Bản tin ngày 27-10-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Zing đưa tin: 46.000 binh sĩ Mỹ – Nhật khởi động cuộc tập trận ‘Kiếm sắc’. Đó là cuộc tập trận mang tên Keen Sword 21, có sự tham gia của hơn 9.000 binh sĩ, 100 máy bay và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ, cùng với tàu chiến Nhật Bản ở ngoài khơi quần đảo Okinawa, bắt đầu từ ngày 26/10 và dự kiến kết thúc ngày 5/11, theo thông tin từ Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.

Liên quan đến cuộc tập trên, Infonet có bài: Tàu chiến ‘khủng nhất’ của Nhật tập trận với Mỹ sau sứ mệnh ở Biển Đông. Đó là Tàu Kaga, tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, hiện đang tập trận với Mỹ sau khi thực hiện sứ mệnh tuần tra ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Tin cho biết, “hồi đầu tháng 10, Nhật Bản còn huy động chiến hạm diễn tập chống ngầm trên Biển Đông. Động thái của Nhật Bản đã vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc”.

Cuộc tập trận Keen Sword 21 như một thông điệp do Mỹ – Nhật cùng phát ra để răn đe tham vọng của TQ ở Biển Đông. Ảnh: Infonet

US. Navy có clip: Nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng với Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản trong cuộc tập trận Keen Sword 21.

Báo Pháp Luật TP HCM bàn về vai trò của dân quân Philippines: Đối trọng ‘chiến lược vùng xám’ Bắc Kinh. Lực lượng dân quân nước này có thể làm đối trọng với “dân quân biển” do TQ triển khai để hình thành “vùng xám” ở Biển Đông. Chuyên gia hàng hải Philippines Jay Batongbacal bình luận: “Việc triển khai lực lượng dân quân là phản ứng của Philippines trước sự hiện diện đông đảo của lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Nhu cầu thực sự cấp bách đối với Philippines là có quân số nhiều hơn trên thực địa nhằm giám sát Biển Đông”.

Mời đọc thêm: 46.000 binh sĩ Mỹ-Nhật tập trận trước lo ngại về Trung Quốc (PLTP). – Nhật Bản và Mỹ mở tập trận quân sự với quy mô lớn (GDTĐ). – Hình ảnh cuộc tập trận Mỹ – Nhật khiến Trung Quốc phẫn nộ (VNN). – Mỹ bán hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon cho Đài Loan (FB Kiểm Tin). – Philippines đuổi gần 3.000 người Trung Quốc về nước (Zing).

Ngày thứ 2 xử nhóm lợi ích BIDV

Báo Hà Nội Mới có bài tường thuật ngày thứ hai xét xử đại án BIDV: Các bị cáo đều đổ tội cho người đã mất. Dĩ nhiên, “người đã mất” đó chính là người đã qua đời trong tình huống rất không minh bạch ở trại giam quân đội tỉnh Sóc Sơn ngày 18/7/2019. Đó là người lúc còn sống đã “một tay che trời” ở BIDV, từng là một trong các doanh nhân quyền lực nhất VN, đã giúp “đồng chí X” làm giàu.

Các bị cáo trong vụ đại án BIDV thất thoát nghìn tỉ tại phiên toà. Ảnh: V.Dũng/ LĐ

Sau khi qua đời, người đó “giúp” cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tránh được phiền toái từ “lò củi” của Tổng – Chủ Trọng, giờ còn tiếp tục “giúp” các đồng phạm năm xưa, trở thành tấm bia hứng hết trách nhiệm.   

Cụ thể, các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam đều khai, “do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo trên đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ hơn 600 tỷ đồng, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản bảo đảm khoản giải ngân cho vay để đảo nợ”, gây thiệt hại cho BIDV tổng số tiền hơn 860 tỉ đồng.

Liên quan đến “dấu tay” của Trần Bắc Hà đằng sau các thương vụ “rút ruột” BIDV, báo Pháp Luật TP HCM có bài: Bút phê quyền lực mang tên Trần Bắc Hà. Bài báo dẫn lời kể của bị cáo Nguyễn Xuân Giáp, “trước đây một PGĐ phụ trách quan hệ khách hàng của chi nhánh từng bị ông Trần Bắc Hà chỉ đạo chuyển vị trí công tác vì có ý định dừng giải ngân và giảm dư nợ đối với công ty Trung Dũng”. Ngay hôm sau, Trần Bắc Hà yêu cầu thay đổi người phụ trách và đã chọn Giáp. Giáp khai, có lúc đã muốn từ chối nhưng không dám. 

Liên quan đến các lời khai của thuộc cấp Trần Bắc Hà, báo Đất Việt có bài: Chiếm đoạt 260 tỷ đồng vẫn cười tươi khai báo. Đó là vụ vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn chiếm đoạt 260 tỉ đồng của BIDV, nay bị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị chất vấn, bị cáo Thanh Sơn vẫn tươi cười thanh minh, cho rằng không biết đã làm sai.

Chiêu trò đưa người nhà vào “sân sau”: Dựng cháu họ là lái xe lên làm giám đốc “hờ” để dễ bề chỉ đạo, theo báo Pháp Luật VN. Trong phiên xét hỏi chiều nay, bị cáo Trần Anh Quang, cựu Tổng GĐ Công ty Bình Hà khai, năm 2016, lúc còn làm lái xe ở Bình Định, bị cáo được chú họ là Trần Duy Tùng, là con trai của Trần Bắc Hà đang bị điều tra tội rửa tiền, nhờ ra Hà Nội theo dõi việc bán bò của Công ty Bình Hà. 

Quang nói thêm, đến tháng 8-9/2016, anh ta mới biết mình là cổ đông Công ty Bình Hà: “Khi đó, chú họ bị cáo nhờ đứng tên TGĐ của Công ty Bình Hà. Bị cáo đã từ chối vì không có trình độ nhưng Trần Duy Tùng nói bị cáo đã có tên cổ đông và thuyết phục bị cáo đứng tên tổng giám đốc”.

Phiên xử nhóm lợi ích BIDV cho thấy sự “móc ngoặc” giữa các thế lực “tư bản đỏ”. Báo Dân Trí đặt câu hỏi về phiên xử đại án BIDV: Bầu Đức liên quan gì đến công ty “sân sau” ông Trần Bắc Hà? Tin cho biết, Công ty Bình Hà, một trong các “sân sau” của cố Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, đã phải nhập khẩu bò Úc thông qua tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của tỷ phú Đoàn Nguyên Đức “dẫn đến tăng chi phí kinh doanh” vì “giống cỏ voi Pakchong từ Thái Lan trồng tại Hà Tĩnh không hiệu quả”.

Thêm thông tin về mối quan hệ giữa ông Trần Bắc Hà với người được cho là đã vắt kiệt đất rừng Tây Nguyên để làm giàu: “Ông Hà nhờ ông Đức giới thiệu người có năng lực và kinh nghiệm quản lý để giúp thành lập công ty, đầu tư dự án nuôi bò. Ông Đức giới thiệu bị cáo Dũng, nhân viên cũ của Tập đoàn HAGL, từng phụ trách làm nông nghiệp tại Campuchia nhưng đã nghỉ việc từ đầu năm 2013”.

Mời đọc thêm: Đại án BIDV và sự thao túng của một người (PLTP). – Xét xử vụ án xảy ra tại BIDV: Tách hồ sơ nhiều đơn vị liên quan (TP). – Đại án Trần Bắc Hà thao túng ngân hàng: Đua nhau đổ tội cho người đã chết (GT).Con trai ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc tội danh gì? (DNVN). – Con trai ông Trần Bắc Hà có dấu hiệu “rửa” hơn 10 triệu USDNgoài bầu Đức còn đại gia nào “dính líu” đại án BIDV? (KT). – Vụ BIDV: “Công ty Trung Dũng chưa có cửa để quan hệ với Trần Bắc Hà” (NĐT). – Xét xử vụ án liên quan ông Trần Bắc Hà: Đưa cháu họ lên làm Giám đốc “hờ” (ĐTCK). 

Tin nhân quyền

Báo Thanh Niên dẫn lời Bộ trưởng Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng thông báo “chiến tích”: Gỡ bỏ 283 tài khoản Facebook, 24 kênh YouTube tung tin kích động chống phá nhà nước. Để đạt được “chiến tích” này, có sự đóng góp không nhỏ của các dư luận viên, tuyên truyền viên, có thể dành cả ngày chỉ để theo dõi tài khoản của những người bất đồng chính kiến.

Liên quan tới các số liệu trên, Bộ trưởng Hùng thông báo thêm, “gỡ hơn 1.800 bài viết (trong đó, 8 tháng năm nay đã gỡ gần 1.100 bài viết), 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân”.

Nhưng tiếc là chẳng có tác dụng gì vì diễn biến đưa tin “lề trái” trên mạng xã hội vẫn không bị gián đoạn, thậm chí ngày càng sôi động hơn trước. Facebooker Tráng Nguyễn bình luận: “Chắc ông Bộ trưởng chém gió, chứ tôi thấy kênh YouTube của ông Sơn với ông Nhật vẫn chửi nhà nước mỗi ngày đều như vắt chanh!”

