Bản tin ngày 30-9-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Trang VnExpress có bài: Đại sứ Đức nói về công hàm Biển Đông phản đối Trung Quốc. Ngày 16/9, Đức cùng Anh và Pháp gửi công hàm cho LHQ, bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong buổi họp báo ở Hà Nội hôm nay, Đại sứ Hildner cho biết:

Đức muốn các vấn đề ở Biển Đông cần được giải quyết dựa trên luật quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS)… Khi có tranh luận căng thẳng giữa các nước ven Biển Đông, chúng tôi cần nhắc lại quan điểm. Các lý lẽ mới trong tranh luận không làm thay đổi chủ trương của chúng tôi“.

Tin đặc phái viên kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đến Hà Nội hôm nay, ông Đặng Sơn Duân đặt câu hỏi: Đặc phái viên kiểm soát vũ khí Billingslea đến Hà Nội làm gì? Sau khi đi thăm Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 27 đến 30/9, ông Marshall Billingslea đến Hà Nội chiều nay. “Việc ông Billingslea thăm ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đáng chú ý bởi đây là ba nước nằm gần Trung Quốc và đều là cựu thù của Bắc Kinh”

Trước đó, có ý kiến cho rằng ông Billingslea tới thăm Hàn Quốc, Nhật Bản để mời 2 nước này hợp tác trong vấn đề triển khai tên lửa Mỹ ở châu Á. Ông Duân bình luận: “Dĩ nhiên, gần như không có khả năng Việt Nam cho phép Mỹ bố trí tên lửa. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, tôi không thấy có gì ngăn cản Hà Nội hợp tác với Mỹ ở một dạng năng lực phòng thủ khác, chẳng hạn lắp đặt hệ thống radar hiện đại ở Việt Nam để theo dõi và cảnh báo sớm tên lửa Trung Quốc”.

Khả năng Mỹ triển khai tên lửa ở Việt Nam xem ra hoàn toàn không thể xảy ra, vì Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước VN vừa điện đàm với Chủ tịch TQ về vấn đề tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung, VietNamNet đưa tin. Ông Trọng nói với người đồng nhiệm Tập Cận Bình, “năm 2020 là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước; khẳng định, trong 70 năm qua, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính”.

Người đứng đầu đất nước xem quan hệ giữa hai đảng quan trọng hơn chủ quyền lãnh hải: “Giải quyết các vấn đề tồn tại, đặc biệt là vấn đề trên biển, theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của mỗi Đảng, mỗi nước”.

Mời đọc thêm: Biển Đông: Bị Mỹ chỉ trích, Trung Quốc mở đợt tập trận thứ ba ở Hoàng Sa (RFI). – Đại sứ Đức nói về công hàm Biển Đông phản đối Trung Quốc (VNE). – Tranh chấp Biển Đông: Trung Quốc, Philippines “đồng sàng dị mộng” (DĐDN). – Tổng bí thư, Chủ tịch nước hai nước Việt – Trung điện đàm trao đổi (MTG). – Biển Đông đón bão dồn dập trong tháng 10, 11 (VNN). 

Các vụ “ăn” đất

Vụ Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý những vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất tại 4 địa chỉ ở Hải Phòng và TPHCM, báo Dân Trí đặt câu hỏi: 4 khu “đất vàng” tại Hải Phòng, TPHCM đã được “thâu tóm” như thế nào? Các địa chỉ “đất vàng” này tại số 126 phố Lạch Tray và số 341 Vạn Mỹ ở Hải Phòng, cùng với số 59 An Bình và số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở TP HCM, từng thuộc sự quản lý của Tổng công ty Chè VN, giờ đã hoặc sắp vào tay tư nhân.

