Nhận xét qua vụ xử phạt ca sĩ Duy Mạnh

Quyết Hồ

8-8-2020

Ca sĩ Duy Mạnh có những phát ngôn nặng mùi kì thị giới tính như có lần anh ta lưu diễn ở Âu châu, đã nói những điều không hay về phụ nữ Việt Nam, hay anh ta có những từ ngữ rất phản cảm và bị cộng đồng lên án.

Việc bị cộng đồng tẩy chay, lên án mạnh mẽ như thế, quả thật đáng đời anh ta. Vì nếu không làm vậy, một người ảnh hưởng cộng đồng, nhất là giới trẻ như anh ta sẽ làm cho nhiều người nghĩ rằng những phát ngôn của anh ta cool, ngầu và đi theo, từ đó hình thành một thứ văn hoá đáng sợ. Tuy nhiên, trong việc xử phạt ca sĩ này, mình có 2 điểm không đồng tình.

1/ Tiêu chuẩn kép: vừa đòi phá bỏ kiểm duyệt, vừa tạo thêm kiểm duyệt

Bấy lâu nay chúng ta phản đối nhà nước này sử dụng bộ máy kiểm duyệt như những chiếc lồng để ngăn cấm sự tự do sáng tạo, tự do phản biện của giới văn nghệ sĩ nói riêng và của người dân cả nước nói chung. Nhưng tới khi vụ việc ca sĩ Duy Mạnh có những phát ngôn kì thị giới, vô văn hoá, lệch lạc chủ quyền, thế là cộng đồng mạng chúng ta lên án đòi yêu cầu các cơ quan nhà nước vào cuộc “xử” anh này.

Yêu cầu “tước thẻ diễn cho nó trắng răng ra”. Nhưng như thế là chúng ta đã tự mâu thuẫn với chính những gì chúng ta kêu đòi. Việc yêu cầu bộ này cục nọ vào cuộc xử Duy Mạnh chỉ là đang trao thêm quyền cho một bộ máy nhà nước vốn dĩ đã rất gia trưởng, có thêm cớ để dễ dàng kiểm duyệt hơn.

Việc Duy Mạnh có những phát ngôn “phản quốc”, nếu pháp luật cho phép, theo cá nhân mình nghĩ, toà án nên là cơ quan đưa ra phán xét. Và nếu thấy những tư duy lệch lạc của anh ta về giới, cụ thể ở đây là người phụ nữ Việt Nam thì các tổ chức nữ quyền có thể khởi kiện. Nếu vụ việc của Duy Mạnh được giải quyết bằng con đường pháp lý e sẽ đúng hơn với tiêu chí thượng tôn pháp luật.

Sự việc ca sĩ Duy Mạnh và cộng đồng mạng đang là những xung đột dân sự, cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn không nên nhúng tay vào để làm thay việc của toà án.

2/ “Pha phạt đền” un-fair

Nếu những phát ngôn của Duy Mạnh bị quy là “phản quốc” thì có những phát ngôn còn đáng quy tội phản quốc hơn nữa. Trong quá khứ chúng ta đã từng rất phẫn nộ trước phát ngôn của một thầy chùa tên Thích Chân Quang nói về tiền nhân Lý Thường Kiệt. Ông thầy chùa nói rằng việc Lý Thường Kiệt mang quân đánh Tàu, đại phá Ung Châu là “hỗn láo”. Việc này có đáng xử phạt không? Rõ ràng nếu đặt trong bối cảnh với vụ Duy Mạnh, ông này đáng phạt gấp trăm lần khi dám xúc phạm xương máu của tiền nhân trong lịch sử nghìn năm vệ quốc.

Hay ngay cả một ông thân làm Phó chủ nhiệm uỷ ban biên giới Nguyễn Duy Chiến mà có phát ngôn nguy hiểm như thế này: “Việc Trung Quốc xâm nhập lãnh hải, cắt cáp cũng là cách ‘yêu cho roi, cho vọt’.”

Cao cấp hơn nữa, trong một lần tiếp Tập Cận Bình, ông Nguyễn Phú Trọng, thân làm Tổng Bí Thư của đảng cộng sản đang lãnh đạo Việt Nam, tức là xét ở một góc độ nào đó, những phát ngôn của ông ta phải cẩn thận hơn Duy Mạnh rất nhiều vì nó ảnh hưởng tới thể diện và chủ quyền quốc gia hơn. Nhưng trong phóng sự VTV vô tình ghi lại, ông này đã rất dễ dàng nói rằng, “trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam“.

Nhưng cuối cùng là sao, những quan chức cao cấp, nhà sư kia lẽ nào không có mức ảnh hưởng công chúng lớn bằng Duy Mạnh? Ấy vậy mà những phát ngôn có thể nói là ngây ngô của họ lại không bị phạt 7,5 triệu đồng như Duy Mạnh chứ đừng nói là đòi truy họ tội “phản quốc”.

Tuy nhiên, trong thâm tâm mình vẫn tin, những vận động của xã hội sẽ đưa Việt Nam ngày càng gần với tương lai tươi sáng hơn. Khi đó, quan chức cao cấp hay những người có ảnh hưởng xã hội sẽ phải rất cẩn trọng trong phát ngôn của họ, vì nếu không, họ sẽ phải đối diện với các vụ kiện trước toà.

____

Ghi chú: Tựa đề do Tiếng Dân đặt

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Thượng bất chính thì Hạ tất loạn
    Tôi thầm nghĩ trong bụng anh ca sĩ ngông cuồng Duy Mạnh chấp nhận trả tiền phạt 7.5 triệu đồng, nhưng trong bụng thì vẫn cười khẩy xem chế độ này chẳng ra gì. Bởi vì “Nhà dột từ nóc”, sự thật Bức Công Hàm Bán Nước PVĐ 1958 vẫn sờ sờ ra đó, người dân biết tỏng từ lâu, Đảng CS và Nhà Nước VN có rống họng tuyên truyền rỉ rả cũng không bao giờ đòi lại được chủ quyền biển đảo cho dân tộc. Những kẻ tội đồ đó đáng bị xử phạt gấp trăm lần về tội phản quốc mà họ vẫn cứ nhởn nhơ, luật pháp và công lý ở đâu để cho đất nước đắm chìm mãi trong vũng lầy nhơ nhớp, họ lấy lý do gì để xử phạt anh ?
    Ca sĩ Duy Mạnh mang tội phát ngôn đầy phản cảm nhưng thiết tưởng báo chí Nhà Nước cũng bắt đầu sử dụng ngôn từ rất lạ lùng khiến cho người đọc ở hải ngoại cũng bị “sốc” không kém.
    Bằng chứng: vào đọc một mẩu tin trên báo Dân Trí ngày 04-08-2020: “…”Một bộ phận nữ sinh gặp không ít phiền toái vì bị dụ dỗ trở thành gái bao, trong khi đó bộ phận khác lại tích cực chào mời để được bao nuôi”…
    https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/khi-cac-thieu-nu-chu-dong-nhiet-tinh-chao-moi-duoc-bao-nuoi-20200803234056271.htm
    Thú thật tôi vẫn không hiểu tờ báo Dân Trí nói về “bộ phận” nào trên cơ thể nữ sinh. Đầu óc tôi bị lùng bùng, quay cuồng vì chữ nghĩa tiếng Việt cao siêu quá mức. Đất nước thống nhất hòa bình ổn định hơn 45 năm rồi thế mà văn hóa ngôn ngữ có vẻ đang suy đồi, loạn xạ, coi chừng nếu không đề cao cảnh giác thì đại họa tự diệt vong sẽ xảy ra không lâu đâu !

    • Tại sao báo Dân Trí lại không viết cho dễ hiểu “một thành phần nữ sinh” mà
      viết “một bộ phận nữ sinh” khiến người ta không thể hiểu “một bộ phận của
      nữ sinh” là cái…bí mật gì ?
      Hai chữ này thường được dùng trong Y khoa để chỉ một cơ quan trên cơ thể
      người như cơ quan thính thị giác,tuần hoàn v.v.!

      • Chả phải chuyên gia ngôn ngữ, nhưng do phải làm việc hàng ngày với tiếng Việt nên tôi cũng xin có mấy ý nhỏ. Từ điển tiếng Việt (Đại từ điển Nguyễn Như Ý) ghi: Bộ phận: từng phần của chỉnh thể (cá nhân tôi cũng không quen khái niệm chỉnh thể, nhưng nếu theo cách giải thích nghĩa thì chỉnh thể đúng hơn so dùng từ tổng thể). Và như ở đây theo tôi không phải cứ nói đến bộ phận là phải hiểu sang nghĩa y tế, và ý kiến của Độc giả Khách quan dùng khái niệm „thành phần“ thay „bộ phận“ thì là tôi thì tôi cũng không dùng „thành phần“ thay „bộ phận“, vì đơn giản tôi thấy nó cũng không hơn. Tóm lại dùng „một bộ phận nữ sinh“ với tôi chấp nhận được về mặt ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại và tôi cho là đa số dân Việt ở Việt nam hiểu được, và nếu để hiểu sang lĩnh vực y tế thì phải thêm câu: „một bộ phận (cơ thể) của nữ sinh“ thì mới nên hiểu sang lĩnh vực „bộ phận cơ thể“ – và đấy là suy nghĩ của tôi. Còn thay „một bộ phận“ do nó không hay … thì tôi nghĩ có thể có nhiều khái niệm, từ thay thế như „có không ít“, „nhiều“, „một nhóm“ … Và trên đây cũng chỉ là lạm bàn, một suy nghĩ trái chiều với suy nghĩ bạn đọc khác, chứ về ngôn ngữ nếu có chuyên gia giỏi (bây giờ tôi biết nhiều người giỏi, thạo tiếng Việt ở nước ngoài cũng chê các nhà ngôn ngữ sống ở ở Việt nam), khách quan, bàn sâu thêm thì tôi cũng sẵn sàng học hỏi nếu kiến thức mình còn hạn hẹp.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây