Có cần đòi hỏi người ta xin lỗi?

Nguyễn Đình Cống

21-8-2020

Mấy lúc nay rộ lên chuyện người này kẻ nọ (A) công khai xúc phạm ông ấy bà kia (B). Thế rồi nhiều người đòi hỏi A phải công khai xin lỗi B, trong lúc hình như B không yêu cầu việc đó. Phải chăng đây là thái độ của những người ngoài “Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”. Không biết đòi hỏi thế để làm gì.

Xét thấy A xúc phạm B có thể do vô tình hoặc cố ý. Nếu là vô tình thì sau đó A có nhận ra không. Trong trường hợp A không thấy thì B và người ngoài (thấy sự bất bằng) nên và cần vạch rõ ra cho A biết, đó là một sự giúp đỡ chân tình. Việc A xin lỗi hay không, xin lỗi như thế nào là tùy thuộc phẩm chất của họ. Có những lời xin lỗi chân thành và những lời xin lỗi giả tạo. Chân thành sẽ giúp A, còn giả tạo sẽ làm hại.

Nghe một lời xin lỗi chân thành chúng ta vui trong chốc lát vì cảm nhận rằng có được một cử chỉ tốt. Nếu A không xin lỗi hoặc xin lỗi giả tạo thì ta cũng biết để có cách đối xử với A. Thế thôi. Sự chân thành là tự trong tâm, không thể áp đặt từ ngoài. Đòi hỏi A phải thành tâm xin lỗi phải chăng ta đã tự tạo ra cho mình một việc khó chịu, một món nợ tinh thần.

Khi A cố ý xúc phạm mà nói lời xin lỗi thì phần lớn là giả tạo. Lúc này không phải đòi hỏi A xin lỗi mà phải đòi sửa sai và đền bù thiệt hại (nếu có). Cố ý xúc phạm hoặc gây tai họa cho người khác rồi chỉ nói lời xin lỗi là xảo trá vì định biến một việc xấu xa thành vô tình. Biết được kẻ làm như vậy mà chỉ đòi hỏi xin lỗi là quá nhẹ dạ và nương tay, làm thế chỉ khuyến khích hành động xảo trá.

Biết nhận ra lỗi và chân thành xin lỗi là phẩm chất cần có của người lương thiện. Có lỗi mà không nhận ra hoặc nhận ra nhưng lờ đi là loại người ngu đần hoặc đểu cáng. Tuy vậy, có một số người dùng quá nhiều lời xin lỗi, dùng không đúng chỗ (thực ra chẳng có lỗi gì, nhưng cứ xin lỗi vì quen mồm) lại là loại người kém trí tuệ mà cứ tưởng nhầm là lịch sự, là giỏi ngoại giao.

Tóm lại, nếu nghĩ rằng người ta phạm lỗi do vô tình thì cho qua hoặc nhắc khéo, còn khi cho rằng họ cố ý thì nên thẳng thắn vạch ra và nếu cần thì đấu tranh buộc họ phải khắc phục hậu quả. Có lẽ nên bớt việc đòi hỏi người ta xin lỗi.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ý tác giả NĐC là dân ta cần thấy bản chất giả dối của lời xin lỗi mà các cấp chính quyền cs thường đưa ra, dù rất hiếm hoi, để rửa sạch tội lỗi họ gây ra cho dân với giá rẻ như bèo. Riết rồi họ dùng xin lỗi như một cửa thoát tội để tái phạm, hạ thấp lòng tự trọng, điểm lương tâm nhỏ nhoi còn sót lại, nêu gương xấu cho kẻ ác trong dân: cứ làm điều phi nhân, rồi xin lỗi…hoặc nếu cần, thí cho một ít tiền bồi thường là xong.
    Vì thế , với bài viết nầy, ông NĐC kêu gọi một sự từ chối, tẩy chay lời xin lỗi suông, giả trá. Và đòi những gì nhiều hơn, chẳng hạn thủ phạm phải bị trừng trị, bị hại phải được bồi thường vật chất cho tổn thương họ đã phải chịu.
    Đây là ý tưởng đúng đắn, thiết thực. Vì chúng ta phải cho “tất cả” bọn ác thấy, dân không khờ khạo để bị họ xỏ lá đểu cáng!

  2. Khổ quá !
    Ông này muốn nói chuyện gì thì cứ huỵch toẹt ra cho rồi, nói bóng nói gió xa xôi quá tui nhức đầu không hiểu gì sất.
    Không lẽ ông muốn đề cập mấy câu chuyện “xin lỗi” râm ran từ ba tuần qua:
    -Chuyện ngài Thủ Tướng Nhà Nước NX Phúc đọc diễn văn chứa đầy sai lầm, xúc phạm đến người còn sống nhăn răng. Ngài không hề được giáo dục văn hóa “xin lỗi”, cho nên phải nhờ Ban Tuyên Giáo “xin lỗi” hộ ?
    – Chuyện mấy anh MC trẻ tuổi trên TV VN buông lời xúc phạm đến phẩm giá hàng triệu bà mẹ buôn thúng bán bưng, còng lưng nuôi con cháu ăn học để chúng trở thành Đảng viên gương mẫu. Tuy họ đã cố gắng buông lời “xin lỗi” trên màn ảnh, nhưng bà con cô bác rất muốn nghe lời xin lỗi của “kẻ chỉ huy đứng lấp ló đằng sau” chính thức lên tiếng để diệt trừ hậu hoạn tận gốc, hình như thế ?
    – Bây giờ bàn dân thiên hạ lại ngóng cổ chờ câu xin lỗi của Bộ Công An về vụ “đục tường phá vách nhà dân” cứu bé sơ sinh bị bỏ kẹt. Ai đã dám đục tường phá nhà dân ? Chỉ có Công An “vào cuộc” thì sự tình sẽ rõ mười mưoi, không khéo lại thêm một mạng sẽ ra đi khi được CA mời lên phường uống cà phê. Chỉ vì một câu xin lỗi của anh thanh niên trót dại “bật mí” sự thật ?

    • Ấy là do bác Cống nói theo cách trí thức hà nội” nói đây chết cây hà nội”. Nó cũng thể hiện tính” ôn hòa có học”
      Xin lỗi, cám ơn nó là câu thường trực khi tiếp xúc cuộc sống. Là văn hóa, chứ không phải trí thức.
      Một điều thực tế” trí thức xhcn” chưa bao giờ xin lỗi nhân dân khi mưu cầu hạnh phúc nơi nước đảng
      Trên cả lời xin lỗi là SÁM HỐI.

Comments are closed.