Ở Hải Phòng, năm 2009, HĐQT Tổng công ty Chè VN quyết định thoái toàn bộ vốn tại Công ty Duyên Hải, trong đó có khu đất diện tích 1.802 m2 ở 126 phố Lạch Tray. Khu đất tại số 341 Vạn Mỹ có diện tích 11.635m2 cũng có số phận tương tự, hiện đã rơi vào tay Công ty Nam Cường. Ở TP HCM, do các hoạt động “đi đêm” với tư nhân, Tổng Công ty Chè VN cũng có các hoạt động thoái vốn, thoái luôn cả “đất vàng”. 

Chuyện ở Hà Nội: Loạt đất nông, lâm trường bị ‘xà xẻo’, biến tướng, theo báo Tiền Phong. Hà Nội hiện có hàng chục nông, lâm trường với diện tích đất quản lý lên đến hàng chục ngàn ha, nhưng quản lý lỏng lẻo khiến đất ở nhiều nông, lâm trường bị “xẻ thịt”, từ đất nông nghiệp, “mọc” lên những công trình trái phép, như đất ở nông trường Long Phú, vốn để trồng chè nhưng “những khoảnh trồng chè còn lại không nhiều, thay vào đó là nhà xưởng kiên cố, nhà dân san sát (đa số nhà cấp 4)”.

Công trình quy mô 4 tầng với tổng diện tích hơn 2.000 m2 trên đất nông trường chè Long Phú. Ảnh: TP

Báo Dân Việt đặt câu hỏi về vụ dựng núi đá, làm sân bóng đá trên đất dự án nuôi cá rô phi ở Nghệ An: Huyện thờ ơ cho sai phạm? Đó là dự án nuôi cá rô phi Israel tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, liên quan đến 7 ha đất nông nghiệp được UBND tỉnh Nghệ An thẩm định, phê duyệt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ năm 2017 cho Công ty Synot Asean, đơn vị chủ đầu tư xây dựng.

Vốn là dự án nuôi cá nhưng giờ Công ty Synot Asean còn xây dựng hòn núi Ngũ Phúc không phép tại đây. Chủ đầu tư giải thích: “Hiện phía doanh nghiệp chúng tôi đang làm tờ trình đề xuất điều chỉnh dự án nuôi cá rô phi Israel công nghệ cao thành dự án nuôi cá rô phi Israel công nghệ cao kết hợp dịch vụ, du lịch sinh thái và nuôi trồng khác”.

Dù chỉ được cấp phép xây dựng dự án nuôi, nhưng phía chủ đầu tư vẫn xây dựng hòn núi Ngũ Phúc không phép nằm trong khuôn viên dự án. Ảnh: Cảnh Thắng/DV

Chuyện ở quận Thủ Đức, TP HCM: Dân khu dân cư Hiệp Bình Chánh tá hỏa khi đất nhà mình bị bán cho người khác, theo báo Tuổi Trẻ. Tin cho biết, khu dân cư Hiệp Bình Chánh được giao cho Công ty Đại Hải làm chủ đầu tư từ năm 2001. Công ty Đại Hải và chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TP HCM, ký kết hợp tác phân chia nền đất vào năm 2003, rồi lén lấy đất dân đem thế chấp ngân hàng, hoặc bán cho người khác.

Báo Người Việt có bài: Dân Quảng Nam bị chính quyền cướp đất xây khu công nghiệp. Bài báo viết về vụ hàng chục người dân thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam “đã bỏ hết công việc tập trung phản đối, ngăn cản việc san ủi đất” đối với dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Thăng 2”, do ủy ban tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Một người dân cho biết, “đất mà chính quyền cho san ủi để thi công dự án là đất của 19 gia đình đang trồng hoa màu nhiều năm nay”.

Mời đọc thêm: Kết luận thanh tra đất nông, lâm trường: ‘Kịch bản’ thoái vốn, đất nhà nước rơi vào tay tư nhân (TT). – Cận cảnh những lô ‘đất vàng’ lọt tay tư nhân bị Thanh tra Chính phủ điểm mặt chỉ tên (ĐSPL). – Phú Xuyên – Hà Nội: Cần kiên quyết xử lý vi phạm đất đai và xây dựng (TNMT). – Hà Nội tiến hành thu hồi ‘đất vàng’ 69 Nguyễn Du lọt vào tay tư nhân (TN). – Đồng Nai: Phát hiện hàng loạt thửa đất phân lô, bán nền trái phép (CafeLand). – Phát hiện hàng loạt thửa đất phân lô, bán nền trái phép tại Đồng Nai (CafeF). 

Sai phạm ở nhà máy nước sông Đuống

Vụ sai phạm ở nhà máy nước sông Đuống vừa bị Bộ Công an lật lại, một số báo “lề đảng” được bật “đèn xanh” cũng có bài viết phân tích dự án gây bất bình ở thủ đô. Báo Lao Động bàn về nghi vấn Nhà máy nước Sông Đuống phá vỡ quy hoạch của Thủ tướng: Trách nhiệm của lãnh đạo TP.Hà Nội giai đoạn 2016-2019 ở đâu?

Theo đó, phạm vi cấp nước của nhà máy nước sông Đuống được UBND TP Hà Nội duyệt vào năm tháng 6/2016, rộng hơn nhiều so với phạm vi do Thủ tướng duyệt vào tháng 3/2013. Lưu ý, “thời điểm giữa năm 2019, dư luận tiếp tục ồn ào với việc Nhà máy nước Sông Đuống cho thi công đường cấp nước trên đường 70 đoạn từ Quốc lộ 1A đến Cầu Bươu – Hà Đông dù Nhà máy nước Sông Đà đang khai thác khu vực này từ lâu”.

Quyết định thi công này của nhà máy nước Sông Đuống thực hiện theo Quyết định số 4491 của UBND TP Hà Nội, một trong các sai phạm khi ông Nguyễn Đức Chung còn làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

VTC có clip về vụ Bộ Công an điều tra nhà máy nước sông Đuống: Chân dung AquaOne và shark Liên

Nhà báo Bạch Hoàn cho biết về chiêu trò “móc túi” dân thông qua dự án nhà máy nước sông Đuống: “Dự án này được UBND TP Hà Nội duyệt mua với mức giá tới 10.246 đồng/m3, trong khi giá nước của nhà máy Sông Đà chỉ là 5.069 đồng/m3. Mặc dù, chất lượng nước của các nhà máy đều phải đáp ứng theo một quy chuẩn chung đã được ban hành. Đó là chưa kể, UBND TP Hà Nội còn cho phép lộ trình tăng giá 7% mỗi năm”.

Mời đọc thêm: C03 yêu cầu Sở KH&ĐT Hà Nội cung cấp hồ sơ vụ Sông Đuống (PLTP). – Shark Liên và những câu chuyện “thị phi” về nhà máy nước sông Đuống (DT). – Shark Liên để lại dấu ấn gì sau khi rời ghế TGĐ Cty nước Sông Đuống? (VNN). – Công ty Nước mặt Sông Đuống làm ăn ra sao sau khi vận hành chính thức? (LĐ). 

***

Thêm một số tin: ‘Rừng ma’ lan rộng trên bờ biển North Carolina (VNE). – Dominic Raab: ‘Việt Nam ủng hộ Anh tham gia CPTPP’ (BBC). – “Báo cáo Đồng Tâm để lưu lại tội ác của Chính quyền Cộng sản và để vận động quốc tế cho cuộc điều tra độc lập” (RFA). – Lũ không về miền Tây, dân vùng lũ ‘tha phương cầu thực’ (NV). – Tranh luận tổng thống Mỹ: “Còn tệ hơn các bà nội trợ gấu ó” (NLĐ). – Sàn đấu bản lĩnh của ứng viên tổng thống MỹNgười Mỹ lo sợ ‘kịch bản đen tối’ hậu bầu cử (VNE).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây