16-12-2020
Đầu thập niên 1980, phái đoàn trường đại học Paris-Sud (Pháp), còn gọi đại học Orsay, qua thăm và ký kết hợp tác với trường đại học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.
Đây là chương trình hợp tác rất có ích, sau sáu bảy năm kể từ ngày thống nhất không tiếp xúc tài liệu nước ngoài, không có cơ hội nói tiếng Anh, tiếng Pháp với chuyên gia Phương Tây, tới lúc đó trường mới được tặng những tài liệu khoa học rất mới, những sách giáo khoa của các giáo sư danh tiếng, các nhà khoa học lãnh giải Nobel.
Những lớp học cấp tốc dài đôi ba tháng về kiến thức mới nhất trong sinh học được các đồng nghiệp Pháp tổ chức. Cuối khóa có buổi kiểm tra và cấp chứng nhận.
Cùng lúc, các học bổng được phía Pháp đề nghị. Học bổng có hai loại, một loại đi thực tập một năm và một loại làm luận án bốn năm.
Nói được tiếng Pháp và tiếng Anh, Vương là một trong vài người trong phái đoàn Việt Nam làm việc trực tiếp với phái đoàn Pháp cho các khóa học, và đôi khi, khi người thông dịch chánh là cô giáo sư Tô Ngọc Anh vắng mặt, Vương thông dịch thay cô. Học bổng làm luận án bốn năm được đề nghị cho anh rất sớm.
Cách con người hành xử trước quyền lợi cho thấy rất nhiều điều về cá nhân, về xã hội, về cách tổ chức xã hội cũng như đạo đức cốt lõi của xã hội. Trước đó vài năm người ta tranh nhau học bổng đi Đông Âu, giờ thì chuyển hướng sang tranh giành học bổng Tây Âu “thơm hơn nhiều”.
Trong cuộc tranh giành đó, người Miền Nam thất thế hoàn toàn vì nhân thân và lý lịch gia đình có vai trò quan trọng. Phả Hệ Phát Sinh thể hiện vai trò bao trùm của nó trong các cuộc tranh giành một suất học bổng mà kết quả phần lớn không dựa trên năng lực và thành quả khoa học, không vì mục tiêu đào tạo nhân tài cho trường đại học, cho xã hội.
Nghe thiên hạ đồn nhau rằng trong số vài trăm học bổng cho cả nước, cả Đông Âu và Tây Âu, chưa tới chục người Miền Nam được đi!
Đủ kiểu đòn bẩn, rất bẩn, đòn dưới thắt lưng, và rất hiểm, được tung ra… để giành lấy một học bổng nghiên cứu mà với nhiều người chỉ là một chuyến đi mua bán đổi đời kinh tế!
Tuy nhiên, xã hội Việt Nam thời đó còn những người liêm khiết, trung thực.
Buổi trưa đi làm về, chị Hai cho Vương biết có người tới thăm Vương.
– Ổng nói đang làm việc tại cơ quan có trách nhiệm xem xét hồ sơ các trí thức được đề nghị du học tại nước tư bản. Ổng nói thấy hồ sơ của em ổng quí, nên tìm tới nhà coi sao. Ổng hẹn mười một giờ mai sẽ trở lại.
Ngừng một chút, chị nói hay có ai muốn dò xét gì em đó. Rồi lại nói, hay ổng thấy em có học bổng nên tính tới kiếm ăn, ôi thời buổi này Phật ít Ma nhiều, chị cũng không biết.
Bà Trọng nói:
– Để gặp ổng coi sao. Coi vậy chớ người tốt chắc cũng còn không ít…
Đúng hẹn, ngày hôm sau, người đàn ông tầm thước, mập mạp, nét mặt khoan hòa đạp xe tới, tự xưng là anh Bảy Trường. Buổi nói chuyện hôm đó với anh Bảy Trường cho Vương nhiều hiểu biết.
– Hồ sơ của em nếu không có anh nâng đỡ khó qua được lắm. Trời ơi, ở ngoải tụi nó có trăm lý do dìm hồ sơ. Nó để trước hạn chót một ngày mới đưa vô, ai làm cho kịp!
– Anh được hồ sơ em, anh thẩm định liền. Hồ sơ của em tốt, lý lịch khoa học tốt, ông hiệu trưởng Lý Hòa khen em, ông bí thư đảng ủy Huỳnh Ngọc Bích cũng nói tốt về em. Mấy ổng nói tụi Pháp đánh giá em cao, học bổng của em là tụi nó chỉ đích danh.
– Anh có tới gặp chú Ba em. Ảnh nói em siêng năng, lương thiện. Anh hỏi chú Ba em có chắc em đi sẽ trở về không. Ảnh nói tui hy vọng nó về, mà hứa chắc thì tui không hứa. Ảnh còn nói kệ nó anh, nó muốn sống đâu cũng được. Tui chỉ bảo lãnh thằng này lương thiện, không đánh phá đất nước mình, nó sống đâu cũng lương thiện, có ích, vậy là đủ rồi.
– Chú Ba em hiền, đứng đắn. Ảnh đã nói vậy anh tin. Giờ gặp em anh càng tin hơn nữa. Thôi em cứ chuẩn bị chuyên môn thiệt giỏi, việc đi Pháp của em để anh lo. Anh ủng hộ thì chắc cũng quá sáu bảy mươi phần trăm em được đi.
Anh Bảy Trường về để lại cho gia đình Vương sự tin tưởng như bà Trọng nói “Coi vậy chớ người tốt chắc cũng còn không ít…”.
Trường Đại Học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh có một người chuyên chạy thủ tục cho các chuyến xuất ngoại. Trong ba năm qua, hồ sơ của Vương luôn bị trục trặc vì những lý do vô lý một cách trời ơi. Từ khi anh Bảy Trường nhúng tay vào, hồ sơ tiến rất nhanh.
Khoảng tháng tư tháng năm gì đó, anh Viễn, người chạy giấy tờ, tới biểu Vương chuẩn bị gặp một đại tá công an ngoài Bắc vô. Viễn tò mò:
– Lý lịch mày cũng thường thôi, sao có pít-tông mạnh vậy?
– Có mạnh gì đâu anh. Mạnh thì tui đã đi mấy năm trước rồi!
– Mày mới mạnh đây thôi. Mấy tháng nay mấy xếp thúc tao lo giấy tờ cho mày kịp đi năm nay. Gần thì trường mình, xa thì tận Hà Nội cũng thúc vô.
Viễn bỗng mở to mắt quan sát một cách tinh nghịch, tò mò:
– Hay mày “độp” được con gái của một “xếp cớm” nào? Này, bố vợ làm quan to, con gái đẹp gả cho một nghiên cứu sinh tư bản là “mốt” bây giờ đó nghe! Mày qua bển làm đầu cầu cho bên vợ.
Viễn cười hề hề rồi trở lại việc chính:
– Tay đại tá công an này quyền cao nhất, ổng đồng ý là mày được bay. Viễn chở Vương tới một tòa nhà khoảng sáu bảy tầng trên đường Trần Quốc Toản, trong khu cơ quan Đảng. Viễn giải thích văn phòng chính thức của ông ấy nơi khác, đây là nơi ông ghé liên hệ công tác, sẵn hẹn gặp mày luôn.
Một người trạc năm mươi, năm lăm bước ra.
– Chào đại tá. Em dẫn Vương tới gặp đại tá.
Cái bắt tay và vỗ vai thân tình khiến Vương bất ngờ. Dong dõng cao, khuôn mặt vuông với cặp mắt tinh anh và thân mật, vị đại tá có dáng vẻ và phong thái một giáo sư đại học! Mời hai anh em vào bàn, ông hỏi sơ lược Vương về quá trình làm việc, các mối liên hệ với phái đoàn Pháp, những dự định và chương trình làm việc khi qua Pháp… Sự gần gũi khiến Vương trình bày một cách tự nhiên, vị đại tá lắng nghe, khuyến khích và gợi ý thêm…
– Tôi ủng hộ kế hoạch của cậu. Làm việc với lãnh sự Pháp tại thành phố, họ nhắc cậu với tôi. Những người như cậu đi, tôi tin sẽ thành công, được bạn tin tưởng. Cậu sẽ có nhiều năm bên đó, nên liên lạc tốt với các bạn Pháp, với Việt Kiều, sau này còn nhờ họ giúp đỡ xây dựng đại học Việt Nam. Việt Kiều nhiều người rất nhiệt tình! Nước mình bây giờ rất cần khoa học kỹ thuật của các nước tư bản.
Ông kết luận: “Chúng tôi ủng hộ cậu”.
Và, thân mật dặn dò:
– Cậu là người tốt. Cứ tiếp tục giữ mình tốt như vậy. Người tốt sẽ gặp những người tốt giúp đỡ. Cậu đang được nhiều người tốt giúp đỡ.
Hai mươi, ba mươi phút nói chuyện thân tình khiến Vương ngạc nhiên, nảy sinh lòng cảm mến, kính trọng.
Cái bắt tay tiễn đưa cùng nụ cười theo Vương xuống tận chân cầu thang. Vẫn còn ngẩn ngơ, Vương hỏi Viễn, cán bộ cao cấp Miền Bắc tốt quá hả anh!
– Mày gặp sếp này là may lắm đó, mấy sếp khác không vậy đâu.
Cuối thập niên 1980, sứ quán Việt Nam tại Paris có một tham tán khoa học – kỹ thuật mới là ông Nguyễn Như Kim, một kỹ sư lớn tuổi nghe nói tốt nghiệp tại Pháp và về Hà Nội làm việc từ thời Việt Nam chưa thống nhất. Vương bị bất ngờ khi ông Kim cho biết vị đại tá đã nhận lời gởi gấm của giáo sư Nguyễn Đình Ngọc.
Ông Ngọc là cán bộ cao cấp bộ Công An nhờ người đại tá kia xem xét và nếu thấy được thì ủng hộ trường hợp của Vương. Thời đất nước chia đôi, ông Ngọc thuộc phe Miền Bắc được cài vào Miền Nam. Ông được tổ chức đưa đi Pháp, có bằng kỹ sư và tiến sỹ Pháp, học và làm việc tại Pháp, Đức trong mười năm trước khi về lại Miền Nam làm giáo sư tại trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn.
Sau năm 1975 ông được điều về bộ Công An. Thời gian Vương làm việc tại trường đại học Khoa Học, ông Ngọc đã rời trường nhưng anh từng nghe những giáo sư lớn tuổi kể về ông. Chưa từng quen biết Vương, chỉ nghe tòa đại sứ Pháp, phái đoàn chuyên gia Pháp và ban giám hiệu trường Đại Học Tổng Hợp nói về anh, vậy cũng đủ ông Ngọc giúp anh, giúp kín đáo từ hậu trường. Bấy giờ Vương mới hiểu lời vị đại tá mấy năm về trước: “Cậu đang được nhiều người tốt giúp đỡ”!
Năm 1995, lần đầu có dịp nói chuyện với ông Nguyễn Đình Ngọc, Vương nhắc lại, cám ơn và nghe ông Ngọc trả lời:
Chưa chắc lời nói của tôi có tác dụng gì trong việc đi Pháp của anh. Nếu có chút ít thì anh đừng nghĩ ngợi, tôi cũng từng được nhiều người giúp đỡ. Hơn nữa đó là trách nhiệm tụi tôi mà. Để các anh còn vất vả, còn nói lời cám ơn thế này, tụi tôi thấy chưa tròn nhiệm vụ!
Dại tá CA.ở trong bài chưa nặng ký như thiếu tướng tình báo,nằm vùng dưới
cái mác giáo sư từ Pháp về là Nguyễn Đình Ngọc.Nhờ đó mà hoạt động tình
báo của ông ta được bảo vệ an toàn hay nói đúng ra là để dễ lừa bịp !
Vì thù dai với đế quốc Mỹ không chịu giúp Pháp thoát hiểm ở Điện Biên Phủ
bằng phi cơ oanh kích,bọn Pháp thực dân đào tạo ra bọn “tay sai’ tham gia
đảng CS Pháp từ các trường đại học đã về giúp VC.chiếm được miền Nam,
khiến Mỹ “bỏ của chạy lấy người”.Vậy là Pháp đã rửa hận Mỹ nhưng đó lại
cũng là tội ác của thực dân Pháp khiến dân VN.bị vạ lây !
Có vẻ chả ai nhận ra, mún làm cái gì trong xã hụi này đều phải qua các quan chức . Xã hụi này vận động được nhờ lệnh miệng & lý lịch. Một Vương đi được có nghĩa có cả ngàn người khác có thể còn giỏi hơn Vương nhưng đành vậy, vì hổng được “trên” ngó tới .
Đọc tin này vừa vui vừa buồn.Vui vì cái tốt đẹp vẫn còn.Buồn vì cách nhận và nâng niu cái tốt qua phức tạp! Tình trạng ưu tiên lí lịch đến hôm nay vẫn còn hậu quả: toàn bộ sĩ quan ,CÔNG chức trong các ngành quan Trọng toàn người Bắc!
Tại vì người bắc có lý luận, đm cái mớ lý luận cùn sụt cỡ tổng Trọng. Lý luận riết biển đảo teo tóp lại còn chút xíu.