Phạt là một chuyện, nhưng nó không phải là giải pháp duy nhất

Lê Nguyễn Duy Hậu

28-12-2020

Phản ứng thường thấy của dư luận đối với những trường hợp lây nhiễm mới là kêu gọi phạt thật nặng họ và những người có liên quan. Có lẽ đa số chúng ta vẫn tin rằng hình phạt nặng sẽ giải quyết được vấn đề, hoặc ít nhất cũng là một cách trừng phạt, răn đe, hoặc thực tế hơn là để… hả giận công chúng. Tất nhiên phạt là một chuyện, nhưng nó không phải là giải pháp duy nhất. Giải pháp là phải đi vào được gốc của vấn đề để tránh cho các trường hợp bị tái diễn.

Ca bệnh 1440 tuy dễ gây phẫn nộ tương tự như ca bệnh 1342 (tiếp viên hàng không), nhưng không thể quy kết ca 1440 là vì thiếu ý thức được. Ca 1342 rõ ràng là thiếu ý thức và thể hiện sự thiếu tôn trọng đặc quyền của bản thân, nhưng ca 1440 không hẳn vậy. Nếu như một người đã lựa chọn đi chui xe tải, vượt qua đường mòn lối mở biên giới, đánh liều mạng sống để về nước thì khó có thể nói họ làm vậy vì thiếu ý thức được. Do đó cách xử lý để vụ việc không tái diễn nữa phải khác với ca 1342, vốn dễ dàng hơn nhièu.

Vậy thì tại sao họ vi phạm? Những ca bệnh do nhập cảnh trái phép như ca 1440 tất nhiên có lỗi lớn của những đường dây đưa người qua biên giới, nhưng cũng là điều để những người cổ vũ đóng cửa biên giới xem xét lại. Ca 1440 là một lao động di cư bị mất việc do Covid chỉ sau 3 tháng rời khỏi Việt Nam. Anh về nước chắc chắn không phải là để ăn Tết hay để ham vui với một ai đó. Điều thôi thúc những người nhập cảnh trái phép nhiều khi là vì chính sinh kế của họ.

Lao động di cư mất việc ở nước ngoài không nằm trong gói hỗ trợ kinh tế của chính phủ, và thường có điều kiện kinh tế khó khăn đến mức họ có thể phải đánh đổi nhiều thứ để quay lại đất nước. Nhưng việc quay lại là gặp rào cản với chính sách đóng biên của chính phủ Việt Nam.

Việt Nam nằm trong số những quốc gia hiếm hoi đóng biên với cả công dân của họ. Đây là một chính sách nói dễ làm khó, vì đòi hỏi sự tập trung và đầu tư rất cao cho lực lượng biên phòng và lực lượng quần chúng nhân dân. Càng khó hơn khi khi Việt Nam có đường biên giới trên bộ rất dài, trái ngược với Úc và Nhật Bản vốn bao quanh là bờ biển.

Chính sách này không phải không có cái lý của nó, nhưng nó không hoàn hảo không chỉ vì việc thực thi mà còn vì việc nó có tiềm ẩn các rủi ro dịch bùng phát trong cộng đồng mà không thể trở tay kịp – vì thông thường vụ việc chỉ bại lộ khi có bùng dịch trong cộng đồng. Khi đó, hệ thống phòng dịch cũng mất đi thế chủ động trong việc ngăn ngừa. Khó có thể biết chính xác hơn nửa năm vừa qua, chính sách này đã hiệu quả chưa nhưng dư luận tin rằng ít nhất có một lần sự thất bại của chính sách này đã gây ra bùng phát dịch ở Đà Nẵng hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8.

Mình nghĩ chính phủ cũng biết điều đó và đã phải tính toán nhiều để đưa ra phương án đóng biên, trên cơ sở lợi ích rủi ro. Nhưng nếu chưa thì có lẽ cũng nên nghĩ thêm phương án thay thế chính sách đóng biên này bằng chính sách mở đường bay hạn chế và bắt buộc cách ly.

Có thể ca bệnh 1440 sẽ lựa chọn bay về nước (an toàn hơn) và chịu cách ly thay vì phải chờ đợi hàng tháng trời với đại sứ quán và những chuyến bay giải cứu, trong bối cảnh chính bản thân họ chưa chắc đã lo được cho cuộc sống của mình. Làm như vậy thì ít nhất cũng lọc được ai vi phạm vì ý thức kém, ai vi phạm vì họ không còn lựa chọn khác.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây