Khu vực thương mại tự do RCEP: Trump chơi solo, Trung Quốc phát lộc

Watson

Tác giả: Peter Blunschi

Dịch giả: Võ Thu Phương

17-11-2020

Lời người dịch: Thụy Sĩ là một đất nước nổi tiếng với chính sách chính trị trung lập, nên rất nhiều tổ chức quốc tế đã chọn Thụy Sĩ làm nơi đặt trụ sở và nơi tổ chức các hội nghị kinh tế chính trị cao cấp. Năm 2011, quốc gia này được xếp hạng giàu nhất thế giới về bình quân đầu người. Trong khi Liên minh châu Âu xếp hạng Thụy Sĩ là quốc gia sáng tạo nhất châu lục, quốc gia giàu nhất tại châu Âu bỏ xa các nước khác với một khoảng cách đáng kể.

Trong tình hình tin thất thiệt và tin phe đảng đang tràn lan, tôi chọn dịch một bài báo mới nhất của Thụy Sĩ, gửi đến các bạn cái nhìn của một cường quốc kinh tế – ngân hàng, một đất nước có lập trường chính trị hoàn toàn trung lập.

***

15 nước tham gia ký RCEP ngày 15/11/2020. Ảnh: Keystone

Hiệp định thương mại tự do RCEP là một thành công của người Trung Quốc. Ảnh hưởng của họ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tăng lên, với cái giá mà Hoa Kỳ phải trả. Tổng thống tương lai Joe Biden bị thách thức.

Các nhà phân tích và quan sát đều có cùng nhận định: Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào Chủ nhật, Trung Quốc đã đạt được một cuộc đảo chính. Gần 4 năm sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc.

Michael Hüther, Giám đốc Viện Kinh tế Đức ở Cologne, chủ biên tờ báo “Handelsblatt”, cho biết: Với hiệp định này “sự thất bại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rõ ràng“. Trong khi Trump chỉ tuyên chiến thương mại với Trung Quốc mà gần như hoàn toàn quay lưng lại với khu vực Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở “sân sau” của mình.

RCEP là gì?

Sau tám năm đàm phán, hiệp định đã được ký kết trong một hội nghị qua video, do ảnh hưởng của corona. Nó bao gồm 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, chiếm 30% sản lượng kinh tế toàn cầu, 30% dân số thế giới và 28% thương mại thế giới. RCEP do đó hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Nó bao gồm mười quốc gia ASEAN là Việt Nam, Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Brunei, Lào và Campuchia. Ngoài ra còn có Úc và New Zealand cũng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này được coi là đặc biệt mang tính biểu tượng, vì trong lịch sử vẫn tồn tại những mối hận thù giữa ba nước.

Hiệp định muốn gì?

Nó chủ yếu xúc tiến việc dỡ bỏ toàn diện các hàng rào thuế quan và thương mại. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại và chuỗi cung ứng. Trong các lĩnh vực khác, RCEP không có nhiều tham vọng. Theo các chuyên gia, việc mở rộng lợi ích khu vực hầu như không vượt ra ngoài các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Các yếu tố quan trọng như bảo vệ môi trường, quyền của người lao động hoặc viện trợ cấp nhà nước phần lớn bị bỏ qua. Tương tự, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà Trung Quốc liên tục bị chỉ trích cũng không được đề cập. Theo New York Times, thỏa thuận sẽ “chính thức hóa chứ không làm mới“ các quan hệ kinh tế.

Ai không tham gia?

Sự thiếu vắng quan trọng trong RCEP là Ấn Độ chứ không là Mỹ. Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Vào tháng Bảy, họ rút ra khỏi các cuộc đàm phán vì lo ngại sự cạnh tranh từ các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc và từ hàng nhập khẩu nông nghiệp của Úc và New Zealand.

Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn ngăn cản các ngành như dệt may và sản xuất giày, những ngành cung cấp nhiều việc làm, giá rẻ từ Ấn Độ tràn sang. Xung đột vũ trang biên giới giữa hai cường quốc kình địch trên dãy Himalaya vào mùa hè cũng làm cho các cuộc đàm phán trở nên nặng nề. Tuy nhiên, cánh cửa để Ấn Độ vào RCEP vẫn chưa đóng.

Nước Mỹ làm gì?

Ngay sau khi nhậm chức, Donald Trump đã quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền Obama đàm phán. Ông ta bị thôi thúc giữa mối ác cảm với người tiền nhiệm và thương mại tự do. Obama đã thúc đẩy TPP tiến tới như một đối trọng dứt điểm với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Mười một thành viên còn lại (Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Canada, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam) sau đó đã thành lập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ở một số điểm, thỏa thuận này còn tiến xa hơn liên minh RCEP mới.

Joe Biden làm gì?

Tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ đã nhấn mạnh ý chí của ông chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên trên nền thương mại thế giới, trong một bài phát biểu về chính sách kinh tế hôm thứ Hai. Tuy nhiên, Joe Biden còn để ngỏ câu hỏi, liệu điều này có nghĩa là Mỹ sẽ tham gia CPTPP hay thậm chí RCEP hay không. Ông muốn trình bày kế hoạch của mình một ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021.

Đối với giới quan sát, Biden đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Vì Trump, Mỹ đã mất ảnh hưởng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Giờ đây Biden phải tính đến thái độ chỉ trích chính sách toàn cầu hóa tại quốc nội. Theo New York Times, giới phân tích cho rằng các hợp đồng thương mại đối với Tổng thống Biden sẽ không được ưu tiên.

RCEP có ý nghĩa gì đối với Thụy Sĩ?

Giống như EU, Thụy Sĩ có mối liên kết với các thành viên RCEP thông qua những hiệp định song phương giữa hai nước, như là với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là Thụy Sĩ sẽ tiếp cận khu vực thương mại tự do dễ dàng hơn. Ngược lại, theo tờ báo Tamedia, điều này có thể khó khăn hơn. Tuy nhiên, có thể hy vọng vào khả năng tăng trưởng các sản phẩm xuất khẩu của Thụy Sĩ.

Nhà máy dệt ở Trung Quốc: Thỏa thuận mới nhằm vực dậy nền thương mại, vốn đã bị Corona làm chậm lại. Ảnh: Keystone
Vào ngày 23 tháng 1 năm 2017, Donald Trump đã ra lệnh cho Mỹ rút khỏi TPP. Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Joe Biden phát biểu hôm thứ Hai về kế hoạch phục hồi kinh tế. Ảnh: Keystone
Bình Luận từ Facebook