BTV Tiếng Dân
Sáng nay, Bộ Y tế thông báo, bệnh nhân COVID-19 thứ 17 tử vong, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Đó là nam bệnh nhân 431, 55 tuổi, ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Người này nhập viện, được điều trị và cách ly tại BV Đà Nẵng từ ngày 26 đến 30/7, được lấy mẫu xét nghiệm ngay ngày 26/7, hôm sau có kết quả dương tính.
Ngày 31/7, bệnh nhân 431 được chuyển đến BV Trung ương Huế cơ sở 2. Từ ngày 31/7 đến 4/8, bệnh nhân hôn mê, thở máy, được truyền máu và lọc máu liên tục, được điều trị hồi sức tích cực, thở máy. Đến ngày 10/8, bệnh nhân bắt đầu sốt cao liên tục. Đến 3h sáng 11/8, bệnh nhân ngưng tim nhưng được hồi sức tim phổi hiệu quả. Đến rạng sáng nay, bệnh nhân nguy kịch và qua đời lúc 0h30’.
VTC có clip: Bệnh nhân Covid-19 thứ 17 tử vong.
Trường hợp tử vong này có 2 điểm đáng chú ý: Thứ nhất, bệnh nhân 55 tuổi, chưa tới tuổi về hưu, thứ hai, bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, trải qua hơn 2 tuần được điều trị tích cực với máy móc hiện đại nhưng vẫn không qua khỏi. Các điểm này cho thấy, nền y học VN thật ra không có gì nổi bật so với các nước Đông Nam Á, chưa nói đến thế giới, để có thể khoe khoang là “thắng dịch” cả.
Báo Tuổi Trẻ có đồ họa: 15 tỉnh, thành phố có ca nhiễm cộng đồng.
Thống kê 16 ca tử vong trước gồm: Ca thứ nhất là bệnh nhân 428, mất ngày 31/7; ca thứ 2 là bệnh nhân 437, mất cùng ngày; ca thứ 3 là bệnh nhân 499, mất ngày 1/8; ca thứ 4 là bệnh nhân 524, mất ngày 2/8; ca thứ 5 là bệnh nhân 475, mất cùng ngày; ca thứ 6 là bệnh nhân 429, mất cùng ngày; ca thứ 7 là bệnh nhân 426; ca thứ 8 là bệnh nhân 496; ca thứ 9 là bệnh nhân 651, mất ngày 6/8; ca thứ 10 là bệnh nhân 718, mất cùng ngày; ca thứ 11 là bệnh nhân 456, mất ngày 9/8; bốn ca mất cùng ngày 10/8: ca thứ 12 là bệnh nhân 430; ca thứ 13 là bệnh nhân 737; ca thứ 14 là bệnh nhân 436; ca thứ 15 là bệnh nhân 522; ca thứ 16 là bệnh nhân 832, mất ngày 12/8.
***
Về các ca nhiễm mới, sáng nay, Bộ Y tế thông báo, thêm 3 ca mắc mới COVID-19, biến động lớn trong số người cách ly. Các ca mới được đánh số từ 864 đến 866, đều là các ca dương tính được cách ly ngay khi nhập cảnh chứ không bị nhiễm từ cộng đồng, họ từ Nhật Bản về VN trên chuyến bay VN331 ngày 10/8.
Theo Bộ Y tế, so với ngày hôm trước, số người phải cách ly giảm mạnh, từ gần 166.000 xuống hơn 134.000, giảm mạnh nhất là số người cách ly tại nhà/nơi lưu trú, giảm từ hơn 132.800 xuống còn hơn 104.700.
Chiều nay, Bộ Y tế cập nhật, thêm 14 ca nhiễm nCoV, VnExpress đưa tin. Các ca mới được đánh số từ 867 đến 880, đều là trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Các ca 868 và 869, nhóm ca từ 871 đến 875, nhóm ca từ 877 đến 880 đều ở Đà Nẵng; các ca 870, 876 ở Quảng Nam.
Đáng lưu ý nhất là ca 867, bệnh nhân nam, 63 tuổi ở Hải Dương. Từ ngày 31/7, ông đã có triệu chứng ho, mệt mỏi, nhưng đến ngày 8/8 mới đi khám tại BV Trung ương Quân đội 108. Ngày 9/8, ông tiếp tục khám và nhập viện ở BV Thanh Nhàn nhưng chỉ được chẩn đoán viêm phổi nặng. Ngày 10/8, bệnh nhân xét nghiệm lần đầu, có kết quả âm tính. Ngày 11/8, bệnh nhân xét nghiệm lần 2, có kết quả dương tính.
Báo Thanh Niên có bài: Ca mắc Covid-19 thứ 8 tại Hà Nội, chưa rõ nguồn lây. Ca lây nhiễm cộng đồng thứ 8 ở thủ đô chính là ca bệnh 867. Ông này có khoảng 10 ngày di chuyển ở Hải Dương và Hà Nội khi không biết mình đã nhiễm bệnh. Theo các giới chức, hơn một tháng qua, người bệnh 867 cũng chỉ quanh quẩn ở Hải Dương, nghĩa là ca bệnh F0, tức nguồn lây trong trường hợp này đã hoàn toàn mất dấu. Hiện cơ quan chức năng chỉ biết tìm những người đã đến quán bia của con gái ông vào ngày 8/8.
Như vậy, hôm nay không xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới, nhưng lại có thông tin cho thấy khả năng không nhỏ về một ổ dịch ngay sát thủ đô. Hiện nay, VN có tổng cộng 880 ca dương tính và 17 ca tử vong do Covid-19.
Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Việt Nam đã có 880 ca mắc COVID-19 (từ 23/1 đến 18h ngày 12/8/2020).
***
Về mức độ nguy hiểm của biến chủng Covid-19 tấn công VN lần này, quan chức Y tế thường lấy số ca tử vong chia thẳng cho tổng số ca nhiễm, với 17 ca tử vong và 880 ca nhiễm hiện nay, cách tính trên sẽ cho ra kết quả tỉ lệ tử vong ở VN khoảng 1,9% (như thể hiện trong đồ họa trên của Thông Tấn Xã VN), nằm dưới ngưỡng tỉ lệ tử vong chung của thế giới, hiện vào khoảng 5%.
Nhưng đó là cách làm rất không chính xác, vì 17 ca tử vong liên tiếp chưa đầy 2 tuần qua chứng minh rằng Covid-19 đã tạo nên vùng dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đã qua biến đổi, với khả năng lây lan nhanh hơn, độc lực mạnh hơn. Có lẽ do bệnh thành tích, nên VnExpress đã phải gỡ bài sáng nay: Tốc độ lây nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng cao gấp đôi thế giới. Theo đó, cứ mỗi người bị nhiễm ở vùng dịch Đà Nẵng có thể lây cho 5, 6 người khác.
Cách tính đúng có lẽ nên là: Tử số vẫn là 17 ca tử vong, nhưng mẫu số phải là tổng số ca nhiễm trong đợt lây nhiễm cộng đồng thứ 2, chứ không phải tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch đến giờ. Ca thứ 416 chính là ca đánh dấu đợt bùng phát dịch thứ 2, nên tổng số ca nhiễm trong đợt này, tính từ ca 416, là 464 ca. Nghĩa là tỉ lệ tử vong đợt này lên tới khoảng 3,7%.
***
TP Đà Nẵng quay lại thời bao cấp để chống dịch. Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Đà Nẵng bắt đầu giải pháp ‘3 ngày đi chợ 1 lần’ từ hôm nay 12-8. Một người dân chia sẻ về sự bất tiện của luật hạn chế số lần đi chợ: “Phòng trọ của tôi không có tủ lạnh nên hầu như ngày nào cũng đi chợ. Bọn tôi chung nhau nấu ăn bữa tối và bữa sáng vì làm ca khá nặng, ăn đồ tươi sống để có sức làm việc nhưng nghe TP hạn chế đi chợ nên tôi mua cá về kho mặn để ăn được nhiều ngày”.
Facebooker Phạm Minh Vũ viết: Chính quyền Đà Nẵng mất dạy. Bài viết nhằm phê phán bài: Đừng đùa dai trên trang Truyền hình An ninh Đà Nẵng. Ông Vũ chỉ ra, Đà Nẵng đã xúc phạm người dân khi người dân phản đối “phát phiếu không phát tiền lấy gì đi chợ”. Trong khi “cái gọi là gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đều đa số người dân nhận qua Tivi, có người nhận thì chỉ nhận 1 phần. Kinh tế VN đang khó khăn, và Đà Nẵng hơn 2 tuần qua bị phong tỏa khó khăn chồng chất khó khăn. Không ai đi làm, thì lấy tiền đâu mà đi chợ?”
Về bài viết trên Truyền hình An ninh Đà Nẵng, có lẽ vì quá nhiều người dân vào phản đối thái độ của cán bộ, nên quản lý trang này phải đổi tựa từ “Đừng đùa dai” thành “Hãy hy sinh một tý vì mọi người”, nhưng cái tựa gốc đã được ông Phạm Minh Vũ chụp lại. Nhìn qua tâm sự của người dân trong mục bình luận, chính quyền Đà Nẵng không nên thử thách thêm lòng kiên nhẫn của những người dân sắp chết đói.
Mời đọc thêm: Bộ Y tế công bố ca tử vong thứ 17 do Covid-19 tại Việt Nam (DT). – Ca mắc Covid-19 tử vong thứ 17 là BN 431, 55 tuổi tại Đà Nẵng (VOV). – Covid-19: Việt Nam ghi nhận ca tử vong thứ 17, Đà Nẵng vẫn bị cô lập (RFI). – Thêm 3 ca COVID-19 nhập cảnh, cả nước có 866 ca (PLTP). – Thêm 3 ca mắc mới, đã cách ly ngay khi nhập cảnh (ANTV). – Thêm 14 ca mắc Covid-19 mới, 13 ca ở Đà Nẵng, 1 ca không rõ nguồn lây (NLĐ). – Thêm 14 ca mắc COVID-19 mới, nhiều ca ở Đà Nẵng, Quảng Nam (TT).
– Gần chục ca Covid-19 sống cùng ‘phố chung cư’ ở Đà Nẵng — Thêm một ca nghi nhiễm nCoV ở Hà Nội (VNE). – Ca dương tính Covid-19 mới ở Hà Nội không liên quan đến Đà Nẵng (VNN). – Ca dương tính mới ở Hà Nội không có mối liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây bệnh (Kênh 14). – Phong tỏa quán bia ở Hà Nội có người nghi mắc Covid-19 (Zing).
– Đã tìm được đối tượng F1 Ngô Thái Nguyên (NLĐ). – Tìm thấy F1 Ngô Thái Nguyên trốn cách ly qua nhiều tỉnh thành (SGGP). – Bệnh nhân COVID-19 ở Quảng Trị bỏ ăn, nằng nặc đòi về nhà (TT). – Nam thanh niên rơi lầu tử vong trong khu cách ly Covid-19 (PLVN). – Báo Nhật: Tại sao Việt Nam thay đổi cách tiếp cận với sự tái bùng phát Covid-19? (TG&VN).
Không ai nhọc công mà đi xem các bản đồ họa, tỉ lệ tử vong đợt này lên tới khoảng 3,7% mới là đúng không nên đập dập chia đều, bản chất dối trá lấp liếm là không bao giờ đổi.