Trương Nhân Tuấn
18-9-2020
Mục đích của ba nước Anh, Đức, Pháp qua công hàm 16 tháng 9 năm 2020 gởi Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp quốc là nhằm “cắt cỏ dưới chân” Trung Quốc, thứ nhứt phản bác ý định thành lập vùng “nhận diện phòng không – ADIZ” ở biển Đông. Thứ hai khẳng định quyền “tự do hàng hải và hàng không” và quyền qua lại vô hại theo qui định của UNCLOS áp dụng cho Biển Đông và Biển Đông không phải là “nội hải” của Trung Quốc. Thứ ba, UNCLOS là bộ luật nền tảng cho mọi yêu sách của tất cả các quốc gia ven biển về các quyền trên biển.
Sự nhập cuộc của ba quốc gia Anh, Đức và Pháp vào “cuộc chiến công hàm”, trước đó là Mỹ và Úc, những quốc gia không tiếp giáp với Biển Đông nhưng có lợi ích cần bảo vệ ở khu vực này. Ta có thể nhận định rằng, nhận thức chung của các quốc gia về sự “phổ cập và thống nhứt” của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) áp dụng cho tất cả các biển và đại dương. Hiển nhiên UNCLOS cũng phải được áp dụng một các “thống nhứt và phổ cập” cho các quốc gia khu vực Biển Đông.
Bằng sự đồng thuận “Quốc tế Thượng tôn Tháp luật – International Rule of Law” của các quốc gia tham gia “cuộc chiến công hàm”, UNCLOS sẽ trở thành “Erga Omnes”, một hình thức luật lệ phổ cập và bắt buộc cho tất cả các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông.
Ba quốc gia Anh, Đức, Pháp được xem là các nước “trụ cột” về kinh tế của châu Âu. Khác với Mỹ, cả ba quốc gia này đều là thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà bộ Luật này bắt nguồn từ “tập quán” của Quốc tế Công pháp.
Trong một thời gian rất dài từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20, cả ba quốc gia đã từng là “chúa tể” ở các đại dương, với những đội thương thuyền và hải quân hùng mạnh chinh phục khắp thế giới. Trong quá trình soạn thảo (và kết tinh thành luật) những điều ước của UNCLOS đều có “dấu ấn”, hay có những đóng góp tích cực của các quốc gia này.
Anh và Pháp còn là hai nước trong năm quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, những quốc gia có quyền “VETO” về những quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ. Anh và Pháp còn là hai đại cường nguyên tử, có sức mạnh quốc phòng thuộc G5, tức năm nước hùng mạnh nhứt trên thế giới.
Nguyên tắc “tư do hàng hải” xuất phát từ châu Âu và được các quốc gia nhìn nhận từ thế kỷ thứ 17.
Tiếng nói của ba quốc gia Anh, Đức và Pháp về những vấn đề liên quan đến UNCLOS hiển nhiên có trọng lượng về pháp lý hơn là Mỹ.
Mỹ hiện là một trong vài quốc gia hiếm hoi (như Thổ Nhĩ Kỳ) chưa phải là thành viên của UNCLOS.
Tôi ủng hộ TG Trương Nhân Tuấn về bài viết và cả câu kết luận gần cuối bài: „Tiếng nói của ba quốc gia Anh, Đức và Pháp về những vấn đề liên quan đến UNCLOS hiển nhiên có trọng lượng về pháp lý hơn là Mỹ.“ Tuy nhiên chúng ta biết Trung Quốc không phải là nước dễ dàng tuân thủ pháp luật, và sẵn sàng giẫm đạp lên luật pháp khi có lợi. Bên cạnh đó Trung Quốc còn tự tin khi được Nga ủng hộ những hành vi phi pháp – ví dụ cụ thể theo Wikipedia : „Ngày 5 tháng 9 năm 2016, trong cuộc họp báo diễn ra ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc sau khi hội nghị G20 kết thúc, tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc các bên thứ ba không nên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp. Đối với phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực, Nga không công nhận phán quyết này về mặt pháp lý.“ Chúng ta sẽ chờ xem sau vụ tuyên bố của 3 nước trên thì Nga còn dở trò gì để gây hại cho Việt Nam!
Mỗi khi xảy ra các cuộc tranh chấp về đất đai, biển đảo giữa hai, hay nhiều quốc gia ở một khu vực nào đó trên thế giới ! Với thái độ trung thực và khách quan, các cường quốc văn minh trên thế giới nên thể hiện chính kiến của mình về những cuộc tranh chấp này, dựa theo các hiệp ước, công pháp… quốc tế đã được nhiều quốc gia ký kết và công nhận, để tránh những cuộc chiến vô ích có thể xảy ra, và tình trạng nước lớn ăn hiếp nước nhỏ như đã và đang xảy ra trên thế giới !