Tạ Dzu
1-11-2020
Nhiều ý kiến cho rằng hiện đang có ba mô hình phát triển khác nhau trên thế giới: Dân chủ xã hội (Tây Âu nói chung), xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, và dân chủ tư bản Hoa Kỳ.
Dân chủ xã hội
Sau Thế chiến 2, châu Âu với kinh nghiệm Đức quốc xã (độc tài cánh hữu) và họa cộng sản (độc tài cánh tả), họ cần một chính phủ mạnh để bảo đảm an ninh và phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Nhu cầu đó cộng với việc thiết lập mạng lưới an sinh xã hội, giáo dục, y tế cho người dân để tránh tuyên truyền cộng sản nhằm làm suy yếu chính quyền, đã đưa nhiều nước Tây Âu theo chiều hướng dân chủ xã hội.
Xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc
Thế giới không khỏi ngạc nhiên khi thấy Tàu phát triển vượt bực trong hơn ba thập niên qua. Xã hội và đời sống của khoảng 700 triệu người Tàu (1978) được cải thiện đáng kể trong một thời gian ngắn. Điều này đem đến sự hấp dẫn của một chính quyền mạnh (đúng ra là đảng) với một ‘minh quân’ (Mao, Đặng, Tập?), sử dụng nhân tài (cán bộ) kết hợp với khu vực tư nhân (meritocracy) để cải thiện dân sinh.
Thoạt nhìn có vẻ hiệu quả hơn chế độ dân chủ ‘hỗn loạn’. Nhìn kỹ thì mô hình hiện nay của Trung Cộng mang nhiều nét Khổng giáo: Vua chúa (đảng cộng sản) ở trên cao, giữa là giới sĩ phu và quan chức (mặt tầng) thi hành lệnh của vua, dưới cùng là dân đen (đáy tầng) chịu tất cả mọi thiệt thòi.
Nhưng vì độc quyền nên dễ phát sinh tham nhũng, cho đến khi minh quân biến thành bạo chúa và đảng viên tha hoá tột độ thì đảng và nhà nước cũng dễ dàng sụp đổ như lịch sử Tàu từng chứng minh. Tập Cận Bình đàn áp các cuộc chống đối ôn hoà khốc liệt, xem mình là thiên tử muốn làm vua suốt đời, gây hấn với các quốc gia nhỏ yếu chung quanh, ông ta đang trở thành bạo chúa của Trung Cộng.
Dân chủ tư bản Hoa Kỳ
Tuy có sự cạnh tranh giữa hai quan điểm của Cộng Hoà và Dân chủ, khuynh hướng một nhà nước nhỏ, ưu đãi tự do kinh doanh, giảm thuế doanh nghiệp để có một khu vực tư nhân năng động hầu tạo công ăn việc làm, giúp chính phủ thu thuế có phương tiện chi tiêu và cân bằng ngân sách thường được chú ý hơn, đồng thời cả hai đảng đều muốn nền chính trị Hoa Kỳ phổ biến khắp thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương buôn bán.
Nếu bối cảnh thế giới vẫn như hiện nay, hai mô hình trên có lẽ không thay đổi bao nhiêu trong một vài thập niên trước mắt, nhưng mô hình tư bản Mỹ đang có những thay da đổi thịt và cạnh tranh quyết liệt giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến, không chỉ riêng về kinh tế mà còn ở các mặt xã hội khác, tuy không rõ rệt tả-hữu như tại châu Âu.
Ông Trump là một hiện tượng đặc biệt lồng trong bối cảnh tranh chấp này, có liên quan nhiều đến văn hoá Âu Mỹ nói chung.
Truyền thông báo chí thường sử dụng chữ “Trumpist” để nói đến hiện tượng mà nhiều người Việt gọi là “cuồng Trump”. Với người Việt và Mỹ gốc Việt thì đa phần chỉ là vì tâm lý chống Tàu mà nhiều người ủng hộ ông. Nhưng tại sao đông đảo giới thợ thuyền, công nhân bỏ phiếu cho Trump năm 2016 dù ông ta là tỷ phú, hay người ta cho ông là kẻ thô lỗ thiếu đạo đức, thiếu năng lực lãnh đạo, thậm chí có vấn đề về tâm lý, lại được đông đảo giới tôn giáo và bảo thủ đứng đắn ủng hộ?
Tại sao có sự nghịch lý này?
Tìm hiểu những biến chuyển của xã hội Mỹ nói riêng và châu Âu nói chung sẽ giúp tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề.
Nếu theo dõi kỹ, người ta có thể thấy ông Trump thể hiện khá rõ hai điều:
1.- Chống chủ nghĩa tự do
Tuỳ ngữ cảnh và bối cảnh mà liberal hay liberalism có nhiều nghĩa khác nhau. Thập niên 1930, liberalism là công đoàn, là những người Mác xít cổ xuý xã hội chủ nghĩa (socialism). Thập niên 1960 lại là nhân quyền (civil rights), quyền bỏ phiếu của phụ nữ (women suffrage), chống chiến tranh Việt Nam (anti-war, peace and love). Cuối thế kỷ 20 có thêm LGBT (lesbian, gay, bisexual, transgender), hôn nhân đồng tính, phá thai, di dân, đa đạng, đa văn hoá. Mấy thập niên gần đây bao gồm luôn cả bảo vệ môi trường nữa.
Di dân (immigration), đa dạng (diversity) và đa văn hoá (multiculturalism) đều bị những người thuộc phe hữu xem là nguy cơ đe dọa nền tảng văn hoá nước Mỹ, nên nhiều người không ngạc nhiên khi thấy ông Trump quyết phải xây tường biên giới. Một điều khác cũng cần quan tâm là đối với ông Trump cũng như đảng Cộng Hoà, một nhà nước lớn và bảo vệ môi trường bị xem là đe dọa tính cạnh tranh và ngăn cản tạo việc làm.
Với những nhóm tân bảo thủ (neo-conservatism) và tân tự do (neo-liberal), tự do mang ý nghĩa trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cả hai phái bảo thủ và cấp tiến đều cổ võ toàn cầu hoá vì cho rằng thế giới tự do và tự do mậu dịch là chung điểm của lịch sử, như Frank Fukuyama nhận định trong cuốn The End of History.
Nói tóm lại, theo ghi nhận của Samuel Huntington trong The Clash of Civilizations, dân chủ [đảng tranh] phương Tây với triết Hy Lạp, luật La Mã, tiếng La Tinh và Cơ Đốc giáo cộng với lối sống hưởng thụ vật chất, tự do mậu dịch để tìm lợi nhuận tối đa đã trở thành nền tảng văn hoá Âu Mỹ – một “trật tự phương Tây” được phát triển ra toàn thế giới hơn ba trăm năm qua mà theo nhiều người, phải được những lãnh đạo như ông Trump bảo vệ.
2.- Chống sự bành trướng của bất cứ nước nào và Mỹ trên hết
Là một nhà kinh doanh, ông Trump có cái nhìn thực tiễn để có lợi cho mình. Mặc dù cổ võ mậu dịch tự do nhưng ông ta không muốn đóng vai trò can thiệp quốc tế (interventionalism), không muốn bị nước nào gác tay trên, cũng không muốn bị đồng minh ăn chặn (free riders). Cách chống Tàu hiệu quả hay không và cách nhìn về thế giới đúng hay sai, không là mục tiêu của bài viết mà thử tìm hiểu xem tại sao ông Trump lại có những quyết định được xem là ‘ngược đời’ với nhiều người như vậy?
Trump vừa mạt sát phe Dân Chủ, vừa chống Cộng Hoà cánh hữu như George W. Bush, John McCain vì cho rằng họ đã không đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên hết (America first) mà lo đi can thiệp, ảnh hưởng đến quốc tế tới nỗi bị WTO, NATO, NAFTA hay TPP ‘lường gạt’. Ông ta không thích bà Merkel (thủ tướng Đức), muốn giữ NATO mà ít chịu ‘chi tiền’ (free rider), lại còn mở cửa cho tị nạn Hồi giáo tràn vào, đe dọa văn minh Cơ Đốc giáo.
Trump chủ trương mậu dịch tự do có lợi cho Mỹ và chống dân chủ xã hội, theo cái nhìn của ông thì đó là cộng sản hay chủ nghĩa xã hội (socialism). Ông cũng chống di dân (immigration), đa dạng (diversity), đa văn hoá (muticulturalism), chính quyền lớn (big government) và bảo vệ môi trường (environmentalists). Khi phong trào Black Lives Matter nổi lên, đảng Dân Chủ kêu gọi bình đẳng màu da và phá bỏ di tích nô lệ thì Trump cổ võ trật tự xã hội (law and order) và vinh danh các nhà lập quốc.
Trump thích những người có cái nhìn giống mình: Putin (Nga), V. Orban (Hung) và Duterte (Phi) vì tuy họ độc tài nhưng đều chống LGBT và đa văn hoá, chưa kể đến việc Nga và một số quốc gia Đông Âu cũ tuyên truyền dân chúng chống lại cuộc xâm lăng của Hồi giáo tràn vào châu Âu khiến ông ta dễ thân thiện với họ. Cũng vì vậy người ta mới hiểu tại sao nhiều người Mỹ đứng đắn dù chê tư cách Trump, giới tôn giáo tuy không có thiện cảm nhưng vẫn ủng hộ, nhiều phần chỉ vì họ tin rằng Trump là cơ hội cuối cùng giữ vững văn hoá Âu Mỹ và đưa nước Mỹ vững mạnh trở lại (make America great again).
Phong trào bảo vệ những giá trị của cánh hữu không chỉ xảy ra ở Bắc Mỹ mà còn được những cá nhân hay những nơi tại châu Âu như Brexit (Anh), Marie Le Pen (Pháp), Viktor Orban (Hung), Law and Justice (Ba Lan) và Nam Mỹ như André Obrador (Mễ Tây Cơ), Jair Bolsonaro (Ba Tây) khai thác.
Sau Chiến tranh Lạnh, toàn cầu hoá đã mang lại lợi nhuận kếch xù cho nhiều công ty và những chuyên gia có tay nghề cao, bỏ lại đa số chật vật kiếm ăn, nhưng qua đó, cả nhân loại đã có dịp gần cận nhau hơn, khiến các nền văn minh khác biệt ma sát, cạnh tranh nhau, cần một phương thức giải quyết ổn thoả.
Mấy trăm năm qua, có thể xem là thời kỳ văn minh phương Tây “thắng” văn minh phương Đông, tràn ra toàn thế giới. Khoa học kỹ thuật phát triển, công nghiệp hóa và thành thị hóa giúp nhân loại đạt những bước tiến vượt bực về vật chất và tiện nghi đời sống, đồng thời cũng giúp loài người đến với nhau dù trải qua hai cuộc thế chiến và Chiến tranh Lạnh đầy đau thương nhưng cũng đem đến nhiều bài học.
Thời gian đang tới là thời kỳ toàn cầu, cả đông lẫn tây, phải cần đến một nền văn minh mới tổng hợp được cả đông-tây, kim-cổ cho toàn thể nhân loại. Đông còn gì cần giữ lại, Tây có gì phải thay đổi? Vị thế của dân tộc trong nhân loại sẽ còn hay mất? Thế giới đã và đang có khuynh hướng dân tộc cực đoan, cũng có khuynh hướng như Marx chủ trương không còn dân tộc, chỉ quốc tế vô sản. Cả hai khuynh hướng đều thất bại và bị đào thải.
Như vậy, phải chăng cần chấp nhận những tiêu chuẩn văn minh chung, với cương thường, giá trị chung cho cả nhân loại nhưng vẫn duy trì tính đặc thù của mỗi dân tộc? Mỗi quốc gia hội nhập vào đời sống của thế giới nhưng không thể để bị hoà tan.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu hoá, nhìn sâu xa mới thấy cuộc chiến văn hoá giữa bảo thủ và cấp tiến, giữa những giá trị truyền thống Âu Mỹ và một thế giới đa dạng, nhiều sắc dân với những nền văn hoá khác biệt chung đụng va chạm nhau – như Samuel Huntington đã viết trong The Clash of Civilizations – sẽ quyết định tương lai nước Mỹ.
Cuộc chiến nhiều mặt đó đang thay da đổi thịt Hoa Kỳ, sẽ quyết định cuộc bầu cử sắp tới chứ không hẳn chỉ là tư cách cá nhân hay cách hành xử của riêng ông Trump, dù đó là lý do chính đáng để nhiều người quyết định lá phiếu của mình.
Xa hơn cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 sắp tới, về lâu về dài, liệu trật tự da trắng với văn hoá hưởng thụ vật chất, kích thích dục vọng, tâm lý tiêu thụ nhằm tìm kiếm lợi nhuận lan rộng khắp nơi trong hơn ba trăm năm qua sẽ tiếp tục thống lĩnh thế giới, hay lãnh đạo ở cả hai phía bảo thủ và cấp tiến nước Mỹ sẽ phải chấp nhận một cuộc sống với những giá trị khác biệt cần được tôn trọng (đa nguyên tương đối) nhưng cùng một gốc loài người (nhất nguyên tuyệt đối)?
Cuộc hội nhập toàn cầu phải tiến từ tiểu đại đồng (cơ năng giai tầng, bản vị quốc gia), đến trung đại đồng (cơ năng quốc gia, bản vị khu vực), rồi đại đại đồng (cơ năng khu vực, bản vị nhân loại) trong sự tôn trọng và giúp nhau vui sống chứ không phải cạnh tranh nhau quyết liệt giành phần thắng về mình, dù bằng vũ lực hay kinh tế.
Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ, Trump và Biden, đều chưa cho thấy tầm nhìn mang tính toàn cầu, toàn nhân loại trong thời đại mới như vậy.
Thế giới không thể tìm thấy một nền hoà bình lâu dài nếu bỏ dân tộc, không qua khu vực mà tiến thắng đến đại đồng quốc tế như cộng sản chủ trương, hoặc chỉ các nước phương Tây và một vài quốc gia khác là giàu có, bỏ lại sau lưng đa số nghèo khổ của các nền văn minh phi phương Tây bị văn minh phương Tây tràn vào tìm lợi nhuận kinh tế như Samuel Huntington đã viết trong The Clash of Civilizations and the Making of World Order.
Khi nhìn theo hướng tiến của nhân đạo – đường sống, đời sống người, đã là người thì phải sống như vậy – thay vì chạy theo cảm tính đám đông (cuồng này cuồng nọ) thì mới ‘giải mã’ được những gì xảy ra trên thế giới hoặc những nghịch lý đang diễn ra ngay tại nước Mỹ.
______
(Một số ý kiến trong bài được thu thập từ hai ông Đoàn Hưng Quốc và Đoàn Viết Hoạt).
1. Kt xhcn đặc thù Bắc kinh: nền kinh tế ăn bám, ăn cắp kinh tế xh văn minh. Nó hủy hoại về chính trị, xh văn minh. Nó hủy hoại thế giới về nhân cách, ý thức cộng đồng, hủy hoại, tàn phá môi trường tự nhiên, xã hội
2. Nước Mỹ ngày nay đã đi quá xa với những tiêu chuẩn về giáo dục, xh kt rất văn minh được đưa ra, thực hiện từ cuối thế kỷ 19. Những tiêu chuẩn tốt đẹp đấy, các nước Eu học hỏi từ Mỹ, nay họ vẫn giữ được. Tại sao như vậy, vì nước Mỹ đã bang giao sâu rộng với Trung cộng và đã bị Trung + làm tha hóa
3.Trump thích.. Dut te, Putin vì tính quyết đoán
Chốt: Trump đang xóa bỏ những cái ung nhọt do Trung + và các đời tổng thống Mỹ trc đó gây ra.
Qua bài này, tg cố gắng tìm một câu trả lời về hiện tượng Trump dựa trên những nghiên cứu về “ sự xung đột giữa những nền văn minh” của Sammuel Huntington và của Fakuyama. Sự thực Huntington chú tâm nhiều về sự xung đột giữa hai nền văn minh Kitô giáo ở Tây phương và Hồi giáo ở Trung đông, còn Frank Fakuyama nói nhiều về xung đột văn hoá giữa các sắc dân trong bối cảnh toàn cầu hoá. Nói chung 2 ông này nghiên cứu nhiều về sự xung đột giữa văn minh kitô giáo và hồi giáo. Cả Huntington và Fakuyama không nghiên cứu bất cứ sự xung đột nào trong nội tại của văn minh kitô giáo thể hiện ở nền chính trị của nước Mỹ hiện nay.
Nhiều người còn ra vẻ lý thuyết gia khi nói về chủ nghĩa Trumpist. Sự thực Trumpist chỉ là một cách gán ghép cho có vẻ Trump là một nhà chính trị có đường lối và lý thuyết. Thật vậy nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng sở dĩ có hiện tượng cuồng Trump là do vấn đề kinh tế xã hội ở Mỹ dễ tạo ra những bất công, do có sự chênh lệch càng ngày càng lớn giữa những tầng lớp người nghèo và những người giàu có. Trump nổi lên vì nhiều người bị thiệt thòi trong xã hội tin rằng ông ta có thể mang lại sự công bằng về kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hoá. Nhưng nhìn kỹ chính sách kinh tế của Trump, chính sách này chỉ mang đến sự bất công càng lớn hơn trước.
Bất cứ sự bất mãn nào của một tầng lớp quần chúng trong một xã hội cũng đều xuất phát từ vấn đề kinh tế. Cả Huntington và Fakuyama đều chỉ chú trọng về xung đột giữa các nền văn minh nhưng coi nhẹ sự xung đột về kinh tế. Còn Trump không mang đến những cách giải quyết vốn tồn tại trong xã hội Mỹ, mà chỉ tạo ra sự bất công lớn hơn trong xã hội, không chỉ về vấn đề kinh tế qua việc giảm thuế cho những người giàu có nhất mà ở cả vấn đề sắc tộc, vấn đề quyền dân sự giới tính v.v…
Đường lối dân chủ tự do tư bản mô hình của Mỹ xem ra có nhiều xung đột xã hội hơn so với dân chủ an sinh ở châu Âu. Và chính đường lối này đảng dân chủ ở Mỹ mong đạt đến.(Mở dấu ngoặc ở đây để nói về hệ thống xã hội ở các nước châu Âu. So với hệ thống an sinh xã hội ở châu Âu, ở Mỹ yếu kém hơn. Người thất nghiệp lâu năm ở châu Âu có nhiều cơ hội để được huấn nghiệp và trợ giúp kinh tế vững chắc hơn. Cho nên những thành phần bất mãn trong xã hội cũng ít nguy cơ hơn.)
“Nói tóm lại, theo ghi nhận của Samuel Huntington trong The Clash of Civilizations, dân chủ [đảng tranh] phương Tây với triết Hy Lạp, luật La Mã, tiếng La Tinh và Cơ Đốc giáo cộng với lối sống hưởng thụ vật chất, tự do mậu dịch để tìm lợi nhuận tối đa đã trở thành nền tảng văn hoá Âu Mỹ – một “trật tự phương Tây” được phát triển ra toàn thế giới hơn ba trăm năm qua mà theo nhiều người, phải được những lãnh đạo như ông Trump bảo vệ.”
Xin vui lòng nghiên cứu lại tác phẩm Clash of Civilization của Samuel Huntington. Tác giả đã nêu lên một luận đề quan trọng về tương lai của nền chính trị thế giới: tranh chấp không do sự dị biệt trong mối quan hệ Đông Tây và ý thức hệ của các siêu cường, dù thời kỳ xung đột của Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Hiện nay, định đoạt các đường hướng chính trị ngày càng mờ rộng trong nhiều lĩnh vực văn hoá, tôn giáo, sắc tộc và văn minh. Trong bối cảnh va chạm mới này, một cuộc thế chiến sẽ có thể xảy ra.
Trong thế kỷ XXI, nguyên nhân chính cho xung đột chính trị thế giới sẽ dựa theo tín điều Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Khổng giáo. Các quốc gia Hồi giáo sẽ kết hợp nhau thành một liên minh chiến lược và Trung Quốc sẽ lãnh đạo các quốc gia theo Khổng giáo. Cả hai sẽ có thể kết hợp nhau hoặc hành động độc lập, nhằm làm cho vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ và châu Âu sẽ không còn. Bên cạnh ba tôn giáo này, Huntington còn nêu lên năm đường lối văn hoá hỗ trợ làm cho các xung đột tôn giáo trầm trọng hơn, đó là Nhật Bản, Ấn độ, Liên Xô và khối Đông Âu, Nam Mỹ và Phi Châu.
Bà này có những phân tích thuyết phục,chứ không nhìn qua lăng kính phe đảng
như một số tác giả “nhắm mắt” đi theo định hướng của báo chí thiên tả Mỹ.
Đáng khen bản lĩnh suy luận độc lập của tác giả cùng với 2 tác giả ĐHQ và ĐVH.
@ Huyền Võ,
Bài viết phân tích hay thế mà ông bảo là lòng vòng. Ông viết toàn chữ in hệt như dân đại học chữ to nhưng lại không dấu, chữ nó chạy lòng vòng làm ông rối mắt loãng não cũng là chuyện có thể hiểu được.