Nguyễn Đình Cống
17-11-2020
Đó là Báo cáo chính trị của ĐCSVN (BC) được công khai để toàn dân góp ý, sẽ trình ra ĐH 13.
Đã có vài góp ý cho BC. Thí dụ: Tọa đàm khoa học của của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển (ngày 9/11/2020), thư của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, của Nguyễn Trung, Nguyễn Khắc Mai, bài của Mạc Văn Trang, Nguyễn Ngọc Chu, Mai Hà, Phan Phạm Viêt v.v…
Tôi không góp ý mà thấy gì của BC chạm vào suy nghĩ thì viết, không sắp đặt, không theo quy tắc, chỉ gọi là nhận xét tản mạn.
Để soạn BC, từ cuối năm 2018 Trung ương Đảng lập Ban văn kiện gồm 60 người, đã cử đoàn đi Ấn Độ và Anh quốc để tham khảo. Công sức, tiền của bỏ ra không phải ít. Tổng Bí thư còn hy vọng BC sẽ đạt trình độ “văn bia”. Tôi đã đọc toàn văn BC, nhiều đoạn được đọc kỹ vài lần và còn so sánh nó với văn bản tương ứng tại ĐH 12. Đọc để biết nội dung, vừa để xem phong cách viết, may ra có học được gì.
BC trên ba vạn chữ, so với ĐH 12 thì có ngắn hơn chút xíu, nhưng cũng còn quá dài. Nó là công sức của một tập thể nhiều người, trong thời gian gần 2 năm. Nhưng nó không phải là thành quả của trí tuệ và công trình nghiên cứu bậc cao mà chủ yếu là một số công việc lao động giản đơn (sao chép, cắt dán), của những suy nghĩ tầm thường, của những ý tưởng vụn vặt, giáo điều và bảo thủ.
So BC hiện nay với văn kiện của ĐH 12, thấy rằng cơ cấu các đề mục giống nhau trên 90%, nội dung phần lớn giống nhau nhưng thay đổi cách trình bày, có thêm bớt một vài ý mà có người cho là rất quan trọng, nhưng tôi thấy cũng bình thường.
Nhận xét chung như sau: Đọc từng câu rời rạc thấy câu nào cũng đúng, cũng hay. Đọc một đoạn dài thì thấy sự lắp ghép có phần lộn xộn của những khẩu hiệu và nhiều lời sáo rỗng. Đọc toàn bộ sẽ bị ngợp bởi một rừng ngôn từ, nhiều chỗ trùng lặp, nhiều ý huyênh hoang, nhiều khái niệm mơ hồ tạo ra sự nhàm chán. Đặc biệt là sự thiếu rõ ràng về mục tiêu.
Thiếu rõ ràng vì lẫn lộn giữa những việc đương nhiên phải làm cùng đường lối lâu dài với nhiệm vụ trong nhiệm kỳ. Thí dụ 1- Tiểu mục 2 của Mục II (Quan điểm chỉ đạo). Nội dung của tiểu mục này thuộc những việc phải làm theo cương lĩnh chung chứ không phải là thuộc nhiệm kỳ.
Thí dụ 2- Gần như toàn bộ nội dung Mục XIV (Xây dựng chỉnh đốn Đảng….) là những việc đương nhiên, phải làm trong suốt thời gian tồn tại của Đảng chứ chẳng phải riêng của nhiệm kỳ.
Các Mục từ II đến XIV (13 Mục) đều phạm phải lỗi quan trọng này
Về nhiệm vụ của nhiệm kỳ, có mục XV: “Những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ ĐH 13” (6 nhiệm vụ, 3 đột phá) và một số ý kiến rải rác trong các mục. Nhưng tất cả đều sơ sài, bị lu mờ trước một đống ngôn từ tràng giang đại hải về các nguyên lý, các khẩu hiệu.
Mục I- “Kết quả thực hiện NQĐH 12 và cơ đồ đất nước sau 35 đổi mới”. Mục này dài khoảng một vạn chữ. Đúng ra nó phải phản ảnh được, đánh giá được thực trạng cơ bản của xã hội để làm cơ sở hoạch định đường lối. Nhưng tiếc thay nó được viết không đạt yêu cầu và phạm phải lệch lạc. Nội dung vừa chung chung, mang nặng tính tuyên truyền, vừa hời hợt, chỉ phản ảnh được một vài phần sự thật bên ngoài mà chưa đụng đến bản chất được giấu kín, lại còn chứa nhiều mâu thuẩn.
Thí dụ 1: Trong đoạn đầu tiểu mục 1, Mục I viết: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu…”, thì sau đó khoảng trên 4 ngàn chữ lại viết “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế, chất lượng luật pháp và chính sách còn thâp…”
Thí dụ 2: Đoạn giữa của tiểu mục 1- Mục I viết: “Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng cả về chất lượng và số lượng…” Sau đó lại viết: “Đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục trên một số mặt vẫn còn bất cập về chất lượng số lượng…”
BC viết: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay” (*). Nhận định đó mang tâm trạng huyênh hoang, kiêu ngạo, chỉ mới dựa vào một phần sự thật về phát triển kinh tế và ngoại giao. Còn một phần nữa của sự thật, nhiều người biết, nhưng BC không viết. Đó là sự hủy hoại tài nguyên và môi trường, là sự tha hóa của con người, sự oan khuất và bất công trong xã hội, sự độc quyền toàn trị đã cướp đoạt nhiều tự do của dân, sự xâm lấn của Tàu cộng, là sự phụ thuộc của nền kinh tế vào doanh nhiệp nước ngoài, là nợ nần khó trả v.v… Phải chăng phần sự thật không được viết ra có chứa bản chất? Tại sao nó bị che giấu?
Câu (*) hình như BC viết lại lời TBT đảng. Tôi nghĩ rằng ông thật lòng khi nói câu đó, ông tin vào điều đó. Vì sao vậy? Vì ông chỉ nhận được thông tin rất hạn chế từ một chiều, đó chỉ mới là một phần của sự thật, phần mà ông muốn nghe chứ không phải điều ông cần biết. Nếu biết nhiều hơn về những sự thật đau lòng thì chắc không ai dám nói ra câu tương tự.
Trong Mục I còn có các nguyên nhân và kinh nghiệm. Hình như đây chỉ là ý kiến chủ quan của một vài người nào đó, được đem thảo luận và thông qua một tập thể có nhiều chức danh (viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ…) nhưng thiếu trí tuệ. Tôi đọc nhiều lần mô tả các kinh nghiệm mà không thể nào hiểu được đó thực sự là kinh nghiệm, chỉ cho rằng, đó là sự bịa đặt có bài bản (tôi đã công bố 2 bài báo về vấn đề này).
Hình như các trí thức của Đảng đang mắc nghiện từ “đổi mới”. Trong BC, cụm từ đó được dùng khắp nơi, tôi đếm được 95 lần. Một vài chỗ dùng từ “cơ cấu lại” thay cho đổi mới (10 lần). Từ đổi mới được ghép với nhiều bổ ngữ hoặc trạng ngữ khác nhau. Bổ ngữ trả lời câu hỏi đổi mới cái gì, thí dụ tư duy, phương pháp, công nghệ, giáo dục v.v…, trạng ngữ trả lới câu hỏi đối mới như thế nào, thí dụ tích cực, kiên quyết, triệt để, đồng bộ v.v…
Tôi có thể chỉ ra nhiều chỗ dùng ‘đổi mới’ một cách bừa bãi, đánh tráo khái niệm. Đặc biệt BC dùng nhiều lần cụm từ “đổi mới sáng tạo”. Tôi đã cố tìm hiểu, nhưng chưa tìm ra nội hàm của khái niệm, nên nghi ngờ. Phải chăng đây là sự bịa đặt của một ai đó rồi được những người kém trí tuệ phụ họa?
Người ta cố ghép đổi mới với sáng tạo, như vậy cần viết “đổi mới và sáng tạo”, chúng có vai trò ngữ pháp như nhau. Viết liền “đổi mới sáng tạo” thì cụm từ “sáng tạo” đóng vai trò ngữ pháp gì trong câu. Nó không thể là chủ ngữ hoặc định ngữ, không thể là bổ ngữ hoặc trạng ngữ cho đổi mới. Bổ ngữ không đúng về ý mà trạng ngữ lại sai về tính khoa học.
Khi giới thiệu BC, Tuyên giáo cho rằng có một ý tưởng mới. Đó là “Về chủ đề Đại hội XIII của Đảng, là gắn ‘xây dựng, chỉnh đốn hệ thống chính trị‘ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…” Tôi cho rằng đây cũng chỉ là một sự tưởng tượng mang tính bịa đặt vì mới gì cái việc gắn “chỉnh đốn hệ thống chính trị” với “chỉnh đốn đảng”. Mà ghép xây dựng, chỉnh đốn cùng nhau là nhầm lẫn. Xây dựng là làm ra cái mới còn chỉnh đốn là sửa sang, sắp đặt lại cái đang tồn tại. Không thể đồng thời xây dựng và chỉnh đốn cùng một đối tượng. Thường có thể ghép chỉnh đốn với phát triển.
Tôi đang cố tìm hiểu tác dụng tốt đẹp, hiệu quả của BC. Tìm chưa được bao nhiêu trong lúc phát hiện ra sự lãng phí to lớn do việc soạn thảo và phổ biến nó. Xin cố hình dung, nếu BC được đọc ở ĐH thì liệu người đọc có nhiệt tình với công việc đó không, có tạo và truyền được cảm hứng không, người nghe có vui sướng và để tâm vào việc tiếp nhận thông tin hay không.
Với mục tiêu đánh giá hiện trạng đất nước và đề ra nhiệm vụ cho nhiệm kỳ thì BC chỉ cần khoảng 6 ngàn chữ là được, đến một vạn chữ là nhiều. Thế mà nó kéo dài trên ba vạn chữ với các thứ thêm thắt không cần thiết. Những thêm thắt đó rườm rà, sáo rỗng, trùng lặp, mơ hồ, mâu thuẫn, đánh tráo khái niệm, mang nặng tính chất rác rưởi.
Nhìn chung chất lượng của BC khá thấp. Một phần do trình độ yếu kém của Ban soạn thảo, phần khác phải chăng là do lãnh đạo muốn thế?
Ăn đất, ăn cướp và nhả ra nợ công, đó là vùng đất mà không thằng dân nào sống nổi (mượn theo ý của ĐBQH H,bơ Khăp)
“Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay”
Đoạn này thấy lú lú.
Đảng CSVN ăn đất, ăn cướp và nhả ra nợ công. Đảng biến tiền thành rác nhưng dân cần cù biết cách biến rác thành tiền.
Trò hề bẩn thỉu nhất là nhờ người khác giặt lại giẻ lau chân của mình, giống như cái ý tưởng nhờ góp ý cho cái tư tưởng bẩn thỉu.