Bản tin ngày 3-10-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên có bài: Thẩm phán tòa quốc tế đánh giá tình hình Biển Đông. Báo Thanh Niên phỏng vấn một trong 21 thẩm phán của Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS), là người không muốn công khai danh tính. Sự kiện nhiều nước đệ trình văn bản lên LHQ để phản đối Trung Quốc về Biển Đông, thẩm phán này cho rằng, “diễn biến này không tạo ra bước ngoặt mới về pháp lý đối với Biển Đông. Vì vấn đề pháp lý đã được thể hiện qua phán quyết của Tòa trọng tại vào tháng 7.2016“.

Thẩm phán này cho rằng, “các nước ASEAN nên dựa vào phán quyết của Tòa trọng tài để xây dựng cơ sở luật pháp. Cũng từ phán quyết này để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán“.

Kênh Asia Radar có clip: VN mong muốn sớm nối lại đàm phán ASEAN-TQ về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông.

Báo Thanh Niên đưa tin: Bất thường ở căn cứ hải quân Campuchia phía nam Biển Đông. Sáng nay, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ chỉ ra diễn biến bất thường tại căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville, phía nam Biển Đông, nơi bị cho là đang có sự hiện diện của TQ: Chính phủ sở tại đã phá dỡ một cơ sở do Mỹ xây dựng tại căn cứ Ream.

Tin cho biết, “cơ sở trên là một trong số các dự án do Mỹ tài trợ. Trong khi đó, các dự án do Mỹ tài trợ ở đây được cho là sẽ bị dời đi sau khi Campuchia đạt được một thỏa thuận bí mật với Trung Quốc. Chính vì thế, việc phá dỡ cơ sở trên càng làm dấy lên nghi ngờ về thỏa thuận bí mật giữa Campuchia với Trung Quốc xung quanh căn cứ Ream”.

So sánh hình chụp vệ tinh ngày 22/8 (trái) và ngày 1/10 (phải) thì một cơ sở do Mỹ xây dựng ở Ream đã bị phá dỡ. Ảnh: AMTI/TN

Mời đọc thêm: – Tàu chiến Canada đi gần Đài Loan giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc dâng cao (VOA).Tàu chiến Canada đi qua eo biển Đài Loan (TN). – Trung Quốc: Mỹ muốn đưa thế giới về ‘thời kỳ rừng rậm’ (PLTP). – Công hàm của Anh, Pháp, Đức phản đối Trung Quốc ở Biển Đông: Việt Nam “hoan nghênh” (PT). – Cam Bốt phá hủy một cơ sở do Mỹ xây dựng ở căn cứ hải quân Ream (RFI).

Quan hệ Việt – Mỹ

Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) ban hành hướng dẫn chính sách không chấp nhận người của đảng cộng sản vào Mỹ. Ngày 2/10/2020, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) ban hành hướng dẫn chính sách “từ chối” người vào Mỹ, nếu họ là đảng viên đảng Cộng sản hoặc liên kết với đảng Cộng sản, hay bất kỳ đảng độc tài nào khác. Nghĩa là, bất kỳ người nào có ý định nhập cư vào Mỹ, nếu có liên hệ với ĐCS hoặc bất kỳ tổ chức độc tài nào, đều không được phép vào Mỹ.

Hướng dẫn chính sách này cho biết: “Nói chung, trừ khi được miễn trừ theo cách khác, bất kỳ người nhập cư nào đang chờ xét duyệt là thành viên hoặc có liên hệ với đảng Cộng sản, hoặc bất kỳ đảng toàn trị nào khác (hoặc chi bộ hoặc chi nhánh), trong nước hoặc nước ngoài, đều không được phép đến Hoa Kỳ”.

Báo Wall Street Journal đưa tin: Mỹ chính thức điều tra Việt Nam vì hành vi thao túng tiền tệ. Chính quyền Mỹ đang mở một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của VN, có thể sẽ buộc nước này phải chịu trách nhiệm về các hoạt động thao túng tiền tệ, đồng thời viện dẫn cùng một luật thương mại mà Mỹ đã áp dụng, để áp đặt hàng rào thuế quan sâu rộng đối với hàng nhập khẩu từ TQ.

Tối thứ Sáu 2/10 vừa qua, Văn phòng của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (U.S. Trade Representative) cho biết, họ sẽ theo đuổi một cuộc điều tra về “các hành vi, chính sách và chiêu trò của Việt Nam có thể góp phần vào việc định giá thấp đồng tiền của nước này và hậu quả là gây hại cho Thương mại Hoa Kỳ”.

Mời đọc thêm: Luật Magnisky và chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thế nào? (BBC). – Cấm nhập cảnh đối với đảng viên CS (Visa Topia). – Thương chiến của Trump nhắm vào đồng tiền VN (Asia Times). – Mỹ công khai vụ điều tra hành vi hạ giá tiền tệ của Việt Nam (Bloomberg Quint). – Mặt trận thương chiến mới? Mỹ xem xét các hoạt động thương mại và tiền tệ của Việt Nam (RT). – Những lời chê trách của Mỹ về Việt Nam là phản xây dựng (Sputnik). Mời đọc lại: Làm gì để tránh nguy cơ bị gắn mác thao túng tiền tệ (ĐT).

Hơn 20.000 tỉ đầu tư vào cao tốc Cao Bằng – Lạng Sơn cho ai?

Diễn biến mới ở Cao Bằng: Chính thức động thổ xây dựng cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Hôm nay, quan chức tỉnh Cao Bằng làm Lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng, đồng thời khởi công 2 tiểu dự án kết nối cao tốc tại thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An. Dự án này trước đó đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg, ngày 10/8/2020.

Báo Đầu Tư có bài: Động thổ cao tốc Cao Bằng – Lạng Sơn quy mô vốn 20.900 tỷ đồng. Có 2 điểm cần lưu ý: 1. Dự án cần vốn đầu tư rất lớn, dù đã giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với dự kiến ban đầu, nhưng số vốn phải bỏ ra vẫn hơn 20.000 tỉ đồng; 2. Bề ngoài dự án này có vẻ chỉ là tuyến cao tốc nội địa VN, nhưng thật ra nó liên quan tới “bạn vàng”.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn nhận định: “Việc triển khai tuyến cao tốc động lực kết nối Đồng Đăng – Lạng Sơn với cửa khẩu Trà Lĩnh – Cao Bằng đang hết sức cấp thiết nhằm đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội và góp phần đảm bảo an ninh – quốc phòng tại khu vực Đông Bắc; đồng thời mở ra một tuyến cao tốc đối ngoại mới kết nối cảng Lạch Huyện – Hải Phòng đi Trùng Khánh – Urumqi (Trung Quốc)”

VnExpress có bài: Khởi động xây cao tốc Lạng Sơn đến Cao Bằng. Giữa các bình luận thể hiện sự ủng hộ “chủ trương”, “nghị quyết” của chế độ trong mọi tình huống, vẫn có một số bình luận nghi ngờ, đặt vấn đề, tuyến “cao tốc” này kết nối 2 tỉnh đều là tỉnh biên giới phía Bắc giáp TQ, đi qua địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi, vốn ít người qua lại, không rõ các chủ đầu tư sẽ thu hồi vốn bằng cách nào.

Mời đọc thêm: Động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỉ đồng (NLĐ). – Động thổ cao tốc nối Cao Bằng – Lạng Sơn hơn 20.000 tỷ đồng (GT). – Khởi công đường kết nối, khởi động dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (TT). Mời đọc lại: Xuất khẩu hoa quả vào Trung Quốc: Nhiều kỳ vọng mới (CafeF). 

Cập nhật vụ bê bối của Bí thư Cường

Vụ tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đạo văn, TS Phạm Đình Quý bị bắt cóc rồi bị khởi tố sau đó, nhà báo Trương Châu Hữu Danh lưu ý một tên tuổi đứng sau luận án bị tố đạo văn của ông Cường: Cựu Hiệu trưởng ĐH Hàng hải Lương Công Nhớ. Ông Danh cho biết: Ông Nhớ sở hữu số tiền gần… 100 tỷ và 2 triệu Mỹ kim gửi ở Oceanbank Hải Phòng, con trai Lương Phú Khánh và con gái Lương Thị Hồng Nhung của ông Nhớ hiện đang du học nước ngoài.

Sinh viên Lương Thị Hồng Nhung học ở Paris khi bố cô là vợ chồng giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân, bí thư đảng ủy Lương Công Nhớ gửi tiền. Nguồn: Trương Châu Hữu Danh

Báo Dân Việt có bài phỏng vấn ông Nhớ về số tiền nói trên: Nguyên Hiệu trưởng ĐH Hàng hải Việt Nam lý giải số tiền trăm tỷ đồng mà gia đình gửi ngân hàng. Ông Nhớ nói, “đó là số tiền vợ ông đứng tên hộ họ hàng (?). Theo ông Nhớ, thông tin này đã công khai, chứ không còn bí mật, được cơ quan công an điều tra vì nó liên quan đến vụ án tham ô tài sản tại OceanBank”.

Liên quan tới trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhà báo Bạch Hoàn cho biết: “Tôi nhận được thư gửi giảng viên và sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng của thầy Lê Vinh Danh, hiệu trưởng nhà trường. Thầy Danh viết vào hôm qua, khi tiến sĩ – thầy Phạm Đình Quý lâm nạn”. Trong thư, ông Danh bày tỏ niềm tin vào TS Phạm Đình Quý, đồng thời kêu gọi các đồng nghiệp của ông Danh và các SV ở ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục tin tưởng TS Quý, cùng nhau xây dựng trường. 

Trang Facebook của SV ĐH Tôn Đức Thắng lập một post để lưu ý các SV về bức thư nói trên của ông Danh. Trong tình hình trường này chịu áp lực từ một loạt “cấp trên”, từ Tổng LĐLĐ VN tới các cơ quan liên quan đến Đảng ủy thành Hồ, cùng áp lực từ vụ khởi tố TS Phạm Đình Quý, bức thư của ông Danh vẫn được nhiều SV ủng hộ.

Mời đọc thêm: Ông Lê Vinh Danh gửi thư cho giảng viên, cán bộ và sinh viên (FB Kiểm Tin). – Sai phạm của ông Lê Vinh Danh: Phủ nhận vai trò và đóng góp của tổ chức Công đoàn (LĐ). – Vì sao giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng bị bắt? (TP). – Phủ bênh huyện (FB Võ Văn Tạo). – Hơn trăm tỉ là do… đứng tên hộ họ hàng! Dư luận xôn xao (FB Hoàng Nguyên Vũ). – Tử hình kẻ chiếm tiền ông Lương Công Nhớ (FB Trương Châu Hữu Danh). Mời đọc lại: Cựu giám đốc Ocean Bank Hải Phòng lĩnh án tử hình (VNE).

Tin giáo dục

Báo Gia Đình và Xã Hội dẫn lời phụ huynh từ chối đóng 700.000 đồng quỹ lớp: “Tôi sẽ đi đến cùng sự việc và cần được xin lỗi”. Đó là phụ huynh H.T.H.T, có con học ở Trường THPT Trương Định tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vì từ chối đóng góp quỹ lớp “tự nguyện” 700.000 đồng mà cô này bị các phụ huynh khác chỉ trích, xúc phạm và đuổi ra khỏi nhóm chat phụ huynh trong lớp. Cả con cô cũng phải nghỉ học một thời gian để ổn định tâm lý trước khi đi học lại. 

Chuyện ở Đắk Lắk: Phụ huynh tố trường lạm thu đầu năm học, theo Zing. Nhiều phụ huynh có con học lớp 1 tại trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, phản ánh, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thu trên 2 triệu đồng/ học sinh. “Trong đó, nhiều khoản như xã hội hóa sơn quét phòng học 400.000 đồng; tiền học 2 buổi/ngày 540.000 đồng; sổ liên lạc điện tử 50.000 đồng…” Các khoản thu “xã hội hóa” lẽ ra phải trên tinh thần tự nguyện, thì nay lại bắt buộc, thậm chí lạm thu. 

Infonet tổng hợp tâm sự của một số phụ huynh về chương trình lớp 1 mới: Bố mẹ bó tay, một luật sư xin cô cho con đúp… Có phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ, từ hôm con đi học đến giờ, ngày nào cả nhà cũng căng như dây đàn: “Tôi xót xa vì con đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Người lớn chỉ làm một việc cả ngày còn chán huống hồ những đứa trẻ”. Một phụ huynh khác đặt câu hỏi: “Tôi không thể lý giải được, nếu không tăng thì tại sao lại đặt ra yêu cầu học xong lớp 1 phải đọc thông viết thạo với tốc độ 80 – 120 tiếng/ phút?”

Cũng tin về chương trình GD lớp 1 mà một số phụ huynh cho rằng quá tải với trẻ em vừa qua tuổi mẫu giáo, báo Công Lý có bài: Phụ huynh kêu chương trình nặng, Bộ GD-ĐT nói chưa nhận được phản ánh chính thức. Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học thanh minh: “Khi xây dựng chương trình có qua rất nhiều giai đoạn, có công bố lấy ý kiến và có hội đồng thẩm định quốc gia. Với quy trình chặt chẽ như vậy và khi triển khai mới bước đầu mà có nhận xét là chương trình nặng thì chưa đúng thời điểm và chưa có căn cứ xác đáng”.

Mời đọc thêm: Coi là rắn độc vì không đóng quỹ lớp: Không bắt buộc!? (ĐV). – Có nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh? (VTC). – Quỹ Ban phụ huynh: Phụ huynh có quyền từ chối đóng? (GĐ). – Phụ huynh lớp 1 phải đóng góp mua 17 danh mục, Sở Giáo dục Ninh Bình nói gì? (GDVN). – Làm sao để trẻ bắt nhịp nhanh với SGK lớp 1? (GDTĐ). – Con vào lớp 1 đã bị chê học kém, chậm và đây là ‘lối thoát’ cho cha mẹ (Infonet). – Cả ngày học chữ, luyện viết…con chán chường, mệt mỏi (TP). 

***

Thêm một số tin: Sài Gòn, Hà Nội và chủ trương ‘Bí thư không phải là người địa phương’ (BBC). – Vui, buồn chuyện xuất khẩu gạo (LĐ). – Nam sinh khỏe mạnh tử vong vì biến chứng hiếm gặp của Covid-19 (VNN). – Virus corona: Tổng thống Donald Trump nhập viện (BBC). – Sự chủ quan khiến Trump nhiễm nCoV (VNE). – Virus corona: Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump bệnh quá nặng để làm tổng thống? (BBC).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Giáo dục ơi là giáo dục, con nhà người ta mới ở lớp 1 mà bắt nó có khả năng như bọn lớp 12 hở giời, đm cái giáo dục việt cộng, bộ trưởng thì ngọng lên ngọng xuống. Chán và uất hận.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây