Đỗ Ngọc
9-10-2020
Năm 1965, tôi phải bỏ học vì mẹ tôi không kịp sắp xếp cho tôi sơ tán về quê học. Vì nghỉ ở nhà nên mẹ tôi nhận cho tôi trông một thằng bé gần 2 tuổi, lấy 5 hào một ngày, phụ giúp thêm cho gia đình. Năm ấy tôi 10 tuổi.
Thằng bé con hàng xóm bụ bẫm, kháu khỉnh, dễ thương. Hàng ngày trông nó, tôi hay cõng nó đi chơi. Nhưng cái sự “bụ bẫm” của nó là nỗi khổ trên lưng tôi, bởi so với tuổi thì nó khá nặng, hơn nữa nó là đứa rất hiếu động. Tôi thì lại ham chơi, nên tôi luôn cõng trên lưng theo xem bọn trẻ trong xóm đánh khăng, chơi bi, đổ dế… Hàng ngày tôi trông nó từ 7 giờ sáng tới 4 giờ chiều, lúc mẹ nó đi làm về. Khi cô ấy giơ tay đón thằng bé khỏi lưng tôi, mặc dầu mới 10 tuổi, nhưng tôi cũng ý thức được thế nào là “trút được gánh nặng”.
Mặc dù thằng bé rất ngoan, nhưng mỗi sáng mẹ nó đưa nó sang cho tôi, tôi lại thấy một ngày u ám, còn mỗi khi thấy bóng mẹ nó về đến ngõ, thì tôi vui hơn là thấy mẹ tôi đi làm về. Những ngày chủ nhật, hay ngày mẹ thằng bé nghỉ làm, tôi lại thấy một ngày đẹp.
Vào những năm ấy, có một tấm gương được đài, báo ca ngợi rất nhiều. Đấy là một cậu bé ba năm cõng bạn đi học. Năm ấy, cô giáo lớp tôi đọc những bài viết về tấm gương cậu bé ấy trên báo Thiếu niên Tiền Phong cho cả lớp chúng tôi nghe nhiều lần. Nghe đâu cậu ấy còn được gặp bác Hồ, và được tặng danh hiệu “Cháu ngoan bác Hồ” nữa.
Đối với tôi thì danh hiệu ấy có gì đấy ghê ghê, ngài ngại. Trải nghiệm 3 tháng cõng thằng bé trên lưng, với tôi là cực hình, tôi không hình dung phải cõng bạn 3 năm đến trường thì vất vả đến nhường nào. Cõng bạn 3 năm để được danh hiệu kia thì chắc chắn là tôi xin khiếu.
***
55 năm sau, truyền thông lại rộ lên một tấm gương 10 năm cõng bạn đến trường. Bây giờ chàng trai ấy chắc đã 17, 18 tuổi. Cách đây 10 năm, cậu ấy cũng trạc tuổi tôi, khi tôi trông thằng bé. Tôi chắc người bạn học khuyết tật của cậu, không thể nhẹ hơn thằng bé 2 tuổi mà tôi cõng. Qua trải nghiệm của mình, tôi biết được gánh nặng trên lưng cậu con trai giàu tình thương và quả cảm ấy. 10 năm trời đằng đẵng cõng bạn đi học, bất kể nắng mưa, gió lạnh.
Tôi muốn đặt câu hỏi: 10 năm trời ấy thì người lớn ở đâu? Chính quyền địa phương, nhà trường nơi hai cháu ở, nào Hội phụ huynh, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… cùng bao ban, ngành ở đâu trong ngần ấy năm? Ngần ấy năm, mọi người cùng truyền thông, đứng ngoài cổ xúy cho tấm gương cõng bạn đi học, vô hình chung họ phó mặc đứa trẻ tật nguyền lên lưng người bạn với một thái độ vô trách nhiệm, với những lời cổ xúy sáo rỗng, nếu không muốn nói là giả nhân giả nghĩa. Xã hội đã có một đứa trẻ tật nguyền, có thể vài năm sau lại thêm một đứa trẻ còng lưng.
Ở Việt nam ta có bao nhiêu người tật nguyền phải trông cậy vào cánh tay của người thân, tấm lưng của bạn bè? Tôi nghĩ là rất nhiều. Hình ảnh cõng bạn đi học của hai đứa trẻ là một cái tát vào chính sách an sinh xã hội đối với người khuyết tật ở ta. Người tàn tật không thể chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân, sự thương hại, bố thí của cộng đồng, trên hết, họ có quyền được hưởng một chế độ trợ giúp của một hệ thống an sinh xã hội.
Có người sẽ hỏi: Tiền ở đâu ra? Tiền trước hết là ngân sách, sau đến là những nhà hảo tâm, mà ở ta không bao giờ thiếu, tiền ở những hòm công đức trong chùa chiền, lễ hội, tiền từ tăng thuế vàng mã, tiền từ nguồn từ thiện quốc tế… Điều quan trọng, là phải có một chính sách rõ ràng, minh bạch, một chế tài nghiêm khắc. Quản lý và giám sát nguồn tiền này nên là những nhà hảo tâm thay nhau làm, chứ không phải là những quan chức có quá khứ không minh bạch về tài chính.
Ở châu Âu, khi một quốc gia ban hành tình trạng khẩn cấp, thì chế tài pháp lý lập tức kèm theo. Cụ thể, bình thường ăn cắp vặt chỉ bị xử lý hành chính, nhưng trong tình trạng khẩn cấp thì cũng tội ấy phải đi tù. Tôi cũng muốn luật pháp Việt Nam đưa ra những hình phạt nặng hơn với những tội như biển thủ, bớt xén, lạm dụng, lợi dụng nguồn tiền dành cho người tàn tật. Cái này nằm trong phạm trù dạo đức. Mạng lưới truyền thông nên tìm tòi, tham khảo, tìm ra những biện pháp giúp người khuyết tật tiếp cận với chính sách của nhà nước, với sự giúp đỡ của cộng đồng một cách dễ dàng, thay vì đi tìm những điển hình, tấm gương.
Cách đây 55 năm, tôi mong có một cái xe đẩy để đẩy thằng bé đi chơi. Khi nghe câu chuyện “Ba năm cõng bạn đi học”, tôi đã tự hỏi: Sao người ta không mua cho thằng bé khuyết tật kia cái xe đẩy?
Ngày nay, ở thế kỷ 21, hàng ngày khi trên đường, mọi người gặp không thiếu những Rolls-Royce, BMW, Mercedes, Audi, dưới một chút là Toyota, Mazda, Kia, thấp hơn là xe ôm, xe buýt, xe máy, xe đạp điện… Hình ảnh hai đứa trẻ cõng nhau 10 năm đến trường, thấy có gì đấy không ổn.
Truyền thông, cộng đồng cùng các bậc phụ huynh nên có những biện pháp giúp đỡ sát sao, hữu hiệu cho người tàn tật, đừng bắt các cháu phải diễn trò “Tấm gương” tội nghiệp. Những hình mẫu đấy giờ đã lỗi thời.
Những người nghèo, người khuyết tật chỉ cảm thấy bị thiệt thòi khi tỉnh ta không có quảng trường to, tượng đài lớn.
Hoàn toàn bình thường khi họ không được tiếp xúc với các phúc lợi xã hội, không có sự quan tâm của đoàn thanh niên, các hội phụ nữ, chữ thập đỏ, khuyến học… kể cả ngày không hết.
Người ta nêu lên điển hình, để rồi chùi nước mắt cảm thương.
Chính quyền ,đoàn thể để làm gì? Ôi là đạo Đức Cách mạng,là ưu Việt xã hội chủ nghĩa !