Facebooker Nguyễn Nguyệt cho biết: “Hôm trước mình đăng bài về anh Khải Nguyễn bị an ninh Đồng Nai đến bắt cóc về đồn. Thì có một vài anh chị gọi, nói mình là gỡ hết bài xuống, vì an ninh họ chỉ giam anh Khải 1 tuần với tinh thần là cảnh cáo những người còn lại trong nhóm. Nếu không gỡ thì sẽ làm khó cho anh Khải”.

Bản chất “nói một đằng, làm một nẻo” của công an CS: “Cho tới sáng nay thì công an ĐN tuyên bố giam anh Khải 4 tháng để điều tra… Vậy là an ninh nói chỉ giam anh Khải 1 tuần để điều tra là bốc phét. Ấy vậy mà ngay cả những anh chị em dân chủ cũng dễ tin và nghe lời an ninh ĐN gỡ hết bài về việc anh Khải bị bắt xuống”.

VOA đưa tin: Việt Nam thả trước thời hạn công dân Mỹ bị kết án ‘lật đổ chính quyền’. Đó là ông Michael Phương Minh Nguyễn, đã bị tòa án VN kết án 12 năm tù hồi năm 2019 về cáo buộc “âm mưu nhằm lật đổ chính quyền”. Ông Michael Nguyễn đã được VN thả tự do không lâu sau khi Đối thoại nhân quyền Mỹ – VN diễn ra hồi đầu tháng này. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết: “Chúng tôi xác nhận rằng ông Michael Nguyen đã rời khỏi Việt Nam hôm 21/10”.

Mời đọc thêm: Hội luận: Việt Nam hạn chế, ngăn chặn tự do ngôn luận, tiếng nói bất đồng trên Internet (VOA). – “Cắt điện, cắt nước để cưỡng chế vi phạm hành chính là sai luật và không nhân văn” (RFA). Báo “lề đảng”: Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ ký kết hợp tác 5G giữa Viettel và Vingroup (VNN). – Nâng “sức đề kháng” của người dùng để chống tin giả, sai sự thật (VnEconomy).

Tin giáo dục

Vụ 16 ứng viên GS, PGS ngành Y, Dược dính nghi án gian dối bài báo quốc tế còn chưa giải quyết xong, bây giờ lại có tin từ VietNamNet: 36/50 ứng viên GS và PGS ngành Y, Dược bị tố không đạt chuẩn. GS Nguyễn Ngọc Châu, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, chính là người trước đó công bố thông tin tố cáo 16 ứng viên. Ông Châu cho biết, ông nhận thêm email tố cáo 21 ứng viên GS, PGS ngành Y không đạt tiêu chuẩn, trong số này có 3 ứng viên được nêu ở dạng nghi ngờ. 

GS Châu cho biết thêm, ông còn nhận được email tố cáo một trường hợp đã được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS năm 2019, “GS Châu xem hồ sơ trường hợp này và nhận thấy người bị tố cáo khai có 5 bài báo đăng trên tạp chí có uy tín nhưng ở thời điểm làm đơn xét công nhận PGS thì không có bài nào đạt”.

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi về bê bối nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị tố cáo gian dối: Bộ Giáo dục nói gì? GS Châu cho biết hướng xử lý danh sách 21 người mới gia nhập đội “láo sư”: “Thời hạn các Hội đồng giáo sư ngành làm việc đã gần hết, trong khi việc thẩm định các hồ sơ ứng viên phải mất đến cả tuần nên tôi chuyển thông tin đến Hội đồng giáo sư nhà nước để chuyển về các Hội đồng giáo sư ngành”.

Chánh Văn phòng Hội đồng GSNN Trần Anh Tuấn hứa hẹn: “Tất cả đơn thư khi nhận được, Hội đồng giáo sư nhà nước đều có văn bản yêu cầu các hội đồng ngành xác minh và giải trình các ứng viên do hội đồng ngành đề nghị xét tại Hội đồng giáo sư nhà nước”. Còn Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường chỉ nói: “Thanh tra Bộ sẽ lập đoàn khi cần thiết”.

Vụ bạo hành học sinh lớp 3 ở Đắk Lắk: Cô giáo đánh bầm đùi học sinh tiếp tục bị đình chỉ 3 tháng, Infonet đưa tin. Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột xác nhận, UBND TP vừa ra quyết định tạm đình chỉ giảng dạy 3 tháng và phạt hành chính với cô giáo An Thị Thanh. Cô Thanh là GV chủ nhiệm lớp 3B, Trường tiểu học Nguyễn Du, đã “đánh học sinh bầm tím đùi khiến dư luận bức xúc những ngày qua bị phạt hành chính số tiền 3.750.000 đồng theo Điều 21 của Nghị định 138/2013/NĐ-CP”.

Mời đọc thêm: Thêm 21 ứng viên GS, PGS ngành y bị nghi ngờ ‘gian dối’ bài báo khoa học (TP). – Vụ ứng viên GS, PGS gian dối: Sẽ thanh tra hồ sơ (ĐV). – Vì sao nhiều ứng viên GS, PGS ngành y bị tố gian dối? (NLĐ). – GS Nguyễn Ngọc Châu: ‘Mua bài báo quốc tế là phản khoa học, thiếu đạo đức’ (VTC). – Tôi chết lặng sau khi nghe cuộc điện thoại của con gái học giỏi, ngoan hiền (GDTĐ). – Đắk Lắk: Phạt tiền, tạm đình chỉ giảng dạy 3 tháng với giáo viên đánh bầm đùi học sinh (PL Plus). 

Cập nhật tin chính trường Mỹ

Tối qua 26/10, giờ Mỹ, Thượng viện đã chính thức phê chuẩn để bà Amy Coney Barrett trở thành thẩm phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Theo tin từ đài Fox News, “với kết quả bỏ phiếu 52-48 tối 26-10 sau 30 giờ tranh luận liên tục tại Thượng viện Mỹ, bà Barrett chính thức trở thành thẩm phán thứ ba được bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện dưới thời tổng thống Donald Trump, sau hai thẩm phán trước là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh”.

Vụ phê chuẩn này đã cho thấy rõ “tiêu chuẩn kép” của những người Cộng hòa theo phe Trump: “Việc phê chuẩn thẩm phán Barrett vào Tòa án tối cao thay cho nữ thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg ở thời điểm chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ cũng là tiến trình phê chuẩn nhanh nhất từ trước đến nay ở Mỹ: chưa tới 40 ngày”. Chưa đến 40 ngày nhưng có thể để lại hậu quả đến hàng chục năm sau, khi Tối cao Pháp viện hiện có 6 thẩm phán Cộng hòa nhưng chỉ có 3 thẩm phán Dân chủ.

Đài NBC có clip: Tòa Bạch Ốc tổ chức tiệc mừng sau khi Army Coney Barrett chính thức bước vào Tối cao Pháp viện.

Hậu quả đến ngay tức khắc: Tòa án Tối cao Mỹ bất ngờ từ chối đề nghị của đảng Dân chủ, theo báo Thời Đại. Đảng Dân chủ tại bang Wisconsin yêu cầu Tối cao Pháp viện cho phép kiểm các lá phiếu đến muộn tối đa 6 ngày sau ngày bầu cử nếu chúng được đóng dấu bưu điện trước hoặc trong ngày 3/11, nhưng đã bị từ chối: “Phản ứng trước quyết định trên, Thẩm phán Elena Kagan cùng với hai thẩm phán có quan điểm cấp tiến khác của tòa án, cho rằng phán quyết trên có nguy cơ tước quyền của các cử tri ở Wisconsin.

Về chuyện ông Trump hứa mang việc làm trở lại Mỹ, báo VnExpress đưa tin: Trump [có] nguy cơ trả giá vì những cử tri ‘vỡ mộng’. Tin cho biết, Tập đoàn Thép Mỹ đã công bố đợt sa thải thứ 4, với 2.700 người mất việc ngay lập tức, bất chấp cam kết “đưa việc làm trở lại” của Trump: “6.500 lao động của tập đoàn này cũng đứng bên bờ thất nghiệp, nhiều người trong số họ từng góp công lớn trong việc đưa Donald Trump vào Nhà Trắng hồi năm 2016, vì lời hứa phục hưng ngành sản xuất của ông”

Đài CBS có clip: Các đảng viên Dân chủ ở Pennsylvania cho rằng Tổng thống Trump đã thất bại trước cả Covid-19 và kinh tế.

Mời đọc thêm: Bà Amy Coney Barrett trở thành Thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ (BBC). – Bà Barrett chính thức trở thành thẩm phán Tòa tối cao Mỹ (PLTP). – Thẩm phán Amy Coney Barrett là ai? (LK). – Ông Trump để lại di sản gì cho kinh tế Mỹ sau 4 năm? (VnEconomy). – Những ‘di sản Obama’ Trump chưa thể xóa bỏ (VNE). – Kiểm tra thông tin: Trong cuộc vận động cử tri ở Pennsylvania, Trump đưa ra 4 tuyên bố sai lầm về việc bỏ phiếu ở bang này (CNN). – Chris Christie ‘khôn ba năm dại mấy phút’ (VOA). 

***

Thêm một số tin: Tin về Hội Thánh Đức Chúa Trời ‘cần được kiểm chứng’ (BBC). – Ba yếu tố khiến bão Molave thành ‘cơn cuồng phong’ (VNE). – Khẩn cấp truy tìm 3 người Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly Covid-19 (NLĐ). – TP.HCM: Chuyên gia người Hàn Quốc nhiễm Covid-19, nhiều người phải cách ly (TN).

Bình Luận từ Facebook