Vũ Ngọc Yên
19-10-2020
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 vào ngày 3.11.2020 đang bước vào giai đoạn quyết định. Giới truyền thông báo chí cho biết, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden dẫn trước đương kim Tổng thống Donald Trump trên 10 điểm trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận.
Trước sự kiện này, nhiều chuyên gia quốc tế đã đề cập đến khả năng thay đổi chính sách an ninh đối ngoại của Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3.11.2020, đặc biệt đường lối kềm chế sự trỗi dậy của Trung Cộng cả về mặt kinh tế lẫn địa chính trị trên toàn cầu.
Cùng mục đích nhưng cách tiếp cận khác nhau trong chính sách chống Trung Cộng
Báo Wall Street Journal ngày 11/9 đã khẳng định trong một bài bình luận, rằng quan hệ Mỹ – Hoa đã có một sự thay đổi lớn so với trước và Mỹ sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn đối với Trung Cộng. Richard Haass, chủ tịch của cơ quan tư vấn “Hội đồng Quan hệ Đối ngoại” (Council on Foreign Relations, CFR) phát biểu: “Bất kể ai thắng cử, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong 5 năm tới sẽ cứng rắn hơn so với 5 năm qua”.
Tổng thống Donald Trump đã thể hiện lập trường “diều hâu” về thương mại trong mấy năm qua. Chính quyền ông đã áp đặt thuế quan đối với 2/3 hàng hóa nhập khẩu từ Trung Cộng, áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Cộng vào Mỹ và gây áp lực lên các nước đồng minh để họ tránh sử dụng công nghệ của nước Tàu.
Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên Dân chủ Joe Biden cho rằng, đòn thuế quan đã không mang lại tác dụng, cũng như công kích cuộc chiến thương mại do Trump khởi động là tự tàn phá nền kinh tế nước Mỹ. Liên danh tranh cử Dân chủ Joe Biden – Harris đã chỉ trích “Cuộc chiến thương mại của Trump đang khiến những người nông dân Mỹ điêu đứng, hủy hoại các công việc của người Mỹ và trừng phạt người tiêu thụ Mỹ“.
Chính sách chống Trung Cộng của Biden sẽ bắt đầu bằng việc đổi mới trong nước. Biden cho rằng, Mỹ có thể vượt qua Trung Cộng nếu Mỹ đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc y tế, giáo dục và đào tạo. Chính quyền ông sẽ ủng hộ những nỗ lực cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ cao chiến lược, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các tiêu chuẩn mạng 5G thế hệ tiếp theo. Những chính sách này nhằm kềm chế sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc tương tác giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cựu Thứ trưởng Thương mại Frank Lavin cho biết, Biden sẽ giữ lại một số yếu tố trong chính sách của Tổng thống Trump nhưng không tiếp tục lập trường cứng rắn hoặc kiểu cạnh tranh hiếu thắng, cũng như sẽ đánh giá lại các loại thuế quan nếu đắc cử, chứ không chủ trương bãi bỏ. Dư luận dự đoán, Biden sẽ dẹp bỏ 232 loại thuế quan gây tranh cãi đối với mặt hàng nhôm và thép được áp lên các đồng minh của Mỹ từ Hàn Quốc, Ba Tây, cho tới Gia Nã Đại và Liên minh Âu Châu (EU). Liệu 301 loại thuế quan với Trung Quốc có tiếp tục duy trì hay không, có lẽ còn tùy thuộc vào phản ứng của Trung Cộng đối với tân Tổng thống Mỹ.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden phê bình Tổng thống Trump đã để mất ảnh hưởng toàn cầu vào tay Bắc Kinh bằng cách làm suy yếu các liên minh của Mỹ thông qua chính sách “Nước Mỹ trước hết“. Joe Biden nói rằng, so với Donald Trump, ông sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và phối hợp hành động có tính toàn cầu để gây áp lực lên Bắc Kinh, nếu Trump hợp tác với Gia Nã Đại Mễ Tây Cơ, Hàn Quốc và Nhật Bản, thì các biện pháp liên quan của ông đã có hiệu quả hơn nhiều.
Cố vấn Tony Blinken, cựu thứ trưởng ngoaị giao nói, Biden sẽ tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với các đồng minh như Liên minh châu Âu (EU) – những nước bị ông Trump áp thuế đối với hàng xuất khẩu. Blinken nói “EU là thị trường lớn nhất trên thế giới. Chúng ta cần cải thiện các mối quan hệ kinh tế của mình và cần chấm dứt cuộc chiến thương mại mà chính quyền Tổng thống Trump tạo ra”. Theo Blinken: “Kết hợp sức mạnh của các đối tác và đồng minh lại với nhau sẽ giúp chúng ta có vị thế tốt hơn thay vì rút lui hoặc hành động một mình”.
Cứng rắn nhưng không khởi động chiến tranh
Theo một khảo sát toàn quốc do Hội đồng Đối ngoại toàn cầu Chicago tiến hành, công luận Mỹ đang chia đều về hai quan điểm: Xem Trung Quốc là địch thủ (49%) và xem Trung Quốc như đối tác (50%). Trung Quốc đứng thứ tám trong danh sách thăm dò 12 mối nguy hiểm hàng đầu đối với Mỹ. Theo khảo sát này, người Mỹ coi “họa” Tàu Cộng kém nguy hiểm hơn nhiều so với khủng bố nội địa, bom hạt nhân của Bắc Hàn, hay chương trình hạt nhân Ba Tư.
Đã có lần Biden cho rằng, về mặt kinh tế Trung Cộng chưa hẳn là mối đe dọa lớn cho Mỹ khi ví von “China is not eating our lunch“. Nhưng sau đó ông đã thay đổi lập trường đối với Trung Cộng trong các lãnh vực thương mại, nhân quyền, giới hạn xuất khẩu hàng công nghệ, biến đổi khí hậu và xung đột khu vực. Biden đã chỉ trích “Trung Quốc là một chế độ độc tài. Trung Quốc thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ, cố gắng làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ“.
Trong những tháng gần đây, Biden mỗi lúc tỏ ra cứng rắn có vẻ “diều hâu“. Ông kết án chính sách diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các cuộc đàn áp thô bạo người dân ở Hồng Kông, và mô tả giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc là một “tập đoàn côn đồ”.
Là một chính trị gia chính thống, luôn vận động cho nhân quyền và quảng bá ý tưởng về nước Mỹ như một cường quốc bảo vệ nhân quyền, Joe Biden công bố chính sách Trung Quốc của ông sẽ bao gồm việc chú trọng nhiều hơn đến việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Ông cho rằng, điều này giúp cho Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trên toàn cầu về giá trị chứ không chỉ giới hạn trong lãnh vực kinh tế-thương mại. Đây là khuôn khổ chính sách truyền thống của Mỹ mà chính quyềnTrump đã xem nhẹ.
Biden muốn cuộc đối đầu chống Trung Cộng trong tương lai là cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống Dân chủ và Độc tài. Điều này làm nổi bật tính ưu việt của chế độ dân chủ – tự do. Biden tin tưởng hoàn toàn vào “trật tự thế giới tự do” mà phần lớn do Hoa Thịnh Đốn đặt ra sau Thế chiến II. Trật tự đó được xây dựng dựa trên các liên minh, với cốt lõi là liên minh của các nền dân chủ phương Tây và chính các thể chế và mạng lưới đó là đối lực hiệu quả để chống lại các quốc gia cộng sản và độc tài.
Biden chống Trung Quốc nhưng không muốn kích động một cuộc chiến tranh lạnh mới. Ông và các cố vấn của mình nhận thức rõ, sẽ không đạt được tiến bộ trong các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu hoặc đại dịch Covid-19 nếu không có sự tham gia tích cực của Trung Cộng.
Tác động đến Biển Đông và nền kinh tế Việt Nam
Biden khẳng định “Tôi sẽ cứng rắn với vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc cùng với các hành vi quân sự hóa của nước này trên Biển Đông và một loạt vấn đề khác“.
Jeffrey Prescott, một trong các cố vấn chính sách đối ngoại của Biden khẳng định “Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương”. Mỹ sẽ tăng cường công nghệ radar tiên tiến và năng lực phòng thủ tên lửa để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên cũng như Trung Quốc. Trước việc Trung Cộng ngang ngược tự đề ra “vùng nhận dạng phòng không” (ADZ) ở vùng biển quốc tế nhằm ngăn chặn các chiến đấu cơ của Mỹ, Joe Biden đã phản ứng qua thông báo cho Chủ tịch nước Tập Cận Bình “Chúng tôi sẽ bay ngang qua đó”. Từ sau lời tuyên bố của Biden, Trung Cộng đã ngưng không đặt thêm vùng nhận dạng phòng không.
Ngày 25/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ không thay đổi, dù Trump hay Biden là người thắng cử. Theo Đại sứ Kritenbrink, chính quyền Mỹ sẽ duy trì ba trụ cột chính trong định hướng chính sách của Mỹ sắp tới ở Biển Đông.
Thứ nhất, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao và pháp lý, đề cao các nguyên tắc ủng hộ luật quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở, thúc đẩy các hoạt động tương tự như gửi công hàm đến LHQ, tăng đối thoại với các đối tác thông qua các diễn đàn, trong đó có các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN.
Thứ hai, Mỹ sẽ hỗ trợ các đối tác ở Đông Nam Á tăng cường năng lực nhằm bảo đảm lợi ích trên biển của các nước này, nắm được tình hình và ngăn chặn xung đột.
Thứ ba, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động duy trì tự do hàng hải, nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế. Các tàu và máy bay của Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật cho phép, như đã thực hiện trong hàng chục năm qua.
Biden đánh giá cao Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có vai trò quan trọng đối với sự hiện diện của Mỹ ở châu Á và việc Trump rút khỏi hiệp định này là một sai lầm lớn. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao, Tony Blinken cho biết, Biden không loại trừ khả năng quay trở lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – một thỏa thuận thương mại do cựu Tổng thống Obama đàm phán nhưng sau đó bị Trump hủy bỏ.
Chính quyền Trump, gần hết nhiệm kỳ mới đưa ra những lời kêu gọi phục hoạt Bộ tứ kim cương (Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ), cũng như mời gọi Liên minh Âu châu tham gia chống bá quyền Trung Quốc. Nếu như còn duy trì Hiệp định TPP với 12 quốc gia thành viên, thì đâu cần phải phục hoạt bộ tứ làm chi cho tốn công, phí của.
Trong những năm qua, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ nhất và Trung Cộng là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam, khi hai nước áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng xuất khẩu của nhau, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã có lợi thế hơn so với trước kia.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Tàu sang Việt Nam cũng gia tăng. Trong số 33 công ty Mỹ, trong đó có Microsoft, Google và Apple, đã rút khỏi Trung Quốc vào tháng 10 năm 2019, thì có 23 công ty đã đến Việt Nam và 10 công ty đến Mã Lai Á, Thái Lan và Cam Bốt.
Nhưng nay cơ cấu xuất khẩu theo thị trường đã có những bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường hàng đầu của Việt Nam, gồm EU, Tàu Cộng, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. Duy nhất, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến. Thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng lên 55,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2020. Con số này cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam giảm 8,76%, trong khi nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam tăng 14,35%. Thâm hụt của Mỹ với Việt Nam là 42,36 tỷ USD. Việt Nam trở thành một trong 6 quốc gia có xuất siêu thương mại lớn nhất với Mỹ.
Như vậy, Mỹ đang là cứu tinh cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Và đây cũng là chỗ đặt kinh tế Việt Nam vào thế bất định, rủi ro, một khi thương chiến Mỹ – Hoa hoà hoãn, thậm chí kết thúc.