Đằng sau mỗi lá phiếu là một con người

Thục Quyên

22-11-2020

Cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ năm 2020 đã đạt tới con số kỷ lục, với số cử tri bỏ phiếu khoảng 154 triệu người. Không những thế, con số những người bỏ phiếu sớm, bỏ phiếu bằng đường bưu điện, cũng đạt kỷ lục. Và đến ngày bầu cử, thời gian đứng sắp hàng chờ đợi để tới phiên bỏ phiếu vào thùng cũng… kỷ lục, có nơi phải chờ tới 11 tiếng đồng hồ.

Hàng trăm cử tri xếp hàng dài chờ bỏ phiếu sớm ở Marietta, bang Georgia, ngày 12/10/2020. Ảnh: ABC News

Giữa những giờ phút ngự trị bởi các con số khổng lồ chóng mặt, những tranh cãi dao búa, một câu nói của ông Joe Biden đã nhắc nhở tới chiều sâu của một cuộc bầu cử dân chủ: đằng sau mỗi lá phiếu là một con người.

Câu nói như một công án thiền, tưởng chừng chìm lỉm trong những tiếng la hét, reo hò, bên này giận dữ, bên kia vui mừng.

Không bị choáng ngợp bởi hiện tượng nổi

Chứng kiến những cuộc biểu tình đầy sóng gió, la hét, chửi rủa trên các đường phố ở nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ trong những tháng qua, một vài chính phủ độc tài trên thế giới xoa tay mừng rỡ, tiên đoán sự sụp đổ của nền dân chủ Hoa Kỳ. Trong khi đó, một số chính trị gia, khoa học gia, giới truyền thông … của Hoa Kỳ tỏ vẻ lo ngại một tình trạng hỗn loạn gần như nội chiến có thể xảy ra trong nước.

Nhưng đó chỉ là những tiếng sóng gầm ngắn hạn của hiện tượng.

Con số khoảng 154 triệu người đi bầu mới là nguồn lực cơ bản của nền dân chủ Hoa Kỳ, đã tự khẳng định ngày 3/11/2020 với cuộc bầu cử tiến hành trong trật tự, dù trong tình thế khó khăn của đại dịch virus corona, để thể hiện rõ ràng ý muốn của người dân Mỹ. Đám đông thầm lặng này đã lấy quyết định: với lá phiếu của họ, gần 80 triệu người nói lên sự tin tưởng vào tài lãnh đạo của ông Joe Biden (đảng Dân chủ) để đất nước lấy lại thế đứng của một cường quốc hàng đầu trên thế giới, trong khi gần 74 triệu người khác vẫn cương quyết tin ông Trump (đảng Cộng Hoà) mới bảo đảm sự vững mạnh của Hoa Kỳ.

Cùng lúc với cuộc bầu cử tổng thống, Hoa kỳ đã cho bầu lại một phần Thượng viện và một phần Hạ viện, khiến ý muốn của người dân Hoa Kỳ được thể hiện rõ ràng thêm: Ông Joe Biden thắng cử tổng thống với con số phiếu cao hơn ông Trump gần 6 triệu, nhưng tại Hạ viện, đảng Dân chủ lại mất 7 ghế (tuy vẫn giữ đa số). Còn tại Thượng viện thì tới nay chưa ngã ngũ, nhưng đảng Cộng Hoà có chiều thắng thế.

Điều này cho thấy số đông người đi bầu có khuynh hướng mong muốn hành pháp và lập pháp nằm trong tay hai đảng khác nhau để cân bằng quyền lực. Dĩ nhiên, mặt trái là mọi quyết định của một tổng thống Mỹ sẽ ít nhiều bị trì trệ hơn là những quyết định của một người cầm quyền trong một nước độc tài, không bị kiểm soát.

Đằng sau mỗi lá phiếu là một con người

Đã nhiều tháng nay, truyền thanh, truyền hình, báo chí Mỹ và cả mạng xã hội Việt Nam, lâm vào cuộc chiến tranh từ ngữ dữ dằn, tin giả, tin thật. Tuy nhiên nhìn sâu vào cuộc sống thật thì đại đa số cử tri Mỹ không phải là những anh hùng bàn phiếm hay hảo hớn vỉa hè gây náo động. Số lượng người biểu tình bạo động hay bất bạo động, cả đôi bên theo Trump/ Cộng Hoà hay theo Biden/ Dân chủ, gộp lại cao tay là một hay hai triệu người.

Còn lại là 152 triệu con người thầm lặng, với những khó khăn thiết thực trong cuộc sống hàng ngày. Họ đã suy nghĩ và lựa chọn cho chính mình và cho gia đình mình một cách giải quyết họ nghĩ là tốt nhất. Lựa ông Trump hay ông Biden, Cộng Hoà hay Dân chủ, mỗi người dân có những suy nghĩ riêng dựa trên cảm nhận và hoàn cảnh của mình.

Đằng sau mỗi lá phiếu là một con người thật, với một số phận thật, với những khó khăn và những đau khổ rất thật, có thể là phân biệt chủng tộc, là miếng cơm manh áo, là sức khỏe, cơ hội trong cuộc sống… tất cả đều là những thực tế rất chủ quan, cột chặt vào họ mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nên có sức mạnh chế ngự tất cả những lý thuyết cao sâu, dù có đúng chăng nữa thì với họ vẫn là quá xa vời, hay không chút liên quan.

Kết quả cuộc bầu cử vừa qua tại Hoa kỳ cho thấy lòng mong muốn đơn giản của đa số dân chúng là trở lại một cuộc sống có lề lối rõ ràng, một xã hội yên bình với những luật lệ minh bạch để nương tựa. Và một khía cạnh tâm lý rất phổ biến nhưng lại đặc biệt trồi lên một vị trí rất cao lần này: đó là cảm tưởng người lãnh đạo đất nước hiểu hoàn cảnh mình, có thể là “giống mình” nữa, nên có thể đặt lòng tin vào người đó. Trong suốt thời gian tranh cử, những từ ngữ thường chỉ xuất hiện trong thế giới của tôn giáo như nhân cách, đứng đắn, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm (decency, compassion, empathy) lại được nhắc tới nhiều hơn là những đề xuất làm việc, những chương trình vĩ đại.

Tránh kẹt vào từ ngữ để tiến tới

Bầu cử tự do, lập hội, đa nguyên, đa đảng, biểu tình… hiện nay vẫn là những giấc mơ xa tầm với của người dân Việt. Đó là những nét đặc thù của một nền Dân chủ, nhưng nghĩ cho cùng, đằng sau bầu cử, đằng sau lập hội, đằng sau biểu tình… là những con người thật, đang quay quắt trong những xiềng xích khó khăn.

Họ cần gì trước hết? Họ muốn gì? Họ có bao nhiêu khả năng và sẵn sàng tranh đấu cho điều gì? Không có bất cứ một lực lượng nào có thể với danh nghĩa của người dân mà xây dựng đựơc Dân chủ, chính người dân mới có thể làm điều này.

Hoa Kỳ là một quốc gia với một nền dân chủ lâu đời nhất, tinh vi nhất thế giới. Nhưng không phải vì những lý do đó mà nền dân chủ Hoa Kỳ không có những thăng trầm và luôn luôn cần được củng cố: Cuộc bầu cử năm 2020 gần ngạt thở vì chìm ngập trong muôn vàn thuyết âm mưu, trong khi thành công hiển nhiên nhất là sự tham dự trong trật tự của hơn 150 triệu công dân lại ít được nhắc tới. Và vì giá trị cốt lõi của Dân chủ là sự tham gia tích cực của công dân, trong chính trị và đời sống dân sự, tham gia bằng hành động, đa dạng, trên mọi mặt, không cần sự cho phép của bất cứ ai, nên xây dựng Dân chủ trước hết là xây dựng khả năng nhận thức và hành động của người dân.

Cuộc bầu cử năm 2020 ở Mỹ có thể truyền cảm hứng cho những người Việt đang nặng lòng muốn xây dựng một xã hội dân chủ tại Việt Nam hay không?

Đôi lúc chính bức tranh “xã hội dân chủ” chúng ta vẽ sẵn trong đầu ngăn cản chúng ta tiến bước. Vì đặt ra những điều kiện phải có, bất di bất dịch, sẽ ngăn cản những ý tưởng đột phá đưa tới những phương cách hành động mới mẻ và phong phú.

Thí dụ, trong cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ vừa qua, một số đảng viên Cộng Hòa đã gạt bỏ quan niệm truyền thống là, phải ủng hộ ứng cử viên của đảng mình. Thay vào đó, họ lại góp sức đẩy mạnh sự đắc cử của ứng cử viên đảng đối lập, để. củng cố lại những giá trị Cộng Hòa của đảng mình.

Họ nhận ra rằng, đả phá một đối thủ không đủ mà cần chứng tỏ khả năng xây dựng một cuộc sống êm đềm, thịnh vượng với luật pháp nghiêm minh và nền đạo đức xã hội được bảo toàn, những điều thực tế mọi người dân bình thường đều mong muốn. Nếu không đủ sức thắng đối thủ trong hiện tại thì chấp nhận tạm thời lùi bước, phân tách những điểm yếu của mình, và không bỏ phí thời gian bắt tay củng cố ngay những thế mạnh cần thiết cho cuộc đọ sức tiếp theo.

Ngay cả trong thế giới phức tạp của Chính trị, “trước khi gieo hạt phải làm đất, tạo một môi trường gieo trồng thuận lợi” vẫn là một sự thật hiển nhiên, bất biến.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “…một vài chính phủ độc tài trên thế giới xoa tay mừng rỡ, tiên đoán sự sụp đổ của nền dân chủ Hoa Kỳ”
    Trong đó có Việt Nam, chúng xoa tay báo cáo thành tích chống dịch Covid với thế giới, nhưng lờ tịt số vài vạn người chết do tai nạn GT, đột quỵ, rượu bia thuốc lá…Quan chức thì 100% phình to thanh quản.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây