Mặt trận tư pháp (Phần 2)

Đinh Từ Thức

27-10-2020

Tiếp theo phần 1

Từ cấm kỵ đến tự do

Đám đông ăn mừng Tối cao Pháp viện ra phán quyết chấp nhận hôn nhân đồng tính (same sex marriage) tại Washington, năm 2015. Nguồn: Zach Gibson/ NYT

Những chuyện cấm kỵ và tự do liên quan tới hôn nhân tại Virginia, từ hơn nửa thế kỷ trước, ăn nhằm gì tới những sôi nổi đang diễn ra hôm nay? Đó là những bằng chứng cụ thể, cho thấy tầm quan trọng của mặt trận tư pháp trong một xã hội dân chủ. Có tự do hay không, dân chủ còn hay mất, dễ thở hay nghẹt thở, đều bắt nguồn từ hệ thống tư pháp. Tổng thống chỉ cầm quyền bốn năm, hay tám năm. Dân biểu, nghị sĩ có nhiệm kỳ hai, hay sáu năm, mỗi lần tái ứng cử, là một lần dân có quyền tái định đoạt vai trò của họ bằng lá phiếu của mình. Thẩm phán liên bang có nhiệm kỳ suốt đời.

Trump đến rồi Trump đi, nhưng các “thẩm phán điều 3”, từ toà án Quận, toà Phúc thẩm, đến toà Tối Cao; vẫn có thể tiếp tục giải thích luật theo ý họ, nghĩa là theo ý hướng Trump và đảng Cộng Hòa, thêm vài ba chục năm nữa. Tuy họ có thể bị bãi nhiệm bởi Quốc Hội, nhưng thủ tục phiền phức, ít khi xảy ra. Riêng TPTC, người tại chức lâu nhất, William Douglas, 36 năm 7 tháng, qua 7 đời tổng thống; từ Roosevelt đến Ford, từ năm 1939-1975. Người thế chân ông Douglas là John Stevens, cũng tại chức 35 năm, từ 1975 tới 2010. Hai TPTC qua đời gần đây nhất, Antonin Scalia, tại chức 30 năm, từ năm 1986 đến 2016 và bà Ruth Ginsburg, 27 năm, từ năm 1993 đến 2020. Và ở tuổi 48, người mới được đề cử vào TCPV, là Thẩm phán Amy Barrett, có thể tại chức tới 40 năm.

Trong vòng ba năm rưỡi của nhiệm kỳ đầu, Tổng Thống Trump, với sự giúp sức tích cực của Nghị sĩ trưởng khối Cộng Hòa Mitch McConnell, đã mang vào ngành tư pháp nhiều thẩm phán liên bang nhất, so với các tổng thống trong 40 năm qua, kể từ Tổng Thống Reagan.

Theo Pew Research, cho đến ngày 7/7/2020, cả ba cấp trong hệ thống tư pháp liên bang, có tất cả 792 thẩm phán đang hoạt động trên toàn quốc, tại 1 TCPV, 13 toà Phúc thẩm vùng và 91 toà án Quận. Trong số này, ông Trump đã bổ nhiệm 194 người, tức 24%. Gần một phần tư tổng số thẩm phán liên bang này, cộng với thành phần thẩm phán bảo thủ vẫn còn tại chức, chẳng mấy chốc, thành phần này sẽ có đa số, tha hồ xét xử và giải thích luật theo quan điểm của xã hội vài thế kỷ trước. Nghĩa là, đẩy bánh xe lịch sử tiến theo hướng lùi. Riêng thành phần TCPV, khi bà Amy Barrett an vị trước bầu cử, dù ông Trump thất cử, phía bảo thủ toà này vẫn có được đa số tuyệt đối 6-3, đủ khả năng thay đổi sinh hoạt xã hội trong nhiều thế hệ.

Xung đột từ đồi Capitol

Công tâm mà nói, cuộc chiến tư pháp hiện tại, không do Tổng thống Trump châm ngòi. Ông và phía Cộng Hòa, đều sử dụng nhau như phương tiện. Ông dùng Cộng Hòa để mưu cầu danh lợi cá nhân. Cộng Hòa, qua lãnh tụ tại Thượng viện Mitch McConnell, sử dụng ông để trả miếng hận Dân Chủ từ trên ba thập niên trước. Đồng thời, chặn bước tiến quá mau của xã hội vào đầu thế kỷ 21; do hậu quả của cuộc cách mạng thông tin; cố vớt vát những gì vẫn được coi là “giá trị truyền thống” của một xã hội từ vài thế kỷ trước, cùng lúc, bảo vệ quyền lợi của giới tài phiệt, là nguồn sống của khuynh hướng bảo thủ.

Tại cuộc điều trần tại Uỷ ban Tư pháp Thượng viện trong tiến trình chuẩn thuận bà Amy Barrett, Nghị sĩ Dân Chủ từ tiểu bang Rhode Island, Sheldon Whitehouse, đã trưng bày một bản liệt kê chữ lớn trên khổ lớn, lấy dữ liệu từ The Washington Post, với lời ghi “A conservative activist’s behind-the-scenes campaign to remake the nation’s courts” tiếp theo là số tiền $250 MiLLION IN DARK MONEY (Một nhà hoạt động bảo thủ ẩn danh vận động làm lại các toà án toàn quốc $250 triệu đô la trong quỹ ĐEN).

Theo tường thuật của Seung Min Kim trên Washington Post, ngày 23 tháng 10, trong cuộc họp cùng ngày tại Thượng viện để quyết định về thủ tục cuối cùng trong việc chuẩn thuận Thẩm phán Amy Barrett vào TCPV, đã diễn ra vụ tranh luận gắt gao giữa hai Trưởng khối đa số Cộng Hòa McConnell, và Trưởng khối Thiểu số Dân Chủ Schumer.

Năm 1986, Thượng viện đã chuẩn thuận Thẩm phán Antonin Scalia vào TCPV, một người có khuynh hướng cực hữu, với tỉ lệ 98-0. Năm 1993, Thượng viện chuẩn thuận Thẩm phán Ruth Ginsburg, một người có khuynh hướng cấp tiến, với tỉ lệ 96-3. Điều này chứng tỏ, dù hai ứng viên có khuynh hướng đối nghịch, cả hai người đều được hầu như toàn thể Thượng viện, thuộc cả hai đảng chấp thuận. Chuyện đẹp này không còn nữa.

Trong cuộc họp Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm thứ Năm 22/10, bà Barrett đã được chấp thuận, với số phiếu của toàn thể thành viên Cộng Hòa của uỷ ban, trong khi toàn thể thành viên Dân Chủ tẩy chay phản đối.

Trong cuộc họp hôm thứ Sáu, Mitch McConnell đổ lỗi cho Dân Chủ: “Đó là một sự việc – một sự việc lịch sử – đã do phía Dân Chủ Thượng viện khởi đầu trước, gây các khó khăn hiện thời của chúng ta kể từ 1987, và là phía khởi sự mọi cuộc leo thang. Mọi leo thang đã khởi đầu từ phía bên kia”.

Nhưng chính McConnell đã dàn dựng vụ leo thang đáng kể nhất trong cuộc chiến tư pháp những năm gần đây, khi ông đã ngăn chặn vụ đề cử TPTC vào năm 2016 của Tổng Thống Obama, tám tháng trước bầu cử – một việc làm khiến phía Dân Chủ cay cú từ đó.

Theo Seung Kim, McConnell đứng quay lưng về phía Dân Chủ, nói với phía Cộng Hòa qua ngôn ngữ mỉa mai không bình thường, nhắm vào cá nhân Lãnh tụ Thiểu số thượng viện Charles Schumer (D-N.Y.): “Tôi mong đồng nghiệp từ New York của chúng ta hoan hỷ với những gì ông đã tạo ra. Tôi hy vọng ông ấy thoả mãn với điều đã tài tình làm cho Thượng viện”.

Khi McConnell chấm dứt, Schumer đứng dậy, nói với cả hai phía, rằng phát biểu của McConnell là cách “ăn miếng tả miếng”, trình bầy một khía cạnh lịch sử bị bẻ cong. Ông nói: “Phía đa số Cộng Hòa thượng viện đang trên bờ vục thẳm tạo ra một sai lầm lịch sử khổng lồ. Những thiệt hại gây ra cho viện này sẽ không thể phục hồi”.

Schumer mô tả một đảng đạo đức giả, đã không có lý do chặn lại việc đề cử Merrick Garland vào TCPV năm 2016, rồi bây giờ hấp tấp chuẩn thuận Barrett, chỉ hơn một tuần trước ngày bầu cử mà hàng chục triệu cử tri Mỹ đã bầu rồi. Schumer nói với phía Cộng Hòa: “Quý vị không có quyền tranh luận về nhất trí khi quý vị làm những gì đang làm… Phía đa số đã chà đạp lên thường tình, quy định, chuẩn mực, danh dự, giá trị, bất cứ thứ gì trong số này có thể trở ngại cho tham vọng đưa một người vào toà án để người này sẽ lấy đi những quyền của biết bao người Mỹ”.

Những ấm ức cũ

Khi Amy Barrett còn là cô bé 15 tuổi, một cuộc xung đột lịch sử đã diễn ra giữa Cộng Hòa và Dân Chủ tại Thượng viện, chung quanh một ghế trống tại TCPV.

Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, sau khi Tổng Thống Reagan loan báo vào ngày 1 tháng 7 năm 1987, đề cử Thẩm phán Phúc thẩm Robert Bork vào TCPV, Nghị sĩ Dân Chủ Edward Kennedy đã gắt gao phê bình, rằng:

“Nước Mỹ của Robert Bork là nơi phụ nữ buộc phải tới những nơi phá thai trong ngõ hẻm, da đen phải ngồi riêng ở quầy ăn trưa, cảnh sát thô bạo có thể phá cửa vào xét nhà dân lúc nửa đêm, học sinh không được dạy về thuyết tiến hoá, nhà văn và nghệ sĩ bị nhà cầm quyền kiểm duyệt tùy thích, và những cánh cửa tòa liên bang đóng chặt trên ngón tay của hàng triệu người dân, đối với họ, tư pháp – thường là chỗ duy nhất – bảo vệ những quyền cá nhân là tâm điểm nền dân chủ của chúng ta”.

Tại Sao?

Các Nghị sĩ Dân Chủ Joseph Biden, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Edward Kennedy, thảo luận trong vụ chống Robert Bork, 1987. Nguồn: John Durika/ AP

Giống các thẩm phán Leon Bazile; trong vụ Lovings của thập niên 50 thế kỷ trước; Thẩm phán Antonin Scalia sau đó, và Thẩm phán Amy Barrett bây giờ, Thẩm phán Robert Bork từng là người rất xuất sắc từ khi còn đi học; là luật gia và giáo sư nổi tiếng – từng là thầy của Bill và Hillary Clinton, Jerry Brown, và John Bolton tại Yale và cùng sùng đạo Công Giáo. Là người đạo hạnh gương mẫu, không có gì đáng chê trách về phương diện cá nhân.

Trong lãnh vực công, với chức Tổng Giám Đốc Tư Pháp (Solicitor General – chức vụ thứ nhì sau Bộ Trưởng Tư Pháp – Attorney General) thời Nixon, ông Bork đã theo lệnh Nixon, sa thải Công Tố viên Đặc biệt Archibald Cox, vì ông này đòi Nixon nộp các cuốn băng thu thanh tại Bạch Ốc trong vụ tai tiếng Watergate. Ông Bork miễn cưỡng làm việc này, sau khi các cấp trên của ông đã từ chức để phản đối. Vào năm 1982, khi Tổng Thống Reagan đề cử ông vào địa vị thẩm phán tòa phúc thẩm – Court of Appeals for the District of Columbia – tòan thể Thượng viện đã chấp thuận dễ dàng. Điều này chứng tỏ, việc ông theo lệnh Nixon sa thải ông Cox, không là nguyên nhân chống đối của phe Dân Chủ.

Nhưng 5 năm sau, khi cũng Reagan đề nghị ông vào TCPV, sóng gió đã nổi dậy từ đầu. Điều này chứng tỏ, lý do ông bị chống đối, không do những gì ông làm trong phạm vi cá nhân, hoặc thuộc lãnh vục hành chính, hay chính trị, mà từ quan điểm của ông đã thể hiện qua những phán quyết tòa phúc thẩm. Ví dụ, trong vụ Deonenburg v. Zech vào năm 1984, Thẩm phán Bork đã không chấp nhận quan điểm về Quyền riêng tư – right to privacy; một quyền đã được TCPV căn cứ vào đó để chấp nhận cho phá thai, trong vụ Roe v. Wade. Ông Bork cũng không chấp nhận quyền tự do ngôn luận đối với tư nhân, mà chỉ dành cho chính quyền và các đảng phái chính trị. Ông cũng chủ trương cho các xí nghiệp lớn không bị trói buộc bởi quá nhiều quy luật, cho rằng điều này chỉ khiến giới tiêu thụ phải trả gá. Không những chống phá thai, ông Bork còn chống cả ngừa thai và hôn nhân đồng tính.

Tóm lại, về quan điểm giải thích luật, cũng như Scalia cùng thời và Barrett bây giờ. Ông tự mô tả thuộc phái originalism, nghĩa là giải thích luật theo nghĩa nguyên thuỷ, khi nó được làm ra, không cần để ý tới đà tiến của xã hội. Chẳng hạn, ngay trong đoạn mở đầu của Hiến Pháp Mỹ, có ba chữ “insure domestic tranquility”, là bảo đảm an bình nội bộ. Nếu giải thích theo nghĩa rộng, một cuộc biểu tình ôn hoà, không đập phá, là không phạm tới an bình nội bộ. Nhưng cũng có thể nói, dù không đập phá, nhưng cũng gây trở ngại cho những người lưu thông, cho giới làm ăn buôn bán, thế là phạm tới an bình nội bộ. Ngoài ra, chuyện nhỏ hơn, như cãi nhau trong nhà, có phạm tới an bình nội bộ, có đáng để hàng xóm hay cảnh sát can thiệp không?

Chính vì quan điểm giải thích luật một cách chặt chẽ, bảo thủ, Thẩm phán Bork đã bị hạ quá đậm trước cửa vào tòa tối cao, bằng tỉ lệ 58 chống, 42 thuận.

Trong cuộc tranh luận trước khi bỏ phiếu, Nghị sĩ Biden (ứng viên TT bây giờ), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện lúc đó, phát biểu: “Tôi tin rằng tôi có những quyền, bởi vì tôi hiện hữu, bất kể chính quyền, không phải do chính quyền. Thẩm phán Bork tin rằng, các quyền đến từ đa số, qua Hiến Pháp đến những cá nhân, một quan điểm tôi phủ nhận”. (”I believe I have rights because I exist, in spite of my government, not because of my government. Judge Bork believes that rights flow from the majority, through the Constitution to individuals, a notion I reject”).

Sau cuộc bỏ phiếu với đa số phủ nhận Bork, Nghị sĩ Biden phát biều cảm tưởng: “Tôi thích thắng cuộc”, vụ thắng lợi này “kém vui hơn các vụ khác, vì chúng ta đang nói về một người phải ngồi nhà nghe chuyện này, một người tốt lành chỉ vì đã có cái nhìn về Hiến Pháp không phù hợp với thời đại 1980 và 1990” (”I enjoy winning,” this particular victory was ”less enjoyable than others, because we are talking about a man who had to sit home and listen to this, a fine man who just had a view of the Constitution that is out of touch with the 1980’s and 1990’s”).

Cộng Hòa thua đậm Dân Chủ qua vụ Robert Bork vào năm 1987, đên nỗi, tên ông Bork, đã biến thành động từ “to bork”, có nghĩa là một người bị loại, khi được đề cử vào một chức vị nào đó. Nhưng từ 2015, sau khi chiếm được đa số qua vụ bầu cử giữa kỳ năm 2014, Cộng Hòa đã thắng liên tiếp trong việc đưa người vào các tòa liên bang, do lỗi lầm của Dân Chủ. Vào năm 2013, tuy Dân Chủ đa số, nhưng vẫn bị khối thiểu số do McConnell lãnh đạo, dùng thủ tục “nói dai” – filibuster, ngăn không cho biểu quyết chấp thuận các thẩm phán liên bang, do Obama đề cử. Muốn vượt qua filibuster, cần ít nhất 60 phiếu. Dân Chủ chỉ có đa số quá bán, không đủ 60 phiếu. Muốn thoát bế tắc này, Trưởng Khối Dân Chủ Harry Reid đã chủ trương thay đổi, bỏ rào cản filibuster, chỉ cần đa số thường khi chấp thuận thẩm phán liên bang. Nhờ đó, Dân Chủ cử trót lọt một số người.

Nhưng lợi bất cập hại. Chỉ hơn một năm sau, từ đầu năm 2015, Cộng Hòa có đa số, trong hai năm cuối của nhiệm kỳ 2, bao nhiêu người do Obama đề cử, đều bị ngâm. Cũng thời gian này, Trump ra ứng cử tổng thống, hứa với Cộng Hòa, sẵn sàng làm đầy chỗ trống tại các tòa liên bang. Hồi 12 giờ 38 phút chiều ngày 26 tháng 6 năm 2015, Trump tweeted nguyên văn: “If I win the presidency, judicial appointments will do the right thing unlike Bush’s appointee John Roberts on Obamacare” (Nếu tôi thắng chức tổng thống, những chọn lựa tư pháp sẽ làm đúng, không giống như John Roberts do Bush chọn đã làm với Obamacare) (Chủ Tịch TCPV John Roberts do Bush đề cử đã bỏ lá phiếu quyết định giữ lại Obamacare).

Năm 1993, tuy cả hai vợ chồng đều hoạt động trong ngành luật, sau khi nhậm chức tổng thống, Bill Clinton phải mất gần ba tháng mới kiếm ra bà Ruth Ginsburg. Còn Trump, là người kinh doanh nhà đất và sòng bạc, ngay khi còn là ứng cử viên năm 2016, đã công bố một danh sách các dự tuyển vào TCPV. Và trước khi bà Ginsburg qua đời, Trump đã công bố một danh sách tới 40 người thay thế. Bà Barrett là người hàng đầu trong danh sách này. Bà không phải là “người của Trump”. Cũng như hai người trước đó đã được Trump đưa vào TCPV, là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh, đều là những người tương đối còn trẻ, để có thể tại chức ba bốn thập niên, đều là những luật gia xuất sắc, đã được tổ chức Federalist Society chú ý, kết nạp, và chuẩn bị chu đáo từ khi còn đi học.

Ngoài việc không chấp thuận các thẩm phán liên bang cấp dưới từ đầu 2015, McConnell chặn cả thẩm phán tối cao do Obama đề nghị từ đầu năm 2016. Sau khi TPTC Antonin Scalia từ trần ngày 13 tháng 2 năm 2016, Obama đã đề cử người thay thế, là Merrick Garland, một thẩm phán lỗi lạc tại Court of Appeals for the District of Columbia Circuit, phục vụ cùng tòa với nhiều người đã từ đây vào TCPV. Nhưng bị McConnell chặn ngay từ đầu, không điều trần, không biểu quyết, không có lý do bất thường như đại dịch Covid-19, mà chỉ vì một lý do, là năm có bầu cử tổng thống, phải đợi quyền đề cử cho người thắng cuộc.

Nghị sĩ Mitch McConnell đã nói ngay trong ngày Thẩm phán Scalia từ trần, rằng: “Dân Mỹ cần phải có tiếng nói trong việc chọn Thẩm phán Tối Cao kế tiếp của mình. Vì thế, chỗ trống này không nên có người ngồi cho đến khi chúng ta có một Tổng Thống mới”. (The American people should have voice in the selection of their next Supreme Court Justice. Therefore, this vacancy should not have filled until we have a new President). Nhờ vụ ngăn chặn này, một trong những việc làm đầu tiên của Tổng Thống Trump, là cử Thẩm phán Neil Gorsuch vào TCPV. Đồng thời, Trump cũng có cơ hội đề cử hàng loạt thẩm phán vào các tòa cấp dưới, lấp đầy những chỗ trống đã bị McConnell chặn lại trong năm cuối của Obama.

Nói lời, không thèm giữ lời! Hơn bốn năm sau, trong khi loan báo tin Thẩm phán Ginsburg từ trần, chỉ 6 tuần trước ngày bầu cử năm 2020, Nghị sĩ Mitch McConnell cho biết, người thay thế bà Ginsburg do Tổng Thống Trump đề cử sẽ được Thượng viện tiến hành thủ tục chuẩn thuận. Đồng thời, ông Trump, vào ngày 23 tháng 9, tweet cho mọi người biết rằng, theo ông nghĩ, kết quả bầu cử có thể được quyết định tại TCPV. Nên ông nghĩ, điều rất quan trọng là TCPV có đủ 9 thẩm phán. (I think this will end up in the Supreme Court. I think it’s very important that we have nine justices). Nên nhớ, cuộc bầu cử năm 2000, George W. Bush, tuy được ít phiếu cử tri đại chúng hơn đối thủ Al Gore, đã được TCPV xử cho thắng cử, với tỉ lệ 5-4.

McConnell nói trong phiên họp Thượng viện hôm Chủ Nhật 25/10: “Thượng viện đang làm đúng. Chúng ta đang tiến tới trong cuộc tuyển chọn này, và thưa các bạn đồng viện, vào tối mai, chúng ta sẽ có một thành viên mới cho TCPV”. McConnell còn nói thêm rằng: “Rất nhiều điều chúng ta đã thực hiện trong bốn năm qua sớm hay muộn sẽ bị xoá bỏ vì cuộc bầu cử sắp tới. Những điều ấy không thể làm gì được trong thời gian lâu nữa”.

Ngay trước giờ bỏ phiếu vào thứ Hai 26/10, ông Schumer còn nặng lời chỉ trích phía Cộng Hòa: “Người dân Mỹ sẽ không bao giờ quên việc làm mất tin tưởng trắng trợn này. Họ sẽ không bao giờ quên việc các ông đã bất kể tiếng nói của họ, của những người đang đứng xếp hàng để bỏ phiếu theo lựa chọn của họ, không phải lựa chọn của các ông”. Mitch McConnell đáp lại rằng: “Lý do chúng tôi có thể làm như chúng tôi đã làm năm 2016, 2018 và 2020 vì chúng tôi đã có đa số”. Lời qua tiếng lại mãi, rồi cũng đến lúc bỏ phiếu, thể hiện tình trạng chia rẽ chưa từng có trong lịch sử chuẩn thuận người vào TCPV.

Thượng viện đã chấp thuận bà Amy Coney Barrett trở thành Thẩm phán TCPV, thay thế bà Ruth Bader Ginsburg, với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống. Nguồn: Washington Post

Đám cưới chạy tang

Sau đúng một tháng sóng gió từ khi được đề cử, và cả cuối tuần tranh cãi gắt gao giữa hai họ Dân chủ và Cộng Hòa, cuối cùng, Thượng viện đã bỏ phiếu chấp thuận bà Amy Coney Barret (ACB), trở thành Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện thứ 115 trong lịch sử 231 năm của tòa án cao nhất này, vào lúc hơn 8 giờ tối ngày 26 tháng 10, chỉ một tuần trước cuộc bầu cử ngày 3/11/2020.

Và mọi việc đều diễn ra hối hả, làm lấy được, như trong một đám cưới chạy tang. Một lễ tuyên thệ cho tân giai nhân đã diễn ra chỉ một giờ sau, tại vườn hồng Bạch Ốc ngay trong đêm, với vị chủ trì là TPTC Clarence Thomas, khách tham dự đeo khẩu trang, thay cho khăn tang. Đây là lễ tuyên thệ trung thành với Hiến Pháp. Lễ tuyên thệ giữ lề luật TCPV sẽ diễn ra ngày hôm sau, do Chủ Tịch John Roberts chủ trì tại TCPV.

ACB tuyên thệ nhậm chức. Nguồn: Washington Post

Trong lời phát biểu ngắn sau khi tuyên thệ, tân Thẩm phán nói: “Một thẩm phán tuyên bố độc lập không phải chỉ từ Quốc Hội và tổng thống, nhưng cũng còn từ những niềm tin riêng tư có thể làm mình xúc động”. Phát biểu này có vẻ khác với quan điểm của vị thẩm phán trong vụ án Lovings, quan niệm rằng Chúa đã tạo ra những chủng tộc khác mầu da, cho ở tại các lục địa khác nhau, và không nên cho họ pha giống qua hôn nhân.

Sẽ không có thời kỳ trăng mật, rất nhiều công việc hệ trọng đang đợi cô dâu mới. Việc đầu tiên là ngày 10 tháng 11 tới, Barrett sẽ phải tham dự quyết định về số phận của Obamacare, còn gọi tắt là ACA (Affordable Care Act), cái thứ là bình phong che chở bệnh nhân nghèo, nhưng Tổng Thống Trump ghét cay ghét đắng, ông hứa loại bỏ từ khi còn tranh cử hơn bốn năm trước, mà đến nay vẫn chưa làm được.

Trong thời gian sát hạch, cô dâu ACB đã tránh trả lời trực tiếp mọi câu hỏi hóc búa, khiến Nghị sĩ Edward Markey (D-Mass.) đã cả quyết: “Chúng ta có thể có ACA hoặc ACB, nhưng không thể có cả hai”. Bây giờ, ACB phải quyết định về số phận của ACA, không thể tránh né thử thách này nữa. Và tất nhiên, cũng không tránh khỏi những vụ kiện rắc rối liên hệ tới cuộc bầu cử tuần tới. Ấy là chưa kể tới những chuyện quan trọng khác, như phá thai, ngừa thai, hôn nhân đồng tính, bảo vệ môi sinh…

Với Amy Coney Barrett, phe bảo thủ từ địa vị thiều số 3 hay 4 chống 5, nay đã thành đa số 6 đè 3, một tỉ lệ như chỉ có trong mơ. Muốn biết vai trò TPTC quan trọng thế nào, chỉ cần nhớ lại cuộc bầu cử hai chục năm trước. Ông George W. Bush đã đắc cử nhờ một quyết định của TCPV với tỉ lệ 5-4. Trong 5 phiếu đa số này, một phiếu là của TPTC Clarence Thomas, người duy nhất do ông Bush cha đề cử. Ông Bush cha mất một nhiệm kỳ, nhưng nhờ lá phiếu của người do ông đề cử vào TCPV, con ông có hai nhiệm kỳ. Mất một được hai!

Cựu công tố liên bang James D. Zirin có nhận xét đáng chú ý về đa số bảo thủ mới tại TCPV, ông viết trên The Hill hôm 26 tháng 10: “Chúng ta có thể trên đường tới chỗ có một tổng thống không được bầu theo ý chí của dân, nhưng bởi các thẩm phán không được dân bầu”. (We may be on the road to having a president who is not elected by the will of the people, but by unelected judges).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây