Một đảng thất bại (Phần 1)

Foreign Affairs

Đặng Sơn Duân dịch

5-12-2020

Lời giới thiệu: Hẳn mọi người còn nhớ giáo sư về hưu Thái Hà của Trường Đảng Trung ương ở Trung Quốc. Vào tháng 8, bà bị khai trừ đảng sau khi một đoạn băng ghi âm phát biểu của bà về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Tập Cận Bình bị rò rỉ. Trong đó, bà gọi ĐCSTQ là “thây ma chính trị” và kêu gọi Tập từ chức.

Vị giáo sư hiện sống tại Mỹ này vừa có bài viết như một hồi ký ngắn với hơn 7.000 chữ được tờ Foreign Affairs đăng tải hôm nay 5.12.2020.

Là một nhà lý luận và là con cháu của gia đình cách mạng đỏ rực, giáo sư Thái Hà trở thành một nhà bất đồng chính kiến bất đắc dĩ. Bà luôn suy nghĩ tìm cách thúc đẩy con đường cải cách và mở cửa của Trung Quốc nhưng tất cả hy vọng đều sụp đổ dưới thời kỳ lãnh đạo của Tập Cận Bình.

Sự vỡ mộng cộng với vài sự kiện ngoài dự tính diễn ra khiến bà không còn đường lùi và quyết định đoạn tuyệt với chế độ ở Bắc Kinh.

Bài viết của bà mô tả lại sự loay hoay của giới lãnh đạo ĐCSTQ trong việc vận dụng lý luận Marx và xây dựng ý thực hệ chính thức của Trung Quốc trong nhiều thập niên, qua các thời kỳ của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cho đến Tập Cận Bình. Đồng thời, nó cũng tiết lộ nhiều thông tin thú vị về chính trường Trung Quốc, đặc biệt là trong công tác lý luận và tuyên truyền.

Là một người quan tâm đến chính trị Trung Quốc và Tập Cận Bình, tôi cảm thấy bài viết này rất thú vị, đáng đọc, đáng tham khảo nên dịch nhanh toàn văn (hơn 10.000 chữ bản tiếng Việt). Vì nó quá dài nên sẽ được chia ra làm 4 phần. Hy vọng mọi người cảm thấy bổ ích!

_____

MỘT ĐẢNG THẤT BẠI

(Thái Hà – Foreign Affairs, January/February 2021)

MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC ĐOẠN TUYỆT VỚI BẮC KINH

Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, tôi tràn đầy hy vọng vào Trung Quốc. Là giáo sư tại một trường đảng trứ danh đào tạo các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tôi có đủ hiểu biết về lịch sử, điều này khiến tôi nhận ra đã đến lúc Trung Quốc phải mở cửa hệ thống chính trị của mình. Sau hơn một thập niên trì trệ, ĐCSTQ cần cải cách hơn bao giờ hết và Tập Cận Bình, người đã ám chỉ khuynh hướng thay đổi, dường như là ứng viên tốt nhất để lãnh đạo cuộc cải cách này.

Khi ấy, tôi đã trải qua nhiều thập niên khó khăn trong việc khám phá ý thức hệ chính thức của Trung Quốc, mặc dù nhiệm vụ của tôi chính xác là truyền bá nó cho các quan chức Trung Quốc. Tôi từng là một người cuồng tín chủ nghĩa Marx, nhưng lúc đó tôi đã chia tay với chủ nghĩa Marx và ngày càng chuyển sang tư duy học thuật phương Tây để tìm kiếm đáp án cho các vấn đề Trung Quốc.

Tôi tự hào là người bảo vệ chính sách chính thức, nhưng vào thời điểm đó tôi bắt đầu biện hộ cho tự do hóa. Tôi là một đảng viên trung thành của ĐCSTQ, nhưng vào thời điểm đó tôi nghi ngờ tính xác thực của niềm tin của ĐCSTQ và sự quan tâm của nó đối với người dân Trung Quốc.

Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi hóa ra Tập Cận Bình không phải là một nhà cải cách. Trong thời kỳ cầm quyền của Tập, chế độ cộng sản Trung Quốc ngày càng thoái hóa thành một chế độ đầu sỏ chính trị, duy trì quyền lực một cách cực kỳ tàn khốc và vô tình. Sự áp bức và độc tài của nó ngày càng gia tăng. Được bao phủ bởi sự sùng bái cá nhân, Tập Cận Bình tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của đảng đối với ý thức hệ và loại bỏ không gian ít ỏi còn lại của ngôn luận chính trị và xã hội dân sự.

Trong tám năm qua, nếu không sống ở Trung Quốc đại lục, bạn thực sự khó hiểu chế độ này đã trở nên tàn khốc như thế nào và nó đã tạo ra bao nhiêu bi kịch thầm lặng. Sau khi công khai phản đối chế độ này, tôi biết rằng mình không còn an toàn khi sống ở Trung Quốc.

SỰ TRƯỞNG THÀNH CỦA MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN

Tôi sinh ra trong một gia đình quân nhân cộng sản Trung Quốc. Năm 1928, vào giai đoạn đầu của cuộc nội chiến quốc cộng, ông ngoại tôi đã tham gia cuộc khởi nghĩa của nông dân do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Trong Đệ nhị Thế chiến, quốc cộng đình chiến. Bố mẹ tôi và một số thành viên trong gia đình mẹ tôi gia nhập quân đội do ĐCSTQ lãnh đạo và tham gia Chiến tranh kháng Nhật.

Sau chiến thắng của Đảng Cộng sản năm 1949, cuộc sống của những gia đình cách mạng như chúng tôi thật tuyệt vời. Cha tôi là chỉ huy một đơn vị quân đội ở gần Nam Kinh, còn mẹ tôi phụ trách một cơ quan của chính quyền thành phố nơi đóng quân của ông ấy. Bố mẹ tôi không cho phép tôi và hai chị em tôi hưởng một sự đãi ngộ đặc biệt nào, vì sợ chúng tôi trở thành những “tiểu thư tư sản hư hỏng”.

Chúng tôi không bao giờ được phép đi xe công vụ của cha tôi và những cảnh vệ không thể làm việc nhà cho gia đình tôi. Tuy nhiên, tôi được hưởng lợi từ địa vị của cha mẹ và có một cuộc sống không phải lo lắng, chưa bao giờ trải qua những khốn khổ mà đại đa số người Trung Quốc trải qua thời Mao. Tôi không biết gì về hàng chục triệu người chết đói trong thời kỳ Đại Nhảy vọt.

Những gì tôi nhìn thấy trước mắt là một tương lai tươi sáng của chủ nghĩa xã hội. Tủ sách của tôi chứa đầy những cuốn sách về chủ nghĩa Marx-Lenin, chẳng hạn như “Tuyển tập Stalin” và “Cán bộ cần phải đọc”. Tôi nhớ khi còn là một thiếu niên, tôi đã sử dụng những cuốn sách này trong một bài đọc ngoại khóa. Bất cứ khi nào mở chúng ra, tôi đều cảm thấy tràn ngập sự tôn kính. Mặc dù tôi không hiểu những quan điểm phức tạp trong cuốn sách, nhưng sứ mệnh của tôi trong cuộc sống rất rõ ràng: Tôi phải yêu quê hương đất nước, kế thừa truyền thống cách mạng của ông cha, xây dựng một xã hội cộng sản không bị bóc lột và áp bức. Tôi là một tín đồ nhiệt thành.

Sau khi nhập ngũ năm 17 tuổi vào năm 1969, tôi đã hiểu sâu hơn về chủ nghĩa cộng sản. Khi Cách mạng Văn hóa diễn ra sôi nổi, Mao Trạch Đông yêu cầu mọi người đọc sáu tác phẩm của chủ nghĩa Marx-Lenin, bao gồm cả Tuyên ngôn Cộng sản. Có một đoạn trong cuốn sách mô tả một xã hội lý tưởng để lại ấn tượng khó phai trong tôi: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Mặc dù tôi không hoàn toàn hiểu ý nghĩa của khái niệm tự do vào thời điểm đó, nhưng những từ đó vẫn lởn vởn trong tâm trí tôi.

Quân đội phân công tôi công tác tại Đại học Quân y, nhiệm vụ của tôi là quản lý thư viện, nơi có các tác phẩm “phản động”, phần lớn là bản dịch tiếng Trung của văn học phương Tây và lý luận chính trị. Được phân biệt bởi bìa màu xám, những cuốn sách này chỉ dành cho những người bên trong chế độ, với mục đích là để họ hiểu những kẻ chống đối ý thức hệ Trung Quốc. Tôi đã bí mật đọc những cuốn sách này.

Đặc biệt gây ấn tượng với tôi là “Sự trỗi dậy và sụp đổ của Đệ tam Đế chế” của nhà báo Mỹ William Shirer và một số tiểu thuyết của Liên Xô. Tôi nhận ra có một thế giới tư tưởng khác bên cạnh các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx, nhưng tôi vẫn tin chủ nghĩa Marx là chân lý duy nhất.

Năm 1978, tôi rời quân đội và chuyển đến công tác tại công đoàn của một nhà máy sản xuất phân bón quốc doanh ở ngoại ô Tô Châu. Vào thời điểm đó, Mao Trạch Đông đã qua đời và Cách mạng Văn hóa đã kết thúc. Người kế nhiệm Mao, Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách và mở cửa. Như một phần của cải cách và mở cửa, Đặng chiêu mộ một thế hệ cán bộ trẻ có ý thức cải cách để đào tạo họ thành những người kế nhiệm trong tương lai (Đệ tam thê đội).

Mọi tổ chức đảng ở địa phương đều phải chọn một số đảng viên cho “Đệ tam thê đội” và tổ chức đảng Tô Châu đã chọn tôi. Tôi được cử đến Trường Đảng thành phố Tô Châu để học trong hai năm, ở đó tôi và các bạn đồng môn học lý luận Marx và lịch sử ĐCSTQ. Chúng tôi cũng được học về các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc, một môn học mà chúng tôi đã bỏ lỡ do sự gián đoạn giáo dục trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

Tôi đã đọc “Tư Bản Luận” hai lần để hiểu sâu rộng lý luận Marx. Ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi là lý luận của Marx về lao động và giá trị, rằng các nhà tư bản tích lũy của cải bằng cách bóc lột công nhân. Ngoài ra, phương pháp triết học và chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, từ đó Marx phát hiện ra hệ thống chính trị, pháp luật, văn hóa và đạo đức của chủ nghĩa tư bản dựa trên sự bóc lột kinh tế.

Khi ra trường năm 1986, tôi được mời ở lại trường đảng địa phương để giảng dạy do trường thiếu nhân lực. Tôi vui vẻ nhận lời, nhưng làm lãnh đạo thành phố thất vọng, họ nghĩ tôi có tương lai hứa hẹn hơn trong bộ máy cán bộ đảng. Tuy nhiên, công việc mới của tôi đã mở ra sự nghiệp học thuật của tôi trong hệ thống truyền bá ý thức hệ ĐCSTQ.

TỪ SINH VIÊN ĐẾN NGƯỜI THẦY

Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh là đỉnh kim tự tháp trong hệ thống trường Đảng. Kể từ khi thành lập năm 1933, Trường Đảng Trung ương đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ cấp cao của ĐCSTQ quản lý bộ máy hành chính cấp thành phố trở lên trên khắp cả nước. Trường Đảng Trung ương có mối quan hệ mật thiết với các tầng lớp trong Đảng và luôn được lãnh đạo bởi một Ủy viên Bộ Chính trị. (Từ năm 2007 đến năm 2012, hiệu trưởng chính là Tập Cận Bình).

Vào tháng 6 năm 1989, chính phủ đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn, giết chết hàng trăm người. Riêng tôi, tôi cảm thấy kinh hoàng: Quân Giải phóng Nhân dân thậm chí còn bắn vào sinh viên đại học, điều này đi ngược lại quan niệm Quân đội Nhân dân bảo vệ nhân dân mà tôi đã tiếp nhận từ khi thơ ấu. Chỉ có bọn “quỷ” Nhật và bọn phản động Quốc dân đảng mới giết hại nhân dân. Những cuộc biểu tình này và sự sụp đổ của Cộng sản Đông Âu khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ hoảng sợ, họ kết luận cần phải chống lại sự lỏng lẻo ý thức hệ.

Trung ương Đảng yêu cầu các trường Đảng ở địa phương cử một số giáo viên đi học Trường Đảng Trung ương để củng cố tư tưởng Đảng. Trường Đảng Tô Châu của tôi đã cử tôi đến Bắc Kinh. Thời gian ngắn ngủi ở Trường Đảng Trung ương thôi thúc tôi học ở đó lâu hơn nữa. Sau một năm chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh, tôi được nhận vào học chương trình thạc sĩ của Khoa Lý luận Trường Đảng Trung ương. Vào thời điểm đó, tôi rất nhiệt tình với đường lối của ĐCSTQ, đến nỗi sau lưng tôi, các bạn cùng lớp gọi đùa tôi là “Bà già Marx”. Năm 1998, tôi nhận bằng Tiến sĩ và đứng vào hàng ngũ giảng viên của trường.

Một số sinh viên của tôi là nghiên cứu sinh chính quy được đào tạo về lý luận chính trị của chủ nghĩa Marx và tham gia các khóa học thường xuyên như lịch sử ĐCSTQ. Tuy nhiên, các học viên khác là cán bộ trung và cao cấp, trong đó có một số lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quan chức cấp bộ. Một số học trò của tôi cũng là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, gồm hàng trăm người, là cơ quan cao nhất trong bộ máy của ĐCSTQ và chịu trách nhiệm thông qua các quyết sách trọng đại.

Giảng dạy ở Trường Đảng Trung ương không hề dễ dàng. Máy quay video trong lớp học ghi lại các bài giảng của chúng tôi, để giám sát viên của chúng tôi xem lại. Chúng tôi phải làm cho các học viên có trình độ cao và có kinh nghiệm trong lớp cảm thấy nội dung của khóa học sinh động, nhưng không được quá uyển chuyển trong việc giải thích lý luận tư tưởng của đảng hoặc thu hút sự chú ý của mọi người vào những điểm yếu của nó. Nói chung, chúng tôi phải đưa ra những câu trả lời khôn ngoan trước những câu hỏi hóc búa từ các học viên là quan chức trong lớp.

Nhiều vấn đề của họ có liên quan đến mâu thuẫn nội tại khó hiểu của ý thức hệ chính thống, được tạo ra để đưa ra lời giải thích hợp lý cho các chính sách thực tế do ĐCSTQ thực hiện. Ví dụ, bản Hiến pháp sửa đổi của Trung Quốc năm 2004 tuyên bố chính phủ bảo vệ nhân quyền và tài sản tư hữu, nhưng chúng ta nên giải thích thế nào về quan điểm của Marx rằng hệ thống cộng sản nên xóa bỏ chế độ tư hữu? Đặng Tiểu Bình đề xuất “để một bộ phận nhân dân làm giàu trước” để tạo động lực mọi người và kích thích năng suất, nhưng liệu điều này có khớp với lời hứa của Marx về việc phân phối theo nhu cầu của chủ nghĩa cộng sản?

Tôi vẫn trung thành với ĐCSTQ, nhưng tôi liên tục đặt câu hỏi về niềm tin của mình. Vào những năm 1980, một số người trong giới học thuật Trung Quốc đã thảo luận sôi nổi về “chủ nghĩa nhân văn Marx”, xuất phát từ tư tưởng của Marx về việc nhấn mạnh sự phát triển toàn diện của nhân cách con người. Ngay cả khi không gian ngôn luận có thể chấp nhận được tiếp tục bị thu hẹp, vẫn có một số ít học giả tiếp tục cuộc thảo luận này đến những năm 1990. Tôi đã nghiên cứu “Bản thảo kinh tế và triết học năm 1844 của Marx”, trong đó tin rằng mục đích của chủ nghĩa xã hội là giải phóng các cá nhân. Tôi đồng quan điểm với những triết gia chủ nghĩa Marx nhấn mạnh tự do, đặc biệt là Antonio Gramsci và Herbert Marcuse.

Trong luận văn thạc sĩ của mình, tôi đã phê phán quan điểm mọi người phải luôn hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ đảng. Trong luận án tiến sĩ của mình, tôi đã thách thức quan niệm truyền thống của Trung Quốc về “phú quốc cường binh”. Tôi tin Trung Quốc sẽ mạnh lên chỉ khi đảng cho phép người dân Trung Quốc bình thường trở nên giàu có. Hiện tại, tôi đang tiến thêm một bước nữa.

Trong một số bài báo và bài phát biểu, tôi đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhà nước đang quá chiếm ưu thế trong nền kinh tế Trung Quốc, vì vậy cần phải cải cách hơn nữa để cho phép các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh. Tôi cũng tin rằng không nên coi tham nhũng là sự băng hoại đạo đức của từng cá nhân cán bộ, mà là một vấn đề thể chế do sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook