Đang đến mùa thi: Nỗi khổ của sinh viên “chính quy”

Chu Mộng Long

28-12-2020

Quốc hội đã thông qua điều luật không phân biệt bằng chính quy và hệ vừa làm vừa học, cho nên khái niệm “chính quy” và “vừa làm vừa học” chỉ còn là hình thức, thậm chí không nên nhắc đến để khỏi mang tiếng kỳ thị.

Nhưng từ khi điều luật đó có hiệu lực, hệ “vừa làm vừa học” mở tràn lan đến hang cùng ngõ hẻm, tôi cay đắng nghĩ đến các em sinh viên chính quy. Tuyển đầu vào sàng lọc kỹ đến từng số thập phân của điểm thi. Mỗi tuần chỉ học 2 đến 4 tiết, vừa lên lớp vừa tự học, vừa học lý thuyết vừa rèn kỹ năng, vừa làm bài tập, vừa thi giữa kỳ rồi thi hết học phần, đánh giá từ chuyên cần đến tinh thần hợp tác nhóm, thảo luận và tương tác theo đúng hệ tín chỉ và dạy học phát triển năng lực. Nhiều giảng viên không thực hiện theo yêu cầu, nhưng tôi thì thực hiện nghiêm túc, vì tôi nhiều lần tuyên bố công khai với nhà trường, rằng không nâng cao hệ ngoài chính quy lên ngang tầm chính quy thì không có lý do gì hạ thấp trình độ chính quy xuống ngang hàng “tại chức”!

Tất nhiên, khi thực hiện đúng yêu cầu dạy học phát triển năng lực, tim tôi quặn thắt mỗi khi nhìn các em sinh viên chính quy miệt mài học tập và rèn luyện. Quan trọng hơn là khi ra trường, làm sao các em có thể cạnh tranh với một lực lượng học viên học hệ ngoài chính quy khi họ đã chiếm hết chỗ với loại bằng toàn khá và giỏi mà không cần năng lực thật?

Thôi thì đành động viên an ủi các em, rằng xã hội sẽ tiến bộ, tương lai vẫn thuộc về các em. Có năng lực thật sự thì ở vị trí công việc nào các em cũng làm tốt và được xã hội ghi nhận. Còn đã là rác rưởi thì chẳng chóng thì chầy cũng bị mọi người khinh bỉ thôi.

Khi làm chương trình dạy học phát triển năng lực, tôi yêu cầu làm đúng, không phải chỉ làm đối phó cho kiểm định mà phải thực thi bằng nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá theo chuẩn đầu ra. Trong đó, khâu đánh giá rất quan trọng. Trước mắt, cần chấm dứt ngay loại đề thi bắt người học học thuộc bài và trả bài như giáo trình. Loại đề thi này đã từng sát hại nhiều sinh viên có năng lực tư duy và sinh ra nhiều tiêu cực, chưa nói nhiều sinh viên đến mùa thi học như… con bệnh tâm thần.

Sự thật diễn ra đã gần cả thế kỷ đối với nền giáo dục này khi cái đầu con trẻ phải bị nhồi vào hàng tấn tri thức phi thực tiễn. Tai tiếng về nhiều giảng viên đe doạ sinh viên phải học thuộc giáo trình nếu không có phong bì để thầy cô chốt cho vài câu hỏi tủ vẫn còn dư âm và tiếp diễn. Đau lắm mỗi khi ban đêm có việc phải vào trường, tận mắt nhìn sinh viên ngồi dưới các bóng đèn đường lảm nhảm bài học như người buồn ngủ cầu kinh và trông không khác cái trại tâm thần. Rồi hàng năm sau mỗi mùa thi, Hội đồng kỷ luật họp xét kỷ luật nhiều thí sinh lật tài liệu mà xót xa. Tôi từng nói thẳng Hiệu trưởng, sao không kỷ luật người ra đề thi mà kỷ luật thí sinh? Vì những đề thi như vậy, người dạy có thuộc bài để trả bài như trong giáo trình viết sẵn không mà bắt người học phải thuộc lòng đến từng dấu chấm, dấu phảy?

Vừa rồi, một lãnh đạo phòng đào tạo nói với tôi, rằng học viên tại chức phản ánh đề thi của tôi khó quá, không làm bài được. Tôi hỏi khó thế nào? Vị lãnh đạo ấy nói vì đề của thầy là đề mở, học viên tại chức không quen. À, ra thế! Trong khi thảo luận Chuẩn đầu ra của học phần, tôi hỏi sinh viên chính quy, rằng giữa đề mở, thường là áp dụng tri thức để giải quyết hiện tượng, với đề học thuộc lòng, đề nào khó hơn. Sinh viên chính quy đều đồng ý đề mở dễ hơn và biểu quyết thống nhất học và thi mở. Tôi bảo với lãnh đạo phòng đào tạo, nếu học viên tại chức đã nghĩ như vậy thì tôi sẽ ra đề cho hệ tại chức theo cách học thuộc lòng, với điều kiện chính tôi coi thi (vì tôi không tin bất cứ ai coi thi, khi chấm bài tôi cứ hỏi tại sao các bài chép giống nhau thế?), và cấm lật tài liệu, được không? Không cần anh ta trả lời, tôi chắc chắn là không, vì sẽ ăn hột vịt cả lớp hoặc bị kỷ luật vì vi phạm quy chế thi!

Lâu nay thi tại chức kiểu gì ai cũng biết. Chỉ có thả cửa chép tài liệu. Đến mức có năm một giáo viên làm đề thi toán thử đổi dấu cộng thành trừ trong một phép toán nhưng không sửa đáp án. Kết quả là học viên làm đúng như đáp án, đúng đến từng dấu chấm, dấu phảy, mặc dù đổi cộng thành trừ thì ắt ra kết quả khác biệt.

Thi cử ở trình độ đại học mà chỉ cần chép tài liệu là có điểm cao thì tôi dám chắc học sinh lớp 2 cũng có thể học nhảy vọt tới… tiến sỹ rồi thành giáo sư!

Cuối cùng, tôi nhắc các thầy cô, rằng các thầy cô cũng có con có cháu. Hãy gieo nhân tốt cho con cháu người khác thì con cháu mình sẽ được hưởng quả tốt. Còn thầy cô nào gieo nhân xấu cho con cháu người khác ắt con cháu chính mình sẽ hưởng quả xấu. Chấm dứt ngay trò đổi tủ vài câu hỏi thi để nhận phong bì đi. Ác lắm vì nó làm hại cả nòi giống!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Rất đồng cảm và đồng ý với bác CML
    Từ ngày xưa, những năm 80 đẫ mở ra thể loại ” tại chức ” để tạo điều kiện cho những ” chú bộ đội” sau khi hết nghĩa vụ quân sự, giải ngũ có thể vừa đi học vừa đi làm nhằm nâng cao tri thức cho họ. Còn càng về sau này càng nhiều thể loại bán chữ làm giàu nhằm phục vụ đám cccc ngu dốt ham chơi có tấm bằng để đi làm, để lên chức, lên lương. Nghề giáo hay nghề Y là những nghề tạo Phúc. Kẻ thất đức lợi dụng nghề để làm tiền thì chỉ có gây họa cho chính mình, con cháu mình., gây họa cho cộng đồng

Comments are closed.