Trần Văn Chánh
9-12-2020
Việt Nam từ năm 1954 đến nay luôn tự hào là một nước “độc lập, tự do” nhưng thực chất không có độc lập bao nhiêu đối với anh láng giềng lớn Trung Quốc. Vì thế, mấy năm gần đây, rất nhiều vị nhân sĩ trí thức đã bàn tới vấn đề “thoát Trung” một cách hết sức khẩn thiết và tâm huyết, coi đây như một trong những điều kiện chính trị quan trọng để Việt Nam có thể định hướng lại đường lối chính sách phát triển đất nước của mình một cách tự chủ hợp lý hiệu quả hơn thay vì nếu để ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc cứ tiếp tục úp chụp lên đầu mình như một vòng kim cô thì Việt Nam muốn cựa quậy theo ý riêng gì cũng không thể cất đầu lên được.
Trước hết, cần xác định thật rõ, thoát Trung không có nghĩa là chống Trung Quốc. Xu hướng chính của thời đại toàn cầu hóa hiện nay là hợp tác trên cơ sở các bên cùng có lợi chứ không phải tìm cách chống nhau, gây khó khăn cho nhau. Hơn nữa, kinh nghiệm đời cho thấy, họ hàng xa không bằng láng giềng gần, sống hòa bình hợp tác với láng giềng thì bao giờ cũng có lợi cho người dân của cả hai phía.
Trong quan hệ cả về lịch sử lẫn địa lý, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước rất gần gũi, có chung đường biên giới dài gần 1500 km ở phía Bắc, với những mối quan hệ mật thiết từ lâu đời về các mặt văn hóa, chính trị, kinh tế… Trong quá khứ, phải khách quan thừa nhận Trung Quốc là nước lớn đàn anh, có nhiều mặt mạnh hơn so với Việt Nam, nên Việt Nam qua các triều đại phong kiến phải chịu đóng vai thần phục và triều cống Trung Quốc theo đạo quân thần, cũng giống như Nhật Bản, Triều Tiên, Miến Điện, Lào, Thái Lan… xưa kia vậy.
Trong trật tự phong kiến đó, sự chấp nhận ngôi thiên tử của nước lớn Trung Quốc được coi như điều tự nhiên không ai thắc mắc; nhưng ngược lại, thiên tử cũng có trách nhiệm với nước nhỏ theo đạo “nhu viễn” nghĩa là mềm mỏng vỗ về các dân tộc hoặc nước phương xa làm cho họ chấp nhận theo về với mình, để các bên đều có lợi. Chính sách này cũng đã được các triều đại phong kiến Việt Nam áp dụng y chang đối với một số nước lân cận nhỏ hơn (như Chiêm Thành, Chân Lạp, Vạn Tượng, Thủy Xá, Hỏa Xá…), chứ không có chuyện nước lớn đem giàn khoan hay tàu hải giám, hải cảnh… ngang nhiên xâm lấn lãnh hải các nước nhỏ trong khu vực biển Đông như nhà cầm quyền Trung Quốc bây giờ đang làm.
Xem sách Thanh thực lục, chúng ta sẽ thấy được chính sách “nhu viễn” của các nhà cầm quyền Trung Quốc thời xưa có vẻ khôn ngoan nhân đạo hơn đường lối “bá đạo” bá quyền hiện nay của họ.
Chẳng hạn, khi nghe quan địa phương báo cáo về chuyện tranh chấp vài miếng đất nhỏ ở vùng biên giới Trung-Việt (bắc Việt Nam), vua Khang Hi (một vua tài giỏi được nhân dân Trung Quốc rất kính phục) liền hạ ngay chiếu chỉ, đại khái nói: “Ðất này quả có lợi ư, thế thì Thiên triều lẽ nào lại nên tranh lợi với nước nhỏ? Nếu không có lợi ư, thế thì lại cần gì phải tranh chấp với họ? Bụng Trẫm chỉ muốn lấy đại công chí chính làm hẹn, coi [mọi người] trong nước ngoài nước đều là con đỏ. Vả lại hai đất giáp giới liền cõi, rất dễ xảy ra xích mích, càng nên khéo xử để vỗ về an ủi tỏ sự quan tâm đến họ, không chỉ làm cho dân nước họ được yên, mà cũng chính là để làm cho dân ta được yên… Những hành động tham lợi muốn cầu may lập công, đều không đáng làm bài học…” (Thanh thực lục: Việt Nam Miến Điện Thái Quốc Lão Qua sử liệu trích sao, “Thế Tông thực lục”, bản chữ Hán, q. 31, tr. 28-31).
Về phía Việt Nam, theo nhận định rất chính xác của cụ Trần Trọng Kim, viết trong lời Tựa sách Việt Nam sử lược, Thời đại tự chủ của Việt Nam được kể từ nhà Ngô, nhà Đinh cho đến đầu nhà Hậu Lê, “nước mình từ thời đại ấy về sau là một nước độc lập, tuy đối với nước Tàu vẫn phải xưng thần và chịu cống, nhưng kỳ thực là không ai xâm phạm đến cái quyền tự chủ của mình” (NXB Văn Học, 2017, tr. 25).
Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử của thế giới nói chung và của Việt Nam-Trung Quốc nói riêng hiện nay đã có khác. Trung Quốc với gánh nặng đông dân như từ trước tới nay thì khuynh hướng chung của họ là bắt buộc phải bung ra bên ngoài để tìm một sinh lộ, tập trung trước hết vào các nước lân cận ở vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, và đây là chủ trương đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi lãnh tụ Mao Trạch Đông còn đầy quyền uy ở Trung Quốc. Họ đã tiếp nối thực hiện ý đồ này bằng hai cách: vừa trắng trợn đánh chiếm (Hoàng Sa…), vừa áp dụng chính sách xâm thực dần dần dưới hình thức đấu thầu các hạng mục đầu tư khai thác, thuê đất, cho người Trung Quốc tràn vào ở hợp pháp hoặc không hợp pháp dưới sự quản lý rất lỏng lẻo của các nhà cầm quyền địa phương Việt Nam.
Trước đây, các nhà đương cuộc phía Bắc Việt Nam (chứ không phải toàn thể nhân dân Việt Nam) tuy có “mang ơn” nhận viện trợ của Trung Quốc để “chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam”, nên có mối ràng buộc lệ thuộc tình nghĩa, nhưng Trung Quốc giúp Việt Nam không phải hoàn toàn vô tư hoặc không có ý đồ bành trướng xấu xa, và lịch sử đã nhiều lần chứng tỏ, họ sẵn sàng lấn lướt xâm phạm lãnh thổ nước ta vì quyền lợi của họ. Cho nên, khi hòa bình lập lại, quan hệ giữa hai nước có thể vẫn cần thân thiện hữu nghị trên cơ sở hợp tác bình đẳng các bên cùng có lợi nhưng không thể là quan hệ chủ-tớ “thần phục” mãi mãi được.
Nay Trung Quốc và Việt Nam, ngoài miệng nói “bốn tốt mười sáu chữ vàng” thì rõ thật đáng buồn cười! Năm 1974, Trung Quốc đã cưỡng chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam; năm 1979, lại mang đại quân ồ ạt tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam dưới danh nghĩa “dạy cho Việt Nam bài học” nhưng bị nhân dân Việt Nam giáng trả quyết liệt, trong vòng một tháng phải rút về, sau đó họ còn tiếp tục lăm le uy hiếp lai rai Việt Nam ở các vùng biên giới phía Bắc và một số biển đảo, nhưng cái hèn của nhà cầm quyền Việt Nam là giấu tịt đi không muốn cho dân biết. Đợi đến khi Trung Quốc quậy dữ quá ở biển Đông mấy năm gần đây thì mới cho báo chí đưa tin.
Lời nói đầu Hiến pháp Việt Nam năm 1980 gọi thẳng Trung Quốc là “bọn bá quyền xâm lược”, thì chẳng còn mơ hồ gì nữa, Việt Nam đã có lúc công khai coi Trung Quốc như một mối đe dọa nguy hiểm và thường trực cần phải đề cao cảnh giác với mức độ cao nhất.
Trung Quốc xâm lược Việt Nam thì nhân dân Việt Nam đương nhiên phải chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, như tổ tiên ông bà ta đã làm nhiều lần và bao giờ cũng chiến thắng một cách rất oanh liệt. Trong điều kiện thực tế hiện nay, trước một nước Trung Quốc lớn mạnh về tiềm lực kinh tế và quân sự, thái độ phản kháng có phần khéo léo mềm mỏng của các nhà đương cuộc Việt Nam như hiện nay theo tôi là có yếu tố hợp lý cần thiết nhất định, mà chúng ta thường dân bên ngoài không nắm vững các tin tình báo bí mật thì khó thể đưa ra một phán đoán đầy đủ. Điều này có nghĩa, nói chung không nên quá nóng vội, mà phải kiên trì chờ tranh thủ thêm các điều kiện tương quan quốc tế thuận lợi.
Mặt khác, theo nhận định chung của hầu hết các học giả trên thế giới (kể cả học giả gốc Trung Quốc), Trung Quốc chỉ mạnh một số mặt bên ngoài (sức mạnh quân sự, dự trữ đô la…) nhưng lại yếu về bên trong; họ không thành công về mặt xây dựng xã hội và văn hóa-đạo đức, chủ yếu do thể chế chính trị lạc hậu độc tài toàn trị gây nên.
Họ phải thường xuyên liên lục đối phó với biết bao vấn nạn, như tính chất phong kiến cổ hủ khó sửa của dân tộc họ về mặt văn hóa (“người Trung Quốc xấu xí”…), những vấn nạn về tình trạng tranh chấp quyền lực chính trị nội bộ (đang ở đỉnh cao…), nạn ô nhiễm môi trường rất nặng, nạn thất nghiệp, độ phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc; mâu thuẫn giữa các dân tộc hoặc giữa các địa phương, giữa Trung Quốc đại lục với bộ phận Hồng Kông, Đài Loan, cũng như tình trạng quốc nạn tham nhũng trầm trọng kéo dài vô phương cứu chữa; chưa kể đến những trận thiên tai ngày càng hung hãn gây thiệt hại với quy mô rất lớn về nhân mạng và tài sản… Tất cả đều làm cho nước Trung Quốc phải bận tâm nhiều và bị giảm đi một phần sức mạnh đáng kể.
Đặc biệt kể từ sau sự kiện sinh viên biểu tình chống độc tài ở Thiên An Môn 1989, các nhà cầm quyền Trung Quốc luôn phải cảnh giác đối phó với tình trạng bất ổn chính trị-xã hội có khả năng dẫn tới sụp đổ, do đó họ phải tìm mọi biện pháp tăng cường kiểm soát/ trấn áp bên trong, đồng thời “chuyển lửa ra bên ngoài”, qua một số động thái quan hệ thô bạo với Việt Nam và Nhật Bản, hai quốc gia đã từng để lại cho Trung Quốc nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng không mấy vui vẻ trong lịch sử.
Trong bối cảnh cuộc thương chiến quyết liệt Mỹ-Trung đang diễn ra hiện nay, Việt Nam có lẽ cần tiếp tục kiên trì lập trường tương đối mềm mỏng như đã nói trên, để chờ đợi sự xuất hiện thêm của nhiều yếu tố chính trị mới, trong cũng như ngoài Trung Quốc, chẳng hạn khả năng rất dễ bị tổn thương tan vỡ của nhà cầm quyền Trung Quốc dưới sự điều khiển độc tài của Tập Cận Bình. Điều này có nghĩa, vẫn nên tiếp tục khẳng định chủ quyền nhưng với thái độ kiềm chế và thương lượng, cố tránh cho được xung đột vũ trang để sinh linh cả hai bên khỏi bị tàn sát, bằng cách củng cố nội trị ngoại giao, tạo thêm các mối liên kết, chờ thêm thời gian để có độ chín muồi của các điều kiện tương quan quốc tế.
Sau trận đại dịch Covid-19, đã xảy ra và đang tiếp diễn, Trung Quốc càng mất thêm nhiều đồng minh trên trường quốc tế, chỉ trừ việc họ chinh phục được vài nước nhỏ như Campuchia và Lào bằng cách dùng sức mạnh đồng tiền để xâm nhập chi phối.
Nhưng Trung Quốc không phải hễ cứ muốn là được, để tiếp tục ngang nhiên trái luật làm mưa làm gió đối với Việt Nam cũng như với một vài nước khác trong khu vực biển Đông, và ta có thể tin nhà cầm quyền Việt Nam cũng có thừa kinh nghiệm chính trị để đối phó, vì phải chân thật nhận rằng: CS Việt Nam mưu mô cũng không kém gì CS Trung Quốc, còn trong chiến tranh thì phía Việt luôn luôn thắng, khiến Trung Quốc phải gờm. Một khi Trung Quốc “yếu” đi rồi, thậm chí chế độ chính trị có thể sụp đổ nếu họ khư khư không chịu sửa đổi, như cả thế giới đang nhìn vào dự đoán, thì Việt Nam có thể thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa một cách dễ dàng theo kiểu “bất chiến tự nhiên thành” mà chẳng cần tốn viên đạn. Sau đó hai nước còn có thể hợp tác khai thác kinh tế lâu dài trong điều kiện hòa bình và trên cơ sở các bên cùng có lợi, thay vì cứ choảng chửi nhau hoài chẳng ai còn làm ăn gì được.
Trở lại vấn đề thoát Trung, như trên đã nói, thoát Trung không có nghĩa là chống Trung Quốc. Có trường hợp hiểu không đúng vấn đề: Khoảng năm 1980, sau cuộc đụng độ năm 1979 ở biên giới phía Bắc, Bộ Giáo dục Việt Nam có công văn chỉ thị hủy bỏ tất cả những bài học trong sách giáo khoa có nội dung liên quan Trung Quốc, như bài “Vịt Bắc Kinh” ở một lớp tiểu học, các bài về Kinh Thi, Đường thi, Tây du ký… ở mấy lớp trung học.
Một cách chống hay thoát Trung rất tiểu nông nhỏ mọn, không phân biệt được đâu là giá trị văn hóa đích thực lâu dài thuộc tinh hoa nhân loại, với đâu là những mâu thuẫn chính trị thường chỉ có tính nhất thời… Trái lại muốn thoát Trung thì lại cần phải nghiên cứu kỹ để hiểu biết sâu sắc hơn về người Trung Quốc cùng với nền văn hóa của họ với cả mặt tốt lẫn mặt xấu.
Thoát Trung vì vậy chỉ có nghĩa đơn giản là thoát khỏi những ảnh hưởng xấu của Trung Quốc vào nội tình chính trị Việt Nam. Đó là tư tưởng bá quyền nước lớn, chủ nghĩa giáo điều, tình trạng độc tài đảng trị, các thủ thuật thâm độc trấn áp dân chủ, phương sách tuyên truyền láo khoét, thói huênh hoang tự đại của các nhà lãnh đạo cấp cao v.v. Trong khi đó, một số mặt tốt của họ về kinh nghiệm cải cách kinh tế và phát triển khoa học-kỹ thuật thì chúng ta vẫn phải tham khảo học hỏi theo phương châm gạn đục khơi trong.
Trước hết cần phân biệt và tách rời khái niệm giữa nhân dân Trung Quốc với nhà cầm quyền Trung Quốc, trong sự chia sẻ rằng, nhân dân Trung Quốc cũng đang chịu sự khốn khổ nhiều mặt dưới chế độ độc tài toàn trị, và thực chất là vẫn đang đối lập với chế độ này. Họ phải cắn răng chịu đựng như vậy vì cũng giống như Việt Nam có cùng thể chế chính trị, hễ nổi lên chống lại là bị công an đàn áp liền!
Việt Nam cũng có thể thoát Trung theo kiểu khôn ngoan của tổ tiên mình trong thời quân chủ phong kiến: một mặt vẫn kiêng nể hợp tác với Trung Quốc, ưu đãi cho Trung Quốc một số quyền lợi vừa phải ở mức chấp nhận được (xưa là triều cống theo định lệ), nhưng mặt khác vẫn phải giữ tư thế độc lập tự chủ và bình đẳng, như lời khẳng định hào hùng của nước Đại Việt xưa trong bài Bình Ngô đại cáo: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, gây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương”.
Như chúng ta đều biết, nếu chỉ tính từ năm 1954, Việt Nam là một bản sao y của Trung Quốc về kỹ thuật điều hành kinh tế-chính trị-văn hóa. Các nhà cầm quyền Việt Nam hầu như không có sáng kiến trị nước gì mới, mà chỉ một mực rập khuôn theo Trung Quốc, như một cách chắc ăn nhằm mục đích duy trì địa vị cá nhân của nhóm lãnh đạo chóp bu cùng với tổ chức cầm quyền của họ, vì đều không đủ chính nghĩa, do không được nhân dân lựa chọn bầu lên một cách tự nguyện theo thể thức bầu cử dân chủ. Một sự rập khuôn mù quáng kiểu vậy như trong thời kỳ cải cách ruộng đất và hợp tác hóa nông nghiệp đã đẩy nhân dân miền Bắc vào vòng tăm tối giai đoạn 1954-1975 và cả nhân dân hai miền Nam Bắc giai đoạn sau 1975 khi hòa bình lập lại.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đã mô phỏng theo Trung Quốc từng bước một, dựa theo mô hình Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông cho tới Đặng Tiểu Bình, rồi Tập Cận Bình, mà chủ yếu là dùng đủ loại hình thức, thủ đoạn để hạn chế hoặc trấn áp dân chủ trong nước.
Nhiều tài liệu còn lưu giữ trên báo Cứu Quốc, báo Nhân Dân… và trên các xuất bản phẩm cũ giai đoạn 1954-1960 cho thấy rất rõ điều này, với kết quả của cả hai bên Trung Quốc, Việt Nam là gần gần giống nhau, tuy có làm cho kinh tế tăng trưởng nhưng tất cả những gì tệ hại nhất trong xã hội thì đều có đủ, tiêu biểu là tình trạng tranh giành quyền lực mua quan bán chức hình thành thiểu số các nhóm lợi ích để chia quyền tham nhũng; nói “đả hổ diệt ruồi” hay “đốt lò” nhưng thực chất người ta có thể dễ dàng lợi dụng danh nghĩa để thanh trừng phe phái nội bộ trong một nền tư pháp thiếu hẳn sự minh bạch; rồi đến những hiện tượng bất công xã hội, khủng hoảng môi sinh và xuống cấp văn hóa…, đã đạt tới mức lâm nguy vô phương cứu chữa.
Cho nên gọi thoát Trung, có nghĩa Việt Nam phải làm khác Trung Quốc, thoát khỏi cách thực hành chính trị của Trung Quốc trong quá trình xây dựng đất nước; những gì xấu xa tệ hại của họ gây bất mãn trong dân thì Việt Nam rút kinh nghiệm đừng làm, mặc dù vẫn có thể cơ bản tiếp tục đi theo con đường xây dựng CNXH nhưng phải là một thứ CNXH có nội dung đổi mới, chứ không rập khuôn theo mô hình Trung Quốc như từ trước.
Ngày nay, trong thời đại thông tin Internet, tình hình thế giới và các mối tương quan chính trị quốc tế đã có nhiều biến đổi, Việt Nam đã có thể chủ động đi trước Trung Quốc một bước trong quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, từ đó thay đổi dần nội dung CNXH, mà mô hình có thể tham khảo ở một vài xứ Bắc Âu (Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch…), hoặc một quốc gia tiến bộ nào khác ở Châu Á (như Singapore…).
Trong hơn chục năm gần đây, Trung Quốc ngày càng lấn lướt xâm lược biển đảo của Việt Nam thì đây chính là điều kiện và thời cơ lịch sử tốt nhất để Việt Nam “thoát Trung”, bằng con đường đi trước Trung Quốc một bước cải cách CNXH dựa trên nền tảng Hiến pháp và những luật pháp hiện có.
Như vậy, Việt Nam sẽ có cơ phòng chống được quốc nạn tham nhũng đang hoành hành nghiền nát đất nước và cả hệ thống chính trị, thậm chí còn có thể tạo ảnh hưởng tác động tích cực trở lại cho nhân dân Trung Quốc đứng lên đòi hỏi chính quyền của họ phải đáp ứng các nhu cầu về thực thi dân chủ. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết và cũng là lộ trình để thoát Trung một cách an toàn và hiệu quả, mà không cần phải chống Trung, cũng không gây nên bất kỳ đột biến chính trị nào. Vì thoát Trung, như trên đã nói, không phải chống Trung, mà chỉ cần chủ động tách khỏi ảnh hưởng của đường lối chính trị lạc hậu kiểu Mao kiểu Tập, vốn đã và đang bị chính nhân dân Trung Quốc cực lực lên án.
Nhân khi Trung Quốc còn lẹt đẹt phía sau về đổi mới chính trị, Việt Nam mạnh dạn sáng tạo đi trước một bước chính là làm gương ngược lại cho phía Trung Quốc, khiến họ phải phản tư phản tỉnh, chẳng khác nào người học trò non trẻ xưa kia nay đã trở nên tài giỏi, vượt hơn lão thầy già đã lẩm cẩm không còn sức sống và khả năng tư duy mạch lạc.
Lộ trình biến đổi có thể không cần đến những biện pháp quá nhanh mạnh có thể gây nên tình trạng xáo trộn xã hội ảnh hưởng xấu đến công cuộc phát triển kinh tế. Đại khái, chỉ cần thi hành thực chất Hiến pháp Việt Nam 2013 và một số luật, bộ luật hiện có do chính các nhà đương cuộc hiện tại đặt ra chứ chẳng phải ai khác, với một số điều khoản đã được quy định về các quyền tự do dân chủ, như tự do bầu cử ứng cử, tự do báo chí, lập hội, biểu tình…
Cần sớm soạn thảo và thông qua Luật Biểu tình (như đã ghi ở Điều 25 Hiến pháp 2013) để tập cho nhân dân có thói quen sinh hoạt dân chủ, trở thành lực lượng phản biện và đối trọng có tác dụng góp phần xây dựng một hệ thống chính quyền lành mạnh thật sự do dân và vì dân.
Công việc tiếp theo là phải tu chính hiến pháp, bầu lại Quốc hội theo thể thức thật sự dân chủ, đúng luật (như Điều 7 Hiến pháp 2013 quy định, “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”, không có nạn cơ cấu, hiệp thương… như một thủ đoạn xếp đặt sẵn trước); sửa lại một số điều sẵn có trong Hiến pháp, đặc biệt cần loại bỏ Điều 51 “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, và Điều 53 “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý” vì đây là hai điều khoản dã man nhất chống lại sự phát triển đúng hướng của nền kinh tế thị trường hiện đại, và cũng là nguyên nhân chủ yếu gây nên quốc nạn tham nhũng từ rất lâu nay đe dọa sự tồn tại bền lâu của chế độ.
Soạn thêm một vài luật mới cho phù hợp với công cuộc cải cách CNXH, thực hiện cuộc cách mạng ôn hòa lần thứ hai. Trước mắt, trên cơ sở thực tế hiện có, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đi theo con đường CNXH nhưng là một thứ CNXH cải cách theo chiều hướng dân chủ hóa đời sống xã hội, đi trước Trung Quốc và khác với Trung Quốc, đồng thời có thể nghĩ đến việc đổi lại tên nước có hai chữ “dân chủ” cho phù hợp với đường hướng phát triển mới.
Những người trầm tĩnh hiểu biết bên ngoài đều cho rằng, đa số các vị lãnh đạo đứng đầu đất nước hiện nay đều biết rõ cái “tẩy” bá quyền nước lớn của Trung Quốc là nguy hại cho đất nước như thế nào, cũng như đều hiểu rõ nhu cầu bức thiết cần phải cải cách thể chế chính trị cho hợp với kinh tế thị trường theo một lộ trình tiệm tiến thích hợp, nhưng như tôi đã nói trong một bài viết trước (“Nhà đương cuộc cộng sản Việt Nam không phạm sai lầm và cũng không đổi mới”, đăng Vietstudies, 25.6.2020). “Người CS Việt Nam vừa là tội đồ, vừa là nạn nhân của chính họ, bị mất hết mọi quyền tự do!”.
Nên biết đó mà chẳng ai dám ho he, buộc phải né tránh nhiều thứ sự thật, do khiếp sợ trông thấy tấm gương tày liếp vết xe đổ vào năm 1990 của Trần Xuân Bách, khi nhân vật ủy viên Bộ Chính trị này can đảm dám nói lên trước những người đồng sự khác về đa nguyên đa đảng! Quả thật là đại bi kịch của một thể chế chính trị không có tự do dân chủ!
Nhưng trước thực tế bức bách hiện nay, không cho phép cứ ù lì mãi được. Do sự dồn tích mâu thuẫn từ những yếu tố bất lợi kéo dài trong hơn nửa thế kỷ, Việt Nam đã và đang đứng trước lắm mối nguy cơ, trong ngoài đều có.
Nó như một con tàu sắp chìm, một chiếc xe sắp chết máy, hay như một con bệnh trầm kha trong cơn hấp hối, sở dĩ duy trì được chủ yếu chỉ nhờ ở hệ thống công an trấn áp, như đã động đại binh giết chết ông Lê Đình Kình 84 tuổi đời 56 tuổi đảng trong vụ án Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) diễn ra hồi tháng 1 năm 2020; hay như việc bắt nhà báo nữ hoạt động đấu tranh dân chủ Phạm Đoan Trang trong tháng 10 vừa qua. Những cách làm thô bạo và thất nhân tâm này chính là chống lại nhân dân, chà đạp Hiến pháp do chính mình làm ra.
Tuy có thể tạm thời duy trì được chế độ chính trị trong một thời gian ngắn hi vọng nào đó, nhưng hết sức nguy hiểm, hệt như đang đi trên lớp băng mỏng, vì như thế cũng chính là lấy bất ổn này chồng lên bất ổn khác, dẫn đến mâu thuẫn xã hội sẽ ngày càng tăng nặng cho đến khi tức nước vỡ bờ như một quy luật tất yếu không thể nào tránh khỏi.
Bàn về chủ nghĩa xã hội trong vài trăm từ thì như mô tả bức tranh vân cẩu trên trời chiều, chẳng tới đâu.
Sau khi chán chường với chủ nghĩa tư bản hoang dã đem lại nhiều khổ đau bất bình đẳng, vài học giả bắt đầu tư duy mơ mộng tìm lối thoát. Thế là lần lượt ra đời cái gọi là CNXH đủ sắc thái, định nghĩa…mỗi vị mỗi kiểu, chẳng đâu ra đâu, chìm vào lãng quên…
cnxh Thiên chúa giáo, cnxh không tưởng, cnxh vô chính phủ, cnxh thị trường, cnxh môi trường xanh, cnxh dân chủ…lu bù cnxh!
Chủ nghĩa Mác Lenin ra đời từ bối cảnh xã hội đó, và tự cho mình là cnxh khoa học,
nhưng nó không hề mơ mộng, lãng mạn nhân văn dân chủ dân sinh, mà rất chặc chẽ nghiêm ngặt về tổ chức, lực lượng, kỷ luật; do đó liền mang tính khó thở, mệnh lệnh và sắt máu của một đảng bạo lực, một cơ chế xã hội áp bức. Nó nhanh chóng thành những cấu trúc quốc gia liên kết tương trợ nhau, có tổng hành dinh và chỉ đạo thống nhất, thành một hệ thống quốc tế. Nó lấn lướt tiêu diệt các đảng phái khác trong quốc gia để trở thành độc đảng, độc tài toàn trị.
CNXH mác lê là con cá mập tự nhận mình thuộc cá da trơn mời gọi sự chấp nhận. Nhưng khi sờ được vào mình nó, người ta mới biết nó nhám như giấy nhám, gồm nhiều vảy nhỏ li ti, và liền bị khống chế.
CNXH ở một số nước Bắc Âu chỉ là tư bản thiên về dân chủ xã hội, trong đó người dân được hưởng thụ chăm sóc nhiều hơn bởi nhà nước tư bản tiến bộ; hoàn toàn khác với hình ảnh đáng sợ của cnxh khoa học. Như trên, Cù Ông Chưởng đã mô tả khá chính xác về loại cnxh dễ thương nầy. Nó đòi hỏi nhà cai trị phải rất nhân bản, dân tộc phải có trình giác ngộ nhân quyền rất cao để luôn theo dõi nhiệm vụ quản lý xã hội của nhà nước, chận đứng lạm dụng, biến thái.
Về dân chủ: dân chủ không phải là một thực tế tồn tại độc lập để có thể tìm kiếm, xin cho, ban tặng.
Dân chủ như mùi thơm. Nó phát ra từ một thực tế nhất định, đó là vật chất có mùi dễ chịu, quyến rũ.
Cứ đòi hỏi có tự do ngôn luận, tự do báo chí thực sự; cứ đòi hỏi bầu cử minh bạch, tự do ứng cử tự do đầu phiếu; đòi hỏi tam quyền phân lập thực sự; đòi hỏi cơ chế dân kiểm tra nhà nước, đòi hỏi hiến pháp có trưng cầu dân ý, đòi hỏi có toà bảo hiến; đòi hỏi xoá bỏ gia đình trị, xoá bỏ nạn con ông cháu cha, cha truyền con nối; triệt để bài trừ nhóm lợi ích…
…tất sẽ dần xuất hiện dân chủ, dần củng cố sự thụ hưởng dân chủ. Nâng cao dân trí, dân quyền…rồi dân chủ sẽ đến.
Không có dân chủ như một miếng bánh để mà đòi có ngay.
1. “Trước mắt, trên cơ sở thực tế hiện có, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đi theo con đường CNXH nhưng là một thứ CNXH cải cách theo chiều hướng dân chủ hóa đời sống xã hội, đi trước Trung Quốc và khác với Trung Quốc, đồng thời có thể nghĩ đến việc đổi lại tên nước có hai chữ “dân chủ” cho phù hợp với đường hướng phát triển mới.”
Tác giả không nhận ra điểm quan trọng là CSVN luôn luôn đi sau, rập khuôn CSTQ từ bao thời đại, chờ xem CSTQ làm gì thì làm theo. Đó lá một quán tính. Việt Nam đã không hề chủ động muốn dân chủ hoá đất nước, bằng chứng là sau khi Đông Âu sụp đổ, một trào lưu mới bắt đầu cho các nước theo Cộng Sản, CSVN không muốn dân chủ hoá, cố giử quyền hành độc tài, chứng minh Việt Nam là một đặc thù lịch sử và khác với trào lưu. Họ không theo kịp trào lưu, không tôn trọng trí thức, và quan trọng nhất không cần tin ai và nghe ai. Khi tác giả cho rằng dám VN đi trước và khác TQ là sai lầm.
2. “… mà mô hình có thể tham khảo ở một vài xứ Bắc Âu (Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch…), hoặc một quốc gia tiến bộ nào khác ở Châu Á (như Singapore…).”
Tác giả cần cập nhật kiến thức về địa lý. Thụy Sĩ không thuôc về Bắc Âu . Bắc Âu theo mô hình dân chủ xã hội, khác với XHCN của Việt Nam. Chủ trương chính là một nhà nước phúc lợi cho toàn dân và được tài trợ bằng hệ thống thuế khoá rất mắc và công bình, công đoàn và công nhân có tiếng nói quan trọng trong việc hoạch định chính sách kinh tế và doanh nghiệp, trình độ dân trí rất cao do giáo dục miễn phí. Đó là đặc thù mà Việt Nam không có điểm tương đồng.
Singapore là một ngoại lệ, về mặt dân số là 6 triệu dân, diện tích là 725 km2 và kinh tế dịch vụ là chủ yếu. Singapore không có tham nhũng nhưng không có tự do báo chí, đó là hai đặc điểm khác. Mô hình này không giồng Việt Nam (dân số là 95 triệu) nên không có gì để bắt chước.
Dân chủ hoá là một tiến trình giáo dục tiệm tiến. Việt nam chưa có cơ hội học tập thế nào là dân chủ và thực tập dân chủ. Không có hiểu biết dân chủ, con ngưòi dân chủ và các thể chế dân chủ, thì làm gì để dân chủ hoá như tác giả mơ ước. Sửa một vài luật lệ mà hy vọng là thay đổi nội dung của XNCH không phải là mội biện pháp thoát Trung.
Tóm lại, các đề xuất là không thuyết phục. Kính
Thế hệ D. Trump, Matthew Pottinger, Peter Navarro, Mike Pompeo…đã gióng trống thổi cồng gõ phèng la báo động dân Hoa kỳ suốt 4 năm qua, thức tỉnh cả dân Âu, Á, Phi…về con quái vật khổng lồ Bắc Á rồi. Nó không còn có thể bình yên dùng sức mạnh mềm, cạm bẫy tiền bạc, xẩm kế…luồn sâu leo cao vào cơ cấu quyền lực các nước Âu Mỹ được nữa. Khảo sát cho thấy có đến >70% dân Mỹ nghĩ xấu về TQ, khác xa với thời B. Clinton, B. Obama.
Đặng tiểu Bình đầy khôn ngoan đã dạy đám đệ tử phải thao quang dưỡng hối ngỏ hầu bình yên lớn mạnh lên, kiên trì chờ ngày xưng bá chủ thiên hạ. Nhưng di ngôn đó không phải là chánh đạo mà chỉ là thủ đoạn trườn nhẹ của con mãng xà vương. Cho nên một Tập đại bá, vốn lim dim nham hiểm, vẫn không giấu nổi bản chất hung bạo… vài năm lên ngôi đã vội bặm môi trợn mắt vươn dậy vỗ ngực xưng hùng…hơi sớm; phụ thầy phản bạn hơi sớm, nên Tập sẽ có nhiều nội thù đang trông đợi sơ sẩy.
Lúc nầy, thiên hạ Phương Tây đã thủ sẵn gươm giáo búa tạ chờ nó rồi. Mãnh hổ nan địch quần hùng. Đừng hòng thống trị thế giới.
Đừng nghĩ rằng NSA/CSS, PENTAGON, CIA… không hiểu binh bất yếm trá là gì, và chưa hề biết Ngô Trường Khanh là ai.
Không chỉ Tôn Tử, họ còn rành cả sức mạnh của Lượng tử.
Dù sao, không nên thắp nhang cho quỉ.
Tác giả này có lẽ chỉ suy luận (một chiều) dựa vào những gì thấy được ở mặt ngoài
của đàn anh Tàu cộng và VC nên bài viết không có giá trị mấy.
Cái gì chứ chiến tranh “cân não” tức đấu trí thì người Tàu là “cao thủ thượng thừa”
đi trước phương Tây cả 1,000 năm với “binh bất yếm trá” của Tôn Tử,lại thêm CS.
nữa thì có nguy cơ thế giới sẽ bị Tàu cộng thống trị,huống hồ đàn em VC.
Họ thừa tinh ranh để biết rõ tại sao Mỹ đành bỏ cuộc ở VN.vì nguyên nhân chủ chốt
ở ngay thể chế chính trị tự do của nước Mỹ cùng với nhược điểm (gót chân Achilles),
của nước Mỹ là nguời Mỹ không có tổ quốc,một điều kiện cực kỳ thuận lợi cho chủ
nghĩa CS. (vô tổ quốc).Cũng đừng quên VNCH.thất thủ trước hết ở mặt trận tình báo
gián điệp,do đó VN.ngày nay cũng đang bị “chết đứng” ở mặt trận này như lời chính
cựu tướng CA.Trương Giang Long từng can đảm thú nhận là Tàu cộng có hàng trăm
gián điệp này tới hàng trăm khác đang ‘”leo cao trèo sâu” vào nội bộ VN.!
Nếu tác giả hiểu rõ những cam kết bí mật giữa 2 đàng CS. thì mới nên bàn luận hay
nhận định thuyết phục,chứ chỉ lý luận dựa vào mặt ngoài là rất phiến diện !
Chúng ta đọc tác giả đoạn viết về Vua Khang Hi, và dẫn chứng tài liệu Thanh thực lục: Việt Nam Miến Điện Thái Quốc Lão Qua sử liệu trích sao, “Thế Tông thực lục”, bản chữ Hán, q. 31, tr. 28-31…
thì rõ rằng ông nầy uyên bác chữ Hán, biết nhiều về nước Tàu, và khuyên dân Việt “đừng chống Trung quốc”.
Nhưng bụng dạ ông là một dấu ? không đơn giản. Ta thử tìm hiểu.
Thực tế mà nói, CHỐNG sao nổi.
Nhưng vẫn PHẢI luôn luôn chống, ông ạ!
Chống, mà ngay bây giờ còn bị nó đè, còn đầy Việt gian theo nó, đứng tên giúp nó mua đứt đất đai, thuê nhà tiếp tế lương thực cho nó núp để trốn cách ly covid 19…
thì nếu không chống, sẽ thế nào nữa!
Chống để người Việt luôn được nhắc nhở 1000 năm và có thể lặp lại bất cứ lúc nào.
Chống để luôn nhớ đảng ta đã cho xây một xa lộ đủ sức chịu trọng tải của hàng đoàn tăng hạng nặng trực chỉ Hà nội chỉ trong một buổi tối giữa 2 quốc gia nhiều kỷ niệm đen tối, xấu xa.
Tác giả viết
“thoát Trung không có nghĩa là chống Trung Quốc. Xu hướng chính của thời đại toàn cầu hóa hiện nay là hợp tác trên cơ sở các bên cùng có lợi chứ không phải tìm cách chống nhau, gây khó khăn cho nhau. Hơn nữa, kinh nghiệm đời cho thấy, họ hàng xa không bằng láng giềng gần, sống hòa bình hợp tác với láng giềng thì bao giờ cũng có lợi cho người dân của cả hai phía.”
*thì trên phương diện chế độ, nhà nước, kinh tế, học thuật, giao lưu nhân dân… VN có chống TQ bao giờ đâu, mà ông khuyên đừng chống (dĩ nhiên ngoại trừ giai đoạn 1979 -1990)
Vậy ông muốn đừng chống, có nghĩa tận trong trái tim khối óc người Việt, ta phải yêu Tàu?!
Người Tàu vào VN tặng dân ta ốc bưu vàng, rắn lục đuôi đỏ, đỉa, hoá chất độc; xúi dân bứt râu bắp non, cắt móng chân trâu, tháo tà vẹt đường ray xe lửa, cắt cáp điện…là yêu dân ta?
Một số chúng nó phạm tội trên lãnh thổ nước ta, được chở xe buýt hạng du lịch trả về cố thổ theo hiệp định dẫn độ ký ngu, là ta đã xin nhượng quyền tài phán cho ông anh, thì đã là yêu lắm rồi, còn khuyên “đừng chống” gì nữa ông?
“Xu hướng chính của thời đại toàn cầu hóa hiện nay là hợp tác trên cơ sở các bên cùng có lợi chứ không phải tìm cách chống nhau, gây khó khăn cho nhau.”
*ta dám gây khó khăn cho ông anh vĩ đại hồi nào?
Ta chở hàng xuất khẩu tiểu ngạch lên biên giới chờ thông quan, thì nhiều lần bị anh chận lại, giam cả đoàn hàng mươi km xe chở đầy heo (lợn), đầy trái cây…bị chết, bị úng thối…phải đổ vãi ra núi rừng đất nước…chủ hàng chỉ muốn nhảy lầu nhảy cầu, thì ai làm khó ai?
“kinh nghiệm đời cho thấy, họ hàng xa không bằng láng giềng gần, sống hòa bình hợp tác với láng giềng thì bao giờ cũng có lợi cho người dân của cả hai phía.”
*trời đất ơi…chúng em muốn thần đèn nâng cả đất nước chữ S nầy dời đi chỗ khác dễ thở hơn…chứ láng giềng cái chó gì với các anh nầy!
Chúng nó còn đe, lửa gần nước xa, ám chỉ vòi Mỹ xịt hổng tới đâu đừng có dại… nó đốt cho thì biết.
“Trung Quốc với gánh nặng đông dân như từ trước tới nay thì khuynh hướng chung của họ là bắt buộc phải bung ra bên ngoài để tìm một sinh lộ, tập trung trước hết vào các nước lân cận ở vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam…”
*Ông nói bậy vừa vừa nhé. Cứ đông dân là tự cho phép “bung ra bên ngoài” để ăn cướp hả?
Thế Ấn độ cũng đang nuôi 1 tỷ 4 trăm triệu dân đói khổ đấy, mà chen chúc trên diện tích chỉ có 3.287.263 km²; so với TQ đến 9.596.961 km². Ấn độ có đi ăn cướp của ai để sống không, dù họ cũng có bom hạt nhân, khinh khí, bắn vệ tinh lên quỹ đạo chẳng kém ai?!
Đã rõ tim ông rồi đấy.
“…ta có thể tin nhà cầm quyền Việt Nam cũng có thừa kinh nghiệm chính trị để đối phó, vì phải chân thật nhận rằng: CS Việt Nam mưu mô cũng không kém gì CS Trung Quốc, còn trong chiến tranh thì phía Việt luôn luôn thắng, khiến Trung Quốc phải gờm…”
*Đến đây thì đã lòi ra, ông là trọng tài phán xét, “CS Việt Nam mưu mô cũng không kém gì CS Trung Quốc”.
Khi thằng tí hon nằm gọn trong lòng bàn tay thằng khổng lồ, thì mưu mô gì cũng chỉ làm nhột tay nó một chút thôi. Nó bóp một phát là cả nền công nghiệp, thương nghiệp lệ thuộc hàng hoá, nguyên liệu, kỷ thuật, thị trường tiêu thụ…sẽ la làng không ai cứu.
Và gián điệp, nội tuyến, chỉ điểm…của nó thì đã tràn lan trên dãi đất ốm o nầy rồi.
Bởi đã đưa đầu vào thòng lọng, thì chỉ còn trông vào sự thương hại, chỉ còn biết hiến thân để nó lợi dụng, nó để cho sống thoi thóp…
Đừng khoe chiến thắng ngày xưa trên chuẩn “lực lượng vật chất”. Ngày xưa tương quan lực lượng là 1/5, ngày nay là 1/500 thậm chí 1/1000.
Sao hy vọng châu chấu đá ngã voi sắt? Chuyện xưa rồi. Chỉ là luận điệu ru ngủ của địch nguỵ trang dưới luận điệu ưu thời mẫn thế.
Nhưng giá trị chiến thắng xưa thì vẫn còn nguyên, trên chuẩn tinh thần: lòng dân không sợ, và trong tim LUÔN CHỐNG TÀU!
Đó chính là điều tác giả muốn dân Việt tự giải giáp: THÔI ĐỪNG CHỐNG TÀU NỮA!
“Một khi Trung Quốc “yếu” đi rồi, thậm chí chế độ chính trị có thể sụp đổ nếu họ khư khư không chịu sửa đổi, như cả thế giới đang nhìn vào dự đoán, thì Việt Nam có thể thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa một cách dễ dàng theo kiểu “bất chiến tự nhiên thành” mà chẳng cần tốn viên đạn.”
*chỉ nói phét, dụ con nít, ru ngủ những thằng ngu, làm cho dân Việt chủ quan khinh địch thôi ông ơi!
Tác giả úp mở chống Tàu thân Tàu như mê hồn trận. Chúng ta phải chứng tỏ không phải là những thằng chuyên “zô zô chăm phần chăm” và gật gù “ông nầy có lý, hoan hô ông một phát” rồi tiếp tục cạn lon.
Chuyện thoát Trung không có trên diễn đàn nầy đâu.
Xin cáo từ.
“Trong hơn chục năm gần đây, Trung Quốc ngày càng lấn lướt xâm lược biển đảo của Việt Nam thì đây chính là điều kiện và thời cơ lịch sử tốt nhất để Việt Nam “thoát Trung”, bằng con đường đi trước Trung Quốc một bước cải cách CNXH dựa trên nền tảng Hiến pháp và những luật pháp hiện có.”
Tác giả nhận định rằng Việt Nam sẽ thoát Trung trên căn bản Hiến Pháp. Vấn đề chính là Đảng Cộng Sản và dân chúng có ý chí muốn thoát Trung hay chưa, bao lâu mà cả hai còn sợ sệt hay vô cảm trước hung đố của Trung Quốc, thì vấn đề thoát Trung không thể đạt ra. Không có chuyện đi trước hay đi sau Trung Quốc trong bối cảnh này. Đó là sai lầm thứ nhất. Thoát Trung trên căn bản Hiến Pháp là một sai lầm thứ hai và trầm trọng hơn. Tác giả quên rằng Hiến Pháp không thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam mà là một bản sao nghị quyết của Đảng nên không có giá trị. Phải có Nghị quyết của Đảng đồng ý cho Việt Nam thoát Trung thì mới có chuyển biến.
Trung Quốc xâm lược biển đão Việt Nam là một nguy cơ cho Việt Nam, không phải là một cơ hội. Khi Đảng và dân chúng ý thức rằng tổ quốc lâm nguy và phong trào bài Hoa thành hình rõ rệt, thì đó mới là cô hội. Cho đến nay không có gỉ xảy ra nên không thể gọi là cơ hội.
Trước đây, cũng có nhiều bậc sỉ phu cho rằng doanh nghiệp quốc tế tìm đường tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc là cơ hội thoát Trung cho Việt Nam.Lời kêu gọi không có cơ sở. Thực tế là doanh nghiệp không tìm đến thị trưòng Việt Nam, hình như tất cả đều im tiếng khi thấy là cơ hội thoát Trung không có. .
Nếu tác giả có điều kiện (thời gian, tâm huyết…) xin hãy đọc các loại văn bia của đại hội 13 để biết được cộng sản Ba đình có muốn thoát Tàu hay không.
Viết thì dài, lòng vòng. Ngu và dại lắm thay hay đang vuốt ve ” ôn hòa có học” cho tới khi mất sạch
Bai viet hay khong con che vao dau duoc, cam on Ong Tran van Chanh ,day moi thuc su la khai dan tri ,xuong dan quyen, Co phai khong ,bao TD?
Đối với người đang sướng ôm Trung, sao có thể học cách thoát Trung được. CSVN đang tìm phương án tối ưu để bàn giao nhưng chưa thể vì giữa sức dân tiềm ẩn và đảng, dân mạnh hợn nhiều.
Vì thế đến hết thế kỷ 22 cũng chưa có luật biểu tình. Người ta đang ráng sức xây dựng những một cá nhân na ná như NPhú Trọng để duy trì tình máu mủ Việt Trung chờ ngày hợp nhất.
O hay ,che cung cat ,khen cung khong duoc dang? Sao ky vay ,bao TD, toi la nguoi dau phai la ma,
_____
Editor: Xin bạn viết bình luận bỏ dấu để mọi người hiểu bạn viết gì. Xin cảm ơn. Những bình luận không dấu sẽ không hiện ra ngoài.