Bản tin ngày 6-10-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài: Phối hợp ràng buộc pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông. GS luật quốc tế Jonathan G.Odom, thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch-Partenkirchen, Đức, đánh giá: “Thực tế, không chỉ có Mỹ mà còn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có lợi ích liên quan Biển Đông, bao gồm duy trì an ninh, ổn định cho khu vực cũng như đảm bảo luật pháp quốc tế và tự do hàng hải tại đây”.

GS James Kraska, chuyên gia về luật Hàng hải quốc tế – Đại học Hải chiến Mỹ nhận định: “Việc nhiều nước trình văn bản lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là một bước ngoặt, nhưng đáng tiếc là diễn ra trễ. Lẽ ra, các động thái này phải được tiến hành từ năm 2016. Tuy nhiên, muộn còn hơn không và có lẽ phải mất một thời gian dài mới hy vọng Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông”.

Các nước đang hợp sức kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông: Trung Quốc phủ bóng cuộc họp ngoại trưởng ‘Bộ tứ Kim cương’, theo Zing. Cụ thể, “Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thảo luận về sáng kiến tăng tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa bối cảnh Trung Quốc hành xử ngày một quyết liệt”.

Mời đọc thêm: Nhật-Mỹ thúc đẩy hợp tác ngăn chặn hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông (VOV). – Quân đội Trung Quốc khoe máy bay không người lái trang bị súng phóng lựu (TP). – Chuyên gia Trung Quốc vạch chiến thuật đối phó UAV (VNE). – Cam Bốt mở rộng căn cứ Ream cho Hải Quân Trung Quốc sử dụng? (RFI). – Khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý (ĐN). 

Tin nhân quyền

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết: Công an tỉnh Nghệ An đã đề nghị VKS truy tố ông Trần Đức Thạch với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông Thạch là cựu chiến binh, thuộc Sư đoàn 341 quân đội Bắc Việt, từng nổi tiếng với hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” kể lại trận đánh ở ấp Tân Lập, Xuân Lộc vào cuối tháng 4/1975, lúc đó ông là đội trưởng trinh sát.

Mấy năm qua, ông Thạch làm nông ở địa phương và tham gia các hoạt động nhân quyền trên mạng xã hội. Ông Thạch từng bị bắt và lãnh án tù từ năm 2009 – 2011, tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Ông bị Công an tỉnh Nghệ An bắt lại vào ngày 29/4/2020 và bị cáo buộc “đã đăng tải, chia sẻ trên facebook nhiều bài viết chống chính quyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đ&NN”.

Cựu chiến binh Trần Đức Thạch. Ảnh: FB Lê Nguyễn Hương Trà

Những người quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở VN đã không còn lạ gì những trận đòn thù của “công an nhân dân”. Sự việc ở Thái Nguyên: Công an xã bị tố đánh người trọng thương, báo Nông Nghiệp VN đưa tin. Nạn nhân Trần Văn Quỳnh, người dân tộc Sán Chay, xóm Khuân U, xã Na Mao huyện Đại Từ, làm đơn tố cáo bị công an xã đánh không cần lý do.

Ông Quỳnh cho biết, “khoảng 10 giờ đêm ngày 29/9/2020, Quỳnh đang uống bia tại quán nước cùng xóm, thì bị các đồng chí công an xã đến áp giải đưa về Trụ sở Công an xã Na Mao rồi đánh luôn, không hỏi lý do gì… Công an xã đã đánh Quỳnh một cách tàn nhẫn, Quỳnh xin van thế nào cũng không được, và cũng không biết mình bị đánh vì lý do gì nữa”.  

Bệnh nhân Quỳnh đang kể lại khoảng khắc bị đánh tại Công an xã Na Mao. Ảnh: NNVN

VOA có clip: Dân biểu Mỹ gửi thư cho Ngoại trưởng Pompeo ‘quan ngại’ về nhân quyền Việt Nam.

Mời đọc thêm: 3 dân biểu thúc Bộ Ngoại Giao Mỹ đòi CSVN thả ông Nguyễn Bắc Truyển (NV). – Dân biểu Mỹ gửi thư cho Ngoại trưởng Pompeo ‘quan ngại’ về nhân quyền Việt Nam (). – Dân Thủ Thiêm tiếp tục cầu cứu lên Trung ương và kiên định giữ đất (RFA). – “Buồn làm chi em ơi” (FB Báo Sạch). Mời đọc lại: Tạm giam Trần Đức Thạch – kẻ có hành vi chống đối chính quyền (Nghệ An).

Tin môi trường

Mưa lớn đang hoành hành trên cả nước, Zing đưa tin: Lào Cai hứng trận mưa lịch sử; Thông Tấn Xã VN đưa tin: Dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ;  VietNamNet có bài: Mưa cực to, miền Trung nguy cơ ngập lụt diện rộng; báo Lao Động Thủ Đô dẫn lời chuyên gia khí tượng: “Đợt mưa rất to có thể gây ngập lụt diện rộng ở Trung Bộ”.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó GĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia bình luận trên báo Lao Động Thủ Đô, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới ở khu vực Trung bộ cùng với gió Đông Bắc hoạt động mạnh, mưa với cường độ và tổng lượng mưa lớn sẽ kéo dài trong nhiều ngày, “có thể sẽ dẫn tới lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt diện rộng trên các lưu vực sông và các khu đô thị lớn. Mưa lũ, ngập lụt cũng có khả năng ảnh đến các hồ chứa thuỷ điện, xung yếu có thể bị sự cố”.

Diễn biến này đúng như trang Hành Tinh Titanic đã dự báo từ trưa hôm qua, thời điểm chưa có mưa nhiều. Theo đó, trong đợt thứ nhất, khu vực miền Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ “sẽ đối mặt với một lượng mưa rất lớn (torrential rain), liên tục kéo dài từ ngày 7/10 đến ngày 10/10/2020. Tổng lượng mưa của đợt này có thể từ 700mm – 800mm cho 4 ngày”. Đợt thứ 2 dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 15/10, “tổng lượng mưa của đợt số 2 này có thể lên đến 900mm”.

Đã có thiệt hại về người: Mưa lớn lịch sử ở Lào Cai, bé 3 tuổi bị nước tràn vào nhà cuốn trôi, theo báo Giao Thông. Khoảng 5h sáng nay, mưa lớn, lũ đổ về đã làm một ao nuôi thủy sản của gia đình ông Phí Văn Hợi, thôn Bản Vai, xã Bản Qua, huyện Bát Xát bị vỡ, nước tràn vào nhà khiến cháu Phí Thị Ngọc V bị nước cuốn trôi. Đến 6h sáng cùng ngày, người dân và lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể cháu. “Khu vực các tổ 5, 6, 7, 8 thị trấn Bát Xát ngập sâu trong nước, có chỗ lên tới gần 1 m”.

Mưa lớn khiến 1 cháu nhỏ ở Lào Cai bị nước cuốn trôi. Ảnh: GT

Liên quan tới nạn nhân xấu số nói trên, trang Sao Star có bài: Hoàn cảnh thương tâm của gia đình bé gái 3 tuổi bị nước lũ cuốn tử vong, nhà cửa bị ‘xóa sổ’. Người dân nghèo càng dễ bị tổn thương trong thời đại biến đổi khí hậu, các từ khóa “mưa chưa từng có”, “lụt lịch sử”… xuất hiện ngày càng thường xuyên. Nhưng quan chức chỉ quan tâm tới việc chi tiền tỉ xây tượng đài, làm dự án, thay vì lo cho sự an toàn của dân. 

Mưa lũ năm nào cũng xảy ra ở miền Trung và một số tỉnh miền Bắc, nhưng mưa lũ năm nay được đánh giá là khó lường hơn các năm trước. Trong tình hình khí hậu biến đổi, có nơi mưa nhiều hơn trước, cũng có nơi nắng nóng hơn trước. Bắc Cực ghi nhận mức nóng kỷ lục trong 3 triệu năm, theo Zing. “Đây cũng là năm đánh dấu mức thấp thứ 2 về tỉ lệ bao phủ băng ở Bắc Băng Dương trong 42 năm từ khi hệ thống vệ tinh nhân tạo thu thập những số liệu đầu tiên”.

Tin cho biết, từ những năm 1750, khi nồng độ CO2 trong khí quyển chỉ đạt mức 280 phần triệu, “nhân loại chỉ mất 200 năm để đưa Trái Đất vào thời kỳ mà nồng độ CO2 trong khí quyển ở mức cao chưa từng có”. Kể từ năm 1880, nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng thêm 1 độ C, riêng ở Bắc Cực, hiện tượng băng tan đã giảm tỉ lệ phản chiếu ánh sáng từ Mặt Trời, khiến Trái Đất hấp thu nhiều nhiệt lượng hơn, tạo nên vòng lặp phản hồi giữa hiện tượng thời tiết ngày càng nóng và băng ngày càng tan. 

VOV dẫn lời các nhà khoa học Australia: hơn 14 triệu tấn vi nhựa đang ở dưới đáy đại dương. Các nhà khoa học thuộc chính phủ Australia (CSIRO) ước tính, “trên thế giới có khoảng 14,4 triệu tấn hạt vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm đang chìm dưới đáy đại dương. Kết quả này cho thấy, số lượng hạt vi nhựa dưới đáy biển nhiều gấp 25 lần so với các nghiên cứu trước đó”.

Hậu quả của các trận cháy rừng mới đây ở bờ Tây nước Mỹ: Cháy rừng California thiêu đốt diện tích lớn gấp đôi kỷ lục trước đây, theo báo Thanh Niên. Sở Lâm nghiệp và cứu hỏa California (Cal Fire) cho biết, trong năm nay, bang này “đã hứng chịu 5 trong 6 đám cháy rừng lớn nhất trong bang. Các đám cháy rừng ở California trong năm nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 31 người, phá hủy 8.454 ngôi nhà và nhiều công trình khác”.

Một đám cháy rừng ở thành phố Calistoga, California ngày 2/10. Ảnh: Reuters/TN

Cháy rừng từ đầu năm đến nay ở California, đã thiêu đốt hơn 4 triệu mẫu đất rừng, một con số kỷ lục ghi nhận trong thời gian chưa đầy một năm, cao gấp hai lần kỷ lục trước đây vào năm 2018. Tổng diện tích rừng bị cháy ở California lớn hơn diện tích của bang Connecticut.

Mời đọc thêm: Chiều tối và đêm 6/10, các khu vực trong cả nước có mưa (Tin Tức). – Thời tiết 7/10: Không khí lạnh gây mưa lớn ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ (TĐ). – Lào Cai hứng chịu trận mưa lớn chưa từng có trong tháng 10 (VTC). – Một cháu bé tử vong do mưa lũ cuốn trôi, Lào Cai ra công điện khẩn (KT). – Lào Cai mưa lớn kỷ lục 63 năm qua gây ngập lụt cuốn trôi nhà dân, bé 3 tuổi tử vong (GĐ). – Chuyên gia khí tượng cảnh báo đợt mưa rất to diện rộng ở Trung Bộ (TTXVN). – Miền Trung chuẩn bị đối mặt với mưa lớn kéo dài trong những ngày tới (VOV).

 – Bạch tuộc, hải cẩu chết dạt vào bãi biển ở Nga (Zing). – Ước tính hơn 14 triệu tấn nhựa đang nằm dưới đáy các đại dương (BNews). – Cháy rừng thiêu rụi diện tích lớn ở California (VTV). – Cháy rừng thiêu rụi diện tích kỷ lục tại bang California (Tin Tức). – Nhìn vào nỗ lực của bang California nhằm kiềm chế đám cháy hủy diệt (National Geographic). – Cháy rừng ngày càng tăng tính hủy diệt. Chúng ta phải nhìn lại xem sẽ xây dựng nhà ở đâu và như thế nào (CNN). – Một năm của lửa và bão tố ở Mỹ cho thấy khủng hoảng khí hậu đã trở nên rất thật (The Guardian). – Trái đất đang bốc cháy (Scientific American). 

***

Thêm một số tin: Gần 4 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu, cho thấy năm nay sẽ có số phiếu bầu kỷ lục (NV). – Vài mẩu hỏi đáp trong buổi mừng tác giả “Đèn cù” 90 xuân (FB Hoàng Hưng). – Gấu mèo Mỹ ‘vượt biên’ vào Việt Nam qua thùng đông lạnh (VOA).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trong phần Tin nhân quyền nói về ông Trần Đức Thạch, xin mọi người nhớ đọc hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” kể lại trận đánh ở ấp Tân Lập, Xuân Lộc vào cuối tháng 4/1975. (Ấn vào hyperlink (chữ in đậm) “Hố chôn người ám ảnh” màu xanh lá cây để đọc hồi ký này.)

Comments are closed.