻ sĩ ăn năn
Cuộc đời lãng tử muôn năm giang hồ
Thi ca tri kỷ đơn cô
Vĩnh Trinh (3) khai nở trầm trồ tài hoa
Bỏ trường đại học quê qua
Trường Sơn trở lại bến là cố hương
Thi hào Tô Vũ (4) mục dương
Nghêu ngao ca hát Sông Trường (5) Ly Ly (5)
https://www.youtube.com/watch?v=SvOhI8iMrg8&feature=emb_logo
The Pogues – Le Pont Mirabeau English Song Tiếng Anh
Thu Bồn (5) con nước phân kỳ
Bóng nhà thơ vút trời thi miên trường
Khóc Em (6) buốt nhức yêu thương
Khóc hai con (7) thác rừng thiêng ngút ngàn
Khóc người vợ trẻ miên man
Một cơn hồng thủy cuốn tràn đời trai
Chung tình chung nghĩa thiên thai
Khóc em giấc mộng ban đầu phôi pha
Hồn nguyên tiêu cõi người ta
Nửa là thế kỷ nửa là tâm tang
Em Con vọng tưởng thiên đàng
Loạn điên thương xót trần gian thuở vào
Thiên thu một cõi mây trao
Dáng em muôn thuở tình nào ngàn năm
Thơ ca ngôn ngữ xa xăm
Chuyển vùng di động Khu Năm (8) giã từ .. ..
Cờ hồng sao vắng hoàng thư
Tình sầu đau đớn mây mù thanh xuân
Rô-mê-ô bóng ân cần
Cành Ju-li-ette một mầu hồng nhan (9)
Tình Gù chàng khóc đêm tan
Nhà thờ chuông nguyện âm vang Ðức Bà (10)
Thơ là lẽ sống của ta
Hùng hồn hùng biện bằng là đoàn quân (10-1)
Hugo gác mộng phong trần
Paris Biển (10-2) rộng tinh vân sóng về
Nỗi lòng thi bá (11) đam mê
Ðêm thơ trăng xuống bốn bề liêu trai
Gieo thân vớt bóng thiên hài
Thi nhân (12) quán triệt rất tài chuyển thơ
https://www.youtube.com/watch?v=ILLOj0oMx3k
Léo Ferré : Le Pont Mirabeau (Apollinaire)
Nỗi điên thời đại ai ngờ
Loạn ngôn cuồng ngữ ai chờ bên kia
Chiến tranh lũ lụt xa lìa
Cướp đi thê tử (13) ba bia mộ sầu
Bóng em in mãi bóng câu
Bóng con in mãi mộng đầu vỡ tan
Túp lều lụp xụp cỏ trang
Mộng văn chương đã lên đàng gọi ai
Quê hương chốc bỗng lưu đày
Cõi người ta giữa tháng ngày lưu vong
Thôn Làng (14) Tô Vũ nỗi lòng
Hòa Âm Ðiền Dã mây trông nhạn về
Nhớ Hoàng Tử Bé đam mê
Cậu Hoàng Con nhớ tóc thề ngang vai
Sương Bình Nguyên mộng tiên hài
Mùi Hương Xuân Sắc thiên thai hạc hồng
Ðiêu Linh Kim Kiếm vời trông
Họ Bùi tên Giáng hiệu Hồng Thất Công (15)
Cái bang Cửu chỉ họ Hồng chiêu cao
Ngàn thu uất hận anh hào
Ta đây Vô Kỵ (16) đón chào Hoàng Dung (17)
https://www.youtube.com/watch?v=Hl1BAiGUks4&feature=emb_logo
Serge Reggiani – Le Pont Mirabeau
Tình yêu thi sĩ sóng cùng
Bóng hồng hai cánh (18) đêm trùng thi nhân
Tài hoa lãng mạn phong trần
Gió nào cuốn đến vạc thần hồng nhan
Trai tài gái sắc tình tràn
Tâm tình dâng hiến miên man đêm trường
Bóng hồng em cánh thiên hương
Bút lông bút pháp thiên đường gọi .. .. nhau
Ngỡ rằng điên loạn mai sau
Tình yêu chợt đến tự đâu bao giờ
Lửa tình núi lửa loạn mơ
Ngọc thân em đốt đợi chờ bao năm
Thưa rằng ba mươi mốt năm (19)
Cố nhân thấu hiểu trăng rằm mộng mơ
Trăng tròn chín mọng chín chờ
Siêu nhân (20) xuất búa vần thơ hùng hồn
Hoài Hương (21) nhung nhớ cô thôn
Tự Do Thân Cỏ (22) thả hồn viễn phương
Tự tình thi Dic-kin-son (23)
Việt thơ chuyển dịch chập chờn cơn say
Tài tình bút pháp thơ ngây
Nỗi lòng bàng bạc bóng ngày tỉnh điên
Ngàn Thu Rớt Hột cõi miền
Trường Giang (5) mắt biếc tình điên nhớ người
Vĩnh Trinh Tô Vũ cuộc chơi
Ngàn năm xin gởi mộng đời trăm năm
Thi ca điểm bóng giai nhân
Nhân tài nhân chứng bụi trần khổ đau
Rằng thưa thiên cổ lụy sau
Thưa rằng chung thủy nát nhàu dại điên
Nhớ năm xưa gặp Anh hiền (24)
Quãng trên vai ấy … . thư hiên một đời
Bên gà bên cánh chim chơi
Hồn thơ thanh thoát bên trời nghêu ngao
https://www.youtube.com/watch?v=Df2HHbUoGXc
Yvette Giraud : Le Pont Mirabeau (Apollinaire)
Dòng thơ khởi động tuôn trào
Bút khai tư tưởng lệ vào xứ thơ
Tôi niềm cảm thức trân trơ
Duyên may (25) đã gặp cõi bờ thi ca
Trái tim huyết lệ mộng là
Tài hoa phát tiết anh hoa trường tồn
Ngữ ngôn bất hạnh cố thôn
Tình trường cố quận xé hồn thi nhân
Thủy chung chung thủy mây tần
Vợ con xa khuất cõi trần tình điên
Tình đầu bóng vợ man miên
Hình xưa bóng cũ lạnh miền vùi thân
Mơ màng phố cổ vong thân
Mưa nguồn, Sa Mạc, Trên Ngàn Mầu Hoa
Chết ngàn lần giữa cỏ hoa
Ly kỳ gay cấn rõ là nhà thơ
Rong chơi như bóng mây mờ
Lá Hoa Cồn có Cõi Thơ Ði Vào
Nhớ Trăng Châu Thổ phi lao
https://www.youtube.com/watch?v=DvOeX9b4Tp4&feature=emb_rel_pause
Marc Lavoine – Le Pont Mirabeau (Guillaume Apollinaire)
Sương Bình Nguyên chốn mộng nào Thúy Vân
Dã tràng Xe Cát Biển Ðông
Thi Ca Tư Tưởng bóng hồng chim bay
Lời Cố Quận nỗi lưu đày
Tháng Ba Lễ Hội gọi ngày nguyên xuân
Con Ðường Ngã Ba gian truân
Paris phố nhỏ lệ thần viễn Tây
Bên Cầu Miệc Bố chiều nay
Tôi xin khấn nguyện hương say cầu hồn
Thi Hào – Anh ở cô thôn
Mai sau xin hẹn Anh hồn cõi xa ….
Paris 27 Mai 2002
Bên Cầu Biếc-Xinh Mira-Beau
NGUYỄN HỮU VIỆN
http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=12&idpoeme=858
Bấm vào trên đọc các Ghi chú ….
Các bản Tiếng Việt chuyển ngữ :
http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=51&idpays=1318
http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=1&idpoeme=1295
“…triết học suốt đời sống nhờ thi ca.”
Niềm tự mãn trên phải được hiểu theo nghĩa sau…
Thi ca là vần điệu, khuôn thước, quy ước… là túp lều tranh, quán trọ, hoặc ngôi biệt thự…
Nhưng sẽ rỗng tuếch nếu không có kẻ cư ngụ, nếu vắng khách, thiếu linh hồn…Đó chính là ý nghĩa, đôi khi hoạ hoằn…là triết lý, là triết học tình cờ tạt qua, ít khi là nhập thể vào thơ, vì chân lý không cần khuôn phép.
Nhà thơ có quyền tán dốc, phóng túng…đôi khi “lầy lội”, nếu mạn phép mượn ngôn từ của thế giới showbiz, nhưng triết học thì không, nếu không muốn tự huỷ diệt khi tự hạ cấp.
Vì bản chất, nó là kinh. Nó sống nhờ đức tin, huệ năng.
Thi ca thì sống nhờ đam mê, thất vọng hoặc cuồng loạn.
Triết học không được phép dung tục, tuy có thể giết người hàng loạt, như thế giới đã từng chứng kiến sau Marx, Engels và rõ nhất là Mao Tse-Tung.
Vì sao không còn nhiều người ta chịu đọc những tuyệt tác một thời của Tố Hữu, nếu có lương tri, thanh khí và được tự do lựa chọn.
Vì sao nhạc đỏ không còn nghe trên loa, đài của nhà nước…trừ ngày giỗ chạp, mà lại chỉ nghe nhạc vàng khè của bọn lưu vong.
Không lạc đề đâu, vì nhạc chính là thơ được xướng âm. Những bài thơ ngơ ngác ngớ ngẩn của Nguyễn Tất Nhiên bổng lột xác qua bàn tay PD.
Vậy thơ ít có cơ may sống sót.
Triết học luôn có tuổi thọ hàng nghìn năm. Vậy nó đâu cần đăng ký hộ khẩu đứng tên thơ?
Tự biết…